Cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu
12:52, ngày 12-11-2010
Phát biểu ngày 11-11 tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 về cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA), ông Giô-xép Đây-ít (Joseph Deiss), Chủ tịch Đại hội đồng, đã kêu gọi các nước thành viên thể hiện sự linh hoạt, thái độ thiện chí và tinh thần sáng tạo nhằm thúc đẩy tiến trình cải tổ, từ đó góp phần khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong quản trị toàn cầu.
Chủ tịch Đây-ít nhấn mạnh, mặc dù tiến trình cải tổ HĐBA đã kéo dài gần 2 thập kỷ qua, song cho đến nay cơ cấu của cơ quan quyền lực cao nhất LHQ này vẫn không thay đổi kể từ khi được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ II, với 5 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 nước ủy viên không thường trực và được bầu nhiệm kỳ 2 năm. Trong cuộc tranh luận tại Đại hội đồng LHQ lần này, với ít nhất 60 nước đăng ký phát biểu, Chủ tịch Đây-ít khẳng định giải pháp cho việc cải tổ HĐBA hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các nước thành viên. Do đó, các nước cần linh hoạt, sẵn sàng thoả hiệp, thể hiện thái độ thiện chí, sáng tạo và tôn trọng lẫn nhau trong bầu không khí minh bạch và bao quát. Ông nhấn mạnh tới thúc đẩy sự đồng thuận, thu hẹp bất đồng nhằm đạt được kết quả cụ thể.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cũng lưu ý thế giới hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải làm cho LHQ phù hợp với những thay đổi đã diễn ra từ năm 1945 đến nay. Sáu vấn đề then chốt cần thảo luận để đạt sự đồng thuận là: cơ cấu các thành viên của HĐBA, quyền phủ quyết, đại diện khu vực, quy mô của HĐBA mở rộng, phương thức làm việc của hội đồng và quan hệ của HĐBA với ĐHĐ.
Ông kêu gọi các nước thành viên LHQ ủng hộ nỗ lực của Đại sứ Áp-ga-ni-xtan, Da-hi Ta-nin (Zahir Tanin), Chủ tịch Uỷ ban Giám sát các cuộc thương lượng cải tổ HĐBA. Uỷ ban này đã yêu cầu các nước trình quan điểm của mình về 6 vấn đề liên quan đến cải tổ HĐBA và Chủ tịch Ta-nin đã khẳng định, các cuộc thảo luận về cải tổ cơ quan này phải dựa trên các văn bản có tính pháp lý cao, tập hợp quan điểm của các nước thành viên LHQ.
Trong khi đó, phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barak Obama) tại Niu Đê-li (New Delhi) rằng Oa-sinh-tơn (Washington) ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của HĐBA, các nhà ngoại giao ở LHQ cho rằng phải mất một thời gian dài nữa mới có thể cải tổ được cơ quan này do vẫn còn nhiều bất đồng. Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Bra-xin và Nam Phi là những nước đang tích cực vận động để trở thành ủy viên thường trực của HĐBA được mở rộng sau cải tổ. Một số nước khác, trong đó có Pa-ki-xtan và I-ta-li-a, tiếp tục phản đối việc mở rộng quy mô các nước ủy viên thường trực, song lại ủng hộ việc tăng số thành viên không thường trực của HĐBA. Các nước châu Phi lấy lý do từ trước tới nay chỉ có châu lục này là không có đại diện là ủy viên thường trực của HĐBA nên yêu cầu LHQ trao cho châu lục này 2 ghế ủy viên thường trực và 5 ghế ủy viên không thường trực của HĐBA. Vì vậy, tại cuộc thảo luận này của Đại hội đồng, hầu hết các nước tham dự kêu gọi cần có một sự thỏa hiệp và tinh thần hợp tác nhằm tiến tới một thỏa thuận về cải tổ HĐBA.
Kể từ năm 1979, LHQ đã thảo luận về việc mở rộng HĐBA song mọi đề xuất đều bị bác bỏ vì các nước thành viên quan tâm đến lợi ích của mình hơn là chú trọng tăng cường chức năng của LHQ. HĐBA là cơ quan có quyền lực cao nhất của LHQ, chịu trách nhiệm duy trì và gìn giữ nền hòa bình và an ninh quốc tế, có quyền cho phép tiến hành các hành động quân sự cũng áp đặt các lệnh trừng phạt./.
Cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu (12/11/2010)
Học bổng cho nông dân học nghề (12/11/2010)
- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của niềm tin, ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc
- Công tác dân vận - giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
- Phương hướng, nhiệm vụ cơ bản nhằm phát huy thành tựu bảo đảm công bằng xã hội trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
- Phát triển vùng Đông Nam Bộ bền vững: Cần khơi thông “điểm nghẽn” về phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam