Tỉnh Quảng Ninh vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử
TCCS - Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc nước ta, có vị trí địa lý thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế đặc thù. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước khai thác tốt hơn các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh... Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng năm 2024 của tỉnh đạt 8,02%. Mặc dù thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng đầu năm, nhưng đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và quyết liệt triển khai thực hiện, coi cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là một trong những công cụ quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính dựa trên cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin vào quản lý thực hiện giải quyết công việc và thủ tục hành chính. Việc xây dựng chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá chiến lược, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính và nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh.
Về kết cấu hạ tầng
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã hoàn thành cơ bản đạt tiêu chuẩn Tier 3 - chuẩn quốc tế TIA-942 về Data Center: là nơi tập trung, tích hợp an toàn các kho dữ liệu, cơ sở sữ liệu, hệ thống thông tin và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông toàn tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu hoạt động ổn định từ quý IV-2014 phục vụ cho việc triển khai, vận hành của hệ thống chính quyền điện tử, đồng thời cho phép chuyển các hệ thống thông tin của tỉnh về cài đặt, vận hành tại trung tâm, tiết kiệm chi phí chung cho tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh là trung tâm thứ hai trong toàn quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 03/2013/TT- BTTTT ngày 22-1-2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đến nay Quảng Ninh đã hoàn thiện xây dựng mạng WAN trong phạm vi toàn tỉnh và được thiết lập từ Trung tâm tích hợp dữ liệu đến tất cả các sở, ban, ngành; 14/14 huyện, thị xã, thành phố và 186/186 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có mạng LAN; 100% cán bộ, công chức đều có máy tính kết nối mạng internet để thực hiện nhiệm vụ.
Về các hệ thống phần mềm dùng chung
Một là, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Hiện nay, Quảng Ninh dùng chung duy nhất một hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đã tích hợp chữ ký số (đạt tỷ lệ 100%) được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và hoàn thành việc triển khai đến cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn như: thuế, hải quan, tòa án, viện kiểm sát,... Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 97%, được kết nối liên thông với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. Kết quả trên cho thấy hệ thống chính quyền điện tử là công cụ điều hành hiệu quả và đang được ứng dụng tại hầu hết các đơn vị; là công cụ quan trọng giúp thủ trưởng đơn vị bao quát được các nhiệm vụ đang triển khai và cơ bản đánh giá được năng lực thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.
Hai là, hệ thống một cửa điện tử
Tỉnh Quảng Ninh sử dụng duy nhất hệ thống một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống đang vận hành tốt tại 100% đơn vị có thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh (các sở, ban, ngành; 14/14 huyện, thị xã, thành phố; 186/186 xã, phường, thị trấn; ngành điện, ngành nước, ngành thuế). Toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính được theo dõi trên phần mềm, người dân có thể tra cứu được tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng internet, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống liên tục tăng.
Ba là, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4
Tỉnh Quảng Ninh triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ duy nhất là http://dichvucong.quangninh.gov.vn. Đến nay đã cung cấp gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cổng thông tin dịch vụ công tỉnh cho phép tổ chức, cá nhân theo dõi, tra cứu tình hình xử lý khi nộp hồ sơ; đồng thời hệ thống cũng tự động gửi tin nhắn đến di động, hộp thư điện tử của tổ chức, người dân đã đăng ký để theo dõi, tra cứu quá trình xử lý hồ sơ. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 có 1.207 dịch vụ, mức độ 4 có 308 dịch vụ.
Bốn là, công dân điện tử
Theo kết quả điều tra mới đây, trên 95% người dân được hỏi đều trả lời đã được nghe tuyên truyền về chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công. Điều đó cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền vể chính quyền điện tử đã đến được với người dân. Qua thống kê trên hệ thống, đến nay đã có gần 10.000 người dân thiết lập tài khoản giao dịch điện tử (công dân điện tử được định danh duy nhất) trong hệ thống chính quyền điện tử để khai thác sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và tra cứu thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Năm là, xây dựng Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại
Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 14/14 Trung tâm hành chính công cấp huyện và 186/186 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được trang bị các thiết bị như máy tính, máy quét, camera, màn hình hiển thị thông tin, kios lấy số tự động (ở một số đơn vị có nhiều hồ sơ),... 100% các xã, phường, thị trấn đều tác nghiệp trên hệ thống phần mềm một cửa hiện đại dùng chung của tỉnh.
Sáu là, triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và phần mềm chuyên ngành của tỉnh
Hiện nay, Quảng Ninh đang tích cực triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện theo phần mềm chung của các bộ, ngành Trung ương, như: cơ sở dữ liệu về dân cư, về đất đai; phần mềm đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm... Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã thực hiện có hiệu quả đối với 19 phần mềm chuyên ngành do tỉnh triển khai xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh còn có những khó khăn, hạn chế, đó là: việc liên thông, kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành chưa được thực hiện, đặc biệt là các ngành có nhiều hồ sơ như kế hoạch và đầu tư, tư pháp, giao thông vận tải, công an, bảo hiểm...
Để khắc phục những hạn chế và tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyển điện tử tại tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2018-2020, từng bước thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về công nghệ thông tin nhằm tiếp cận hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia (hộ tịch, tư pháp, khiếu nại, tố cáo, hộ chiếu điện tử...); thực hiện triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia do các bộ, ngành Trung ương chủ trì.
Thứ ba, cung cấp tối thiểu 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó tối thiểu 20% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, hướng tới mục tiêu 40% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công được cung cấp mức độ 3 và 30% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công được cung cấp mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung.
Thứ tư, 100% các thủ tục hành chính (trừ các thủ tục của lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo) được cập nhật, đơn giản hóa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và đưa vào giải quyết tại các Trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được trao đổi qua môi trường mạng.
Thứ năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý được trang bị cơ bản đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công việc. 100% các hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được giám sát an toàn thông tin mạng.
Thứ sáu, các nội dung, dịch vụ, tiện ích của chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công được tuyên truyền tới trên 90% người dân và doanh nghiệp, trong đó phấn đấu trên 50% có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi chính quyền điện tử.
Để việc xây dựng chính quyền điện tử thành công, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, các bộ, ngành Trung ương cần chủ động và hỗ trợ các địa phương để kết nối liên thông hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành với hệ thống chính quyền điện tử của các địa phương./.
Tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử  (30/10/2024)
Quảng Ninh phát triển nguồn nhân lực số, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững  (28/10/2024)
Quảng Ninh phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số  (28/10/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm