Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ cuối): Để báo chí định hướng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô
TCCS - Hơn 1 thập niên gần đây, mạng xã hội xuất hiện và phát triển bùng nổ đã tác động đến mọi ngõ ngách, lĩnh vực của đời sống con người. Bên cạnh những thuận lợi, tiện ích không cần bàn cãi, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cũng đưa đến những hệ lụy đáng quan ngại, bởi “sức công phá” của nó là rất nhanh chóng, rộng khắp, to lớn… Thông tin trên mạng xã hội xuất hiện ồ ạt, liên tục, vàng thau lẫn lộn; không ít thông tin mang tính lừa bịp, chống phá, nhất là những thông tin nhiều người quan tâm… Trước tình hình đó, báo chí chính thống cần phải định hướng dư luận một cách kịp thời, đúng đắn, chính xác, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của Thủ đô.
Vài nét về mạng xã hội
Mạng xã hội (tiếng Anh là Social Network) xuất hiện trên thế giới vào năm 2002 (Linkedin), nhưng thực sự bùng nổ vào năm 2004, khi Facebook ra đời rồi lần lượt là Twitter, Instagram, Myspace, Orkut, Hi5, Friendster, Youtube, Google+... Kể từ khi ra đời, với những tính năng vượt trội, mạng xã hội đã làm biến đổi sâu sắc đời sống của con người trên tất cả các lĩnh vực, như: Văn hóa, kinh tế - xã hội đến an ninh (truyền thống và phi truyền thống), chính trị, thậm chí số phận của cả một quốc gia (ví như trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả-rập” xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông từ hơn 1 thập niên trước). Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – một cuộc cách mạng sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, kết hợp các công nghệ lại với nhau – mạng xã hội còn có những tác động rõ rệt, sâu sắc hơn nữa. Vậy, mạng xã hội là gì mà sức mạnh của nó lại khủng khiếp, khuynh đảo đến như vậy?
Trên thế giới tồn tại khá nhiều định nghĩa khác nhau về mạng xã hội, tùy theo cách tiếp cận trên bình diện, lĩnh vực khoa học cụ thể nào đó… Từ điển Oxford định nghĩa: “Mạng xã hội là một trang mạng chuyên dụng hoặc kết hợp những ứng dụng khác nhau, cho phép người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách gửi chia sẻ thông tin, bình luận, tin nhắn, hình ảnh”. Nhà nghiên cứu người Mỹ, P. G. Pác (Peggy J. Parks) quan niệm: “Mạng xã hội trực tuyến đề cập đến những trang mạng tương tác, nơi mọi người có thể đưa lên thông tin cá nhân, kết bạn, xem danh sách bạn bè trực tuyến, hay đăng tải hình ảnh, video và giao tiếp với những người khác” .
Tại Việt Nam, Nghị định số 97/2998/NĐ-CP, ngày 28-8-2008, của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên internet, quan niệm, “dịch vụ mạng xã hội trực tuyến là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chat) và các hình thức tương tự khác”. Tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, quy định rằng: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”…
Từ những quan niệm kể trên, có thể cho rằng, mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian; là công cụ để “cư dân mạng” sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chat)…
Thực tế, mạng xã hội kết nối các thành viên và chia sẻ thông tin rất mạnh mẽ, phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, giới tính... Khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, mạng xã hội càng tăng thêm những ứng dụng hữu ích trong việc truyền tải thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Chữ viết, hình ảnh, giọng nói, video, thậm chí như một “đài truyền hình” cá nhân và có nhiều sự tương tác, phản hồi, bày tỏ quan điểm, chính kiến,… của những người tham gia. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có khả năng tích hợp các ứng dụng mở, các công cụ tương tác và tạo ra nguồn thông tin và lan truyền với tốc độ chóng mặt, tùy theo nội dung thông tin được đăng tải…
Có thể khẳng định rằng, với nhiều tính năng dễ sử dụng, sự tiện lợi, mạng xã hội đổi mới hoàn toàn cách người dùng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người trên thế giới… Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội thuộc mọi lĩnh vực khác nhau ngày càng xuất hiện ồ ạt, dày đặc, nhưng cũng không dễ dàng kiểm chứng. Điều đáng chú ý là sự lan truyền thông tin thật - giả, tốt - xấu,… cũng hết sức nhanh chóng. Những thông tin tìm kiếm, thu thập được trên mạng xã hội giúp ích cho mỗi cá nhân, liên quan trực tiếp đến các nhu cầu kết bạn, vui chơi, học hành, giải trí, công việc,… mà mỗi người cần đến. Rộng lớn hơn, nó còn giúp ích về nhiều mặt cho các nhóm, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, thậm chí quốc gia nếu như việc sử dụng mạng xã hội được xây dựng, vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích kể trên, mạng xã hội cũng có những mặt trái nhất định, nếu người dùng không hiệu quả, thiếu khoa học, thiếu ý thức, thậm chí cố tình lợi ích vào mục đích không tốt.
Theo thống kê, đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là nhóm tuổi từ 15 đến 40, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người đang đi làm (đặc biệt là lao động trí óc). Báo cáo về Xu hướng đa nền tảng tại Việt Nam 2015 của Nielsen (Nielsen Vietnam Cross-Platform Insights Report 2015) công bố vào tháng 6-2016 đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về cách người Việt Nam truy cập nội dung số như thế nào trong môi trường đa nền tảng hiện nay. Theo báo cáo của Nielsen, trung bình người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á sử dụng khoảng 3 ngày làm việc để vào mạng internet mỗi tuần. Trong đó, người Việt Nam trung bình sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến hằng tuần, tăng 9 giờ so với năm 2014. Xét chi tiết, tại Việt Nam nhóm người tiêu dùng độ tuổi từ 21 đến 29 dành nhiều thời gian nhất để vào mạng, lên đến 27,2 giờ mỗi tuần; tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Tiếp đến là nhóm nhóm tuổi từ 40 trở lên, trung bình khoảng 22,6 giờ/tuần. Trong đó, 31% số người Việt Nam thường xuyên truy cập internet bằng điện thoại thông minh và 38% sử dụng máy tính xách tay... Sự phát triển nhanh chóng số lượng người tham gia mạng internet cũng như mạng xã hội sẽ khiến “văn hóa mạng” có những đổi thay nhất định, đặc biệt khi thế hệ trẻ sử dụng mạng ngày càng nhiều, cả về số lượng lẫn thời gian lên mạng. Mới đây nhất, theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1-2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng in-tơ-nét, tương đương với 79,1% tổng dân số, có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% tổng dân số. Phân tích chỉ ra rằng, số người dùng internet ở Việt Nam đã tăng 5,3 triệu (+7,3%) từ năm 2022 đến năm 2023. Trong khi đó, dữ liệu được công bố trên các công cụ lập kế hoạch quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội hàng đầu cho thấy, có 64,4 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội, tương đương với 89% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên. Nhìn rộng hơn, có 89,8% tổng số người dùng internet (không phân biệt độ tuổi) đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội vào tháng 1-2023, với 50,6% số người dùng mạng xã hội là nữ, 49,4% là nam…
Báo chí cần làm gì để định hướng dư luận một cách hiệu quả?
Như trên đã đề cập, sức lan tỏa, “công phá” của mạng xã hội thực sự rất lớn, khó lường. Bản thân báo chí cũng bị tác động mạnh mẽ, phải có những sự điều chỉnh kịp thời, quan trọng để thích ứng với môi trường “bùng nổ” mạng xã hội, bởi ngay cả việc thông tin - chức năng quan trọng nhất của báo chí - cũng bị tác động, suy giảm đáng kể vai trò đưa tin tức thời sự kịp thời, cập nhật. Điều dễ nhận thấy là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bùng nổ internet, hầu hết các cơ quan báo in đều xuất bản thêm trang thông tin điện tử, hoặc báo mạng điện tử để cập nhật tin nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là các thông tin chính thống, sự kiện mà người dân không thể tham dự, tiếp cận từ đầu nguồn, đúng bản chất. Tuy nhiên, việc đưa tin nhanh nhất cũng không thể vượt trước mạng xã hội, bởi dù là cơ quan báo chí có quy mô lớn thế nào, đội ngũ phóng viên, biên tập viên rộng khắp đến đâu cũng không thể “rải” khắp nơi như các “nhà báo công dân”, những người sử dụng mạng xã hội…
Tuy nhiên, sự “bùng nổ” của mạng xã hội không chỉ đem đến những khó khăn, thách thức cho báo chí. Đó cũng là cơ hội để báo chí nhìn lại, điều chỉnh mình, tìm hướng đi phù hợp. Trong môi trường thông tin ngập tràn, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn, đặc biệt trong việc truyền tải những thông tin chân xác, có ích, phục vụ lợi ích của số đông, của cộng đồng cũng như đất nước. Qua chuyến đi thực tế tại một số địa bàn trên thành phố Hà Nội gần đây như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, các đồng chí lãnh đạo địa phương đều khẳng định vai trò quan trọng, tiên quyết của báo chí chính thống trong việc chuyển tải thông tin nhằm giúp định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô. Trong môi trường bùng nổ thông tin trên nền tảng số, mạng xã hội; báo chí cần và phải định hướng thông tin bằng nhiều cách khác nhau để góp phần quan trọng giúp bạn đọc hiểu đúng, đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các vấn đề, sự kiện lớn đang diễn ra, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân để tạo sự đồng thuận xã hội. Để góp phần định hướng dư luận trong bối cảnh hiện nay, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô, báo chí cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, báo chí phải thực sự là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, giữ vai trò phản ánh và hướng dẫn, định hướng dư luận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, chuẩn xác, khách quan, chân thật. Để từ đó, công chúng có được nhận thức đúng đắn để không bị phân tán tư tưởng, có những hành động chuẩn xác, kịp thời, tránh sa vào những “cái bẫy” của các thế lực thù địch, ở những cấp độ khác nhau, không gây hoang mang dư luận… Ở những sự kiện, sự việc thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng (mà còn ý kiến trái chiều), báo chí cần chủ động đi trước, thông tin kịp thời mang tính phân tích, bình luận, lý giải,… giúp bạn đọc hiểu đúng bản chất vấn đề, dễ thống nhất trong nhận thức, từ đó điều hòa, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội cao.
Thứ hai, trong môi trường mạng xã hội chứa đựng nhiều thông tin thật - giả, tốt - xấu, xây dựng - chống phá…; báo chí cần lắng lại để thẩm định thông tin, không vội vã chạy theo nguồn tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội để đăng tải, như vậy sẽ vô tình tiếp tay cho sự lan tỏa của tin giả trên mọi lĩnh vực, gây những hậu quả khôn lường. Báo chí cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để phân tích, bình luận, lý giải thông tin một cách khách quan, sâu sắc, đa chiều, giúp công chúng thấy được bản chất của thông tin, rõ sự thật, tránh để mạng xã hội “dắt mũi”. Cả nhà báo lẫn công chúng đều phải thẩm định, lựa chọn nguồn tin khổng lồ trên mạng bằng sự am hiểu, bằng lý trí với sự sàng lọc nghi ngờ, phân tích, thẩm định có cơ sở chứ không phải bằng trái tim cảm tính một cách vội vã, theo đám đông…
Thứ ba, theo nhiều nhà nghiên cứu báo chí, cơ sở quan trọng nhất để tạo nên dư luận xã hội, đồng thuận xã hội chính là lợi ích, lợi ích cơ bản của số đông, chứ không phải của nhóm người nào đó. Nói tóm lại, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tạo mọi điều kiện tốt nhất, cao nhất có thể để bảo đảm quyền lợi của nhân dân. Chính vì vậy, muốn tạo sự đồng thuận, định hướng, dẫn dắt dư luận thì phải bảo đảm thông tin đó là có lợi cho số đông, cho cái chung, chứ không phải là những thông tin không thuyết phục, thiếu kiểm chứng, thậm chí bóp méo sự thật để phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ, hay cá nhân nào đó. Dư luận xã hội ấy, sự đồng thuận xã hội ấy cũng phải trên cơ sở đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu, tâm lý của nhân dân thì mới có thể quy tụ, thống nhất suy nghĩ, hành động để đạt được mục tiêu và định hướng phát triển, đem lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng cũng như mỗi người. Và khi ấy, lợi ích tập thể, quốc gia được đặt lên hàng đầu, hài hòa giữa lợi ích của cá nhân, cũng như đất nước. Báo chí muốn góp phần định hướng dư luận xã hội cần bám sát những nguyên tắc thông tin như vậy, để dễ định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Thứ tư, các cơ quan báo chí cần liên tục đổi mới, thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức chuyển tải thông tin sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, những tiến bộ thời đại để có thể đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu hưởng thụ thông tin ngày một cao của công chúng. Bản thân những người làm báo, các cơ quan báo chí phải luôn nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, phải có bản lĩnh và lập trường vững vàng trong quá trình hoạt động, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm thông tin luôn được chính xác, kịp thời, khách quan, mang tính định hướng, phục vụ một cách hiệu quả nhất sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và Tổ quốc. Bên cạnh đó, việc thường xuyên trau dồi nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cũng hết sức quan trọng…
Thứ năm, cần cân đối thông tin trên báo chí một cách hài hòa, hợp lý, tránh thiên về mặt trái, cái xấu; cần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phản ánh cái tốt đẹp, tích cực nhưng cũng không bỏ qua cái hạn chế, khuyết điểm. Cần biểu dương nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những tấm gương tiêu biểu, những tấm lòng nhân ái một cách kịp thời, song không thể “làm ngơ” trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Báo chí cần cung cấp thông tin có định hướng, mang tính xây dựng, cần đấu tranh kịp thời với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch một cách thuyết phục, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, “thấu tình, đạt lý”.
Thứ sáu, báo chí cần thiết phải khắc phục những hạn chế về tốc độ đưa tin, đưa tin thiếu chính xác, sai sự thật, suy diễn, quy chụp tùy tiện, thiếu căn cứ,… khiến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội bức xúc. Báo chí cần đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực theo hướng xây dựng, góp phần giúp Thủ đô tốt đẹp hơn, chứ không phải là tình trạng dọa nạt, xin xỏ, “đánh hội đồng”, đánh lấy được… Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tránh lạm dụng khuynh hướng “thương mại hóa”, chạy theo thị hiếu tầm thường,… của một bộ phận không nhỏ công chúng…, đi ngược lại lợi ích của tập thể, số đông. Báo chí cần thông tin khách quan, chuẩn mực, dễ hiểu, trí tuệ, bản chất để góp phần quy tụ lòng người, thống nhất dư luận xã hội trên cả hai bình diện nhận thức và hành động để đồng thuận thực hiện được mục tiêu và định hướng phát triển, đem lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng và cho bạn đọc…
Tóm lại, trong môi trường “bùng nổ” mạng xã hội hiện nay, báo chí nói chung, báo chí Hà Nội nói riêng cần thay đổi để xóa nhòa những hạn chế, khó khăn, thách thức, đồng thời không ngừng đổi mới về nhiều mặt để phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; kịp thời phát hiện cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tăng cường thông tin tuyên truyền đối nội và đối ngoại, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí,… góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung phát triển nhanh chóng, vững bền./.
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 3): Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả  (12/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 2): Chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo  (05/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 1): Truyền thông và sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/05/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Hà Nội tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô  (30/03/2023)
Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay  (19/03/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển