Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc và một vài đề xuất tham chiếu cho Việt Nam
TCCS - Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ thương mại hiện nay đang lan sang các lĩnh vực khác và ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là trên lĩnh vực công nghệ. Trong môi trường quốc tế hiện nay, cạnh tranh vị trí thống trị công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những tác động sâu rộng đến sự phát triển của thế giới, khu vực và các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Về cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc
Thế giới hiện đang bước vào thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp này được nhận định có khả năng tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội với quy mô và mức độ lớn hơn nhiều so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó(1). Đồng thời, cục diện an ninh - chính trị thế giới cũng biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến an ninh và phát triển của mọi quốc gia. Nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”(2), chủ trương có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc đang nổi lên trở thành “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới, mà rộng hơn là giữa hai siêu cường với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các quốc gia còn lại.
Kể từ sau Chiến tranh lạnh tới nay, lần đầu tiên Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc - một cường quốc có quy mô kinh tế vượt Mỹ vào năm 2014 (tính ngang giá sức mua), không là đồng minh, không cùng hệ giá trị và có năng lực công nghệ trong một số lĩnh vực, như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), đủ để tạo ra thách thức đối với an ninh của Mỹ. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017 coi năng lực công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này(3). Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 được tổ chức ở Singapore (tháng 6-2019), quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã cáo buộc Trung Quốc “lấy cắp” công nghệ từ các quốc gia khác và cảnh báo nguy cơ gián điệp từ mạng viễn thông của Tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông Huawei(4). Trước các cáo buộc từ phía Mỹ, ngày 2-6-2019, Trung Quốc đã công bố Sách trắng “Lập trường của Trung Quốc về các cuộc tham vấn kinh tế - thương mại Trung Quốc - Mỹ” khẳng định Trung Quốc không “lấy cắp” công nghệ mà nỗ lực tự phát triển công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ(5).
Trên thực tế, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ không phải là mới. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, vấn đề này dần trở thành “tâm điểm” trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, bắt nguồn bởi một số nguyên nhân.
Một là, việc các quốc gia tiên phong đi đầu trong những lĩnh vực công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, như 5G, AI, dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)... có ý nghĩa chiến lược đối với sức mạnh quốc gia. Lịch sử cho thấy, khoa học - công nghệ luôn là nhân tố quyết định làm thay đổi sự cân bằng lực lượng toàn cầu. Hơn nữa, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh công nghệ cũng ảnh hưởng đến tương quan sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công nghệ robot, AI có thể tạo ra những loại vũ khí tự động, các cỗ máy trinh sát/sát thương có khả năng tự chiến đấu vượt trội.
Hai là, khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp đáng kể, một số lĩnh vực, như 5G, AI của Trung Quốc thậm chí còn ngang tầm hoặc vượt trội so với Mỹ. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2017, Mỹ đầu tư 484 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu; Trung Quốc đầu tư 443 tỷ USD, chiếm khoảng 22% R&D toàn cầu. Từ năm 2016 đến năm 2018, đầu tư R&D của Trung Quốc liên tục ở mức 2% GDP(6). Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Mỹ phải có hành động để duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ, cũng là duy trì vị trí siêu cường toàn cầu khi Mỹ đang có ưu thế tương đối về công nghệ so với Trung Quốc.
Ba là, kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã chuyển từ sách lược “giấu mình chờ thời” sang “nỗ lực đạt được thành tựu”(7), với tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025) được Trung Quốc công bố vào năm 2015, đặt mục tiêu hình thành năng lực tự chủ công nghệ - sáng tạo, trong 10 năm sẽ đi đầu thế giới trên 10 lĩnh vực, gồm công nghệ - thông tin, robot, công nghệ vũ trụ, hóa dược phẩm...(8). Như vậy, Trung Quốc đã công khai các mục tiêu vươn lên toàn cầu về khoa học - công nghệ, trực tiếp tạo ra thách thức đối với Mỹ.
Trước mối đe dọa về công nghệ từ Trung Quốc, Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp phòng vệ, bao gồm: Thắt chặt một loạt quy định mới(9) nhằm ngăn chặn nước ngoài chiếm các công nghệ chủ chốt, công nghệ mới của Mỹ qua hoạt động đầu tư và xuất khẩu công nghệ; đẩy mạnh hoạt động phản gián trong lĩnh vực công nghệ; tăng thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ của Mỹ. Đầu năm 2019, các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, các quỹ đầu tư và trường đại học của Mỹ để cảnh báo về các nguy cơ trong hợp tác với Trung Quốc. Các động thái của Mỹ đã tạo tâm lý “bất an”, khiến nhiều tập đoàn lớn, như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc., Broadcom Inc, ARM, Google... phải tạm thời ngưng bán linh kiện hoặc hợp tác với Tập đoàn Huawei (Trung Quốc).
Tác động của cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc đối với thế giới và khu vực
Về chính trị - an ninh, cạnh tranh công nghệ - nhân tố chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, được dự báo không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc mà còn tác động không nhỏ đến môi trường an ninh và phát triển của các nước còn lại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua cuộc chạy đua vị trí thống trị về công nghệ trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng hệ thống riêng của mình về chiến lược, trật tự và chuỗi giá trị. Khi đó, các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với tình thế là phải lựa chọn hệ thống của bên nào. Về kinh tế - thương mại - đầu tư, các tác động cộng hưởng của cạnh tranh thương mại - công nghệ Mỹ - Trung Quốc được dự báo là khá tiêu cực(10). Ở góc độ liên kết và hội nhập, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, trong đó trọng tâm là cạnh tranh công nghệ có thể dẫn tới một “tiến trình phi toàn cầu hóa”, gia tăng sự chia cắt nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới các luồng luân chuyển của thương mại hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ và dữ liệu.
Trong lĩnh vực công nghệ, cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Hank Paulson đã cảnh báo về khả năng hình thành “bức màn sắt kinh tế” trên toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc triển khai các biện pháp, như cấm hoặc hạn chế mua, bán, xuất - nhập khẩu các sản phẩm công nghệ và công nghệ kỹ thuật cao...(11). Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm dần sự phụ thuộc lẫn nhau trong các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng công nghệ trên toàn cầu. Nhìn về dài hạn, các chuyên gia cũng nhận định có thể xuất hiện các mô hình quản trị công nghệ khác nhau trên thế giới, có thể cạnh tranh lẫn nhau về tiêu chuẩn và loại hình công nghệ(12), với sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ, ngoài ra là Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Tác động của cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam
Trong những năm qua, khoa học - công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến, tiềm lực khoa học - công nghệ được nâng lên. Quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ từng bước được đổi mới, cải cách phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế... Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017, tăng 12 bậc; năm 2018 tăng thêm 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28)(13).
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn có thể thấy khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế cũng như tăng năng suất lao động xã hội của Việt Nam. Trình độ khoa học - công nghệ quốc gia nhìn chung còn có khoảng cách so với nhóm nước tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á. Năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi tiêu cho nghiên cứu phát triển cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP(14). Các mục tiêu về đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao diễn ra còn chậm, đến nay vẫn “chưa phát triển được nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế”(15).
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và mở rộng, phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam đứng trước một số cơ hội và thách thức.
Về cơ hội, sự điều chỉnh của các chuỗi giá trị và cung ứng công nghệ toàn cầu mang lại cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cơ hội nắm bắt và tham gia vào các chuỗi này. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí sản xuất hợp lý, mạng lưới hội nhập quốc tế sâu rộng với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, Việt Nam là địa điểm sản xuất phù hợp với những sản phẩm công nghệ xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nếu thu hút được các nhà máy sản xuất máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị điện tử,... phục vụ lắp ráp, chế tạo các mặt hàng công nghệ cao. Việt Nam cũng có điều kiện để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao nếu giải quyết được những nút thắt về thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao, hạ tầng công nghệ phù hợp và khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cạnh tranh công nghệ và phân mảng công nghệ trên thế giới cũng tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho Việt Nam trong quá trình hợp tác nâng cấp hạ tầng và ứng dụng công nghệ. Quá trình này phù hợp với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về quan hệ đối ngoại của đất nước. Sự đa dạng về loại hình công nghệ trên thế giới cũng tạo điều kiện để Việt Nam lựa chọn hợp tác với các cường quốc hàng đầu về công nghệ, như EU, Nga, Mỹ, Trung Quốc... theo hướng phù hợp với các mục tiêu phát triển và bảo đảm an ninh quốc gia.
Về thách thức, một trong những vấn đề nổi lên trong cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc là vấn đề an ninh, an ninh mạng và bảo mật thông tin..., nhìn rộng hơn là an ninh quốc gia khi nhiều dịch vụ, kết cấu hạ tầng thiết yếu của xã hội hoạt động dựa trên các công nghệ mới. Do đó, để tránh nguy cơ bị lệ thuộc công nghệ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần bảo đảm sự tự chủ ở mức độ nhất định về công nghệ thông qua hợp tác với các đối tác phù hợp. Đây là thách thức rất lớn do việc tự chủ công nghệ hoặc thậm chí là một phần công nghệ đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư khá lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trước thách thức cân bằng giữa nhu cầu tạo thuận lợi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và bảo đảm an ninh quốc gia, tăng cường các quy định pháp lý cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Thách thức đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cũng phức tạp và đa dạng hơn trước. Trong một thế giới mà ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo ngày càng bị xóa nhòa, ngoài chủ quyền là đường biên giới trên thực địa, xuất hiện cả chủ quyền trong không gian mạng. Từ năm 2015, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc đề ra khái niệm “chủ quyền không gian mạng” và chủ động xác lập các quy định về quản trị không gian mạng. Điều này đặt ra nhu cầu nghiên cứu sâu về vấn đề chủ quyền không gian mạng và xây dựng khuôn khổ pháp lý trong nước cũng như tham gia đàm phán các điều ước, thỏa thuận quốc tế đối với vấn đề này. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ sẽ dẫn tới việc hình thành các loại hình vũ khí, khí tài mới có ưu thế vượt trội so với những thế hệ vũ khí cũ, cũng đặt ra bài toán về nâng cấp vũ khí, khí tài quân sự để bảo đảm quốc phòng - an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Một vài gợi ý tham chiếu cho Việt Nam
Trước thực trạng trên và trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, căng thẳng giữa hai nước nhiều khả năng còn kéo dài trong những năm tới, việc xây dựng chiến lược phù hợp để tranh thủ các cơ hội nhằm phục vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực có thể xảy ra có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát triển khai đường lối của Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ, như Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31-10-2012, của Hội nghị Trung ương 6 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đó, việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ được coi là quyết sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Hai là, có những đánh giá sâu về tác động thuận, nghịch do cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc mang lại cho một số ngành sản xuất, công nghiệp phụ trợ và sản xuất linh kiện, lắp ráp các sản phẩm điện tử của Việt Nam; tiến hành rà soát chiến lược phát triển công nghệ của Việt Nam hiện nay trong tương quan với khu vực; hợp tác với các tập đoàn công nghệ của các nước phù hợp với nhu cầu phát triển và nhu cầu an ninh của Việt Nam, từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn định hướng nghiên cứu, áp dụng và phát triển công nghệ của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.
Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với phát triển khoa học - công nghệ thông qua việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của khoa học - công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, cần gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp; xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước trên cơ sở tập trung kiến nghị các định hướng lớn về lựa chọn các mô hình, loại hình công nghệ phù hợp với nhu cầu bảo đảm an ninh của đất nước và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp để thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường; có chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ cao; tăng cường công tác nghiên cứu, bám sát xu thế phát triển của công nghệ trên thế giới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc, cũng như các nước liên quan trong lựa chọn tiêu chuẩn công nghệ áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, quốc phòng... làm cơ sở cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp.
Năm là, đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên; gắn kết giữa hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ với hợp tác quốc tế về kinh tế; chú trọng, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác phát triển và áp dụng công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; tập trung xây dựng đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy; phát triển các tổ chức, tập thể khoa học - công nghệ mạnh, các nhà khoa học đầu ngành; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ...
Sáu là, đề xuất các chính sách ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đơn cử như:Tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm triển khai mô hình phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số dựa trên các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của các nước phát triển và một số nước trong khu vực để làm cơ sở tư vấn giúp Đảng và Chính phủ lựa chọn mô hình phát triển, tránh bị tụt hậu so với các nước trong khu vực; nghiên cứu, tổng hợp những điều chỉnh chính sách của các nước do tác động cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc, từ đó làm cơ sở tham khảo rà soát, điều chỉnh các kế hoạch, chính sách hiện có về nghiên cứu và phát triển công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, cũng như chiều hướng phát triển công nghệ trong tương lai; lồng ghép vấn đề hợp tác phát triển công nghệ trong các cuộc tiếp xúc đối ngoại ở các cấp để tìm hiểu, nắm bắt, xây dựng cách tiếp cận chung của các nước liên quan đến vấn đề này (đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị đối ngoại); đi trước, mở đường nhằm tạo ra những đột phá về hợp tác khoa học - công nghệ của Việt Nam với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, đồng thời hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về khoa học - công nghệ theo hướng tăng cường tính tự lực, tự cường về sức mạnh công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bảy là, tiếp tục bám sát đường lối đối ngoại đã được đề ra tại Đại hội XII của Đảng và Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, nhằm nâng cao vai trò dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương, qua đó thu hẹp khoảng cách với các nước, đối tác trong xây dựng hiệp định/công ước, tài liệu chung về công nghệ, hạ tầng và không gian mạng cũng như an ninh mạng..., góp phần duy trì môi trường hòa bình, tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước vì sự phát triển bền vững./.
------------------------------
(1) Min X., Jeanne M.D., Suk H.K: “The Fourth Industrial Revolution: Opportunities and challenges”, International Journal of Financial research, vol 9, no. 2, 2018
(2) James C.: “Americanism, not globalism”: President Trump and the American mission, Lowy Institute, 2018
(3) The White House: National Security Strategy of the United States of America, tháng 12-2017. Xem: https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf
(4) Mỹ cáo buộc các hoạt động của Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghệ tại Mỹ với giá trị 300 tỷ USD mỗi năm, gây thiệt hại cho Mỹ từ 225 - 600 tỷ USD/năm. Xem: Commission on the Theft of American Intellectual Property, Update to the IP Commission Report: The Theft of American Intellectual Property: Reassessments of the challenge and United States policy, 2017; Simon R.: “In major speech, Shanahan warns China over its behavior”, Asia Times, ngày 1-6-2019, https://www.asiatimes.com/2019/06/article/in-major-speech-shanahan-says-chinas-behavior-must-end/
(5) The State Council Information Office: China’s Position on the China-US Economic and Trade Consultations, tháng 6-2019
(6) 金叶子: 大数据解读万亿级研发经费去向,广东江苏等六省份投入超千亿, Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ vào nghiên cứu phát triển, trong đó tỉnh Quảng Đông, Giang Tô và 6 tỉnh khác đầu tư hơn 100 tỷ NDT, ngày 14-3-2019.
Xem: https://www.yicai.com/news/100139397.html
(7) Xu Jin: “Zhongguo waijiao Jinru fen fa you wei xin chang tai” (China’s diplomacy enters the new normal of “striving for achievement”), China Daily, 16 December 2014, http://column.chinadaily.com.cn/article.php?pid=3264#
(8) 国务院关于印发《中国制造2025》的通知, Quốc vụ viện phê chuẩn kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025, ngày 8-5-2015, http://www.gov.cn/zhengce/content/2015-05/19/content_9784.htm
(9) Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) và Đạo Luật Hiện đại hóa việc giám sát và các rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA), Đạo Luật kiểm soát xuất khẩu năm 2018
(10) The US, China and ‘Technology War’, http://www.globalasia.org/v14no1/cover/the-us-china-and-technology-war_darren-lim; How the US-China Tech Wars Will Impact the Developing World, https://thediplomat.com/2019/02/how-the-us-china-tech-wars-will-impact-the-developing-world/
(11) Paulson Institute: Remarks by Henry M. Paulson, Jr., on the Risks of an “Economic Iron Curtain”, ngày 27-2-2019
(12) 面对中美科技战,中国有哪些难关?: “Các thách thức của Trung Quốc trong chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc”, ngày 24-5-2019
(13) Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam, https://www.nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/item/40213102-tao-dot-pha-chien-luoc-trong-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-o-viet-nam.html
(14) Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của các nước là: Thái Lan: 0,78%, Xin-ga-po: 2,2%, Ma-lai-xi-a: 1,3%, Trung Quốc: 2,1% GDP
(15) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 252
Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế  (14/01/2020)
Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2019  (01/01/2020)
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay  (28/12/2019)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay