Những bước chuyển mới trong cục diện khu vực Trung Đông
TCCS - Với vị trí địa - chiến lược trọng yếu cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Trung Đông từ lâu đã trở thành một trong những địa bàn xung đột và tranh giành ảnh hưởng “nóng” nhất trên thế giới. Sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới cục diện chính trị - an ninh Trung Đông, báo hiệu một tương lai đầy bất ổn đối với khu vực được cho là phức tạp và khó lường nhất thế giới này.
Thay đổi chính quyền và chính sách phát triển của các nước lớn trong khu vực
Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt giữa các nước lớn đã và đang đẩy nhanh việc định hình một cục diện thế giới mới. Trong dòng chảy chung đó, Trung Đông cũng đối mặt nhiều thách thức. Các quốc gia trong khu vực, nhất là các quốc gia “chủ chốt”, bao gồm I-ran, I-xra-en và A-rập Xê-út đã và đang có những điều chỉnh lớn trong đường lối phát triển để có thể thay đổi và định hình một cục diện hợp tác, cạnh tranh mới tại khu vực Trung Đông.
Tại I-ran, sau những chính sách cải cách thiếu hiệu quả cả về kinh tế, chính trị và đối ngoại, chính quyền của Tổng thống I-ran Hát-xan Rô-ha-ni đã đánh mất uy tín và vị thế của mình trên chính trường(1). Phe bảo thủ liên tiếp giành chiến thắng áp đảo từ kỳ bầu cử Quốc hội I-ran (tháng 3-2021) cho tới cuộc bầu cử Tổng thống I-ran (tháng 6-2021) quay trở lại cầm quyền toàn diện trên cả ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với sự tín nhiệm từ Lãnh tụ tối cao A-li Kha-me-ni, ông E-bra-him Rai-xi - ứng cử viên theo đường lối cứng rắn - đã dễ dàng giành chiến thắng và chính thức trở thành tân Tổng thống I-ran kể từ tháng 8-2021. Về đối nội, chính quyền mới của Tổng thống I-ran E. Rai-xi thực hiện một số điều chỉnh, tập trung: 1- Phục hồi, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, vốn bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và chịu ảnh hưởng bởi tham nhũng, quản lý yếu kém cùng dịch bệnh COVID-19(2); 2- Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ, thúc đẩy công nghiệp du lịch, đa dạng nguồn ngoại hối; 3- Coi việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo là vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia - dân tộc nên không thể nhượng bộ, duy trì sức mạnh tại khu vực. Về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống I-ran E. Rai-xi thực hiện đường lối cứng rắn hơn so với chính quyền tiền nhiệm, đó là: 1- Cứng rắn hơn đối với Mỹ, phương Tây và I-xra-en, không lệ thuộc vào Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân I-ran năm 2015); 2- Đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa Hồi giáo I-ran, góp phần tuyên truyền cho thế giới Hồi giáo; 3- Tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, bảo vệ an ninh từ xa; 4- Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và thương mại quốc tế(3), thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đa dạng nguồn ngoại tệ; 5- Thúc đẩy chính sách đối ngoại hướng Đông, tập trung vào các quốc gia láng giềng và các nước châu Á, nhất là Trung Quốc và Nga.
Tại I-xra-en, Chính phủ liên minh của tám đảng(4) đã được thành lập sau thời gian dài đàm phán, chấm dứt 12 năm cầm quyền của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu. Lần đầu tiên, Chính phủ I-xra-en có sự góp mặt của một đảng A-rập tham gia liên minh cầm quyền (Đảng Danh sách A-rập đoàn kết Ra’am) và có sự kết hợp đa dạng nhất từ các đảng chính trị với hai đảng cánh tả (Công Đảng và Meretz), hai đảng trung dung (Yesh Atid và Xanh - Trắng), ba đảng cánh hữu (Yamina, Hy vọng mới và Yisrael Beiteinu) và Đảng Ra’am Hồi giáo bảo thủ. Trong nhiệm kỳ bốn năm, vị trí tân Thủ tướng I-xra-en sẽ do ông Náp-ta-li Ben-nét và Yai La-pít thay nhau đảm nhiệm. Chính phủ mới có một số điều chỉnh quan trọng so với chính quyền tiền nhiệm, nhất là về vấn đề đối ngoại. Theo đó, chính quyền của Thủ tướng I-xra-en tập trung: 1- Củng cố và tăng cường quan hệ với Mỹ bất chấp một số bất đồng(5); 2- Từ chối đàm phán hòa bình với Pa-le-xtin, cứng rắn hơn với những yêu cầu của các lực lượng như Hamas, mở rộng xây dựng các công trình ở khu vực Bờ Tây; 3- Cạnh tranh quyết liệt hơn với I-ran khi cho rằng I-ran gần đạt được điểm quan trọng trong chương trình hạt nhân; 4- Tích cực, chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia A-rập trong khu vực, hình thành liên minh nhằm chống lại sự ảnh hưởng của I-ran; 5- Nâng cao hình ảnh của I-xra-en trên trường quốc tế trong bối cảnh ngày càng nhiều tổ chức đưa ra các báo cáo bất lợi cho I-xra-en, nhất là về vấn đề nhân quyền.
Tại A-rập Xê-út, Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách đất nước với trọng tâm xây dựng nền kinh tế phi dầu mỏ thông qua Tầm nhìn năm 2030, khẳng định vị thế nền kinh tế lớn nhất khu vực, trung tâm của thế giới Hồi giáo dòng Xăn-ni. Trong bối cảnh Mỹ đang giảm dần sự hiện diện của mình tại khu vực và sự cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực ngày càng gay gắt, A-rập Xê-út buộc phải đề cao tính “tự chủ” trong chính sách phát triển và đường lối đối ngoại cũng như tăng cường tiềm lực quân sự. Trong nhiều năm, A-rập Xê-út luôn nằm trong nhóm các quốc gia có kinh phí đầu tư cho quân sự nhiều nhất trên thế giới. Năm 2020, A-rập Xê-út chi tới 57,5 tỷ USD cho quân sự, đứng thứ sáu trên thế giới(6). Chính quyền A-rập Xê-út đã đưa ra một số điều chỉnh chính sách đối ngoại đáng chú ý như: 1- Bình thường hóa quan hệ với Ca-ta vào đầu năm 2021, khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ kéo dài hơn ba năm qua tại khu vực Vùng Vịnh; 2- Đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Houthi trong cuộc nội chiến tại Y-ê-men; 3- Tăng cường quan hệ với I-rắc, bảo đảm vùng đệm vững chắc trước nguy cơ an ninh từ I-ran; 4- Thúc đẩy quan hệ với I-ran, bảo đảm cân bằng chiến lược tại khu vực. Đặc biệt, khác với I-xra-en và I-ran, với lợi thế riêng, A-rập Xê-út vừa duy trì, vừa tăng cường củng cố quan hệ tốt đẹp đối với cả Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông của các nước lớn
Cùng với sự thay đổi trong chính sách phát triển của các nước lớn trong khu vực, thời gian qua, cục diện khu vực Trung Đông cũng chứng kiến bước chuyển lớn trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới. Mỹ giảm dần can dự trên thực địa, nhất là về quân sự; Trung Quốc, Nga đẩy mạnh ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự, tăng cường can dự để lấp dần những khoảng trống, đã tác động lớn tới cục diện và cán cân lực lượng tại khu vực.
Với Mỹ, mặc dù không còn là ưu tiên hàng đầu, song khu vực Trung Đông vẫn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại - an ninh của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cơ bản vẫn duy trì các mục tiêu cốt lõi của chính quyền tiền nhiệm, như: 1- Bảo đảm an ninh cho các đồng minh, kiềm chế sự trỗi dậy của I-ran; 2- Duy trì các lợi ích kinh tế, quân sự, an ninh chiến lược tại khu vực. Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về “Xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế”, trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung Đông chiếm khoảng 47% số thỏa thuận mua vũ khí của Mỹ, góp phần quan trọng giúp Mỹ khẳng định vị trí số một về xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng thực hiện một số thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với khu vực, như: 1- Quyết liệt hoàn thành việc rút quân và giảm dần can dự quân sự như tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc; 2- Tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực, như I-xra-en, A-rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) thông qua hợp tác về quân sự, kinh tế bất chấp một số khác biệt; 3- Coi trọng giải quyết các vấn đề khu vực thông qua các biện pháp ngoại giao. Trong giải quyết vấn đề xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn quyết định nối lại viện trợ cho người dân Pa-le-xtin, khẳng định giải pháp “hai nhà nước” thông qua đàm phán là con đường khả thi nhất để đạt được nghị quyết lâu dài cho xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng rất coi trọng vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của I-ran, một mặt, tích cực đàm phán nối lại JCPOA; mặt khác, tiếp tục thực hiện chiến thuật kiềm tỏa, buộc I-ran phải nhượng bộ. Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng I-xra-en Náp-ta-li Ben-nét vào tháng 8-2021, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn khẳng định sẽ bảo đảm I-ran không thể sản xuất được bất kỳ một vũ khí hạt nhân nào và Mỹ sẽ xem xét triển khai các bước kiềm chế hành động gây nguy hiểm tới khu vực của I-ran.
Với Trung Quốc, khi Mỹ giảm dần sự hiện diện tại khu vực, Trung Quốc ngày càng quyết tâm đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực, như: 1- Bảo đảm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt giá rẻ từ Trung Đông; 2- Hoàn thiện hơn nữa mạng lưới Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) qua khu vực Trung Đông tới châu Phi, châu Âu, tạo thế trong cạnh tranh nước lớn; 3- Tập hợp lực lượng, tìm kiếm sự ủng hộ chính trị của các nước lớn trong khu vực, như I-ran, A-rập Xê-út, UAE. Về chính trị, Trung Quốc tập trung: 1- Đẩy mạnh trao đổi đoàn, điện đàm cấp cao với lãnh đạo các quốc gia trong khu vực; 2- Ký kết các thỏa thuận hợp tác lâu dài, tăng cường đồng thuận chính trị với “Sáng kiến 5 điểm” để giữ vững an ninh, ổn định và hòa bình lâu dài tại khu vực Trung Đông; 3- Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các quốc gia khu vực thông qua một số cơ chế như Diễn đàn phát triển và cải cách A-rập - Trung Quốc, Diễn đàn An ninh Trung Đông năm 2021. Trung Quốc cho biết sẵn sàng làm trung gian giải quyết các vấn đề còn tồn tại của khu vực, như xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, ủng hộ sáng kiến của A-rập Xê-út nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Y-ê-men. Về kinh tế, Trung Quốc tập trung: 1- Đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ BRI phù hợp với chiến lược phát triển của các quốc gia khu vực; 2- Tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số, củng cố vị thế là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông. Đồng thời, với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc tích cực hỗ trợ vắc-xin và nhiều trang thiết bị y tế giúp các quốc gia khu vực nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng thắt chặt “vòng vây” kiềm tỏa sự vươn lên của Trung Quốc, Trung Đông sẽ tiếp tục đóng vai trò huyết mạch trong chiến lược “phá vây” của Trung Quốc, hứa hẹn sẽ có những bước tiến vượt bậc trong quan hệ hai bên thời gian tới.
Với Nga, khu vực Trung Đông ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại - an ninh của Nga. Từ vị trí “rất quan trọng với lợi ích của Nga” trong “Học thuyết chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” năm 2000, Trung Đông trở thành khu vực có vị trí “chiến lược quan trọng đối với lợi ích của Nga” trong “Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” năm 2008. Năm 2016, với mong muốn thể hiện rõ vị thế cường quốc tại khu vực Trung Đông, Nga đưa ra chủ trương “khẳng định vị thế cường quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực” trong Học thuyết chính sách đối ngoại(7). Với chiến lược đúng đắn, linh hoạt và thực dụng, thông qua trục quan hệ I-ran, I-xra-en, A-rập Xê-út, Nga ngày càng củng cố được vị thế cường quốc trong xử lý các vấn đề khu vực, bảo đảm các lợi ích chiến lược, như: 1- Vị thế nước lớn của Nga; 2- An ninh khu vực phía Tây Nam trước sự mở rộng mạng lưới quân sự của phương Tây do Mỹ đứng đầu; 3- Thu hút nguồn lực bên ngoài trong bối cảnh vẫn bị phương Tây cấm vận. Trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Nga vào ngày 22-10-2021, Thủ tướng I-xra-en N. Ben-nét nhấn mạnh “Nga có vai trò rất quan trọng tại khu vực Trung Đông”(8). Tiến trình giải quyết khủng hoảng Xy-ri do Nga bảo trợ thông qua các Hội nghị Át-xta-na, Xô-chi đã và đang cho thấy hiệu quả thiết thực hơn rất nhiều so với các cuộc đàm phán ở thành phố Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) do Mỹ và các nước đồng minh dẫn dắt. Thành tựu này cùng với sự “lạnh nhạt” của Mỹ đã thúc đẩy Nga tăng cường can dự hơn nữa tại khu vực Trung Đông, thông qua các mối quan hệ đan xen đối với cả I-ran, Xy-ri, A-rập Xê-út và I-xra-en, góp phần kiến tạo hòa bình cho một số “điểm nóng” của khu vực, như xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, vấn đề hạt nhân I-ran, nội chiến tại Y-ê-men(9) và khủng hoảng kinh tế - chính trị tại Li-băng(10), bảo đảm vị thế và các lợi ích chiến lược của Nga tại khu vực. Trong bối cảnh bạo lực leo thang giữa I-xra-en và Ha-mát tại khu vực Bờ Tây, ngày 31-5-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Vích-tô-rô-vích La-vơ-rốp cho biết, cả I-xra-en và Pa-le-xtin đều bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán dưới sự trung gian dẫn dắt của Nga(11).
Các “điểm nóng” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Thời gian qua, mặc dù xuất hiện một số tín hiệu tích cực với xu hướng hòa dịu hơn trong quan hệ giữa các nước lớn tại khu vực, trên cơ sở quan hệ có phần “nồng ấm” giữa I-xra-en và các nước A-rập, A-rập Xê-út và I-ran, song nhìn chung, Trung Đông tiếp tục được đánh giá là khu vực tồn tại nhiều phức tạp, khó lường nhất trên thế giới với các “điểm nóng” âm ỉ.
Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục rơi vào bế tắc nghiêm trọng khi xung đột giữa I-xra-en - Pa-le-xtin ngày càng gia tăng. Bên cạnh tiến triển tích cực từ mối quan hệ có phần “nồng ấm” của I-xra-en với một số quốc gia A-rập trong khu vực, như UAE, Ba-ranh, dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ, quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin rơi xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra giữa I-xra-en với Pa-le-xtin, Li-băng và Xy-ri khiến an ninh khu vực rơi vào tình trạng báo động. Bạo lực leo thang giữa I-xra-en và lực lượng Ha-mát tại Dải Ga-da vào tháng 5-2021 là cuộc đối đầu quân sự dữ dội nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 2014. Trong khi I-xra-en ngày càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “sự đã rồi” với việc mở rộng và củng cố các khu định cư, Pa-le-xtin đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong cuộc đấu tranh để được công nhận là một nhà nước đầy đủ với đường biên giới trước năm 1967 và Thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem. Dưới tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và bất đồng nội bộ ngày càng lớn, Pa-le-xtin vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các đại diện cho người Pa-le-xtin trong công cuộc giải quyết xung đột với I-xra-en. Chính quyền Pa-le-xtin đã phải hoãn tổ chức bầu cử (được dự kiến tổ chức vào tháng 5-2021), mặc dù luôn đứng trước yêu cầu cải tổ. Tương lai về một khu vực Trung Đông hòa bình tiếp tục là chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của I-xra-en và Pa-le-xtin mà còn của cả Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các cường quốc thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nga với những sáng kiến, biện pháp thực chất thay vì những tuyên bố mang nặng tính “hình thức”.
Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân I-ran mặc dù được nối lại đàm phán sau thời gian dài đình trệ, song sớm rơi vào bế tắc trong bối cảnh I-ran đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất làm giàu uranium(12). Dưới sự trung gian và hỗ trợ tích cực của EU, Nga và Trung Quốc, đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân I-ran đã nối lại tại Thủ đô Viên của Áo vào tháng 4-2021 với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau 6 vòng đàm phán tích cực, các bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thực chất. Sự cứng rắn của cả Mỹ và I-ran về những vấn đề cốt lõi là trở ngại khó vượt qua, đòi hỏi sự nhượng bộ thực chất hơn từ cả hai phía. Trong khi Mỹ muốn I-ran tuân thủ trở lại các cam kết trong Thỏa thuận trước khi chấp nhận xóa bỏ hoàn toàn những lệnh trừng phạt, thì phía I-ran lại mong muốn điều ngược lại. Việc chính quyền của Tổng thống I-ran E. Rai-xi chủ trương “không lệ thuộc vào JCPOA, không chịu sức ép của phương Tây và đàm phán thực chất vì lợi ích của nhân dân I-ran” và bổ nhiệm một số quan chức đối ngoại cấp cao có tư tưởng cứng rắn chống phương Tây, gồm Bộ trưởng Ngoại giao I-ran A-mi Áp-đô-la-hiên và Trưởng đoàn đàm phán về hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran A-li Ba-ghe-ri Ka-ni càng khiến cho tương lai về một thỏa thuận ràng buộc hai bên trở nên xa vời.
Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực, nhất là sau những diễn biến gần đây tại chính trường Áp-ga-ni-xtan. Năm 2017, với sự giúp đỡ của Liên hợp quốc và các nước lớn là Mỹ và Nga, cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại I-rắc và Xy-ri đã chính thức giành thắng lợi. Tuy nhiên, lực lượng tàn dư của IS vẫn tiếp tục ẩn náu và hoạt động tại các khu vực xa xôi hẻo lánh ở I-rắc, Xy-ri, tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh và dân thường, tích cực thu nạp các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Trong bối cảnh Mỹ giảm dần can dự quân sự, các tổ chức khủng bố như PKK, IS, An Kê-đa... càng có thêm không gian để mở rộng hoạt động. Những vụ tấn công liên tiếp gần đây ở Áp-ga-ni-xtan là một sự cảnh báo rõ ràng về nguy cơ lực lượng khủng bố quay trở lại mạnh mẽ tại Trung Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Trung Đông khai mạc vào ngày 28-8-2021 ở Thủ đô Bát-đa của I-rắc, các nhà lãnh đạo đã khẳng định về mối đe dọa của IS đối với an ninh khu vực. Tổng thống Pháp E. Mác-crông cho biết, Pháp sẽ tiếp tục triển khai binh lính tại I-rắc để chống khủng bố ngay cả khi Mỹ rút đi(13).
Quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa I-xra-en, A-rập Xê-út và I-ran tiếp tục đan xen phức tạp. Trong khi cặp quan hệ I-xra-en - A-rập Xê-út và A-rập Xê-út - I-ran ghi nhận một số tín hiệu tích cực thì quan hệ giữa I-xra-en và I-ran tiếp tục xấu đi trầm trọng. Mặc dù chưa bình thường hóa quan hệ, song do đều coi I-ran là mối đe dọa “sống còn” đối với an ninh quốc gia, A-rập Xê-út đã cùng I-xra-en chia sẻ nhiều mục tiêu chung về an ninh, chính trị, như mục tiêu làm suy yếu chế độ Hồi giáo Si-ai tại I-ran, kêu gọi Mỹ cứng rắn hơn, kiềm chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của I-ran. Hai bên đã có nhiều hợp tác trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại tới an ninh, tình báo. Bên cạnh việc triển khai chính sách đối ngoại thực dụng với I-xra-en, A-rập Xê-út cũng chú trọng giảm dần căng thẳng với I-ran. Với vai trò trung gian của I-rắc, A-rập Xê-út và I-ran đã nối lại và trải qua ba vòng đàm phán kể từ tháng 5-2021, sau thời gian dài cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2016. Tuy nhiên, tương lai về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước còn nhiều bất trắc, phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận về nguyên tắc quan hệ và sự phân chia ảnh hưởng tại khu vực, bảo đảm quyền lợi cho các lực lượng ủy nhiệm tại các chiến trường ở Xy-ri, Y-ê-men và I-rắc. Trong khi đó, quan hệ giữa I-xra-en và I-ran leo thang căng thẳng khi chính quyền mới của hai nước đều tiếp tục coi nhau là những đối thủ “không đội trời chung”, liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ vào một số cơ sở của nhau, tạo nên nguy cơ thường trực xảy ra xung đột trực diện. I-xra-en kịch liệt phản đối việc Mỹ quay trở lại JCPOA, tuyên bố “không có lựa chọn nào khác” ngoài tấn công chương trình hạt nhân I-ran ngay khi ông E. Rai-xi đắc cử Tổng thống I-ran.
Tại vùng Vịnh, mặc dù cuộc khủng hoảng ngoại giao khu vực trong suốt ba năm qua đã chính thức khép lại sau khi bốn quốc gia thành viên của Hội đồng hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC) đạt được thỏa thuận “đoàn kết và ổn định” với Ca-ta vào tháng 1-2021, song GCC vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn nội bộ khi các quốc gia đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích chung của khu vực. Cạnh tranh kinh tế giữa A-rập Xê-út với UAE tạo nên những thách thức ảnh hưởng tới xu hướng hợp tác, an ninh nội khối. Không chỉ bất đồng trong các kế hoạch trong khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+), A-rập Xê-út còn triển khai một số chính sách cạnh tranh trực tiếp, làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính khu vực của UAE thông qua: 1- Yêu cầu các tập đoàn quốc tế kinh doanh tại A-rập Xê-út phải đặt trụ sở ở A-rập Xê-út; 2- Thành lập đại dự án thành phố tương lai NEOM tại khu vực Tây Bắc của A-rập Xê-út, trực tiếp cạnh tranh với UAE.
Bên cạnh đó, tình hình tại một số quốc gia như Xy-ri, Y-ê-men và I-rắc tiếp tục diễn biến phức tạp, bạo lực thường xuyên xảy ra, môi trường an ninh - chính trị và kinh tế - xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng. Tại Y-ê-men, mặc dù A-rập Xê-út đã chủ động đề xuất thỏa thuận ngừng bắn với Houthi (lực lượng được I-ran hậu thuẫn), song chiến sự tiếp tục leo thang giữa lực lượng Houthi và chính quyền Y-ê-men, đưa quốc gia này trở thành một điểm nóng về khủng hoảng nhân đạo quốc tế. Trong báo cáo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23-8-2021, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Trung Đông K. Khi-a-ri cho rằng tiến trình chính trị toàn diện tại Y-ê-men đang gặp nhiều thách thức lớn, bạo lực tiếp tục leo thang. Tình hình kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Quy mô nền kinh tế giảm 40% so với năm 2015, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay khoảng 1,6 triệu trẻ em bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú do bạo lực. Khoảng 21 triệu người Y-ê-men, trong đó có 11,3 triệu trẻ em cần viện trợ nhân đạo để sinh sống. Tại Xy-ri, sau hơn 10 năm bùng nổ nội chiến, tình hình đất nước bất ổn, khó khăn về mọi mặt. Mặc dù chiếm ưu thế quân sự trên thực địa, song chính quyền Tổng thống Xy-ri Bát-xa A-xát không những chưa thể thống nhất đất nước khi gặp phải sự chống cự quyết liệt của các lực lượng quân sự khu vực mà còn gặp phải sự phản đối của các phe phái chính trị đối lập, sự bất mãn của người dân trước điều kiện sống ngày càng khó khăn. Tổng thống Xy-ri B. A-xát sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia này thêm bảy năm nữa sau chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử Tổng thống Xy-ri cuối tháng 5-2021. Điểm nóng Xy-ri sẽ chưa thể hạ nhiệt, tiếp tục là địa bàn can dự, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn khu vực, như I-ran, A-rập Xê-út và I-xra-en cũng như của Nga, Mỹ và phương Tây. Tại I-rắc, tình hình an ninh - chính trị vẫn tiếp tục phức tạp, bạo lực thường xuyên xảy ra, là địa bàn can dự, cạnh tranh khốc liệt của hai nước lớn trong khu vực là A-rập Xê-út và I-ran.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh Mỹ rút dần hiện diện quân sự, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh giành ảnh hưởng của các nước trong khu vực cùng mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố ngày càng gia tăng, các nhóm tàn dư khủng bố, thánh chiến đang có dấu hiệu mở rộng hoạt động, khu vực Trung Đông cần nhận được sự hỗ trợ lớn hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để có thể đẩy nhanh công cuộc tái thiết các quốc gia trong khu vực và đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến chống khủng bố toàn diện trong thời gian tới.
-----------------
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm liên tiếp âm, dự trữ ngoại hối sụt giảm nghiêm trọng, ngân sách thâm hụt; lạm phát, giá cả các mặt hàng, nhất là giá thực phẩm tăng cao, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19; đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân I-ran năm 2015 không hiệu quả, I-ran vẫn chịu bao vây cấm vận từ Mỹ.
(2) Trong các tuyên bố trước tranh cử, trong tranh cử và sau khi thắng cử, Tổng thống I-ran E. Rai-xi luôn đề cập trọng tâm vào vấn đề công bằng kinh tế, chống tham nhũng, các giá trị Hồi giáo và giá trị cách mạng. Hiện nay, gần 1/4 thanh niên I-ran thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát trên 40%, đồng nội tệ mất giá trầm trọng (tỷ giá 1 USD = 40.000 rial vào năm 2017 đã tăng lên 1 USD = 250.000 rial vào tháng 8-2021). Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ năm diễn biến ngày càng trầm trọng.
(3) Theo Ngoại trưởng I-ran Hốt-xen A-mi Áp-đô-la-hiên, ngoại giao kinh tế và thương mại quốc tế sẽ chiếm 40% trong chương trình nghị sự về đối ngoại của chính quyền Tổng thống I-ran E. Rai-xi. Đồng thời, ngoại giao kinh tế cũng là vấn đề được Lãnh tụ tối cao A-li Kha-me-ni nhấn mạnh trong cuộc gặp đầu tiên với nội các của chính quyền Tổng thống I-ran E. Rai-xi.
(4) Yesh Atid, Xanh và Trắng, Yisrael Beytenu, Công Đảng, Meretz, Yamina, Hy vọng mới và Ra’am.
(5) Đơn cử như, giải pháp “hai nhà nước” trong cuộc xung đột I-xra-en - Pa-lét-xtin, vấn đề đàm phán hạt nhân đối với I-ran.
(6) Xem: Aaron Mehta: “The world spent almost $2 trillion on defense in 2020” (Tạm dịch: “Thế giới đã chi gần 2 nghìn tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2020”), ngày 26-4-2021, https://www.defensenews.com/global/2021/04/26/the-world-spent-almost-2-trillion-on-defense-in-2020
(7) Xem: Hà Mỹ Hương - Đoàn Văn Khái: “Chính sách Trung Đông của Nga: Sự trở lại của một cường quốc có trách nhiệm”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-5-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/816377/chinh-sach-trung-dong-cua-nga--su-tro-lai-cua-mot-cuong-quoc-co-trach-nhiem.aspx
(8) Xem: TEL AVIV: “Bennett describes his talks with Putin as substantive and meaningful” (Tạm dịch: Bennett miêu tả các cuộc nói chuyện của ông ấy với Putin là thực chất và rất có ý nghĩa), ngày 23-10-2021, https://tass.com/politics/1353199
(9) Xem: Kirill Semenov: “Russia looks for way back into Yemen” (Tạm dịch: Nga tìm đường trở lại Yemen), https://www.al-monitor.com/originals/2021/06/russia-looks-way-back-yemen, ngày 11-6-2021.
(10) Xem: Anton Mardasov: “What’s next for Russia’s relations with Hezbollah?” (Tạm dịch: Điều gì tiếp theo cho mối quan hệ của Nga với Hezbollah), ngày 18-3-2021, https://www.al-monitor.com/originals/2021/03/whats-next-russias-relations-hezbollah
(11) Xem: Samuel Ramani: “Moscow looks to expand role in Mideast peace process” (Tạm dịch: Moscow mong muốn mở rộng vai trò trong tiến trình hòa bình Mideast), ngày 24-5-2021, https://www.al-monitor.com/originals/2021/05/moscow-looks-expand-role-mideast-peace-process
(12) Đầu tháng 9-2021, theo các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), I-ran đã có 84,3 kg uranium được làm giàu lên mức 20%, 10 kg uranium được làm giàu lên mức 60%, cao hơn rất nhiều so với mức 3,67% cho phép của JCPOA và tiến gần ngưỡng 90% đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngày 10-10-2021, I-ran thông báo đã làm giàu hơn 120 kg uranium ở mức 20%, tăng thêm đáng kể so với con số đưa ra một tháng trước đó của IAEA.
(13) Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng I-rắc Mút-ta-pha An-ca-đi-mi vào tháng 7-2021, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cho biết khoảng 2.500 binh lính Mỹ ở I-rắc sẽ chuyển hoàn toàn sang “tư vấn và hỗ trợ” I-rắc từ năm 2022.
Một số điểm mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông  (20/01/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển