Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt doanh nghiệp gia đình tiêu biểu
TCCS - Ngày 3-11-2023, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước. Cùng dự cuộc gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ.
Các đại biểu đại diện doanh nghiệp gia đình tiêu biểu chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam đang tiến hành Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là nỗ lực khơi thông các động lực tăng trưởng cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn khởi khi Quốc hội đánh giá cao và tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các đại biểu đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tạo các cơ chế, diễn đàn để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thảo luận, đề xuất ý kiến với Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với tình cảm cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng các đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu nhân dịp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và đón nhận tin vui Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10-10-2023, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước; luôn khẳng định đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các quyết sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để phát triển doanh nghiệp dân tộc, chúng ta rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân. VCCI, Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung của Nghị quyết số 41-NQ/TW thông qua việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cũng đồng thời là văn hóa kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc Việt Nam.
Khẳng định mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố "bất biến’’ để ứng với "vạn biến" của tình hình kinh tế thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã luôn đồng hành cùng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời thông qua các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm… Nhờ vậy, nền kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát thấp so với các nước trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà trình độ, năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội cũng ngày càng được nâng cao. Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã phát triển lớn mạnh thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội luôn ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam phát triển và hoạt động của Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam; mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp gia đình quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, nâng cao trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và xứng tầm là những doanh nhân đại diện cho một đất nước Việt Nam phát triển, văn minh, hạnh phúc. Chủ tịch Quốc hội nêu bật tầm quan trọng của việc lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; xây dựng, thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh bản sắc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa kinh doanh quốc tế, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp gia đình thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp gia đình cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý VCCI thông qua Hội đồng Doanh nhân gia đình, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam; hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình để Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tập đoàn doanh nghiệp gia đình đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhấn mạnh sự đồng lòng, hợp sức vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2023 và cả năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Mông Cổ phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực  (03/11/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo Bác  (03/11/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Quân chủng Phòng không - Không quân  (20/10/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên