Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến 28-4-2019)

Bảo Quân (tổng hợp từ TTXVN)
21:42, ngày 01-05-2019

TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT).

Thu hút nguồn vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm đã đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.

Cụ thể, tính đến ngày 20-4-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ, vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở hai hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.

Theo đó, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018; có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

Về điều chỉnh vốn, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giải ngân vốn FDI ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 55,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 54,68 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5%. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5%.

Về đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố; trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD chiếm 7% tổng vốn đầu tư.

Bổ sung quy định trong luật về các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Sáng 25-4, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Phiên họp nêu rõ tờ trình của Chính phủ khẳng định, để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bảo đảm mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi Hiệp định là cần thiết.

Theo Tờ trình, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm vốn đang tồn tại trong thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có quy định về dịch vụ này.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm càng phát triển thì dịch vụ phụ trợ bảo hiểm càng tác động lớn đến sự lành mạnh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các bên tham gia bảo hiểm giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia bảo hiểm…

Đề xuất bổ sung quy định về kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự luật cũng có những quy định cụ thể về đáp ứng điều kiện với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và điều kiện với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Dự luật thể hiện việc chuẩn hóa các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn; không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, mà chỉ đưa ra điều kiện làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh: “Quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước”.

Các ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nên các quy định để kiểm soát, quản lý dịch vụ này phải phù hợp để vừa tạo thuận lợi cho chủ thể kinh doanh, nhưng cũng phải bảo đảm sự an toàn của thị trường và bảo đảm khách hàng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có chất lượng.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là đã, đang và sẽ tiếp tục nghiêng về hậu kiểm. Thực tế, việc thực hiện hậu kiểm vẫn bảo đảm được vai trò của quản lý nhà nước thông qua các cơ chế kiểm soát từ xa, như kiểm tra việc cấp giấy chứng chỉ đào tạo; thông tin báo cáo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất và thông qua đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp.

Các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc Hiệp định CPTPP chỉ có hiệu lực với 11 nước thành viên, giờ đây để tương thích với CPTPP mà phải sửa đổi luật thì có hợp lý không. Lý do là khi sửa luật thì sẽ có giá trị áp dụng chung cho tất cả, không riêng các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên CPTPP.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời trước khi Việt Nam gia nhập WTO, thực tế khi đó cũng không xuất hiện nhiều dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm thường thực hiện luôn các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nên không cần thiết phải sửa luật.

Tuy nhiên, hiện nay do sự chuyên môn hóa rất cao trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để bổ sung quy định về vấn đề này.

Hoàn thiện Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT).

Thông báo kết luận nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (có hiệu lực từ 01-01-2018) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Như vậy, có đầy đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ xây dựng Nghị định này.

Nội dung dự thảo Nghị định chịu tác động của các luật có liên quan, đặc biệt là Luật đất đai còn chồng chéo, có nhiều vướng mắc trong cách hiểu và vận dụng.

Việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn đã ảnh hưởng đến phát triển của các địa phương, nhiều dự án BT bị ách tắc, dòng chảy kinh tế chưa được khơi thông... Chính phủ đã có Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 29-12-2018 để xử lý khoảng trống pháp lý trong thời gian Nghị định chưa được ban hành.

Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đã được ký hợp đồng được tiếp tục triển khai, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết.

Hình thức đầu tư BT đã được quy định tại các văn bản pháp luật; hình thức đầu tư này đã huy động nguồn lực từ tài sản công (trong đó có đất đai) để phát triển hạ tầng, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Trong thời gian qua, việc triển khai hình thức đầu tư BT tại một số địa phương xuất hiện một số bất cập, đặc biệt là việc xác định giá đất và giá trị dự án BT, vì vậy cần tiếp tục rà soát quy định pháp luật để vừa huy động được nguồn lực, vừa sử dụng hiệu quả tài sản công, bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Để sớm ban hành Nghị định, đáp ứng đòi hỏi huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, bảo đảm chặt chẽ về pháp lý và đáp ứng một số yêu cầu: chống tiêu cực, thất thoát tài sản công; bãi bỏ những nội dung không cần thiết; có quy trình rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan chức năng; đáp ứng nguyên tắc thị trường và không hồi tố, nhưng không để thất thoát tài sản nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ban hành trong tháng 4-2019.

Nợ công của Hy Lạp và Italy tiếp tục tăng cao trong năm 2018

Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat ngày 23-4 công bố báo cáo về nợ công của các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm 2018, trong đó đáng chú ý là mức nợ công của Hy Lạp và Italy - hai nước có số nợ công lớn nhất của Eurozone tiếp tục tăng trong năm này, trái ngược với các nước khác.

Theo báo cáo trên, tỷ lệ nợ công của của 19 nước thành viên Eurozone đã giảm từ 87,1% GDP năm 2017 còn 85,1% GDP vào năm ngoái. Thâm hụt ngân sách của khối này cũng giảm còn 0,5% GDP, so với tỷ lệ 1% GDP của 1 năm trước đó. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2018 ghi nhận mức nợ công giảm 3,6% so với năm trước đó, còn 60,9% GDP.

Cũng theo báo cáo trên, Hy Lạp là nước có tỷ lệ nợ công tăng mạnh nhất trong các nước Eurozone, từ 176,2% GDP trong năm 2017, lên 181,1% GDP năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản vay cứu trợ kinh tế đối với Athens.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ công của Italy trong năm 2018 tăng lên 132,2% GDP, tăng 0,8% so với năm trước đó do những kế hoạch chi tiêu lớn của chính phủ nước này.

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo EC sẽ đưa ra yêu cầu buộc Italy cắt giảm nợ công vào tháng 6 tới, căn cứ trên số liệu thống kế cuối cùng của Eurostat về tình hình nợ công của quốc gia châu Âu này, dự kiến công bố vào tháng 5-2019 và báo cáo của Italy về các kế hoạch tài chính trong 3 năm tới.

Vấn đề ngân sách đã trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa EU và chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở Italy từ hồi cuối tháng 9-2018. EU kêu gọi các quốc gia trong khối siết chặt chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách. Về phần mình, Italy đã nhiều lần kêu gọi EU linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách của nước này.

Diễn đàn hợp tác quốc tế 'Vành đai và Con đường'


Sáng 26-4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tham dự Diễn đàn có 37 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước gồm Australia, Azerbaijan, Belarus, Brunei, Campuchia, Chile, Cyprus, Cộng hòa Séc, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Mozambique, Myanmar, Nepal, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Bồ Đào Nha, Nga, Serbia, Singapore, Thụy Sĩ, Tajikistan, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uzbekistan, Việt Nam; cùng khoảng 5.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành.

Diễn đàn lần này với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn” và chủ yếu gồm 3 phần: Lễ khai mạc, Hội nghị bàn tròn của các Nhà lãnh đạo và Đối thoại cấp cao (dành cho các Bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả). Diễn đàn lần này là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên tham gia “Vành đai và Con đường” tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao góp phần cải thiện đời sống dân sinh.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập vào ngày 07-9-2013.

Khi hoàn thành, sáng kiến này sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn bao trùm khu vực rộng lớn dân số 4,4 tỷ người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến và nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, kết nối khu vực và ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2.

Việt Nam khẳng định sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và các nước xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẵng, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia tham gia./.