Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với mô hình “làng thông minh” ở tỉnh Bình Dương
TCCS - “Làng thông minh” là mô hình cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương bước đầu triển khai mô hình “làng thông minh” thành công, từng bước tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Là một tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao; GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%, song tỉnh Bình Dương có những điều kiện tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách cụ thể nhằm triển khai Quyết định số 575/QĐ-TTg, ngày 4-5-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngay từ năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2016 - 2020, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80 - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 80 phương án được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh ký hợp đồng tín dụng với tổng vốn phê duyệt 610 tỷ đồng, trong đó đã tiến hành giải ngân theo tiến độ thực hiện được 542,6 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp công nghệ cao tại phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên)..., với sự đa dạng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều loại máy móc cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi... Tỉnh cũng chú trọng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp: Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết để cắt giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp… Tiếp nối thành quả giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh cho các loại cây trồng chủ lực, như cao su, hồ tiêu, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa,...
Với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc thù, có lợi thế, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 116 trang trại được chứng nhận VietGAP, trong đó, lĩnh vực trồng trọt là 80 trang trại với tổng diện tích khoảng 500ha, chăn nuôi là 36 trang trại. Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 5.763ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172ha, với nhiều loại cây trồng có giá trị, như rau, nấm, các loại cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh..., được ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, như giống chất lượng cao, nhà lưới, tưới tự động, điều khiển ra hoa trái vụ... Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 133 trang trại đầu tư nuôi gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn trên 7,6 triệu con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 152 trang trại với tổng đàn gần 466 ngàn con, chiếm 73% tổng đàn; vịt thịt có 10 trang trại với tổng đàn 121 ngàn con; bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 800 con.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở huyện Phú Giáo được tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt đề án từ năm 2009 với tổng diện tích thực hiện dự án hơn 410ha, đến nay đã tổ chức sản xuất 100% diện tích. Sau thời gian chọn lọc thử nghiệm, khu nông nghiệp này đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng có lợi thế so sánh, có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng được mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, như cây chuối già hương được trồng với tổng diện tích hơn 195ha, năng suất bình quân là 50 tấn/năm, lợi nhuận bình quân hơn 150 triệu đồng/ha/năm, trong đó, thị trường tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại 50% xuất khẩu sang thị trường các nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, 66ha chuối được chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGAP. Dưa lưới (giống dưa lấy từ Hà Lan, Israel và Nhật Bản) được trồng với tổng diện tích gần 12ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha/năm, được tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất cao, quy trình chặt chẽ và ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại (trồng trong nhà màng, hệ thống tưới và bón phân được lập trình, điều khiển bằng máy tính). Các loại cây có múi (chủ yếu là bưởi da xanh và cam sành) được trồng trên diện tích gần 125ha, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, được trang bị hệ thống tưới tự động và bán tự động, trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng những chế phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện với môi trường. Cây nhãn (diện tích gần 12ha) được trồng từ năm 2015 với hai giống nhãn Edaw và thanh nhãn, trong đó, nhãn Edaw có nguồn gốc Thái Lan hiện là giống nhãn có nhu cầu xuất khẩu lớn nhất thế giới, còn thanh nhãn là một giống nhãn mới của Việt Nam, có những ưu điểm vượt trội, như cơm dày, ráo, thơm, hạt nhỏ. Dự án được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, đạt tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó, hiện nay, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đang trồng thử nghiệm cây bơ với diện tích gần 2ha, sử dụng giống bơ mới có khả năng chịu nhiệt, do Viện Cây ăn quả miền Nam chọn lọc, kết quả ban đầu rất khả quan, khả năng đậu trái và chất lượng sản phẩm tốt.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với mô hình “làng thông minh”
Theo Quyết định số 2949/QĐ-UBND, ngày 2-10-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên giai đoạn 2020 - 2025, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng “làng thông minh” và cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Bình Dương sẽ có “làng thông minh” đầu tiên.
Từ năm 2010, xã Bạch Đằng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014). Xã Bạch Đằng trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh (kết cấu hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang). Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng căn cứ các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và các nhóm vấn đề trọng tâm về “Xây dựng làng thông minh”, tổ chức xây dựng đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025, trình Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên thẩm định, phê duyệt làm cơ sở để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Sau khi đề án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng chỉ đạo các ban phát triển ấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách, nội dung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và “làng thông minh” đến từng hộ dân trên địa bàn xã tham gia thực hiện, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nói chung, “làng thông minh” nói riêng; qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng; huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lồng ghép các nội dung thí điểm “làng thông minh”, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng trong quá trình triển khai, thực hiện; thu hút và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có tiềm năng tham gia các dự án, các hoạt động xây dựng và triển khai thực hiện “làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh” theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. “Làng thông minh” theo mô hình được xây dựng tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục,… Trong tương lai, đây sẽ là nơi đạt các chỉ tiêu như thân thiện với thiên nhiên, môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, vừa phát triển du lịch sinh thái, trở thành một “biểu tượng xanh” cho tỉnh Bình Dương, con người thân thiện, hòa hợp cùng tự nhiên trong không gian xanh. Bên cạnh đó, những ứng dụng trong công nghệ thông tin sẽ được đưa vào quá trình quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh của cộng đồng dân cư và hỗ trợ cơ quan nhà nước trên địa bàn xã Bạch Đằng. Các hạng mục điển hình là hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, hệ thống thoát nước, camera an ninh, cây xanh hai bên đường giao thông… sẽ được xây dựng; rác thải, nước thải cũng sẽ có phương án thu gom và xử lý. Cảnh quan không gian xanh, sạch, đẹp được chú trọng xây dựng và duy trì.
Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh trong tương lai ở tỉnh Bình Dương, bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Đây là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn, kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị xanh. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới phát triển hệ thống giao thông gắn với cải tạo cảnh quan, môi trường sống cho nhân dân; ứng dụng hệ thống chiếu sáng hiện đại (đèn led tiết kiệm năng lượng hoặc đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời); lắp đặt camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng để tăng cường giám sát an ninh trên địa bàn xã; phát triển hệ thống cây xanh ở các tuyến đường giao thông. Dự kiến đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh. Địa phương sẽ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên toàn xã, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin. Thiết lập và hoàn thiện mô hình liên kết 3 nhà (Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu), tăng cường sự tham gia hợp tác trong quá trình giải quyết các vấn đề cấp thiết của cộng đồng; tích hợp các dự án có liên quan đến kế hoạch phát triển “Làng thông minh” để tạo sự kết nối đồng bộ với kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong giải quyết các vấn đề của cộng đồng tại địa phương.
Về môi trường, định hướng đến cuối năm 2025, trên 90% rác thải, nước thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp được phân loại tại nguồn và được thu gom xử lý theo đúng quy định. Về sản xuất, nắm bắt cơ hội mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy ưu thế của tỉnh Bình Dương, xã tiếp tục thu hút nguồn lực, tiếp cận các cơ hội đầu tư mới phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết (tập trung các sản phẩm chủ lực của xã, như bưởi, lúa, rau thủy canh và sinh vật cảnh). Ứng dụng quản lý trang trại nông nghiệp thông minh trong các khâu sản xuất (giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng các quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng; chia sẻ thông tin thị trường đầu vào và đầu ra sản phẩm cho các thành viên, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến, kết nối kênh cung cấp thông tin về các sự kiện liên quan đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước để người sản xuất dễ dàng tiếp cận. Quá trình đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng được định hướng gắn kết với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng./.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa  (13/09/2022)
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Bình Dương  (14/08/2022)
Tỉnh Bình Dương phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển  (19/07/2022)
Phát huy vốn văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội hiện nay  (15/06/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay