Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
TCCS - Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành, những năm gần đây, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng như kỳ vọng. Để vững bước trong tiến trình hội nhập kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thêm những giải pháp mang tính đột phá từ các cấp, ngành.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đã không ngừng phát triển, là nguồn tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trên tổng số 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90%. Do quy mô nhỏ nên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này luôn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, lao động, đổi mới công nghệ... Cùng với đó là trình độ quản lý còn yếu kém, trình độ công nghệ và sức sáng tạo thấp, sức cạnh tranh chưa cao, khả năng liên kết hợp tác tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh còn yếu. Do có sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hằng năm, đóng góp của khu vực doanh nghiệp này trong một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh còn thấp.
Nhận thấy rõ vai trò và những khó khăn, thách thức đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong các nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh, đó là thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ để giúp khu vực doanh nghiệp này nắm bắt những cơ hội kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức nhằm phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, từng bước thay đổi diện mạo và vị thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đặc biệt, sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa được tập trung hoàn thiện.
Cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 213 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục triển khai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tiễn. Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết việc làm mới cho 7.700 lao động/năm; GRDP tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10 - 15%; nộp ngân sách tăng 7 - 10%/năm
Sau khi đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 được phê duyệt, hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí cho các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các chuyên gia tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đề án đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc và Vĩnh Tường. Hằng năm, Sở đều triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ triển khai thực hiện nâng cao chỉ số năng lực canh tranh. Thông qua vận hành, quản lý hệ thống đường dây nóng, Sở đã tiếp nhận, điều phối xử lý tổng số 143 phản ánh, kiến nghị; thực hiện trên 60 kỳ gặp gỡ lãnh đạo tỉnh với hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham dự.
Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 3.300 doanh nghiệp được hỗ trợ các khoản vay ưu đãi với dư nợ đạt 53.000 tỷ đồng.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chủ động thay đổi tư duy, không ngừng đổi mới, đầu tư máy móc hiện đại, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đơn cử như Công ty cổ phần Tự động hóa DT Vina, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, dù mới đi vào hoạt động từ năm 2020, quy mô sản xuất còn hạn chế, song với định hướng đúng và sự đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu, các sản phẩm cơ khí chính xác của công ty đã chiếm được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước, từng bước xây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Để nâng cao quy trình sản xuất tự động hóa, năm 2023, được sự hướng dẫn, tư vấn của Trung tâm Phát triển công thương tỉnh, công ty đã triển khai thành công Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 170 triệu đồng.
Giám đốc Công ty cổ phần Tự động hóa DT Vina Đỗ Văn Đoàn khẳng định: “Việc đổi mới dây chuyền thiết bị và làm chủ công nghệ không chỉ bảo đảm độ chính xác đến từng chi tiết của sản phẩm mà còn giúp công ty giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, đáp ứng được các đơn hàng lớn. Cụ thể, sản lượng hiện tăng lên gấp đôi, từ 25 sản phẩm lên 50 sản phẩm/tháng; doanh thu tăng từ 500 triệu đồng lên 900 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng”.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu thu hút thêm từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư đến từ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, lao động, khoa học - công nghệ; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm khách hàng lớn./
Tỉnh Vĩnh Phúc: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử  (19/08/2024)
Nông dân Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu  (18/08/2024)
Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam  (10/03/2024)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt doanh nghiệp gia đình tiêu biểu  (04/11/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay