TCCS - Thời gian qua, nền kinh tế thế giới không chỉ chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà còn bị chấn động bởi hàng loạt các vụ lừa đảo, gian lận tài chính với mức độ nghiêm trọng, quy mô lớn, mang tầm quốc tế. Hệ quả của các vụ lừa đảo, gian lận này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với an ninh kinh tế, tài chính của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính vẫn còn hết sức phức tạp và suy thoái kinh tế toàn cầu tệ hại.

Một số vụ lừa đảo, gian lận tài chính điển hình trên thế giới

Đứng đầu “bảng xếp hạng” phải kể đến B.Ma-đốp (Bernard Madoff), số tiền lừa đảo của “nhà tỉ phú” này lên tới 50 tỉ USD, phá vỡ mọi kỷ lục của hình thức lừa đảo “Ponzi” (hình thức lấy tiền của người sau để trả cho người trước). Đây là vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với số nạn nhân lên đến 13.000 người, nhiều ngân hàng và một số chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới cũng trở thành nạn nhân của cựu sáng lập viên sàn Nasdaq này.

Sự kiện Ma-đốp chưa đến hồi kết thì Cơ quan điều tra Mỹ đã tiếp tục bắt giữ tỉ phú A.Xtan-phót (Allen Stanford), Chủ tịch Công ty tài chính Stanford Financial Group, do gian lận đầu tư lên tới 8 tỉ USD thông qua việc làm khống các khoản lợi nhuận đầu tư để quảng bá và bán các chứng chỉ đầu tư.

Một vụ khác, cũng theo hình thức tương tự, là Công ty tín dụng Proyecciones (DRFE) của Cô-lôm-bi-a, lừa đảo tổng số tiền 670 triệu USD của hơn 2 triệu người gửi tiền.

Tại châu Á, trong hơn 6 năm liền, Ka-zut-su-gi Na-mi (Chủ tịch Công ty L&G KK, Nhật Bản) thực hiện phi vụ lừa đảo khoản tiền lên tới 2,5 tỉ USD của hơn 50.000 người.

Tại Pháp, lợi dụng sơ hở của hệ thống ngân hàng, J.Ke-vi-en (Jérôme Kerviel), một nhân viên Ngân hàng Société Général sử dụng những kỹ thuật rất tinh vi, làm cho ngân hàng này bị thiệt hại số tiền khổng lồ 7,15 tỉ USD.

Gian lận kế toán và giả mạo tài khoản để che giấu kết quả kinh doanh yếu kém là hình thức gian lận tài chính khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Điển hình, việc lãnh đạo của Satyam (một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Ấn Độ) làm giả sổ sách, chứng từ để kê khai gian lận tài sản lên tới hơn 1 tỉ USD, đã khiến cho không chỉ ấn Độ mà cả thế giới bất ngờ.

Hình thức cho vay đa cấp theo hình “kim tự tháp” cũng tiếp tục lan tràn tại nhiều nước, trong đó phải kể đến vụ Cho Hee Pal tại Hàn Quốc chiếm đoạt gần 2,6 tỉ USD của hơn 30.000 nhà đầu tư thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp các thiết bị y tế.

Sẽ không thể thống kê hết được những vụ lừa đảo tài chính ở đủ các mức độ, thể loại trên thế giới trong thời gian gần đây, bởi danh sách này vẫn còn đang tiếp tục dài thêm do những diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - vừa là cơ hội thuận lợi để xuất hiện các vụ lừa đảo nhưng cũng là yếu tố để chúng tự lộ diện và bị phát hiện.

Nguyên nhân dẫn tới các vụ lừa đảo, gian lận tài chính

1 - Những yếu kém, sơ hở của hệ thống giám sát tài chính và những khiếm khuyết trong thể chế thị trường tự do mà Mỹ và nhiều nền kinh tế đang theo đuổi.

Một điểm bất cập và nguy hiểm hiện nay là tình trạng “săn tin” của báo giới. Các báo đều muốn đăng tin “nóng”, sốt dẻo, nhiều khi thiếu kiểm chứng độ chân thực. Chính điều này đã giúp những kẻ lừa đảo tạo được “niềm tin” đối với khách hàng và dễ dàng thực hiện các vụ lừa đảo.

Đây là nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất. Các vụ gian lận đều diễn ra trong thời gian khá dài mà không vấp phải sự nghi ngờ nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, có trường hợp, các cơ quan này còn gián tiếp làm gia tăng uy tín và sự tin cậy của khách hàng cho những kẻ lừa đảo. Ở Mỹ, vào năm 2006, một nhà đầu tư đã nghi ngờ hoạt động của B.Ma-đốp và báo cáo với ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), nhưng cơ quan này đã nhanh chóng khẳng định sự vô tội của B. Ma-đốp. Năm 2006 - 2007, Ngân hàng Trung ương Pháp đã tiến hành 17 cuộc kiểm tra ở Ngân hàng Société Général nhưng không phát hiện được điều gì bất thường. Trong khi đó, cổ phiếu của Công ty Satyam không chỉ được giao dịch tại ấn Độ mà còn được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Niu Oóc (NYSE) cũng như Sở Giao dịch chứng khoán châu Âu (Euronext) và các cơ quan giám sát tại đây cũng không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu gian lận nào.

Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà hệ thống giám sát nội bộ của các tổ chức tài chính cũng tồn tại nhiều lỗ hổng chết người. Đến nay, những nhà đầu tư tài chính sừng sỏ nhất cũng không thể hiểu được tại sao một nhân viên kinh doanh chứng khoán bình thường như J.Ke-vi-en lại có thể “vượt mặt” hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng lớn thứ hai tại Pháp để gây thiệt hại tới hàng tỉ USD trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, sự yếu kém của các tổ chức kiểm toán có uy tín cũng là tác nhân làm trầm trọng thêm các vụ lừa đảo. Các vụ gian lận liên quan đến B.Ma-đốp, Công ty Satyam đều “qua mặt” được các hãng kiểm toán lừng danh và có uy tín trên thế giới như PriceWaterhouse Coopers, Ernst&Young và KPMG...

2 - Hệ thống công nghệ thông tin phát triển cao với mức độ liên kết rộng rãi làm tăng thêm phạm vi và mức độ của các vụ lừa đảo.

Công ty của B.Ma-đốp có hàng ngàn khách hàng trên toàn cầu, trải dài từ Mỹ, châu Âu tới châu Á. Việc điều hành hệ thống khách hàng đa dạng chủ yếu bằng các giao dịch qua thư điện tử. Ngân hàng quốc tế Stanford của A.Xtan-phót có 30.000 khách hàng tại 131 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Satyam được niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tại châu Á, châu Mỹ, và châu Âu, thu hút hàng chục nghìn nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch tài chính được tự động hóa ở mức độ cao khiến cho việc tận dụng công nghệ để “qua mặt” các hệ thống quản trị tài chính, đánh cắp thông tin và tạo ra các giao dịch gian lận trở nên khó bị phát hiện hơn.

3 - Sự thổi phồng quá mức của các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả và uy tín của những kẻ lừa đảo.

Trong con mắt báo giới và các nhà đầu tư, B.Ma-đốp luôn là người có uy tín trên phố Uôn, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, gây quỹ cho các cuộc vận động tranh cử. Thậm chí, B. Ma-đốp không cần quảng bá cho mình mà rất nhiều khách hàng danh tiếng như Tập đoàn Nomura, Tremont Capital đã tự nguyện làm việc này. Tương tự, Tập đoàn Satyam cùng với người sáng lập Ra-ju trong nhiều năm luôn được tôn vinh đã làm rạng danh cho ngành công nghệ thông tin và là tập đoàn đầu tư có hiệu quả, uy tín nhất của Ấn Độ.

4 - Tâm lý “đầu tư theo đám đông”.

Đây là nguyên nhân có ở hầu hết các vụ lừa đảo. Đầu tư theo đám đông là tâm lý của các nhà đầu tư ít hiểu biết về tài chính và bị mê hoặc bởi các khoản lãi suất cao, nhiều khi đến phi thực tế (chủ yếu những người hưu trí, người nội trợ hoặc những người nghèo). Những kẻ lừa đảo đã đánh trúng vào tâm lý muốn kiếm lợi nhanh chóng từ các khoản cho vay có lãi suất cao dựa trên các quan hệ cá nhân của những nhà đầu tư này. Do vậy, họ trở thành đối tượng dễ bị tác động và lôi kéo nhất cho các hoạt động lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp hoặc hình thức Ponzi (như một kiểu chơi hụi, chơi họ ở các địa phương nước ta).

Mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, kinh tế quốc gia và hệ thống tài chính quốc tế

1 - Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiếp tục lan rộng và kinh tế thế giới đang suy thoái nặng nề, các vụ lừa đảo, gian lận tài chính đã làm cho hệ thống ngân hàng của các nước thêm chao đảo. Đặc biệt, do liên quan đến hàng loạt các tổ chức tài chính quốc tế nên những ảnh hưởng tiêu cực có tính dây chuyền giữa nhiều nước, từ Mỹ tới châu Âu sang châu Á. Có tới hàng ngàn các tổ chức tài chính, ngân hàng, tổ chức nhân đạo và hàng triệu người dân ở các nước là nạn nhân với tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ USD. Trong danh sách những tổ chức chịu thiệt hại có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính hàng đầu trên thế giới như HSBC, Royal Bank of Scotland (Anh), Banco Santander (Tây Ban Nha), BNP Paribas (Pháp), Nomura (Nhật Bản)...

Đặc biệt nghiêm trọng, thị trường chứng khoán các nước trở nên thực sự náo loạn sau khi các vụ việc bị phanh phui. Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã ngay lập tức giảm 2,2% - 3,7% sau khi vụ B. Ma-đốp bị phát hiện. Thị trường chứng khoán Ấn Độ phải ngừng giao dịch trong hơn một ngày vì vụ bê bối của Công ty Satyam. Hậu quả của các vụ lừa đảo đã cộng hưởng thêm những khó khăn đang đè nặng lên hệ thống tài chính - ngân hàng vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính, làm trầm trọng thêm các rủi ro, nhất là về thanh khoản do tác động tâm lý dây chuyền từ vụ lừa đảo, dẫn đến xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư, tập đoàn tài chính. Nhu cầu tiêu dùng, đầu tư giảm sút do người dân và các nhà đầu tư tiết kiệm chi tiêu và cảm thấy không an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng, dẫn đến gia tăng xu hướng giữ tiền mặt, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế.

2 - Gây thiệt hại tài chính nặng nề đối với người dân ở nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Ở nước ta, các đối tượng vẫn lừa đảo chủ yếu theo hình thức kinh doanh đa cấp hoặc Ponzi với nhiều biến tướng khác nhau nhằm đánh vào lòng tham, mong muốn thu lợi cao và nhanh của người đầu tư. Việc này đã được cảnh báo khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều người vẫn mắc phải, không chỉ người có trình độ văn hóa thấp mà cả tầng lớp trí thức.

Riêng số nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng trong các vụ lừa đảo ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cô-lôm-bi-a có thể lên tới 5 triệu người, trong đó rất nhiều người đã mất trắng số tiền tích góp cả đời. Tùy theo từng nước mà đối tượng chính chịu ảnh hưởng có khác nhau. Trong vụ lừa đảo ở Nhật Bản, đối tượng bị lừa phần đông là người già. ở Hàn Quốc đối tượng bị lừa là phụ nữ trung niên ít hiểu biết về tài chính. Tại Mỹ, đối tượng bị lừa rất đa dạng, từ những người hưu trí ít vốn đến những cá nhân giàu có, thậm chí cả tỉ phú, từ các ngôi sao điện ảnh danh giá cho đến những chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính lớn. Còn vụ lừa đảo ở Cô-lôm-bi-a, nạn nhân đa phần là dân nghèo đã thế chấp toàn bộ tài sản để gửi tiền cho bọn lừa đảo.

3 - Gây ra sự bất ổn cho xã hội, làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của dân chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng và các biện pháp quản lý, giám sát của chính quyền, qua đó gián tiếp đe dọa tới an ninh chính trị mỗi quốc gia.

Hệ quả này là tất yếu, do các vụ lừa đảo này liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân và nhà đầu tư. Tại Cô-lôm-bi-a, tổng thống nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại một số thành phố trước làn sóng biểu tình của nạn nhân bị lừa đảo ngày một dâng cao. Hệ thống tài chính, ngân hàng của quốc đảo An-ti-gu-a cũng đã hoàn toàn tê liệt, do người dân lũ lượt kéo đến các ngân hàng đòi rút tiền và phản đối chính quyền đã gián tiếp tiếp tay cho các hành vi gian lận. Tại Mỹ, người dân bất ngờ trước sự bất lực của các cơ quan quản lý của chính phủ, thậm chí trong quá trình điều tra vụ lừa đảo Ma-đốp, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ M. Mu-ca-xi (Michael Mukasey) đã phải xin tự rút ra khỏi quá trình điều tra do có yếu tố liên đới. Sự bần cùng hóa do tài sản bốc hơi theo các vụ lừa đảo đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ nạn nhân (Vụ lừa đảo của B. Ma-đốp đã làm cho hai người ở Anh, Pháp cùng quẫn và tự sát).

Bài học rút ra nhằm bảo đảm an ninh và nền kinh tế Việt Nam

Thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã xảy ra tình trạng lừa đảo tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thiệt hại vật chất nặng nề cho người dân (hầu hết bị mất trắng tài sản, nhà cửa) và ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh - xã hội (nhiều gia đình ly tán và bị xiết nợ...).

Điển hình như vụ lừa đảo qua mạng trên trang web Colonyinvest (có xuất xứ từ nước ngoài), huy động vốn theo hình thức đa cấp lãi suất cao (70% - 90%/tháng) gây chấn động khi có tới 20.000 người tại gần 10 tỉnh thành trên cả nước mắc lừa với số tiền thiệt hại lên tới 160 tỉ đồng. Tiếp theo đó, những tháng cuối năm 2008, một loạt tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội... đã nổ ra hàng loạt vụ vỡ nợ, bể hụi với tổng số tiền lừa đảo lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sai phạm trong sổ sách chứng từ ở một số doanh nghiệp. Đây là một hình thức gian lận, đánh lừa nhà đầu tư nhằm trục lợi. Đó là trường hợp khai man báo cáo tài chính của Công ty Bông Bạch Tuyết trong hơn 2 năm, hay một số công ty niêm yết sử dụng thủ thuật kế toán để chuyển lỗ từ các quý trong năm vào thời điểm cuối năm 2008...

Rõ ràng, các hiện tượng lừa đảo, gian lận tài chính ở nước ta đã ngấm ngầm diễn ra một cách phức tạp nhưng sự kiểm soát các cơ quan chức năng còn hạn chế. Thực trạng này sẽ càng phức tạp hơn trong bối cảnh nước ta tiếp tục hội nhập vào kinh tế thế giới, chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và các hoạt động lừa đảo, gian lận tài chính đang gia tăng trên thế giới hiện nay. Thực trạng này có nguy cơ ảnh hưởng an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới. Việc áp dụng một số giải pháp sau, theo chúng tôi là cần thiết.

1 - Nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo gian lận tài chính.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội sẽ là những khó khăn, thách thức xuất phát từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Những đối tượng lừa đảo quốc tế sẽ dùng mọi thủ đoạn tinh vi để móc nối, thâm nhập vào nước ta, lừa gạt những nhà đầu tư trong nước còn thiếu kinh nghiệm và trình độ. Đáng chú ý, các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trong hệ thống tài chính ngân hàng, chứng khoán sẽ diễn biến phức tạp nhất. Bên cạnh đó, tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nạn thất nghiệp gia tăng ở trong nước do chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ dẫn tới tâm lý người dân muốn kiếm tiền nhanh với lãi suất cao bằng mọi cách. Đây là “gót chân A-sin” của nhà đầu tư để bọn lừa đảo lợi dụng.

2 - Chủ động xây dựng thế trận phòng, chống tội phạm lừa đảo tài chính quốc tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế tài chính quốc tế.

Đồng thời với việc xây dựng thế trận phòng, chống tội phạm phải tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những đường dây vay nợ kiểu “tín dụng đen” đang ngấm ngầm hoạt động trong nước, nhất là ở khu vực nông thôn. Xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm, đưa ra xét xử công khai các vụ án điểm nhằm răn đe và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

3 - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sự phối hợp chỉ đạo của các lực lượng chức năng từ các bộ, ngành, địa phương trong công tác nắm tình hình và tiến hành các biện pháp phòng ngừa đấu tranh.

Cụ thể, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro của các ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt là các nghiệp vụ tài chính có sử dụng công nghệ hiện đại, hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài qua thẻ quốc tế và các con đường khác. Giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp trên thị trường; Hoàn thiện cơ chế và tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, xử phạt nghiêm doanh nghiệp niêm yết có hành vi gian lận trong báo cáo tài chính, cải thiện hệ thống thông tin và minh bạch hóa hoạt động của các công ty niêm yết....

4 - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo cơ sở pháp lý triển khai các biện pháp phòng chống và xử lý sai phạm.

Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung những quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này để tránh sự thiếu thống nhất giữa các chế tài hình sự và dân sự nhằm phòng ngừa tội phạm và bảo vệ quyền lợi của người dân bị lừa gạt.

5 - Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ nguồn nhân lực.

Trình độ nguồn nhân lực bao giờ cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi lĩnh vực. Công tác phòng, chống tội phạm không là ngoại lệ, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm toán, bảo mật ngân hàng, công nghệ cao ứng dụng trong hoạt động tài chính, luật pháp quốc tế, các kỹ năng cần thiết cho lực lượng công an trực tiếp làm công tác đấu tranh với loại tội phạm này.

6 - Coi trọng công tác truyền thông để nâng cao hiểu biết và tinh thần cảnh giác của người dân về các loại hình “tín dụng đen”; phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo tài chính; khuyến cáo người dân thận trọng trước những lời quảng cáo hoa mỹ với món lợi gây sốc và xu hướng đầu tư theo "đám đông".

7 - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm lừa đảo tài chính để phối hợp ngăn chặn cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này. Ký kết, tham gia các công ước quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương về phòng chống tội phạm lừa đảo tài chính xuyên quốc gia.

8 - Đầu tư cơ sở vật chất thích đáng để tăng cường và nâng cao các công cụ kiểm soát ngày càng có hiệu quả và đi vào chiều sâu./.