Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-9 đến ngày 2-10-2016)
TCCSĐT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã phát cảnh báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, trong đó lưu ý trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về.
Các tín hiệu tích cực từ kinh tế trong nước được phát đi trong tuần qua
Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý III ổn định
“80,3% số doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý II, tuy nhiên vẫn có 19,7% số doanh nghiệp đánh giá còn gặp khó khăn”. Đây là kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất ổn định và tốt hơn là 85,6%, trong đó có 48,8% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên và 36,8% số doanh nghiệp nghiêng về sự ổn định, song có 14,4% doanh nghiệp được hỏi lại đưa ra dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng - Tổng Cục Thống kê, triển vọng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý IV sẽ khả quan hơn so quý III, tập trung tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đạt 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so. Như vậy, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Theo đó, số việc làm mới sẽ đạt khoảng 928.700 người, bằng 92,9% cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng là 20.510, tăng 59,6% (trước đó, chín tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động gần 102.000 doanh nghiệp. “Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới,” ông Lâm nói.
Nhiều khả năng GDP cả năm đạt 6,3%, lạm phát dưới mức 5%
Chiều 30-9, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên thường kỳ quý III-2016 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại phiên họp cho thấy 9 tháng năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,93%. Ước cả năm, GDP đạt từ 6,3 - 6,5%, nhiều khả năng đạt mức 6,3%. Lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,34% so với cùng kỳ. Ước cả năm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát ở dưới mức 5% như Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn cùng kỳ. Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, trong đó vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan, 9 tháng ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% cao hơn mức tăng 8,4% cùng kỳ. Ước cả năm giải ngân vốn FDI đạt 15,5 tỷ USD.
Các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng nếu GDP của năm nay tăng từ 6,1 - 6,3% cũng là cố gắng lớn trong bối cảnh điều kiện tài khóa, tiền tệ “chật chội” và đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm chất lượng của tăng trưởng kinh tế; tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, vừa giải quyết các tồn đọng hiện nay và vừa chuyển biến nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng tốt hơn, hướng nhiều tới tương lai, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động vốn trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.
Cảnh báo doanh nghiệp cẩn trọng khi xuất khẩu gạo sang Mỹ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã phát cảnh báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, trong đó lưu ý trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về. Doanh nghiệp tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, nhiều lô hàng gạo của doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số thị trường các nước phát triển khác. Ông Đô cho rằng nếu không cảnh báo, lưu ý việc nhập khẩu của doanh nghiệp thì sẽ có nguy cơ đóng cửa thị trường Mỹ.
Thông tin từ trang cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại, cho thấy chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo của Việt Nam bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Qua kiểm tra của FDA, có 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Còn tại Mỹ, có 5 hoạt chất chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm.
IMF chính thức đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ SDR mới
Ngày 30-9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành giỏ tiền tệ quốc tế mới, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), trong đó bao gồm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đây được xem là "dấu mốc lịch sử" đối với Trung Quốc, IMF và cả hệ thống tiền tệ quốc tế.
Phát biểu tại thủ đô Washington của Mỹ, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho hay đây là "lần đầu tiên" trong lịch sử, giỏ SDR được mở rộng. Bà Lagarde nói: "Kể từ ngày mai, nhân dân tệ sẽ được cộng đồng quốc tế coi như một đồng tiền có thể sử dụng trên toàn cầu. Nhân dân tệ sẽ gia nhập giỏ SDR cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và yen Nhật".
Bà Lagarde cũng cho rằng việc đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR là "một bước quan trọng" trong việc hội nhập nền kinh tế Trung Quốc vào hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, đồng thời phản ánh những cải cách trong hệ thống tiền tệ, giao dịch ngoại tệ và tài chính của Bắc Kinh.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ cao hơn so với dự kiến trong khi đó kinh tế Nga đang ghi nhận đấu hiệu phục hồi
Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II-2016 cao hơn so với dự kiến
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý II-2016 cao hơn so với mức ước tính đưa ra trước đó, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp tăng. Báo cáo cập nhật của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29-9 cho biết trong quý II vừa qua, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt 1,4%, cao hơn so với mức ước tính ban đầu 1,1% và mức yêu cầu điều chỉnh tăng 1,3% của giới chuyên gia.
Một trong những nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý II là do chi tiêu tiêu dùng - yếu tố đóng góp tới hơn 70% vào "guồng máy" hoạt động của nền kinh tế, tăng khá mạnh, tới 4,3%. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vượt trội hơn so với nhập khẩu cũng góp phần khiến GDP quý vừa qua tăng ở mức nhanh nhất kể từ quý III-2014.
Các nhà phân tích thuộc tổ chức Macroeconomic Advisers (Các cố vấn kinh tế vĩ mô) dự báo kinh tế Mỹ trong quý III và quý IV năm nay đạt mức tăng trưởng lần lượt 3% và 2,4%. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng khả quan hơn của nền kinh tế Mỹ hầu như sẽ không tác động tới tương lai chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội ngày 28-9 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết ngân hàng này nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay do lo ngại tỷ lệ lạm phát tăng. Trước đó một tuần, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25 - 0,5% trong thời gian tới, với lý do Fed cần nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa từ nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu trước khi nâng lãi suất.
Tổng thống Putin: Kinh tế Nga đang phục hồi song chưa ổn định
Kinh tế Nga đang dần phục hồi, tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng tích cực vẫn chưa ổn định. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra nhận định này trên trang thông tin điện tử chính thức của mình ngày 29-9.
Theo Tổng thống Putin, khoảng cách về tỷ lệ lạm phát thực tế và mục tiêu đang dần thu hẹp. Hiện tỷ lệ lạm phát của Nga là 7%, trong khi tỷ lệ lạm phát mục tiêu trung hạn ở mức 4%. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng thông báo Chính phủ Nga gần hoàn tất dự thảo ngân sách 2017. Ông cho biết văn kiện này sẽ sớm được trình lên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) để phê chuẩn.
Kinh tế Nga rơi vào suy thoái năm 2014 khi giá dầu - sản phẩm xuất khẩu chính của Nga, đột ngột giảm mạnh, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trong nước bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga do cuộc xung đột ở Ukraine.
Cùng ngày, Levada-Center công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 82% người Nga hài lòng với các thức điều hành công việc của Tổng thống Putin trong ba tháng gần đây. Trong khi đó, có khoảng 48% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng với hoạt động của Thủ tướng Dmitry Medvedev./.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc dự khai mạc Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam  (04/10/2016)
Có thể thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các kết luận  (04/10/2016)
Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng mức độ ngày càng phức tạp hơn  (04/10/2016)
Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945  (04/10/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay