Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: PVN

TCCSĐT - Sáng 19-10, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Lý luận và phương pháp luận nghiên cứu về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban Thường thực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Võ Đức Huy, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham gia Hội thảo còn có các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế...

Đây là hoạt động khoa học thuộc Đề tài cấp bộ (ban Đảng Trung ương): “Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam - thực trạng và định hướng phát triển” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì. Tại Hội thảo, một số vấn đề về lý luận và thực tiễn đang đặt ra đã được phân tích, làm rõ thêm, như: vai trò của tập đoàn kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; những đặc trưng cơ bản của tập đoàn kinh tế nhà nước; các mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước chủ yếu; quan hệ của tập đoàn kinh tế nhà nước với bộ, ngành, Chính phủ; vai trò, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tập đoàn; tổ chức đảng trong các tập đoàn; kinh nghiệm về mô hình tập đoàn kinh tế của một số nước trên thế giới; các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam...

Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất, sau 5 năm thí điểm, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đạt được những mục tiêu ban đầu. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại cần các giải pháp để hoàn thiện mô hình, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới, nhằm đạt mục tiêu là các tập đoàn kinh tế nhà nước không chỉ tạo ra lợi nhuận cho chính tập đoàn mà phải tạo ra lợi ích xã hội, đóng góp vào thực lực phát triển kinh tế đất nước, giữ vai trò là đầu tàu, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Cụ thể, các đại biểu đề xuất các giải pháp cơ bản:

- Một là, xác định rõ địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Hai là, hoàn thiện cơ chế giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, thiết lập kỷ cương nhằm bảo toàn vốn sở hữu nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tránh tình trạng phục vụ lợi ích một nhóm người.

- Ba là, cần xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển các tập đoàn kinh tế, có thể hình thành một cơ quan của Chính phủ quản lý thống nhất mọi mặt hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo đã cung cấp những điểm mới, góp phần bổ sung luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng ngày càng tích cực, hiệu quả, thực sự đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt của thành phần kinh tế nhà nước./.