Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quán triệt nhiệm vụ đó, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, khoa học, công nghệ của Việt Nam có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học, công nghệ còn chưa tương xứng với tiềm năng, hơn nữa, trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của khoa học, công nghệ càng được đề cao, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, để khoa học, công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Khoa học, công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội
Trong các mô hình phát triển trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho chính con người. Nhưng tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại hiện đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Vì vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì nguồn lực cho tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm. Tuy nhiên, có một loại tài nguyên đặc biệt, không bao giờ cạn, đó chính là sự sáng tạo của con người, cụ thể hóa trong khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, khoa học, công nghệ đang được coi là nền tảng và động lực phát triển của các quốc gia.
Xác định rõ tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm xây dựng tiềm lực phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã đưa khoa học và công nghệ từ “giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước” trong Hiến pháp năm 1992 trở thành “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,...
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, trong những năm qua, tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Mỗi năm, đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn có các nguồn từ doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài và các quỹ về khoa học và công nghệ.
Những năm gần đây, khoa học công nghệ của Việt Nam có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cũng liên tục tăng cao, theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả.
Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện, đưa khoa học và công nghệ thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Những kết quả nghiên cứu của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, các ngành khoa học cơ bản, khoa học công nghệ liên ngành, khoa học mới tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta đã tiệm cận trình độ các nước trong khu vực về công nghệ nano, tế bào gốc, giải mã gen cây trồng, vật nuôi và giải mã bộ gen người.
Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về năng suất và sản lượng xuất khẩu lúa gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, hải sản...
Trong lĩnh vực xây dựng, nhờ khoa học và công nghệ, Việt Nam đã tự lực xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á; làm chủ công nghệ tiên tiến trong thiết kế, thi công các công trình giao thông, xây dựng có trình độ công nghệ cao…
Ngành công nghệ thông tin và truyền thông có sự phát triển vượt bậc. Thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ hạng cao về cả quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và Internet. Việt Nam đã đưa lên quỹ đạo các vệ tinh viễn thông Vinasat1 và Vinasat2, vệ tinh viễn thám VNREDSAT và đã chế tạo thành công vệ tinh Pico và Micro Dragon.
Nghiên cứu khoa học trong y học cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật nhất là đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng và đa tạng trên người, dẫn đầu khu vực về phẫu thuật nội soi, giải trình tự gen; đã làm chủ quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc… Những tiến bộ rất đáng kể của y học Việt Nam, không chỉ mang lại cuộc sống và niềm vui cho cả ngàn bệnh nhân mà còn rút ngắn khoảng cách phát triển so với nền y học thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại vắc xin phòng các bệnh hiểm nghèo và tiêm chủng mở rộng, như: vaccine lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus và vắc xin sởi-rubella.
Ngoài đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam đã hình thành và bước đầu phát huy tác dụng; hình thành một số mô hình gắn kết hiệu quả giữa hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Khoa hoc, công nghệ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm 2016-2018; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,5%. Tính chung 10 năm 2011-2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp sẽ vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 5,8%/năm. Đặc biệt, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm qua, đạt trên 7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17-18% của các năm trước đó. Điều này chứng tỏ tăng trưởng kinh tế đã không phụ thuộc vào mở rộng tín dụng mà đã theo hướng thay đổi về chất lượng.
Những chỉ số nêu trên chứng minh rằng nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Và có thể khẳng định rằng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Theo đó, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Năng lực khoa học, công nghệ, sự đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu và phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. Chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.
Chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.
Để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cần có một chiến lược phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là trong một số ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, thế mạnh. Cần xác định khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam" đã nhấn mạnh, chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo Thủ tướng, trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất. Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Do vậy, cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp. Các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, coi đây là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Các bộ, ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.
Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin...
Xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ. Ngành thống kê nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh. Dành một phần ngân sách để thưởng cho các dự án được đưa ra ứng dụng trong thực tế với mức cao. Nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu. Thủ tướng nhấn mạnh, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Áp dụng mô hình đối tác công-tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; trình Thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia./.
Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế  (24/05/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến các nhà lãnh đạo Nga  (23/05/2019)
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Liên bang Nga  (23/05/2019)
60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: Dấu ấn sâu đậm của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào  (23/05/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-5-2019)  (23/05/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên