Về quyền có đủ điều kiện sống ở Việt Nam
TCCSĐT - Quyền có đủ điều kiện sống bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, ở, các điều kiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhằm bảo đảm quyền tồn tại về phương diện sinh học của con người; là cơ sở tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại, phát triển các quyền của con người trong đời sống xã hội, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đến các quyền dân sự, chính trị.
Những quy định pháp luật về quyền có đủ điều kiện sống ở nước ta hiện nay
Văn kiện Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) xác định: tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập; bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động; chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng; khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp(1). Chính sách an sinh xã hội tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phương châm bảo đảm quyền có đủ điều kiện sống là: “Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân”(2).
Hiến pháp năm 2013 chế định cụ thể quyền có đủ điều kiện sống như sau:
- Điều 22: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
- Điều 23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
- Điều 32: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
- Điều 54: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
- Điều 33: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
- Điều 34: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
- Điều 35: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
- Điều 38: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 cũng đã chế định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền có đủ điều kiện sống. Cụ thể, theo Điều 57, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Và theo Điều 59, Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước. Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.
Những quyền hiến định về quyền có đủ điều kiện sống ở Việt Nam được thể chế hóa cụ thể trong pháp luật, chính sách về kinh tế và xã hội, như trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo bền vững và trợ giúp xã hội,...
Kết quả thực hiện quyền có đủ điều kiện sống trong thực tế
Về kết quả thực hiện quyền có đủ điều kiện sống trong thực tế
Công cuộc đổi mới, trước tiên là đổi mới kinh tế, được thực hiện theo phương châm kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhằm xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhờ đó Việt Nam đã từng bước nâng chuẩn nghèo và nâng cao được thu nhập bình quân theo đầu người. Thí dụ, trong giai đoạn 2006 - 2010, chuẩn nghèo của Việt Nam đối với vùng nông thôn là thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng; thành thị là 260.000 đồng/người/tháng.
Đến giai đoạn 2011 - 2015, chuẩn nghèo của Việt Nam đã lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở vùng nông thôn, còn thành thị là 500.000 đồng/người/tháng. Tỷ lệ nghèo giảm từ 50% (năm 1990) xuống còn 13% (năm 2015). Việt Nam đã về đích về giảm nghèo trước hai năm so với cam kết quốc tế; là 1 trong 6 quốc gia thực hiện sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế vào năm 2015 tăng gấp 3,7 lần so với năm 2000.
Việc bảo đảm quyền sở hữu từng bước có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Nhà nước nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm đã phát triển với hai loại hình Trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân. Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 160.000 lao động/năm; nhất là tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương (lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp,...) có cơ hội vay vốn phát triển kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước giảm từ 2,9% năm 2009 xuống còn khoảng 1,99% năm 2014. Riêng năm 2015, đã tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm; trong đó có gần 80 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Quyền có đủ điều kiện sống được bảo đảm ở các phương diện: 1- Quyền thoát nghèo, bảo đảm sinh kế và được cải thiện đời sống bằng làm giàu hợp pháp; 2- Quyền được tiếp cận với các nguồn lực sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3- Quyền được tiếp cận với cơ hội việc làm; 4- Quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 5- Quyền được tiếp cận với nhiều hình thức an sinh xã hội (bảo hiểm, trợ giúp, dịch vụ,...); 6- Quyền được trợ giúp pháp lý; 7- Quyền được tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị.
Hạn chế trong việc thực hiện quyền có đủ điều kiện sống
- Diện bao phủ của nhiều chính sách kinh tế - xã hội còn thấp, nhất là nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.
- Trong một thời gian dài, việc ban hành nhiều chính sách, chương trình đã và đang gây ra sự đan xen, chồng chéo, đặc biệt là sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, cách thức bầu chọn đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ ở địa phương,.... Chẳng hạn, sự trùng lặp, chồng chéo tiêu chuẩn bảo hiểm y tế cho cùng một đối tượng (thân nhân cán bộ, chiến sĩ công an, người nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người có công với nước, ...). Mỗi chính sách do một cơ quan, ban, ngành có nhiệm vụ chủ trì triển khai; từ đó dẫn đến sự khác biệt trong quá trình chỉ đạo và cách thức triển khai ở địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức, triển khai thực thi chương trình, chính sách. Vì nhiều chương trình, chính sách khác nhau do nhiều cơ quan chủ trì gần như tác động đến cùng một nhóm đối tượng thụ hưởng, nên gây ra tình trạng chồng chéo; chính quyền địa phương, cơ sở nhiều khi nhầm lẫn trong việc áp dụng chế độ của chương trình, chính sách này sang chương trình, chính sách khác.
- Cách tiếp cận “từ trên xuống” không phù hợp với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, trong xây dựng, triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước dễ dẫn đến hệ quả: Một số chủ trương, chính sách, và cách triển khai thực hiện nhiều lúc còn rập khuôn; người dân chưa được bàn bạc, tham gia đầy đủ để giải quyết những vấn đề của chính họ.
- Chủ trương, chính sách, pháp luật về giảm nghèo, nâng cao mức sống, chưa đặt trọng tâm vào hỗ trợ phát triển mà ở mức độ nhất định, vẫn duy trì cách làm có tính bao cấp. Hiện nay đã xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp trong qúa trình triển khai, thực hiện các chính sách giảm nghèo, từ việc bình xét hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách không đúng và tràn lan; người ở diện nghèo không phấn đấu vươn lên mà tìm cách “giữ” tiêu chuẩn nghèo để trục lợi từ sự trợ giúp của Nhà nước. Hậu quả là nhiều trợ giúp (tiền, hiện vật) bị thất thoát, bị tham ô; hay phải duy trì, chi phí một nguồn lực không nhỏ cho việc cấp phát các trợ giúp bằng tiền, hiện vật đến các đối tượng chính sách, .... Hậu quả lớn nhất là duy trì một tâm lý ỷ lại, thụ động, bao cấp trong người dân; không thúc đẩy được quá trình hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giải pháp tiếp tục bảo đảm quyền có đủ điều kiện sống
Thứ nhất, đổi mới nhận thức về giảm nghèo bền vững và chuẩn nghèo theo hướng nâng cao mức sống
- Đổi mới nhận thức về xóa đói giảm nghèo: Không coi xoá đói giảm nghèo là một gánh nặng của phát triển, từ đó nảy sinh quan niệm phiến diện và có khi sai lầm, như “xin - cho”, “bao cấp”, … cho người nghèo. Cách tiếp cận tích cực là: xóa đói giảm nghèo là một cách thức đặc thù của quá trình phát triển bền vững, cho các nhóm yếu thế; từ đó nâng cao được mức sống và bảo đảm được sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.
- Đổi mới và thực hiện chuẩn nghèo nhằm nâng cao mức sống: Theo xu thế chung của thế giới, mức sống không chỉ là đủ ăn mà còn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Trong chuẩn nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí về thu nhập, còn bổ sung tiêu chí về mức sống, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở,… thông qua việc xây dựng chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, chuẩn mức sống trung bình (về thu nhập), chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn nghèo đa chiều gồm thu nhập với mức thu nhập dự kiến cao hơn mức hiện nay. Ngoài ra, người nghèo được tiếp cận với 5 dịch vụ cơ bản, gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thứ hai, rà soát chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện phân công và phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương trong tổ chức triển khai ở địa phương, cơ sở nhằm thực thi tốt việc bảo đảm quyền có mức sống đủ phù hợp với các vùng, miền
- Rà soát chính sách đối với người nghèo, để phân công rõ trách nhiệm của mỗi ngành đồng thời phải chú ý thực hiện trách nhiệm phối hợp với địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Đối với mỗi chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là 2 chương trình “giảm nghèo bền vững” và “xây dựng nông thôn mới”, cần thể chế hóa cụ thể bằng chủ trương, chính sách, cơ chế, nguồn lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hay vùng kinh tế động lực Bắc, Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nói cách khác, có thể xây dựng một số chủ trương, chính sách, cơ chế, nguồn lực có tính đặc trưng cho mỗi vùng, và có khả năng kết nối liên vùng; đồng thời xác định quyền hạn, trách nhiệm cho một số tỉnh, thành có chức năng điều phối liên kết nội vùng.
- Đối với người nghèo vừa cần phải cho “con cá” vừa phải cho “cần câu”. Một bài học quan trọng là phải hỗ trợ thúc đẩy tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ, kể cả kinh tế gia trại, cho người nghèo, để người nghèo tích cực, chủ động thoát nghèo và vươn lên khá giả. Đây là giải pháp “hai trong một” nhằm giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa “con cá” vừa “cần câu” cho người nghèo. Việc tạo việc làm cho người nghèo cũng chủ yếu thông qua phát triển kinh tế hộ, kể cả kinh tế gia trại.
- Đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm, trước hết cho người nghèo: Cải thiện các nguồn tín dụng và vốn vay ưu đãi; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; thí điểm phát triển hệ thống thông tin thị trường về việc làm; triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là “Đề án 1956”.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là tại các vùng khó khăn: theo ba nhóm cơ bản: 1- Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia trợ giúp xã hội để có thu nhập ổn định; 2- Các chính sách hỗ trợ tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiển y tế; 3- Các chính sách trợ giúp xã hội khi gặp các rủi ro việc làm mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn thu nhập và tiếp cận hệ thống dịch vụ xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền có đủ điều kiện sống cho cư dân nông thôn
Thực hiện mục tiêu chung của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh giảm nghèo bền vững và nâng cao mức sống cho cư dân nông thôn. Trên cơ sở Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP (ngày 28-10-2008) và Nghị quyết số 800/2010/QĐ- TTg về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (ngày 16-4-2010), phấn đấu thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020; và đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới./.
------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.136.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.137.
VietinBank chào đón Thực tập sinh tiềm năng năm 2017  (01/08/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến ngày 30-7-2017  (01/08/2017)
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017  (31/07/2017)
Cảnh cáo, kiến nghị miễn nhiệm chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa  (31/07/2017)
Đối tượng bị truy nã Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú cơ quan công an  (31/07/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo một số tập đoàn Trung Quốc  (31/07/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm