Lehman Brothers phá sản - cú sốc mới cho thị trường tài chính toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ đang ngày càng trở nên trầm trọng và các ảnh hưởng của nó ngày càng lan rộng, các nạn nhân của nó ngày một lớn hơn.
Ngày 15-9, sau nhiều cố gắng không thành, Ngân hàng Lehman Brothers - Ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ đã chính thức đệ đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Nỗ lực tồn tại của Lehman Brothers đã hoàn toàn trở lên vô vọng, sau khi một số khách hàng mua lại tiềm năng như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Ngân hàng Barclays Pic của Anh và Ngân hàng Mỹ (Bank of America), chính thức tuyên bố ngừng đàm phán với Lehman Brothers.
Cùng với sự sụp đổ của Lehman Brothers, ngày 15-9-2008, Tập đoàn Tài chính Merrill Lynch (trước nguy cơ phá sản) cũng bị Bank of America mua lại với giá 50 tỉ USD. Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã phải bỏ ra 200 tỉ USD để tiếp quản hãng cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng.
Đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đó?
Theo các chuyên gia kinh tế, Lehman Brothers (và cả các ngân hàng khác) đều là nạn nhân của cơn bão tín dụng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ. Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng giới tài chính Mỹ vẫn bị bất ngờ bởi thông báo của Lehman Brothers về khoản thua lỗ nặng trong quý III-2008 (kết thúc vào ngày 31-8-2008 theo tài khoá riêng của ngân hàng này). Trong quý III, Lehman Brothers đã thua lỗ 3,9 tỉ USD, nâng mức thua lỗ của Ngân hàng này lên gần 7 tỉ USD trong 2 quý gần đây, chủ yếu do các khoản nợ xấu trong lĩnh vực tín dụng thế chấp mua nhà mà khách hàng không còn khả năng thanh toán.
Để duy trì hoạt động, trong vài tháng qua, Lehman Brothers đã liên tục có các cuộc thương lượng để bán bớt khoảng 30 tỉ USD tài sản và cổ phiếu cho các đối tác trong nước và nước ngoài, trong đó, có ngân hàng Bank of America Corp; Goldman Sachs Group IncNomura Securities của Nhật Bản, BNP Paribas của Pháp, Deutsche Bank AG của Đức và Barclay’s Pic của Anh. Ngoài ra, Lehman Brothers còn phải đề nghị Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) can thiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thành.
Sau khi thông tin về những khoản thua lỗ bị loan ra, cộng với việc những thương vụ thương thảo bán lại cổ phần của Lehman Brothers cho các ngân hàng khác không có kết quả, giá cổ phiếu của Lehman Brothers chỉ còn 7,79 USD, giảm tới 44,95% so với phiên giao dịch ngày 8-9-2008; chỉ số Dow Jones giảm tới 280,1 điểm (tương đương 2,43%) xuống còn 11.230,73 điểm; chỉ số Nasdap tụt 2,64 % xuống mức 2.209,81 điểm.
Tại phiên giao dịch ngày 12-8-2008, giá một cổ phiếu của Lehman Brothers
tại Sở Giao dịch Chứng khoán Niu Oóc (New Yoóc) (Mỹ) chỉ còn 3,65 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất trong lịch sử tồn tại của tập đoàn này, giảm tới 95% so với cách đây một năm. Cổ phiếu của Lehman Brothers liên tục ở trạng thái “rơi”tự do.
Tuy đơn xin bảo hộ phá sản của Lehman Brothers không bao gồm một số tập đoàn con của Lehman Brothers, trong đó có Tập đoàn quản lý tài sản Neuberger Berman, nhưng với việc tập đoàn mẹ xin phá sản thì số phận các tập đoàn con cũng sẽ khó đứng vững nếu không có đối tác giao dịch với họ. Ước tính tổng số thua lỗ của Lehman Brothers đến khi nộp đơn xin phá sản là 52 tỉ USD.
Những tác động dây chuyền từ Lehman Brothers
Sau khi có tin Lehman Brothers phá sản, thị trường chứng khoán thế giới đã đồng loạt giảm giá.
Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Mỹ sụt giảm 2,6%. Đặc biệt, cổ phiếu của Tập đoàn bảo hiểm America International Group (AIG) đã bị tuột dốc không phanh với mức giảm 70%, còn 1,31 USD/cổ phiếu. Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới này, đã khiến cổ phiếu của AIG mất giá liên tục, đẩy AIG trước nguy cơ sụp đổ. Chỉ đến khi Chính phủ Mỹ tuyên bố xem xét cấp vốn để cứu AIG (trưa ngày 16-9-2008), chỉ số chứng khoán Mỹ mới có dấu hiệu phục hồi. (Liz Ann Sonders), chiến lược gia đầu tư tại công ty Charles Schwab & Co. cho rằng, việc Chính phủ cứu AIG do có những mối quan hệ chằng chịt giữa các ngân hàng và công ty tài chính khác nên nếu tập đoàn AIG sụp đổ, nó sẽ tạo ra hậu quả lớn hơn nhiều so với vụ Lehman Brothers.
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đồng loạt giảm từ từ 3% đến gần 4,3%. Chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán Luân Đôn - thị trường chính của châu Âu, giảm gần 3%. Các thị trường chứng khoán của Pháp và Đức cũng giảm hơn 3%. Đặc biệt, hai thị trường chứng khoán chính của Nga đã phải tạm ngừng giao dịch sau khi các chỉ số chứng khoán giảm lần lượt là 11% và 16%.
Các thị trường chứng khoán vùng Vịnh cũng giảm mạnh, có nơi giảm tới 7%. Các thị trường chứng khoán của châu Á đều bị mất giá khi mở cửa trở lại sau (15-9-2008. Ngày 16-9-2008, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản đã giảm 4,7% trong nửa giờ giao dịch đầu tiên của ngày, trong khi các cổ phiếu của Hàn Quốc giảm trung bình 5% chỉ trong 20 phút đầu. Trên thị trường Hồng Công, giá cổ phiếu lao xuống đến 6,1%. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã giảm giá 3,36%. Chỉ số Sensex tại thị trường chứng khoán Ấn Độ giảm 5,6%; tại thị trường chứng khoán Đài Loan giảm 4,1%; Xin-ga-po giảm 2,9%.
Nói về vụ Lehman Brothers, ứng cư viên Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi cơn chấn động phố Wall hiện nay là “lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái” (năm 1930), còn ứng cử viên John McCain thì tuyên bố “kinh tế Mỹ đang thật sự khủng hoảng”.
Những giải pháp trước mắt
Từ phía Mỹ: Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã họp báo để trấn an dư luận và ngày 16-9-2008 có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các cơ quan tài chính để tìm giải pháp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson đã tuyên bố tại cuộc họp báo rằng, không có gì quan trọng hơn ổn định và thị trường tài chính của chúng ta vẫn mạnh.
Trong khi đó, FED đã quyết định bơm ngay 100 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng. FED tuyên bố, nới lỏng quy định về thế chấp đối với các khoản vay khẩn cấp dành cho các hãng tài chính và thông báo chấp nhận cho sử dụng cổ phiếu để cầm cố lấy các khoản vay bằng tiền mặt. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hen-ry Pôn-xơn cho rằng, giải pháp này sẽ đẩy mạnh khả năng thanh toán bằng tiền mặt, hỗ trợ thị trường vận hành nhịp nhàng và giảm bớt những quan ngại trên thị trường tín dụng.
Từ các nước khác trên thế giới: 10 ngân hàng lớn gồm Bank of America, Barclays, Citibank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS đã tuyên bố thành lập quỹ hỗ trợ 70 tỉ USD, nhằm nới lỏng tín dụng trước nguy cơ phá sản của nhiều tập đoàn tài chính Mỹ. Các "đại gia" này cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau để cung cấp thêm tiền mặt và bảo vệ thị trường vốn cũng như hệ thống ngân hàng.
Ngày 15-9-2008, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố rót thêm gần 100 tỉ USD nhằm giảm bớt căng thẳng về vốn trên thị trường tín dụng ngân hàng. Trước đó, ngay sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản, ECB đã “bơm” ra 42,7 tỉ USD.
Ngày 16-9-2008, Ngân hàng Anh rót thêm vào thị trường tài chính 35,9 tỉ USD, gấp 4 lần khoản tiền 9 tỉ USD được “bơm” trước đó một ngày.
Ngày 16-9-2008, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã “bơm” tổng cộng 2.500 tỉ Yên (khoảng 24 tỉ USD) vào thị trường tiền tệ nội địa, đồng thời tuyên bố sẽ theo sát tình hình cùng những ảnh hưởng của thị trường tài chính Mỹ nhằm đưa ra các biện pháp bình ổn kịp thời.
Tại Trung Quốc, lần đầu tiên trong 6 năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thông báo giảm lãi suất cho vay nhằm bảo đảm cho nền kinh tế nước này “phát triển tương đối nhanh và ổn định”.
Tại Hàn Quốc, trước mắt, Chính phủ sẽ tăng cường biện pháp giám sát thị trường và sẽ lập tức mở kho dự trữ ngoại tệ trong trường hợp cần thiết. Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) nhận định, chắc chắn thị trường tài chính Hàn Quốc sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vụ phá sản của Lehman Brothers, tuy nhiên, những nhân tố tiêu cực vẫn trong tầm kiểm soát.
Tại In-đô-nê-xi-a, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani tuyên bố, Chính phủ sẽ “bơm” 120.000 tỉ rupiah vào thị trường tiền tệ nội địa. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước In-đô-nê-xi-a đã cam kết sớm có biện pháp nhằm giảm bớt sự bấp bênh của thị trường tiền tệ trong nước, đồng thời nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô của In-đô-nê-xi-a vẫn mạnh và lạm phát vẫn được kiểm soát.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã trấn an giới đầu tư rằng, sự sụp đổ của Lehman Brothers sẽ không ảnh hưởng đến các ngân hàng trong nước.
Bão lại nổi giữa “sân sau” của Mỹ  (19/09/2008)
Thực hiện một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng  (19/09/2008)
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 33,3%  (19/09/2008)
Nỗ lực sử dụng Liên hợp quốc thao túng chính trường đang thất bại  (19/09/2008)
FAO: Gần 1 tỉ người đói do khủng hoảng lương thực  (19/09/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên