Một số giải pháp về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân ở thành phố Hà Nội
TCCS - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung này, góp phần tạo thế và lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và thiết thực.
Những năm qua, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng. Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao và một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng đã được hình thành. Thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; an ninh, trật tự, an toàn xã hội nông thôn được củng cố. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng; nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được tăng cường; đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi, nội đồng bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp; các trường học được nâng cấp và xây mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học; nhà văn hóa các thôn được xây mới và sửa chữa, mua sắm các thiết bị; các trạm y tế được cải tạo, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thành phố vẫn còn một số hạn chế, như sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp; việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, có huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao…
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa... Do đó, giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô. Trong thời gian tới, để xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.
Theo đó, cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống quản lý nông nghiệp từ thành phố đến cấp cơ sở, làm rõ và tách bạch chức năng hành chính công và dịch vụ công; thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cấp ủy các cấp cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là hội nông dân các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tham gia có hiệu quả vào việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị - xã hội… Nội dung tuyên truyền cần phong phú, cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phản ánh kịp thời những điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới để nhân rộng trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, từng bước khắc phục tâm lý “trông chờ, ỷ lại”.
Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và chuyển dich cơ cấu kinh tế nông thôn.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản. Quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ; tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế của Thủ đô.
Thực hiện quy hoạch và phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; mở rộng các loại hình dịch vụ để giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp và nâng mức thu nhập cho nông dân; phát triển các làng nghề, chú trọng các nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, cơ khí nhỏ, giầy da, vật liệu xây dựng,...
Thứ tư, thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn thành phố. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho nguời dân; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn...
Thực hiện có hiệu quả các chương trình và chính sách giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình trên cùng một địa bàn. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với việc chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Thứ năm, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.
Xây dựng và có các biện pháp nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả ở các địa phương trên địa bàn thành phố. Phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại phát triển.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn.
Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; đồng thời, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn cũng cần có sự đổi mới theo hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đa dạng hóa các phương thức, mô hình đào tạo, đẩy mạnh các hình thức liên kết, phối hợp đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân. Chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng đô thị hóa.
Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Nội dung này cần được coi là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả các đề tài, dự án khoa học; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông, khuyến ngư trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Tăng cường và củng cố đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ để tiếp thu, làm chủ và ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh. Thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ./.
Hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch ở Hà Nội  (27/09/2020)
Cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Những điểm sáng từ thực tiễn Hà Nội  (26/09/2020)
EVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đưa điện ra đảo  (15/09/2020)
Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó  (03/09/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển