TCCS - Năm 2009, cả nước xuất khẩu được 6,052 triệu tấn gạo, tăng 29,35% so năm 2008, là năm xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,463 tỉ USD. Nhưng làm thế nào để người trồng lúa có lãi, nâng cao thu nhập, ổn định được cuộc sống, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Từ đó, dưới góc nhìn từ sản xuất - thị trường vấn đề đặt ra với ngành nông nghiệp phải đổi mới như thế nào và cả người nông dân cũng cần đổi mới ra sao để tăng tính cạnh tranh? Làm cách nào để đưa nông nghiệp nước ta tăng trưởng nhanh và hiện đại hơn các nước trong khu vực?

Thành tựu trong nông nghiệp và đôi điều trăn trở về đời sống nông dân

Từ tháng 9-1989, Việt Nam đã tham gia trở lại vào thị trường xuất khẩu gạo và từ đó đến nay lượng gạo xuất đã tăng dần từ mức 2 triệu lên hơn 6 triệu tấn, nước ta được xếp vào hàng quốc gia thứ hai xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới. Nhiều nước đã ngạc nhiên trước sự kiện này, nhất là các nước đang bao vây, cấm vận kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ. Khi đó rất nhiều người đặt câu hỏi: làm sao Việt Nam đã xuất khẩu được trên 1,6 triệu tấn gạo khi mà hai năm trước đó Chính phủ Việt Nam còn kêu gọi quốc tế cứu trợ lương thực cho đồng bào một số tỉnh Miền Bắc và Miền Trung? Ngoài các lý do như nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật và một số biện pháp liên hoàn như: giống mới năng suất cao, đẩy mạnh làm thủy lợi mở rộng diện tích cao sản, tăng thêm phân bón cùng các vật tư nông nghiệp khác, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng,... thì lý do cơ bản, quyết định nhất là sự đổi mới chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp. Đó là chính sách giao quyền sử dụng ổn định và lâu dài, đối với đất canh tác thông qua cơ chế khoán 10 đến từng hộ gia đình nông dân, chính sách về giá nông sản và các vật tư nông nghiệp, ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam, v.v..

Mặc dù sự đổi mới đã trải qua hơn hai thập niên, nhưng người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc, chiếm gần 80% dân số cả nước, đến nay có mức thu nhập vẫn đứng vào hàng thấp nhất so với những người lao động trong các thành phần kinh tế khác. Thực tế cho thấy, dù giá lúa của nông dân được Nhà nước bảo hộ, thì mức thu nhập của nông dân Việt Nam so với nông dân nước láng giềng Thái Lan vẫn chưa bằng nửa mức thu nhập của họ (600 USD/người/năm). Chừng nào sức mua của nông dân ta còn thấp, thì chừng đó công nghiệp chưa phát triển mạnh được. Mặt khác, ngay trong trường hợp giá lúa còn thấp như thế mà vẫn còn một số những người không trực tiếp sản xuất lúa gạo, không dễ dàng trang trải ổn định khẩu phần lương thực hằng ngày. Thêm vào đó, từ năm 2007 Việt Nam đã gia nhập vào cộng đồng thị trường quốc tế, hạt gạo Việt Nam phải cạnh tranh rất mãnh liệt với hạt gạo Thái Lan, ấn độ, Pa-ki-xtan. Từ đó, vấn đề đặt ra “nông dân và nông nghiệp Việt Nam nhìn từ cơ chế thị trường” đòi hỏi phải đổi mới cơ chế điều hành xuất khẩu theo hướng “tiêu thụ hết lúa hàng hóa theo đúng giá thị trường thế giới cho nông dân”; và cả người nông dân phải đổi mới như thế nào để sản xuất ra “cái mà thị trường cần”, chứ không chỉ là độc canh cây lúa.

Chỉ 5 năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách về kinh tế nhiều thành phần. Vì vậy, có thể nói thập niên 80 của thế kỷ trước là giai đoạn quá độ chuyển từ mô hình tập trung, quan liêu, bao cấp sang mô hình hạch toán kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa. Nhiều thành phần kinh tế cùng có chung một thị trường và hoạt động đan xen nhau, người nông dân được tự do đầu tư kinh doanh. Với những đổi mới trong cơ chế quản lý, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt, Nhà nước ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và lương thực, góp phần tạo thêm việc làm, tăng lợi tức và sức mua, tiền tiết kiệm trong dân tăng, ngoại tệ thu về nhiều, an ninh lương thực cho cả nước được bảo đảm.

Tuy nhiên, mặc dù sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng mạnh, khối lượng lúa xuất khẩu đã vượt ngưỡng 6 triệu tấn năm 2009, nhưng lợi tức của nông dân, nhất là của những người trồng lúa không tăng tương xứng; đời sống đa số nông dân còn nghèo nàn. Chúng ta có thể thấy rõ sự nghèo nàn này mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa: người nông dân nào cũng đều nôn nóng bán lúa cho nhanh để trang trải nợ nần, dù bị thương lái ép giá. Trước tình trạng này, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là động lực mới cho nông dân có cơ hội giàu lên và đưa nông nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu, làm nền tảng cho sự đổi mới trong phát triển kinh tế toàn diện của nước ta.

Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của người nông dân sản xuất lúa hiện nay

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thực hiện như thế nào, bằng giải pháp gì để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra. Cần phải tìm một chiến lược hữu hiệu nhất để thật sự làm tăng lợi tức của nông dân, và bộ mặt nông thôn sẽ khang trang hơn, kinh tế nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Để có thể đề xuất một chiến lược “nông dân và nông nghiệp Việt Nam nhìn từ cơ chế thị trường”, chúng ta cần phân tích bối cảnh nông thôn hiện nay từ khâu sản xuất nông nghiệp lấy cây lúa làm điển hình, cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm thì mới thấy được những bất cập trong quá trình sản xuất nông nghiệp vừa qua, cụ thể như:

Thứ nhất, về trồng lúa: Từ khi có “khoán 100” (năm 1981) rồi đến “khoán 10” (năm 1988) nông dân cả nước phấn khởi tự do canh tác trên thửa đất khoán riêng của mình, thoát khỏi sự ràng buộc của hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất. Sự cởi trói này được bung ra trong nông nghiệp, mạnh ai nấy làm một cách rất tự phát, muốn trồng giống nào thì trồng, muốn sử dụng kỹ thuật thế nào là tùy ý. Vì sao thế? Người nông dân trồng lúa nhưng không biết ai sẽ mua, và mua với giá bao nhiêu! Từ Bộ, các tổng công ty đến chính quyền địa phương chỉ giao cho doanh nghiệp một cách chung chung. Doanh nghiệp thì chỉ biết đối tác với hàng trăm thương lái của mình mà không trực tiếp mua sản phẩm của nông dân. Bởi vậy, mỗi người nông dân trồng lúa đều phải chọn giải pháp sản xuất nào ít rủi ro nhất. Do đó, người này trồng giống A, người kia trồng giống B; và họ dùng kỹ thuật theo ý họ. Kết quả là trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, hàng chục kiểu trồng gây ra nhiều tình huống sâu bệnh lan tràn.

Thứ hai, về thu hoạch và tiêu thụ. Khi thu hoạch, nông dân đều muốn bán lúa ngay tại ruộng, dù bị thương lái ép giá nhưng họ vẫn phải bán vì mỗi nông dân cá thể không thể tự bán được lúa theo giá tự định, họ luôn bán rẻ và phải mua đắt.

Với hàng triệu tấn lúa mới gặt, ít phương tiện phơi sấy hiện đại, phải dùng mặt đường giao thông để phơi sơ rồi bán liền, các doanh nghiệp phải có đủ tiền mặt trả cho đội quân thương lái đi mua lúa, gây nên một áp lực rất lớn về tiền mặt khiến Chính phủ phải lệnh cho các ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp vay. Mỗi khi bán lúa cho thương lái, nếu được giá thì nông dân thu nhập khá, nhưng thường là bị ép giá, người dân chỉ biết trông chờ vào Chính phủ trợ giúp. Trong nước, theo kinh nghiệm nhiều năm, giá lúa do các công ty lương thực định ra thường chỉ mang lợi cho công ty mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân. Người trồng lúa “mua đứt bán đoạn” với thương lái. Nếu sau đó giá lúa có tăng, thì phần lãi đó thương lái hưởng trọn, nông dân không có gì.

Hàng chục giống lúa thương lái mua được trộn chung, phơi sấy qua loa, qua máy bóc vỏ trấu thành gạo nguyên liệu, rồi được bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc các nhà máy lau bóng gạo, sẵn sàng chờ lệnh đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu để gấp rút được lau bóng thêm rồi đưa ra bến cảng. Vì cách làm như thế nên đến bây giờ gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn không có “thương hiệu gạo danh tiếng”, giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Có thể thấy là phần lớn các công ty lương thực không có vùng nguyên liệu lúa, không hợp đồng với nông dân. Và Tổng Công ty lương thực lại càng không có nông dân trồng lúa, không có vùng nguyên liệu nào để bảo đảm chất lượng và khối lượng lúa cần thiết, nhưng lại có quyền bán gạo khối lượng lớn không cần thương hiệu.

Thứ ba, hậu quả của việc trồng lúa và thu mua tiêu thụ như nêu trên là gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn thua kém gạo Thái Lan do: không thương hiệu, chất lượng không ổn định, mất uy tín trên thị trường quốc tế. Người nông dân trồng lúa luôn chịu rủi ro, thiệt thòi; thậm chí có lúc giá lúa tăng cao, nhưng vẫn phải bán giá thấp vì lệnh “ngừng xuất khẩu” không ai dám mua lúa, ngoại trừ các công ty lương thực tha hồ thu mua với giá rẻ. Nếu việc sản xuất và tiêu thụ lúa vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay thì chắc chắn nông dân sẽ không thể giàu, như đã diễn ra trong suốt hơn 30 năm qua.

Đề xuất một lối ra cho nông dân trồng lúa từ cơ chế thị trường

Có thể nói, Nghị quyết số 26-NQ/TW như là một “cứu tinh” cho nông dân trồng lúa Việt Nam. Những hợp phần của một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo thị trường hội nhập đã được Nghị quyết nêu lên gần như đầy đủ. Vấn đề quan trọng ở đây là để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách bền vững cho nông dân và nông nghiệp nước ta, cần phải mạnh dạn tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng đề xuất sau đây:

Một là, xây dựng mô hình Công ty Cổ phần nông nghiệp

Khi triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW cần thiết phải kết hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) để tập hợp nông dân trên cùng vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa có thương hiệu và có đầu ra phân phối sản phẩm có thương hiệu đó. Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty chế biến tiêu thụ sẽ hình thành một Công ty cổ phần nông nghiệp.

Mục tiêu của Công ty cổ phần nông nghiệp là tổ chức nông dân thành những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất nguyên liệu nông sản theo phương thức hiện đại đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị cao.

Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm đưa ra thị trường, để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự, trong đó bảo đảm cho nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức trong khi doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.

Phương pháp vận hành của Công ty cổ phần nông nghiệp là vận dụng Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) và Nghị quyết số 26 để lần lượt thực hiện các bước đi cơ bản sau đây:

1 - Vai trò chủ đạo để xâu mối các thành phần của hệ thống là chính quyền địa phương, tốt nhất là cấp tỉnh, có thể là từ bộ phận chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức xây dựng hệ thống và việc điều hành hệ thống này sẽ do một doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm phụ trách, Nhà nước không cần làm việc này.

2 - Quy hoạch vùng sản xuất nông sản: đây là vùng có lợi thế trồng nông sản hoặc nuôi thủy sản mà một doanh nghiệp có thị trường cần có nguyên liệu để sản xuất. Công việc này cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến.

3 - Lập kế hoạch tổng thể phát triển vùng quy hoạch: từ sản xuất nguyên liệu đến phân phối sản phẩm có thương hiệu ra thị trường. Trên cơ sở đó, lập dự án xây dựng hệ thống sản xuất và đồng thời dự án tổ chức nông dân tập thể. Đây cũng là công việc cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến, kết hợp với bộ phận hợp tác hóa nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4 - Tổ chức nông dân theo những hình thức hợp tác phù hợp: tất cả nông dân canh tác trên vùng đã được quy hoạch sản xuất trước tiên phải nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thị trường hội nhập, thấy rõ tại sao làm ăn cá thể không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Mục đích sau cùng là để họ tự giác hợp tác với nhau một cách dân chủ và bình đẳng cùng sản xuất nguyên liệu nông sản theo dự án đã được Nhà nước duyệt. Mỗi nông dân xã viên có thể mua cổ phần của công ty bằng sản phẩm của mình thay vì bằng tiền. Đây là công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân của tỉnh. Một chính sách mới, đặc biệt áp dụng cho nông dân tham gia Công ty cổ phần nông nghiệp, cần được Nhà nước ban hành: cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì nông dân không có vốn để mua). Một cơ chế cần được sự đồng tình của nông dân là công ty trả tiền chậm 10 ngày cho nông dân. Đây là biện pháp hiệu quả để giảm áp lực tiền mặt tại thời điểm thu hoạch đại trà. Công ty bảo đảm giá lúa trả cho nông dân bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty. Tại điểm này chúng ta cần thêm một chính sách mới kế tiếp của Nhà nước: bù lỗ cho công ty để bảo đảm giá lúa cho nông dân. Hiện nay, tất cả các quốc gia mạnh trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU đều trợ cấp cho nông dân hàng trăm tỉ USD mỗi năm, thì việc Chính phủ Việt Nam trợ cấp giá lúa của nông dân vẫn phù hợp với cách làm quốc tế.

5 - Xây dựng khu công nghiệp của công ty. Đây là trung tâm đầu não của Công ty cổ phần nông nghiệp, bao gồm sân phơi, máy sấy, nhà kho, nhà máy xay xát chế biến gạo thành phẩm, chế biến các nông sản khác, nhà máy phát điện bằng ga trấu, v.v.. Đây là phần đầu tư của các doanh nghiệp thành viên của công ty, hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch bảo đảm không thất thoát khối lượng và ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.

6 - Thành lập bộ phận phân phối sản phẩm. Những sản phẩm đạt chất lượng sẽ được phân phối ra thị trường cao cấp hoặc xuất khẩu; sản phẩm không đạt chất lượng có thể được để lại phân phối trong địa phương hoặc bán tại chỗ. Lãnh đạo công ty phải xác định thị trường và sản phẩm đầu ra, thí dụ một loại gạo hạt dài trung bình, bộ phận nông nghiệp của Công ty sẽ xác định giống lúa thích hợp và quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (GAP) tương ứng. Mọi nông dân xã viên sẽ được đào tạo theo đúng quy trình GAP đó (đúng tinh thần Nghị quyết số 26) và được tạo điều kiện vật tư để trồng trọt. Tất cả các khâu chăm sóc phải theo đúng quy trình, có kiểm tra thường xuyên. Đến khi thu hoạch khối điều hành nhà máy chế biến sẽ đưa phương tiện tới tận đồng ruộng của xã viên đem về phơi sấy và chế biến.

Lúa của nông dân giao cho công ty sẽ được cân và đo ẩm độ, quy về khối lượng chuẩn 14% độ ẩm, và được sấy đúng kỹ thuật trước khi được bóc vỏ trấu để bảo quản, chờ chế biến thành phẩm.

Chia lãi: đến cuối niên vụ công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ và đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể “mua đứt bán đoạn” cho thương lái không được chia lãi gì hết.

Hiện nay 2 mô hình thí điểm Công ty Cổ phần nông nghiệp đang được xây dựng tại Phú Tân (An Giang), và Tam Nông (Đồng Tháp). Nhóm công nghiệp chế biến Bùi Văn Ngọ có nhiệm vụ nòng cốt trong chế biến sau thu hoạch và Công ty Lương thực của An Giang và Đồng Tháp đảm trách khâu tiêu thụ thành phẩm. Từ 2 mô hình này, cần đúc kết và hoàn chỉnh phương pháp để có thể mở rộng toàn tỉnh và toàn vùng.

Hai là, mạnh dạn chuyển hướng phát huy tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và lao động

Trở ngại lớn nhất trong việc thiết kế một chính sách nông nghiệp phạm vi cả nước là những khác biệt tương phản về địa hình, thời tiết, và tập quán kinh tế, xã hội của từng vùng lãnh thổ. Ngay trong cùng một vùng, cũng có những sự khác biệt về điều kiện và phương thức canh tác. Thí dụ, hiện nay ở đồng bằng Bắc Bộ, dân cư tập trung quá đông, điều kiện thiên nhiên sản xuất lúa không phù hợp bằng sản xuất những cây trồng cao cấp có giá trị xuất khẩu khác. Trong khi đó, chưa xác định rõ thị trường cho những sản phẩm độc đáo như khoai tây, vải thiều, rau vụ đông, mơ,... mà phải sản xuất lương thực, nên kết quả sản xuất còn hạn chế. Mức sống của người nông dân do vậy vẫn thấp. Trong khi đó ở miền Nam, điều kiện tự nhiên thuận lợi và tính chất sản xuất lúa hàng hoá đã trở nên quen thuộc nên sản xuất có phần khá hơn. Khi nền kinh tế Việt Nam đồng nhất và thật sự hướng về thị trường, Đảng và Nhà Nước cần nhất quán đẩy mạnh hơn nữa một chủ trương đã được nói đến trong mấy năm qua: chủ trương phát triển nông nghiệp theo lợi thế tương đối của từng vùng lãnh thổ, chấm dứt việc đồng loạt trồng lúa ở khắp mọi nơi. Nhà nước cần phải mạnh dạn chuyển hướng phát huy tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và lao động quý giá của miền Bắc để đầu tư sản xuất những hàng hoá cao cấp mang lại nhiều ngoại tệ, theo mô hình Công ty cổ phần nông nghiệp nêu trên đây. Có như thế người nông dân miền Bắc mới có thể nhanh chóng tăng thu nhập, sẽ dư sức mua lương thực từ bất cứ nơi nào giá rẻ nhất.

Ba là, kịp thời điều chỉnh chính sách

Chúng ta cần điều chỉnh chính sách với những tư duy mới hơn nữa về nông nghiệp của Việt Nam để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảy vùng sinh thái kinh tế của đất nước ta sẽ đi vào thế giới hội nhập một cách vững vàng trên nền nông nghiệp đa dạng, sẵn sàng đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, từ gạo ngon, tôm cá nhiều, cho đến các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, rau quả đặc thù nhiệt đới.

Người nông dân Việt Nam vốn tính cần cù, lao động giỏi và sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của thị trường và đạt lợi tức ngày càng tăng nếu được tạo điều kiện gia nhập Công ty cổ phần nông nghiệp. Trong những năm tới, lúa gạo vẫn còn là một nhu cầu khá lớn cho bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà cũng chính là hàng hoá sở trường, thế mạnh phổ biến nhất của đại đa số nông dân Việt Nam cung cấp cho xuất khẩu. Nhà nước cần sớm tổ chức lại hệ thống mậu dịch gạo xuất khẩu. Thiết nghĩ đây là một sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp của ta để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm thuê rẻ mạt, để cho các thương lái, doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần để ngày càng đạt lợi tức cao hơn trong sản xuất - thị trường./.