Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm tháng đầu năm đạt 7,2 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2009.

Tính riêng tháng 5, giá trị xuất khẩu tăng 500 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản, trong năm tháng tăng 17,3%, đạt 1,6 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 3,9 tỉ USD, tăng 7%. Ngoại trừ cà-phê còn gặp khó khăn, các mặt hàng chính khác đều tăng trưởng khá như: Xuất khẩu gạo tháng 5 đạt khoảng 730 nghìn tấn, kim ngạch đạt 390 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu năm tháng, ước đạt 2,9 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,5 tỉ USD. Ðặc biệt, cao-su xuất khẩu năm tháng ước đạt 191 nghìn tấn với trị giá 513 triệu USD, tuy chỉ tăng 3,72% về lượng nhưng giá trị thu về gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước...

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm nay, mặc dù sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch hại ở cây trồng, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, cháy rừng và những biến đổi thất thường của thời tiết, nhưng nhìn chung các ngành hàng vẫn có sự tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hàng hóa có nhiều biến động như hiện nay thì ngành nông nghiệp cần có thêm những biện pháp hợp lý nhằm giữ vững và đẩy mạnh đà tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư mạnh và hiệu quả vào các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Ðối với các doanh nghiệp, cần cắt giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng, đồng thời cũng phải chủ động tìm kiếm thị trường mới, trong đó quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Cụ thể, với các ngành điều, ngành chế biến gỗ, chế biến tiêu cần khẩn trương đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Riêng ngành thủy sản, trước yêu cầu nhập không ít nguyên liệu cho chế biến, thì cần xác định rõ mặt hàng để xin giảm thuế xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu không thể thiếu trong tăng trưởng bền vững là phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bạn hàng. Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phải sớm hoàn thiện danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; đồng thời phối hợp Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cùng các đơn vị khác tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến nhằm bảo đảm tốt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, một vấn đề quan trọng để đạt mục tiêu xuất khẩu là phải làm tốt công tác dự báo thị trường. Hiện tại, đầu tư cho công tác này còn hạn chế, nhiều khi dẫn đến những thua thiệt trong xuất khẩu của một số ngành hàng. Vấn đề đặt ra là Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo thông qua những chương trình đầu tư lớn và bài bản cả về cơ sở vật chất và con người./.