Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương
TCCS - Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đại diện các tầng lớp nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quy định mới của Trung ương sẽ góp phần tích cực thúc đẩy xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao phát huy hiệu quả vai trò giám sát, góp ý kiến trực tiếp của người dân với Đảng, Nhà nước, thông qua các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nhân dân trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp và pháp luật, có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện các quyền đó thông qua các tổ chức đại diện của mình. Trong xu thế hội nhập và phát triển, dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng.
Vấn đề nêu gương và vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân
Vấn đề nêu gương được Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện, nhiều nghị quyết đã đề cập đến yêu cầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng đều xác định rõ nhiệm vụ, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng đã có quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Ban Bí thư có Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định rõ trách nhiệm của công chức, trong đó có quy chế đạo đức công vụ, yêu cầu tôn trọng, lễ phép, phục vụ nhân dân, chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định. Như vậy, quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.
Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân được quy định cụ thể trong nhiều văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, được thực tiễn khẳng định phát huy tác dụng tốt. Điều 9 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị). Quy chế này đã mở ra một bước ngoặt lớn trong nhận thức về giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội. Quan trọng hơn, đây là cơ sở chính trị để MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng những yêu cầu bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Quy chế đã quy định cụ thể về giám sát của MTTQVN, như mục đích, tính chất giám sát; nguyên tắc giám sát; chủ thể giám sát; đối tượng và nội dung giám sát; phạm vi giám sát; phương pháp giám sát; quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong giám sát; điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát; việc xử lý vi phạm.
Ngày 03-10-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW, hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ngày 2-2-2018 ban hành Quy định số 124-QĐ/TW “Việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, các nghị quyết của các hội nghị Trung ương 6, 7, 8 khóa XII đã đề ra phát huy giám sát của MTTQVN và nhân dân về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giám sát công tác cán bộ, giám sát việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Đây là những nội dung mới cần tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện, tìm phương pháp, cách làm có hiệu quả.
Giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương và những vấn đề đặt ra
Thời gian qua, thực hiện các quy định của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, MTTQVN đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo vị trí, vai trò của mình, như Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW, ngày 19-1-2017, của Ủy ban Trung ương MTTQVN, về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chương trình hành động của MTTQVN thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB, ngày 22-1-2018, của Ủy ban Trung ương MTTQVN).
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ban hành Chương trình phối hợp số 30/CTPT-MTTW-TCTV, ngày 30-10-2018, về việc phối hợp giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, trong đó tập trung vào nội dung triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, giám sát đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN ban hành Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT, ngày 18-4-2018, về Thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02-02-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”...
Các chương trình hành động, chương trình phối hợp và kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đều tập trung vào phát huy vai trò của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và nhân dân trong giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Qua triển khai bước đầu đã tạo nên sự quan tâm của người dân trong theo dõi, nhận xét, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng với các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bằng nhiều hình thức, MTTQVN đã phản ánh trực tiếp với người đứng đầu, hoặc thông qua các cuộc họp, hội nghị, một số vụ, việc gửi phản ánh hoặc đề nghị bằng văn bản... có tác dụng tốt cho việc phòng ngừa vi phạm. Qua thông tin, phản ánh đã giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tự thấy, tự sửa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tổ chức thực hiện còn hạn chế và rất khó khăn. Có phải nguyên nhân quy định còn có điểm không thực tế, thiếu tính khả thi? Hay là do căn bệnh nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, dễ người, dễ ta, bệnh hình thức, hành chính, thành tích trong tổ chức đảng và ngoài xã hội vẫn còn nặng? Hay do thiếu cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến? Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức, chưa phát huy trí tuệ, đoàn kết, sức mạnh của tập thể. Không ít vụ, việc sai phạm phải xử lý kỷ luật cán bộ do thông tin từ người dân, qua báo chí phát hiện mà không phải từ đấu tranh trong nội bộ tổ chức. Để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vấn đề cốt lõi vẫn là niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền. Dân tin thì mọi việc sẽ thành công. Muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân về trách nhiệm nêu gương phải thực hiện công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập; thái độ của người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, lắng nghe, thực hiện trách nhiệm phản hồi các phản ánh, thông tin; phải có phong cách sâu sát, gần gũi với nhân dân, nói đi đôi với làm. Người đứng đầu phải giữ vững nguyên tắc, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm các vi phạm, thực hiện dân chủ, kỷ cương; không tham nhũng, không xa hoa, lãng phí.
Như vậy, vai trò của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các cấp thực hiện quy định nêu gương có tính xây dựng cao, giúp người đứng đầu rèn luyện phong cách, bản lĩnh lãnh đạo, khắc phục quan liêu, phòng ngừa sai phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một số giải pháp phát huy vai trò chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương
Trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thời gian tới để phát huy vai trò chủ động, tích cực của MTTQVN các cấp trong giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện quy định nêu gương, cần quan tâm và thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng MTTQVN giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện nêu gương.
Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng của MTTQVN. Trong đó, phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng MTTQVN giám sát người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện nêu gương. Hệ thống MTTQVN, gồm các tổ chức và cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, tiêu biểu, cốt cán trong các dân tộc, giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các hội đồng tư vấn, mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của MTTQVN xuống đến tận các ban công tác mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố nên số lượng người tham gia công tác tuyên truyền, vận động của MTTQVN trên phạm vi cả nước rất đông đảo, nhất là ở cơ sở và khu dân cư; đây là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng MTTQVN giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện nêu gương.
Hai là, nâng cao nhận thức của cấp ủy và MTTQVN các cấp về vai trò, vị trí của MTTQVN trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy có nhận thức đúng về công tác giám sát của MTTQVN, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời, sâu sát động viên, ủng hộ thì nơi đó công tác giám sát của MTTQVN được thực hiện có hiệu quả và ngược lại. Các cấp ủy đảng và MTTQVN các cấp xác định rõ vị trí, vai trò của MTTQVN nói chung và về chức năng, nhiệm vụ giám sát của MTTQVN nói riêng thực sự là một chủ thể, có tiếng nói độc lập đại diện cho nhân dân để giám sát đối với việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, nhận thức trong hệ thống chính trị và trong xã hội về giám sát của MTTQVN nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực nhưng đến nay vẫn chưa thật sự đầy đủ và chính xác. Ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức MTTQVN các cấp cũng còn có nhiều người nhận thức về giám sát của MTTQVN chưa thật đầy đủ và sâu sắc, dẫn đến xem nhẹ quyền giám sát của chính hệ thống mình, của cơ quan mình, hoạt động giám sát đôi khi chỉ giới hạn trong hoạt động của Ủy ban MTTQVN, chưa huy động và phát huy được tổng hợp sức mạnh các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát; còn tình trạng né tránh, ngại va chạm, do vậy hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh các hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản phản ánh, kiến nghị thường xuyên, đột xuất, định kỳ của MTTQVN, đoàn thể, nên quy định cho người đứng đầu có các hình thức tiếp nhận thông tin điện tử, kịp thời chia sẻ, bày tỏ quan điểm, tương tác với các ý kiến của đảng viên và nhân dân. Cơ quan có trách nhiệm cần thông tin công khai những kết quả xem xét, giải quyết vấn đề mà dư luận và nhiều người dân quan tâm đến đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Ba là, trên cơ sở các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong các văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy quy định cụ thể ở cấp mình, công khai để nhân dân biết giám sát. Quy định rõ các hình thức thuận lợi để nhân dân phản ánh, góp ý. Thực hiện nghiêm quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu; quy chế tiếp thu và trả lời sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội. Lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị từ MTTQVN và đoàn thể nhân dân với tinh thần thực sự cầu thị. Các cấp ủy phải chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giám sát, kiểm tra của cấp ủy cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ nêu gương rất quan trọng.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa MTTQVN và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát.
Hoạt động giám sát của MTTQVN chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ trì phối hợp với các thành viên lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận, báo chí để góp ý kiến kịp thời với người đứng đầu, với Đảng, Nhà nước. Có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có phương pháp phù hợp đấu tranh với hành vi sai trái, ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ cái đúng, bảo vệ uy tín và sự lãnh đạo của Đảng.
Năm là, tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả giám sát của MTTQVN.
Để thực hiện tốt vai trò giám sát, MTTQVN, các đoàn thể cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo các cấp, làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho cán bộ. Quan tâm công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác mặt trận, giúp MTTQVN và các đoàn thể cấp dưới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Hướng dẫn cách làm cụ thể giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tiếp tục hướng về cơ sở, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể để nhân dân tin yêu MTTQVN, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, để MTTQVN xứng đáng là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền./.
Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế  (24/05/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến các nhà lãnh đạo Nga  (23/05/2019)
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Liên bang Nga  (23/05/2019)
60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: Dấu ấn sâu đậm của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào  (23/05/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-5-2019)  (23/05/2019)
Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã  (23/05/2019)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên