TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 19 đến 23-7-2010, là các cuộc gặp hàng năm quan trọng nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao các nước đối tác. Các hội nghị này đóng vai trò kết nối xuyên suốt các hội nghị cấp cao ASEAN và hướng tới Hội nghị cấp cao lần thứ 17 tại Hà Nội vào cuối năm nay, tạo ra một bước đột phá thực sự cho một “ASEAN hành động” trong năm 2010. Tại các hội nghị này, các nước đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc kết nối ASEAN.
 
 
“Việt Nam đã chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm, luôn tích cực từ những giai đoạn đầu tiên gia nhập”

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-su-oan (Surin Pitsuwan) nhấn mạnh, thế giới ngày nay chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cộng đồng Đông Á chứ không chỉ ở Đông Nam Á. Trung tâm tăng trưởng của thế giới hiện đang có bước chuyển từ Tây sang Đông; từ châu Âu, Bắc Mỹ chuyển sang Đông Á. Và ASEAN đang đóng vai trò quan trọng, dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Để nắm giữ vai trò chủ chốt đó, các nước thành viên ASEAN sẽ thảo luận về khả năng kết nối trong nội khối, xây dựng kết cấu hạ tầng như đường sá, cảng biển, sân bay, phát triển viễn thông, công nghệ, truyền thông... Các nỗ lực đó đòi hỏi ASEAN cần kết nối tốt hơn từ nguộn lực nội khối và sự hỗ trợ của các đối tác... Trong 15 năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm, luôn tích cực ngay từ thời gian đầu tiên mới gia nhập. Năm 2010, Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, dẫn dắt cả Khối đi từ tầm nhìn đến hành động cụ thể. Tất cả các nước thành viên đang đồng lòng cùng Việt Nam đưa ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới và trở thành một chủ thể quan trọng ở tầm cỡ toàn cầu.

“Việt Nam đã góp phần quan trọng đạt đồng thuận nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài”

Trong cuộc họp song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a Ma-ti Na-ta-lê-ga-oa (Marty Natalegawa) đã bày tỏ cảm ơn về lòng mến khách và sự thu xếp chu đáo của Việt Nam dành cho Đoàn tại AMM 43 và các Hội nghị liên quan; đánh giá cao khả năng chủ trì và điều hành của Việt Nam đã góp phần quan trọng để đạt sự đồng thuận trong nội Khối cũng như với các đối tác bên ngoài; chúc Việt Nam hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2010. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng ngoại giao In-đô-nê-xi-a Ma-ti Na-ta-lê-ga-oa cho biết, việc ASEAN thống nhất được mô hình gắn kết Mỹ và Nga vào khu vực là một “tiến triển chủ yếu” kể từ lần các bộ trưởng ngoại giao họp ở Đà Nẵng và Hội nghị cấp cao hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, các nước ASEAN luôn nhấn mạnh yêu cầu phải duy trì tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực mới này. Đây là một vấn đề ASEAN đang quan tâm khi có sự tham gia của hai cường quốc vào tiến trình xây dựng cộng đồng.

“Trung Quốc đánh giá cao và mong muốn cùng Việt Nam nỗ lực cống hiến cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển khu vực”

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển toàn diện, hai bên cùng đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, thành lập Khu vực thương mại tự do, thúc đẩy hợp tác Đông Á cũng như hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Trong bối cảnh thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những điều chỉnh và thay đổi, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế còn rất nặng nề, Trung Quốc và ASEAN ngày càng tăng cường hợp tác thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, tài chính, bảo vệ môi trường và văn hóa... Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đã chính thức khởi động đầu năm 2010. Hợp tác tài chính ASEAN+3 tiếp tục có những bước đột phá, hai bên đã tuyên bố thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối khu vực, Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư... và đang chuẩn bị thành lập Cơ cấu giám sát khu vực.

ASEAN - Trung Quốc đang hoạch định Chương trình hành động thứ hai và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 2011. Đây là cơ hội đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương lên tầm cao mới.

Trung Quốc cũng hy vọng, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, nước điều phối viên hợp tác ASEAN - Trung Quốc, sẽ phát huy tốt vai trò đầu mối, cầu nối của mình, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển quan hệ ASEAN - Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng mong muốn cùng với Việt Nam, qua các kênh song phương và đa phương, duy trì sự phối hợp, trao đổi mật thiết, tích cực thực hiện những nhận thức chung mà lãnh đạo các bên đã đạt được, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc đạt những bước tiến mới.

Việt Nam là thành viên quan trọng, Chủ tịch luân phiên của ASEAN, do đó, những thành tựu đạt được trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc luôn gắn liền với nỗ lực của Việt Nam - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định.

“Việt Nam rất năng động trong ASEAN”

Trao đổi với phóng viên bên lề AMM 43 và các hội nghị liên quan, bà La-tha Rét-đi (Latha Reddy), Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã khẳng định, Ấn Độ mong đợi các cuộc tiếp xúc với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt với Việt Nam. “Việt Nam rất năng động trong ASEAN. Ấn Độ trân trọng quan hệ với Việt Nam ở mọi khía cạnh chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng”, bà La-tha nói. Theo bà Rét-đi,Ấn Độ không phải là thành viên của ASEAN, nhưng là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN. Là quốc gia có tiềm năng lớn trong khu vực châu Á, Ấn Độ có nhiều vấn đề muốn được chia sẻ, trao đổi với ASEAN như các biện pháp cải thiện cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ nghèo và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ. “Các diễn đàn ASEAN - Ấn Độ hay Cấp cao Đông Á (EAS) giúp chúng ta xác định những cách làm tốt nhất. Tôi hy vọng sẽ có nhiều biện pháp cụ thể hơn để phát triển quan hệ ASEAN - Ấn Độ”, bà La-tha nhấn mạnh.

Mỹ đánh giá cao chủ đề “Từ tầm nhìn đến hành động” mà Việt Nam lựa chọn cho năm làm Chủ tịch ASEAN 2010

Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hilary Clinton) đánh giá cao chủ đề “Từ tầm nhìn đến hành động” mà Việt Nam lựa chọn cho năm làm Chủ tịch ASEAN 2010. Bà Hi-la-ri cho biết, sau hai ngày tham vấn “dày đặc” với các đồng nghiệp ASEAN và các đối tác khác, các bên đã thảo luận sự tham gia sâu sắc của Mỹ trong ASEAN, cũng như các cuộc thảo luận về đầu tư, thương mại, hợp tác về hòa bình và an ninh, nỗ lực chung để chống lại các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, buôn người, phổ biến vũ khí hạt nhân... Mỹ rất quan tâm tới ASEAN và bày tỏ quan tâm tới việc mở phái đoàn và chỉ định Đại sứ Mỹ đầu tiên tại ASEAN. Về vấn đề biển Đông, Mỹ ủng hộ việc triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông và việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được quy định trong các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế thừa nhận. Mỹ hoan nghênh cam kết của tất cả các bên liên quan muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông DOC và các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

“Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm”

Kết thúc Hội nghị AMM-43, ARF-17 và các hội nghị liên quan, trả lời câu hỏi của phóng viên, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào tại các Hội nghị này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch AMM 43 và các hội nghị liên quan khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, tôi thông báo rằng các Bộ trưởng ASEAN và các nước rất hàilòng vớihội nghị. Sự hài lòng không chỉ về hình thức, công tác tổ chức mà điều quan trọng nhất là nội dung. Các hội nghị lần này có rất nhiều vấn đề cần tranh luận, nhưng cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận cao”.

Một trong những kết quả nổi bật của các hội nghị lần này là việc thống nhất với các nước về cấu trúc khu vực trong thời gian tới, trên cơ sở đó mở rộng EAS với vai trò trung tâm của ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN tại các hội nghị lần này, Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm. Tinh thần chủ động đó thể hiện ở chỗ, Việt Nam đã có bước chuẩn bị sớm, trao đổi với các nước ASEAN lựa chọn các vấn đề cần cần tập trung, xác định trọng tâm và điểm nhấn của Hội nghị. Việt Nam cũng đưa ra dự báo về những vấn đề “gai góc” để nghiên cứu và đưa ra quan điểm rõ ràng, không né tránh, tranh luận, bảo lưu ý kiến và trao đổi. Việc đưa ra được Tuyên bố chung của AMM 43 là một công việc không đơn giản.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, các hội nghị lần này đã đề ra được những biện pháp và bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh nỗ lực hướng tới mục tiêu hình thành một Cộng đồng ASEAN. Nhiều sáng kiến, đề xuất quan trọng cũng đã được Việt Nam đưa ra tại các hội nghị. Một trong những kết quả nổi bật của các hội nghị lần này là việc thống nhất với các nước về cấu trúc khu vực trong thời gian tới, trên cơ sở đó mở rộng EAS với vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần đầu tiên vào tháng 10 năm nay và đề xuất cuộc họp người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa ASEAN. Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam về tăng cường hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo đối với người và tàu thuyền bị nạn trên biển như một biện pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa tinh thần giúp đỡ lẫn nhau của ASEAN, đã được các bộ trưởng nhất trí ủng hộ cao. Đây cũng là bước chuẩn bị quyết định cho Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 28 đến 30-10-2010./.