Giữa những ngày thu với nắng nhàn nhạt về trong phố, cùng chút gió se lạnh và hương hoa sữa nồng đượm, Hà Nội đã đón 30 người con xa quê hương trở về. Họ là những người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài về nước tham dự Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực V. Ai cũng háo hức được trở về Tổ quốc, ai cũng muốn biết thật nhiều về tình hình đất nước, và trước mắt, ai cũng hồi hộp trước Hội thi. Họ mang "Những câu chuyện Bác Hồ" từ khắp thế giới về đây để cùng bày tỏ lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương ngời sáng về đạo đức.

Học tiếng Việt từ lời ru của bà

Thí sinh Đoàn Phương Anh

Thướt tha, xinh đẹp trong tà áo dài màu trắng điểm xuyết những bông hoa xinh xắn, cô bé Đoàn Phương Anh trông "người lớn" hơn so với tuổi 16 của mình. Em trở về Việt Nam từ đất nước Xlô-va-ki-a, và là một trong hai thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi. "Đây là lần thứ 3 em được về Việt Nam và em rất hồi hộp, lo lắng trước ngày thi. Những lần trước, em đều được bố mẹ đưa về thăm quê nội ở Phú Thọ và quê ngoại ở Nam Định", Phương Anh vui vẻ cho biết. Nhiều người thoáng chút ngạc nhiên vì tiếng Việt của em hoàn toàn lưu loát, Phương Anh cười rất tươi, khoe: bố mẹ em đã sinh sống tại Xlô-va-ki-a hơn 30 năm, nhưng cả 3 người con trong gia đình đều nói được tiếng Việt. Riêng em, nói được 4 thứ tiếng (Anh, Đức, Xlô-va-ki-a và tiếng Việt). Sinh ra trên đất nước xa xôi, bố mẹ đều bận rộn công việc, em may mắn vì được lớn lên trong lời ru và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại.
 
Sau này, khi bà ngoại trở về Việt Nam, cô chị cả đã thay bà kể lại cho hai cô em gái của mình. Chỉ biết về Bác Hồ qua sách, báo và những câu chuyện kể của bà, từ nhỏ, Phương Anh đã nghĩ "Bác Hồ là một ông Tiên". Sau này, em tự tìm sách đọc về Bác đề hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người và em đã cho rằng mình nghĩ đúng: Bác chính là một ông Tiên! một ông Tiên thật gần gũi !

Câu chuyện mà Phương Anh chọn mang đến Hội thi lần này kể về đôi dép giản dị mà thần kỳ của Bác, đơn giản chỉ bởi lẽ, em đặc biệt ngưỡng mộ đức tính giản dị của Bác Hồ... Phương Anh mong muốn sau khi tham gia Hội thi kể chuyện, lại được trở về Nam Định để nghe tiếng gà gáy và sà vào lòng bà ngoại như những ngày thơ ấu...

Kỷ niệm lớn nhất trong đời

Thí sinh lớn tuổi nhất Hội thi -
Trịnh Văn Thái

Là thí sinh nhiều tuổi nhất, ông Trịnh Văn Thái, sinh năm 1947 trở về từ Thái Lan cho biết: “bất cứ thế hệ nào, nói đến Bác Hồ đều có một tình cảm sâu sắc, hướng về cội nguồn, kể cả các cháu được coi là thế hệ thứ ba sinh ra ở nước ngoài. Chúng tôi tự nhận mình là những học trò của Bác Hồ có trách nhiệm truyền lại những tinh thần đó cho thế hệ sau, để chúng tôi đối với Bác thế nào, con cháu chúng tôi cũng đối với Người như vậy”.

Ông Thái cảm ơn Đảng, Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa cho bản thân ông và những thí sinh khác về nước, tham gia cuộc thi. Ông coi đây là kỷ niệm lớn nhất, không thể quên được trong đời mình. Ông cho biết thêm “Qua dịp về nước tham dự cuộc thi này, tôi thấy nhiều thí sinh Việt kiều thế hệ thứ ba từ Mỹ, Hà Lan, Pháp… trở về, nói tiếng Việt chưa rõ nhưng đều hướng về nguồn. Khi về Thái Lan, tôi sẽ phấn đấu góp phần phát triển các lớp học tiếng Việt cho con em người Việt để giúp họ phát huy tinh thần yêu nước”.

Thí sinh
Đường Thanh Hương Giang

Với cô gái Đường Thanh Hương Giang mới 16 tuổi trở về từ Xlô-va-ki-a cho biết, cô đã về Việt Nam 4 lần, nhưng đây là lần ấn tượng nhất. Cô cảm nhận được sự quan tâm của Tổ quốc đối với những người con xa quê. Khi được hỏi, qua đâu mà Hương biết về lịch sử, về Bác Hồ, khi tuổi còn rất trẻ, cô cho biết “Chính những người thân trong gia đình và những giờ học lịch sử tại trường phổ thông trung học thành phố Nitra, Xlô-va-ki-a, đã cho em lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
 
Trở về từ tỉnh Siêm Riệp, Thái Duy Khoa (sinh năm 1982), mang theo tâm nguyện của thế hệ trẻ Việt kiều ở Cam-pu-chia. Anh tâm sự: “Cộng đồng Việt kiều ở Cam-pu-chia còn nhiều khó khăn so với các cộng đồng Việt kiều trên thế giới. Thanh niên Việt kiều ở Cam-pu-chia cần có một tổ chức để hoạt động. Tổ chức này sẽ đi vào đời sống bà con bằng việc giúp nhau làm ăn, tuyên truyền y tế, xóa mù chữ Việt và Khmer…”.  
 
Thí sinh Thái Duy Khoa
Anh Khoa cho biết thêm “Nhà nước đã tạo điều kiện mở các lớp học nổi tại khu vực Biển Hồ, nhưng nhu cầu bà con cần nhiều hơn nữa. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, kết nghĩa với các tỉnh ở Cam-pu-chia để đưa thanh niên tình nguyện sang giúp đỡ bà con Việt kiều”.
 
Các thí sinh tham gia Hội thi với tình cảm kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những di sản tinh thần và tấm gương đạo đức của Người. Đối với mỗi thí sinh, Hội thi không phải để tranh giải cao thấp, mà nhằm học tập và làm theo tấm gương đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó phát huy tình yêu đất nước và trách nhiệm đối với quê hương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.