Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-11 đến ngày 04-12-2016)
Tối đa hóa hiệu quả hoạt động hòa bình và giảm thiểu tác động tới môi trường
Ảnh minh họa. Ảnh: EPA
Ngày 30-11-2016, tại trường Đại học Columbia ở New York, cơ quan hỗ trợ nghiên cứu thực địa của Liên hợp quốc (DFS) đã công bố một chiến lược mới nhằm tối đa hóa hiệu quả của hoạt động hòa bình trong sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời giảm đến mức tối thiểu nguy cơ của những hoạt động này đối với con người, xã hội và hệ sinh thái, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và quản lý môi trường trong quá trình thực thi các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
DFS là nhà cung cấp dịch vụ chính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, hỗ trợ cả các sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc và các sứ mệnh không phải của Liên hợp quốc, với gần 168.000 đại diện tại khoảng hơn 30 nước trên thế giới. Chiến lược kéo dài 6 năm nói trên - hoàn toàn phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) - sẽ xác định những thách thức và mục tiêu dựa trên 5 trụ cột: năng lượng, nước và nước thải, chất thải rắn, tác động rộng lớn hơn, và các hệ thống quản lý môi trường. Chiến lược cũng bao gồm cả những chỉ dẫn quan trọng đối với hoạt động trong những lĩnh vực trên. Trong giai đoạn đầu tiên - kéo dài đến tháng 7-2020 - chiến lược sẽ tập trung vào việc cải tiến những phân tích đánh giá về môi trường để đạt hiệu quả trong quá trình quản lý. 5 trụ cột nói trên sau đó sẽ được xem xét lại và ấn định mục tiêu cụ thể cho việc thực thi chiến lược trong giai đoạn hai - sẽ kết thúc vào tháng 6-2023. Trong bài phát biểu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc và cũng là người đứng đầu DFS, Atul Khare ghi nhận chiến lược trên là một “tài liệu sống động” cần tiếp tục được chắt lọc và bổ sung trong bối cảnh có những thông tin và thành tựu mới. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến những sáng kiến liên quan, vốn đang được thực thi nhằm giảm tác hại của hoạt động hòa bình tới môi trường.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Iran
Nhà máy hạt nhân Arak của Iran. Ảnh: TTXVN
Ngày 01-12-2016, với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA). Theo đó, các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Iran sẽ kéo dài thêm 10 năm. Dự luật này được trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama để ký ban hành thành luật và sẽ trì hoãn mọi hành động cứng rắn hơn cho đến năm 2017.
ISA được thông qua lần đầu vào năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. ISA sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 năm nay nếu không được gia hạn. Nhà Trắng đã không thúc đẩy việc gia hạn nhưng cũng không gia tăng sự phản đối mạnh mẽ hơn. Các thành viên của Quốc hội và quan chức chính quyền cho rằng sự gia hạn ISA không vi phạm thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi năm ngoái. Trong khi đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng phản đối Mỹ tiếp tục gia hạn ISA và cho rằng động thái này hoàn toàn trái với thỏa thuận hạt nhân JCPOA, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước đây và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 01-2016 sau khi nước này và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được JCPOA. Tuy nhiên, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donal Trump đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận JCPOA. Ông D. Trump coi văn kiện này là một “thảm họa”, đồng thời đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này nếu ông đắc cử. Ngày 10-11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm B. Obama sẽ duy trì JCPOA. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định không thể bảo đảm tương lai văn kiện này dưới thời chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử D. Trump.
Các nước thông qua quỹ bảo vệ di sản
Tháp giáo đường ở Jam, tỉnh Ghor, là 1 trong 55 di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Ảnh: Telegraph
Ngày 03-12-2016, đại diện của khoảng 40 nước nhóm họp tại thủ đô Abu Dahabi của các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thông qua kế hoạch thành lập một quỹ bảo vệ các di sản trong các khu vực có chiến tranh và một mạng lưới cất giữ an toàn cho các tác phẩm nghệ thuật đang gặp nguy hiểm. Kế hoạch trên được nêu trong Tuyên bố Abu Dhabi do nước chủ nhà và Pháp tài trợ với sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Mục tiêu ban đầu của cuộc họp là thành lập quỹ bảo vệ trị giá 100 triệu USD, song trong tuyên bố kết thúc hội nghị không nêu cụ thể khoản ngân quỹ mà mỗi nước cam kết đóng góp. Tuy nhiên, hai nước tài trợ chính cam kết đóng góp 30 triệu USD. Một số quốc gia khác, trong đó có các nước vùng Vịnh Arab và Trung Quốc, đã thể hiện sẵn sàng đóng góp, nhưng không đề cập con số cụ thể. Dự kiến, quỹ được đặt tại Geneva (Thụy Sĩ).
Cuộc họp tại Abu Dhabi diễn ra vào thời điểm UNESCO vừa công bố có 55 trong tổng số 1.052 di sản thế giới nằm trong danh sách các di sản đang gặp nguy hiểm. Theo UNESCO, các cuộc xung đột, động đất và các thảm họa thiên nhiên khác, cùng với nạn ô nhiễm môi trường, săn bắn trái phép, tình trạng đô thị hóa và phát triển du lịch vượt tầm kiểm soát đã đặt ra những thách thức lớn đối với các di sản thế giới. Việc đưa các di sản thế giới vào danh sách bảo vệ cho phép Quỹ Di sản thế giới lập tức triển khai các biện pháp ứng phó thích hợp, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế về thực trạng này với hy vọng các nước có thể tham gia các nỗ lực bảo tồn.
Lễ tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro tại Santiago de Cuba
Người dân Cuba tiếc thương cố lãnh tụ Fidel Castro. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 04-12-2016, theo giờ Việt Nam, lễ mít tinh tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro tại Santiago de Cuba, thành phố miền Đông Cuba, đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các nước và hàng chục nghìn người dân Cuba. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Cuba Raul Castro cam kết sẽ bảo vệ Tổ quốc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, khẳng định Cuba sẽ vượt qua mọi thách thức, trở ngại cũng như các mối đe dọa trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch R. Castro cũng cho biết thể theo ước nguyện trước khi qua đời của Tổng tư lệnh F. Castro, Cuba sẽ không đặt tên vị lãnh tụ cách mạng này cho các công trình lịch sử, công cộng. Trước đó, sáng 03-12, đoàn xe rước tro cốt của lãnh tụ F. Castro đã tới Santiago de Cuba, sau bốn ngày đi dọc chiều dài đất nước, lặp lại hành trình tự do mà lãnh tụ Fidel đã thực hiện lúc còn sống. Tro cốt của vị lãnh tụ huyền thoại Fidel Castro đã được an táng tại nghĩa trang Santa Ifigenia tại thành phố Santiago de Cuba, cũng là nơi yên nghỉ của vị anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti và nhiều nhân vật lịch sử khác của đảo quốc Caribe này.
Sau nghi lễ an táng lãnh tụ F. Castro trong phạm vi gia đình, nghĩa trang Santa Ifigenia tại Santiago de Cuba đã mở cổng chính để những người dân Cuba đầu tiên vào viếng và tưởng nhớ vị Tổng tư lệnh kính yêu của mình. Hàng nghìn người dân địa phương với những đóa hoa trên tay để dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, cùng hàng trăm nhà báo từ khắp nơi trên thế giới, đã xếp hàng trong nhiều giờ để được tiễn biệt và lưu lại những khoảnh khắc trong ngày quốc tang cuối cùng của Cuba tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro./.
Doanh nghiệp FDI hãy đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam  (05/12/2016)
Doanh nghiệp FDI hãy đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam  (05/12/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-11 đến ngày 04-12-2016  (05/12/2016)
Gửi tiền tại VietinBank đón lộc đầu năm  (05/12/2016)
Stratfor dự báo quan hệ Mỹ-Nga ấm lên, phương Tây bị chia rẽ  (04/12/2016)
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ  (04/12/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên