Buôn lậu hàng hóa vùng biên giới Việt - Trung: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp
TCCSĐT - Lý thuyết về thương mại và phát triển đã chỉ ra rằng hoạt động thương mại là sự trao đổi tự nguyện giữa các khu vực, quốc gia với nhau trên cơ sở lợi ích thu được từ thương mại.
Việt Nam - Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông. Thực hiện đường lối đổi mới và chính sách mở cửa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm biến biên giới Việt - Trung thành biên giới của hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, trong đó phát triển thương mại, mở rộng giao lưu kinh tế được xem là một trong những “lối mở” hợp quy luật và xu hướng thời đại sau khi hai nước đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam có chung đường biên giới đất liền, tiếp giáp với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Việt Nam có 29 cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, chưa kể các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.
Kể từ năm 2010 đến nay, hoạt động thương mại biên giới thông qua con đường xuất nhập khẩu ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại biên giới, sự gia tăng các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, cũng diễn biến khá phức tạp.
Hoạt động buôn lậu nhìn từ các con số thống kê
Các tuyến buôn lậu chủ yếu
Trên tuyến biên giới đất liền: Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại diễn ra phức tạp, tập trung tại các địa bàn trọng điểm là khu vực Cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, đường biên từ Km1 đến Km3 Phường Ka Long, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh; Cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma, Ga đường sắt liên vận quốc tế thuộc tỉnh Lạng Sơn; Cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh thuộc tỉnh Cao Bằng; Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai, ...
Trên tuyến biển tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là xăng, dầu, than, khoáng sản vẫn tiếp diễn phức tạp. Các đối tượng lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu và những sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng để chở hàng vượt tuyến sang Trung Quốc tiêu thụ. Một số đối tượng thông qua tàu thuyền chuyên tuyến đi nước ngoài để nhập lậu các mặt hàng điện tử, điện lạnh, rượu ngoại, thuốc lá, linh kiện ô tô…
Tuyến đường sắt tình hình buôn lậu cũng diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm như Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng lậu từ Lạng Sơn chủ yếu được đưa lên từ các ga Đồng Đăng, Đông Kinh, Đồng Mỏ. Hàng lậu được đưa xuống tại các ga Yên Viên, Long Biên tập kết tại Hà Nội đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh bằng đường bộ hoặc đường sắt để đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 6 tuyến đường sắt từ Hà Nội đi các tỉnh, tương ứng với các tuyến đường sắt này có 4 điểm tập kết hàng lậu gồm ga Yên Viên, ga Gia Lâm (tập kết hàng lậu vận chuyển từ Lạng Sơn, Lào Cai về), ga Hà Nội và ga Giáp Bát (tập kết hàng lậu vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và miền Nam). Do tàu hỏa là phương tiện đặc biệt, thời gian dừng ở mỗi ga rất ngắn, thậm chí có ga chỉ vài phút, nên việc phối hợp dừng tàu để kiểm tra hàng hóa còn khó khăn.
Mức độ, quy mô và chủng loại hàng hóa
Giai đoạn 2010 - 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 92.819 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá hàng vi phạm 927.85 tỷ đồng. Số liệu đấu tranh chống buôn lậu cho thấy quy mô buôn lậu có chiều hướng gia tăng, cụ thể là năm 2010, lực lượng chức năng đã phát hiện 27.781 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá 199,85 tỷ đồng. Năm 2011, phát hiện 33.649 vụ với trị giá 287,3 tỷ đồng (so với năm 2010, số vụ phát hiện tăng 5.868 vụ; trị giá hàng vi phạm tăng 87,5 tỷ đồng. Năm 2012, phát hiện 31.389 vụ với trị giá 440,7 tỷ đồng so với năm 2011, số vụ phát hiện tuy giảm 2.260 vụ nhưng trị giá hàng vi phạm tăng 153,4 tỷ đồng).
Chủng loại hàng hóa buôn lậu qua biên giới đa dạng, từ các loại hàng cấm thuộc loại đặc biệt nguy hiểm như ma túy, vũ khí đến các loại hàng gia dụng, thực phẩm hằng ngày. Đặc biệt trong quý II năm 2013, nổi lên tình trạng nhập lậu thủy sản có nguồn gốc Trung Quốc là cá tầm, cá quả, ếch, lươn, cá khoai… các loại thủy sản này nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc như: Hoành Mô, Móng Cái (Quảng Ninh), Tà Nùng (Cao Bằng), Cốc Nam, Chi Ma, (Lạng Sơn)... rồi đưa về các chợ cá để tiêu thụ. Cá tầm và một số loại thủy sản thương phẩm khác được các đối tượng vận chuyển qua các đường mòn đưa về nuôi giữ tạm thời ở khu vực biên giới. Các đối tượng đầu nậu lợi dụng quy định thủy sản thương phẩm chỉ phải kiểm dịch khi có công bố dịch đối với loài đó cũng như không có quy định về việc kiểm soát vận chuyển đối với thủy sản thương phẩm để tiếp tục vận chuyển vào sâu trong nội địa. Sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127/TW, Bộ Công Thương, các bộ, ngành và sự tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm quyết tâm ngăn chặn, các lực lượng chức năng đã cơ bản hạn chế được tình trạng này và mặt hàng thủy sản không nguồn gốc không còn được bày bán tại các chợ nội địa, chỉ có một số ít mua bán, trao đổi cư dân biên giới phục vụ tiêu dùng của người dân địa phương.
Năm 2014 tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm… Chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 7.731 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá 118,35 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ phát hiện năm 2014 tăng 650 vụ (tăng 9,18%), trị giá hàng vi phạm giảm 61,25 tỷ đồng (giảm 34,1%). Số liệu trên cho thấy tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diến biến phức tạp nhưng mức độ và quy mô nhỏ hơn trước.
Năm 2015, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi hơn, các đối tượng hoạt động thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường tập trung vào các mặt hàng với lợi nhuận cao như: rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là ma túy, pháo nổ, sản phẩm của động vật hoang dã, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng... Nhìn chung trong năm 2015, hoạt động buôn lậu có xu hướng giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do các nguyên nhân sau: (1) Chính sách biên mậu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi; (2) Các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng nhập lậu; (3) Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tỉnh, các địa phương, các ngành vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm túc, đặc biệt là xử lý hình sự nên có tác dụng răn đe và lan tỏa lớn trong xã hội; (4) Nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình hội nhập quốc tế; (5) Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam từng bước cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Đối tượng tham gia, phương thức, thủ đoạn
Thống kê cho thấy, trong vài năm gần đây, đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu chủ yếu là cư dân khu vực biên giới và một bộ phận lao động từ các địa phương khác đến khu vực biên giới làm ăn, sinh sống. Các chủ đầu nậu tổ chức các đường dây vận chuyển hàng lậu, thuê cư dân, người lao động khu vực biên giới tham gia vận chuyển, gắn trách nhiệm của họ khi vận chuyển hàng lậu. Địa bàn vi phạm có sự mở rộng với quy mô từ nhỏ đến lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, một vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, hình thành những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa trong nước với nước ngoài, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ hàng hóa. Thủ đoạn thường dùng là chia nhỏ hàng hóa, thuê cư dân biên giới mang vác, vận chuyển qua các đường mòn biên giới hai bên cánh gà các cửa khẩu; chia quãng đường vận chuyển thành nhiều cung đoạn, lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới để gom hàng tập kết tại nhiều địa điểm ở khu vực biên giới, dùng nhiều phương tiện khác nhau, mang vác, vận chuyển bằng xe đạp, xe máy qua đường mòn, lối mở, bằng tàu, thuyền trên sông, trên biển, bằng ôtô, tàu hoặc vận chuyển qua đường bưu điện, đường hàng không vào nội địa tiêu thụ, lợi dụng thời điểm là giờ nghỉ, ban đêm để đưa hàng lậu vào sâu nội địa.
Giải pháp cho thời gian tới
Trong tình hình mới hiện nay, xu hướng buôn lậu và gian lận thương mại không tập trung vào một thời điểm nhất định mà hoạt động quanh năm theo hình thức thẩm thấu nhỏ lẻ và theo quy luật cung cầu của thị trường. Vì vậy các tỉnh biên giới - nơi có nhiều cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc, có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn lối tắt dễ dàng cho các chủ đầu nậu lợi dụng cư dân biên giới xuất, nhập cảnh trái phép vận chuyển thuê hàng lậu, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm thẩm thấu vào nội địa. Các đầu nậu thường ít lộ diện mà chủ yếu mua hàng qua giao dịch bằng điện thoại, rồi thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người địa phương sang Trung Quốc mua hàng và áp tải hàng về Việt Nam. Các đối tượng sử dụng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Ban đêm hoặc gần sáng, các đầu nậu mới chỉ đạo đội quân vác hàng thuê lợi dụng địa hình hiểm trở để vác hàng qua các lưng chừng núi, vòng tránh các lán chốt kiểm soát của lực lượng chức năng. Hơn nữa, các đối tượng còn ép người vận chuyển đặt cọc tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa hàng lậu với chủ hàng. Các hành vi gian lận thương mại, phương thức, thủ đoạn hoạt động không có nhiều thay đổi so với năm trước, nhưng tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng Hệ thống thông quan tự động, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư… hệ thống tự động phân luồng tờ khai (luồng xanh, luồng vàng) để cố tình không khai hoặc khai sai tên hàng, mã số, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa… để buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại có xu hướng gia tăng. Các lực lượng phòng, chống buôn lậu trên biên giới gặp nhiều khó khăn khi phải “đương đầu” với các phương thức, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Nhận định tình hình buôn lậu thường diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới với sự tham gia của các lực lượng chức năng hằng năm đều xây dựng kế hoạch, phối hợp phòng chống buôn lậu, qua đó đã đạt được một số kết quả, góp phần cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát được tình hình, không để xảy ra các đường dây tụ điểm phức tạp… Với lực lượng tại chỗ hoặc cắm chốt tại các địa phương tăng cường nắm bắt địa bàn, phân loại đối tượng, nắm bắt phương thức hoạt động, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, từ đó có kế hoạch, phương án kiểm tra phù hợp, hiệu quả. Trong dịp giáp tết, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào các mặt hàng cấm như pháo nổ, các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu tết của người dân…
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan với việc áp dụng thông quan điện tử, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, lực lượng hải quan cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng khác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại bằng cách tăng cường tiến hành thu thập thông tin, tuần tra, kiểm soát các địa điểm trọng yếu, nhạy cảm nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu hiệu quả…
Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng trên địa bàn, Cục chống buôn lậu Bộ Công an (C74) cũng đã phối hợp tốt với Công an và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh triển khai đấu tranh chống buôn lậu, xử lý dứt điểm một số vụ lớn.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là khung khổ pháp lý cho trao đổi thương mại biên giới vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, theo đó cần:
- Phát huy tốt vai trò của cơ chế Ủy ban liên hợp về biên giới trên đất liền Việt - Trung và Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt - Trung; thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước; nâng cao mức độ hợp tác về xây dựng, quản lý và mở cửa các cửa khẩu biên giới hai nước; tiếp tục áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan; tích cực nghiên cứu giải quyết vấn đề lao động thời vụ khu vực biên giới hai nước; tăng cường công tác quản lý, giữ gìn trật tự xã hội, an ninh khu vực biên giới; tiếp tục thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu, áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, tạo thuận lợi cho phát triển của khu vực biên giới hai nước.
- Tăng cường chỉ đạo và ủng hộ giao lưu hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới; thúc đẩy các địa phương liên quan phát huy tốt vai trò của các cơ chế hiện có, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như kinh tế, thương mại, du lịch, kết nối kết cấu hạ tầng giao thông; tích cực nghiên cứu giải quyết vấn đề lao động thời vụ khu vực biên giới hai nước.
- Thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản”; ủng hộ doanh nghiệp hai nước căn cứ theo yêu cầu, tiêu chuẩn của quy định pháp luật về kiểm nghiệm, kiểm dịch, triển khai hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, sắn, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể (tầm quốc gia) để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới. Buôn bán tiểu ngạch đặt ra đồng thời hai loại vấn đề có liên quan, đó là tiếp tục cùng phía Trung Quốc xem lại các thỏa thuận giữa hai bên để sửa đổi, bổ sung các giải pháp thích hợp với tình hình mới cũng như tạo ra sự hợp tác có tính tổ chức giữa các doanh nghiệp hai nước.
- Thực hiện phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới quyết định cho phép các doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan, lối mở biên giới đã đủ điều kiện để tổ chức và quản lý hoạt động thương mại biên giới đối với các loại hàng hóa đã được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong từng thời kỳ.
- Phân cấp cho các địa phương trong hoạt động mua bán trao đổi của cư dân biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa bàn; Xây dựng danh mục và có chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới dựa trên tiềm năng, lợi thế điều kiện phát triển của từng tỉnh biên giới. Xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp và đủ mạnh để ngăn hàng hóa kém chất lượng vào Việt Nam.
- Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết “Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng chức năng địa phương cũng như giữa địa phương và Trung ương trên các mặt: Về kế hoạch phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; Về thông tin định kỳ và đột xuất; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết cho các cư dân biên giới không tiếp tay cho hàng lậu.../.
Ba “cần” - Một “không”!  (01/06/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Donald Trump  (01/06/2017)
Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam-Hoa Kỳ  (01/06/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 22 đến ngày 28-5-2017)  (31/05/2017)
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017: Cơ hội để giới thiệu về di sản văn hóa Quảng Nam  (31/05/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Hoàng hậu Vương quốc Hà Lan  (31/05/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên