Những nhân tố làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay
TCCS - Cách đây hơn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử trọng đại được tạo nên bởi nhiều nhân tố, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Những nhân tố làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố tiên quyết quyết định, là tiền đề để phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, nghệ thuật quân sự Việt Nam và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới… Tất cả những nhân tố đó là biểu hiện sinh động của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để quân và dân ta tiến hành thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này được thể hiện trên những nội dung cốt lõi sau:
Thứ nhất, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Song, với bản chất thực dân, hiếu chiến, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình, mong muốn tránh một cuộc chiến tranh hao người, tốn của cho cả hai bên, Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, mong muốn hợp tác với Chính phủ và nhân dân Pháp, nhưng thực dân Pháp quyết không từ bỏ mưu đồ áp đặt ách thống trị lên đất nước ta lần nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và ý chí “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta kiên quyết đứng lên chiến đấu theo đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp, Đảng ta xác định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.
Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, quân và dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, càng đánh càng mạnh. Chiến tranh du kích được phát triển rộng khắp, từ du kích chiến từng bước tiến lên vận động chiến với lực lượng là các đại đoàn chủ lực mạnh, giành và giữ vững thế chủ động chiến lược, buộc quân viễn chinh Pháp phải đánh theo cách đánh của ta.
Sau những chiến thắng vang dội của quân và dân ta ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, giữa năm 1953, thực dân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang thực hiện kế hoạch Na-va. Để đánh bại âm mưu, thủ đoạn mới của địch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bước đầu làm thất bại kế hoạch Na-va, buộc quân Pháp phải bị động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập toàn cứ điểm, một “pháo đài bất khả xâm phạm” hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực ta ở đó.
Âm mưu và hành động của địch tạo ra thách thức lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Song, với nhãn quan chính trị sắc bén, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại coi đây là thời cơ thuận lợi, quyết tâm tập trung lực lượng, đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp. Trải qua 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954), với ba đợt tiến công, quân và dân ta giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng đó là dấu mốc quan trọng, là “thiên sử vàng” của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ.
Thứ hai, Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” của Đảng, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, ra sức chiến đấu, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đóng góp sức người, sức của, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến cứu nước. Đến chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy cao độ. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Trung Bộ, Nam bộ đều đẩy mạnh các hoạt động, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, địch vận, liên tiếp tiến công tiêu diệt và phân tán lực lượng địch, chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ.
Cùng với các hoạt động quân sự, sức mạnh của hậu cần chiến tranh nhân dân cũng được huy động ở mức cao nhất. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, chiến trường xa hậu phương, địch tăng cường đánh phá ác liệt vào các tuyến giao thông vận chuyển, nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ các vùng tự do, các căn cứ địa ở Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đến Tây Bắc, tất cả đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Kẻ thù không bao giờ tưởng tượng được rằng, quân và dân ta có thể khắc phục được khó khăn to lớn về bảo đảm hậu cần, bởi chúng không đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của toàn thể nhân dân đang khát khao độc lập, tự do. Sức mạnh đó có thể khắc phục được mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Cùng với sức mạnh nội lực, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, với chủ trương đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn bè quốc tế, ta đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhiều nước trên thế giới. Quán triệt quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, chúng ta đã xây dựng được khối đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Từ năm 1950, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô, chúng ta nhận được từ những quốc gia này sự giúp đỡ cả về vật chất, chính trị và ngoại giao, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự giúp đỡ đó góp phần quan trọng bảo đảm về vũ khí, trang bị kỹ thuật để quân và dân ta có thêm sức mạnh đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Thứ ba, Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cùng với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được nâng lên gấp bội. Sự mưu lược, quyết đoán của người chỉ huy chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp hợp cùng tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, ý chí quyết chiến, quyết thắng, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ đã làm nên thắng lợi, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển lên tầm cao mới.
Quân đội nhân dân Việt Nam, với bản chất và truyền thống tốt đẹp “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, từ 34 chiến sĩ ngày đầu thành lập (ngày 22-12-1944), đến trước Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát triển thành 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công - pháo trực thuộc Bộ, cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội thuộc các liên khu, các địa phương. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với lực lượng trên mặt trận chính diện bao gồm 5 đại đoàn tiến hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng, dũng mãnh tiến công kẻ thù, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, các lực lượng ở những mặt trận sau lưng địch, các chiến trường phối hợp cũng liên tiếp tiến công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi.
Cùng với lực lượng quân đội, ngay từ khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công an nhân dân được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng bảo vệ an ninh quân đội trực tiếp bảo vệ Chiến dịch. Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) xác định rõ: “bảo vệ chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm của công tác công an trong thời kỳ này”(1). Lực lượng công an đã chủ động phối hợp với lực lượng quân đội tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, bảo vệ an toàn về người, hàng hóa phục vụ Chiến dịch; giữ gìn, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phòng gian, giữ bí mật ở cả tiền tuyến và hậu phương, góp phần to lớn vào chiến công chung vĩ đại của dân tộc.
Sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đánh dấu bước phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, được thể hiện tập trung ở những điểm sau:
Về chiến lược, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy luôn nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy quyền chủ động chiến lược tiến công của ta, kết hợp chặt chẽ giữa các đòn tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương với đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Qua đó, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Về nghệ thuật chiến dịch, ta xác định đúng phương châm chiến dịch là "đánh chắc, tiến chắc", tập trung ưu thế vượt trội về binh lực, hỏa lực cho từng trận đánh, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây nhằm từng bước siết chặt, chia cắt thế liên hoàn giữa các cứ điểm, cụm cứ điểm, giữa các phân khu trong toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch. Chọn cách đánh hiểm, hiệu quả nhất, đó là cách đánh vây hãm kết hợp với tiến công đột phá lần lượt, vừa phát huy được uy lực của mọi vũ khí, trang bị, sở trường của bộ đội ta, vừa hạn chế được chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Về chiến thuật, có sự phát triển nhảy vọt với thành công của nhiều trận công kiên, đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, hiệu quả cao; sự xuất hiện của các trận chiến đấu phòng ngự trận địa lần đầu tiên trong lịch sử của Quân đội ta; sự ra đời của hình thức chiến thuật “đánh lấn” trong điều kiện ta chưa đủ khả năng tiến công tiêu diệt ngay mục tiêu.

Ý nghĩa của những nhân tố làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Đối với Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta, đánh bại Kế hoạch Na-va, làm sụp đổ hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, tạm thời có hòa bình và trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trên bình diện quốc tế, Chiến thắng Điện Biên Phủ có tiếng vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là nơi đánh dấu “chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã”, là niềm hy vọng lớn lao và tươi sáng, ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh vì độc lập, tự do. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Gần 2 thập niên sau chiến thắng này, hàng loạt các nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ - Latinh lần lượt giành được độc lập với những hình thức và mức độ khác nhau. Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang lịch sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được ghi vào lịch sử dân tộc như “một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(2).
Trong tình hình thế giới, khu vực hiện nay tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, những kinh nghiệm và bài học lịch sử từ Chiến thắng Điện Biên Phủ càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Phát huy bài học lịch sử từ những nhân tố làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực; chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó không chỉ có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc ta mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ những nhân tố làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
--------------------------
(1) Bộ Nội vụ - Viện khoa học Công an: Công an nhân dân Việt Nam lịch sử biên niên (1945 - 1954), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 380
(2) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 55 - 56
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay  (24/02/2025)
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay  (24/02/2025)
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày đầu xuân mới  (30/01/2025)
- Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản từ khi tham gia RCEP và một số hàm ý đối với Việt Nam
- Vị thế nông nghiệp Việt Nam sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huy động nguồn lực to lớn của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Sự phát triển quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia và việc vận dụng trong tình hình mới
- Xây dựng và duy trì hệ giá trị gia đình Việt Nam ở nông thôn trong quá trình đô thị hóa
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam