Ổn định và phát triển ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn bền vững trong bối cảnh ở nước ta hiện nay
TCCS - Chăn nuôi có vị trí quan trọng, là ngành kinh tế sản xuất chính của nông nghiệp nước ta. Nhưng ngành chăn nuôi và chăn nuôi lợn hiện nay còn gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và sự phát triển bền vững. Việc phát triển chăn nuôi và ổn định thị trường ngành hàng thịt có ý nghĩa quan trọng, chi phối chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm nước ta.
Chủ trương phát triển chăn nuôi và ổn định chăn nuôi lợn trong bối cảnh hiện nay
Trong suốt thời kỳ đổi mới, khi nước ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã thường xuyên bổ sung những quan điểm, định hướng phát triển ngành chăn nuôi sát với tình hình trong nước và thế giới, đem lại nhiều thành tựu cho ngành chăn nuôi.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” định hướng: “Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng...; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại và hiện đại hoá cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm”.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2018 - 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20-5-2019, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi”. Chỉ thị nêu rõ: “Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy cầm để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống vừa qua để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng... Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ”.
Chủ trương của Đảng là những định hướng quan trọng đối với ngành chăn nuôi nước ta, để các cấp ủy nghiên cứu, vận dụng vào hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện phát triển ngành chăn nuôi và chăn nuôi lợn trong bối cảnh có nhiều thách thức, thuận lợi đan xen hiện nay.
Những yếu tố tác động tới giá thành ngành chăn nuôi lợn
Thứ nhất, nguồn cung trong nước chưa cân đối với nhu cầu
Giá cả có mối tương quan đến nguồn cung, là đại lượng biểu hiện của sản lượng hàng hóa được cung ứng ra thị trường. Giá thịt lợn sẽ giảm, trở về mức cân bằng khi nguồn cung thỏa mãn về lượng theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong từng thời điểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018, thời điểm trước khi nước ta xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi khoảng 920 nghìn tấn, nhưng sản lượng thịt xuất chuồng mới đạt hơn 811 nghìn tấn, còn thiếu hụt khoảng 100 nghìn tấn/quý.
Thứ hai, giá thịt lợn tăng cao do còn chịu tác động lưu thông qua nhiều khâu trung gian
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi lợn hơi được xuất chuồng, đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng phải qua từ hai đến năm khâu trung gian, như thương lái thu gom lợn hơi, trung gian giết mổ, thương lái bán buôn, thương lái bán lẻ, chi phí nhiều khâu trước khi đến chợ dân sinh… làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng.
Thứ ba, thịt lợn nhập khẩu đông lạnh chưa thay thế được thịt lợn tươi sống trong nước
Mặc dù được tăng cường nhập khẩu nhưng lượng thịt thực nhập vẫn chưa hỗ trợ, bù đắp sự thiếu hụt do sản xuất trong nước còn thiếu. Mặt khác, do thói quen sử dụng thịt tươi của người tiêu dùng trong nước nên thịt nhập khẩu khó tiếp cận thị trường dân sinh, người tiêu dùng ở nông thôn, thậm chí ở các đô thị.
Thứ tư, chi phí đầu vào chăn nuôi còn cao
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng. Thức ăn chăn nuôi hỗn hợp ở nước ta cao hơn một số nước trong khu vực có lúc trên 10%. Chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thuốc sát trùng,… đã đẩy giá thịt lợn tăng cao hơn.
Thứ năm, sản phẩm thịt và giống lợn còn gặp các nguy cơ thẩm lậu qua biên giới, các công cụ điều tiết thị trường còn thiếu
Giá thịt lợn của một số nước trong khu vực tăng cao, do không kiểm soát được dịch bệnh, nên nguy cơ thẩm lậu lợn thịt, lợn giống từ thị trường trong nước ra nước ngoài lớn. Mặt khác, một số mặt hàng thịt chưa được đưa vào danh mục mặt hàng thiết yếu, Nhà nước cần quản lý, bình ổn giá; các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả...
Những thách thức của ngành chăn nuôi lợn
Một là, nguồn cung giống khan hiếm. Năm 2018, tổng đàn lợn nái cả nước ở mức 4 triệu con. Năm 2019, do bệnh dịch tả lợn châu Phi đàn nái giảm còn trên 2,72 triệu con. Đến hết tháng 4-2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn nái của cả nước gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với ngày 31-12-2019, nhưng còn khoảng cách khá xa so với năm 2018. Mặt khác, do các tháng 5, 6 và 7-2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020 bị thiếu hụt. Do nhu cầu phục hồi đàn, mở rộng đàn nên giá lợn giống hiện nay vẫn ở ngưỡng cao từ 2,5 triệu đến hơn 3 triệu đồng/con.
Hai là, vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, là nguyên nhân chính làm giảm nguồn cung đàn lợn chăn nuôi nước ta. Vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, được biết đến lần đầu tiên trên thế giới cho đến nay đã 100 năm, nhưng chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Ba là, nhiều địa phương còn tâm lý e ngại dịch bệnh tái phát, thiếu nguồn lực trong phát triển và tái đàn. Một số địa phương chậm thông báo hết dịch; chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Có nơi chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi; người chăn nuôi còn gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho chăn nuôi, về an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, phòng, chống rủi ro thiên tai, ...) chưa bao quát được các mặt đời sống, sản xuất của nông dân.
Bốn là, năng lực hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về dịch bệnh chưa phù hợp với tình hình chăn nuôi và diễn biến dịch bệnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 4-2020, có 4 tỉnh, thành phố đã sáp nhập chi cục thú y với các ngành khác, còn lại 59 tỉnh, thành phố có tổ chức chi cục thú y/chi cục chăn nuôi và thú y; 32/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm thú y (trực thuộc chi cục chăn nuôi và thú y) với các ngành khác và chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý; 23 tỉnh hiện nay không có nhân viên thú y xã. Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam theo quy mô nhỏ lẻ, do vậy việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh sẽ khó khăn khi bộ máy quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi ngày càng suy giảm cả nhân lực và vật lực.
Một số giải pháp ổn định ngành chăn nuôi lợn
Về ngắn hạn
Thứ nhất, cần thống nhất về nhận thức, đồng bộ trong chỉ đạo và thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để phục hồi nguồn cung và ổn định thị trường, giá cả.
Thứ hai, thực thiện các gói hỗ trợ nâng cao năng lực chủ thể chăn nuôi nông hộ, trang trại và hợp tác xã. Bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và ban hành chính sách đặc thù khắc phục bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, người chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi vay để mua con giống, phục hồi, phát triển hạ tầng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tái đàn...
Thứ ba, củng cố và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học ở đàn vật nuôi.
Thứ tư, tổng kết thực tiễn, đúc kết và nhân rộng các bài học kinh nghiệm, cánh làm hay của một số địa phương trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.
Về dài hạn
Một là, cần có sự đột phá mới về chính sách trong phát triển chăn nuôi bền vững nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Ban hành chính sách quốc gia về phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam, với trọng tâm phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực, trên cơ sở gắn với quy hoạch sử dụng nguồn nguyên liệu trồng trọt, thủy sản đa dạng trong nước, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, gia tăng giá trị, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cơ cấu lại chủ thể chăn nuôi, tạo cuộc cách mạng trong thay đổi phương thức chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi. Chăn nuôi phải được phát triển trong điều kiện an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong cơ cấu lại chủ thể chăn nuôi, chú trọng cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ, những hộ theo đuổi nghề phải tham gia chuỗi sản xuất, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, an toàn dịch bệnh, xuất xứ nguồn gốc, môi trường và được hỗ trợ đào tạo chuyên môn, đầu tư, phát triển thị trường và những chính sách an sinh khác; những hộ không theo đuổi nghề, cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế phù hợp.
Hai là, đổi mới tư duy và cơ chế quản lý thị trường, tổ chức thị trường ngành hàng thịt hiện đại, bền vững. Nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường giá cả của Nhà nước; phân công, phân nhiệm và quy trách nhiệm giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về quản lý, điều tiết thị trường, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bổ sung ngành hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng cần được bình ổn, dự trữ quốc gia. Điều tiết cung cầu ngành hàng thịt lợn trên cơ sở tổ chức chuỗi ngành hàng; áp dụng công nghệ thông minh và bổ sung những công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả; tổ chức tốt chuỗi cung ứng thịt lợn chợ dân sinh; phát triển mạnh các loại hình thị trường hiện đại; tăng cường chế biến gắn với nhu cầu thị hiếu của các phân khúc thị trường ngành hàng thịt; đa dạng nguồn cung. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử; xây dựng trung tâm đấu giá, sàn giao dịch nông sản quốc tế tại Việt Nam./.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm việc tại tỉnh Bắc Ninh  (02/09/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX