Góp phần tìm hiểu một số vấn đề về phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Ngày 15-5-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó nêu rõ: phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng... góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Tuy nhiên, cần thấy rằng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung rất phong phú, là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử; phong cách sinh hoạt giản dị, khiêm tốn; phong cách quần chúng gần dân và phong cách nêu gương... Tất cả, điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện một cách hoàn hảo, trở thành một chuẩn mực hết sức phong phú và sinh động tạo nên phong cách Hồ Chí Minh. Đặc trưng nổi bật nhất trong phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Trước hết cần hiểu rằng, tư duy là quá trình nhận thức thực tại khách quan vào bộ óc con người thông qua quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, trừu tượng hóa,… để tìm ra bản chất, quy luật của sự vật và hiện tượng. Theo V.I. Lê nin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, đi sâu tiến gần đến chân lý khách quan hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam thấm đượm truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng trong quá trình tìm đường cứu nước Người còn có điều kiện học hỏi và tiếp thu những yếu tố mới trong văn hóa - tư tưởng tiến bộ và nhân văn của nhân loại cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính điều đó đã tạo nên ở Người một phong cách tư duy hài hòa, với những nét đặc sắc riêng không trộn lẫn. Nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng các phương pháp thao tác tư duy mới, luôn biết đặt ra các câu hỏi: tại sao, như thế nào.., để tìm hiểu đến cùng bản chất của sự vật, hiện tượng. Từ đó, Người đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những phán đoán, đi tới những kết luận mới, đề ra những luận điểm mới, nghĩa là vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo, tiếp tục vượt lên phía trước, qua đó, bắt kịp nhịp sống và sự phát triển của thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nắm vững phương pháp tư duy khoa học, cách mạng, sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn hình thành nên một phong cách tư duy hài hòa với những đặc trưng riêng của mình.
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo
Trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không theo đuôi, giáo điều, không vay mượn nguyên xi cái gì của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước. Tự chủ là sự chủ động và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân và biết làm chủ bản thân. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù, là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nhờ phong cách tư duy đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, phát triển sáng tạo con đường và phương pháp tiến hành cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế của thời đại.
Cái mới, cái sáng tạo trong phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam mà còn phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp. Cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng trên con đường phát triển trong hơn 86 năm qua.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, ngay từ buổi đầu trên con đường hành trình đi tìm đường cứu nước cũng như trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức sôi nổi và phong phú của mình cho đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất đậm nét phong cách tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo của mình. Thật vậy, nhờ có hướng đi và cách đi đúng đắn, Người đã hiểu sâu sắc về kẻ thù và bắt gặp chân lý của thời đại, từ đó tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(1). Từ đó Người đi đến kết luận: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"(2)…
Sau khi đã gia nhập phong trào cộng sản, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo đó vẫn tiếp tục được Người phát triển, chứ không chỉ chấp nhận đơn giản, một chiều. Thấm nhuần sâu sắc di huấn của V.I. Lênin rằng, chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần sự bổ sung và làm giàu thêm chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng tinh hoa lý luận văn hóa phương Đông. Và, phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng nơi.
Chúng ta có thể thấy: C.Mác coi đấu tranh giai cấp là động lực chủ yếu của lịch sử; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thừa nhận quan điểm đấu tranh giai cấp nhưng lại nhấn mạnh nhiều hơn về chủ nghĩa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước…
Khi đề cập các yếu tố cho sự ra đời của Đảng Cộng sản, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước Nga và của phong trào công nhân châu Âu, V.I.Lênin cho rằng, đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930... Đây chính là đặc điểm mới của thời đại, và cũng là nhận thức vượt trội của Người so với các nhà yêu nước đương thời ở nước ta và nhiều nhà lãnh đạo của phong trào Công sản và công nhân quốc tế lúc đó.
Như vậy, cơ sở của tư duy độc lập và sáng tạo đó là quan điểm thực tiễn được thể hiện một cách sinh động trong phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy nhu cầu và đặc điểm của thực tiễn đất nước cùng xu thế phát triển của thời đại làm định hướng cho tư duy và hành động. Nhờ đó mà Người đã khắc phục được căn bệnh giáo điều, chủ quan, sao chép sách vở một cách máy móc, rập khuôn. Nói cách khác, Người không chỉ lấy kiến thức trong những trang sách để soi cuộc đời, mà Người còn lấy thực tiễn của cuộc sống để soi vào những trang sách. Đó là đặc trưng của phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư duy định hướng trên cơ sở thực tiễn.
Một trong những phẩm chất cơ bản không thể thiếu ở những nhà lãnh tụ, nhà lý luận kiệt xuất, hay một đảng cách mạng là cần phải có nhãn quan chính trị với tầm nhìn xa trông rộng. Phải hiểu được quy luật vận động của lịch sử, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được những bước đi thì từ đó mới đưa ra những quyết sách cụ thể đưa phong trào cách mạng vượt qua những khó khăn hiểm họa nhất là trong những bước ngoặt, khúc quanh của lịch sử. Đó là năng lực dự báo của tư duy, điều này đã thể hiện rõ trong phong cách tư duy có tính dự báo cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra nhiều dự báo kỳ diệu, với độ chính xác gần như tuyệt đối. Có thể dẫn ra đây một vài dự báo thiên tài của Người đã được lịch sử xác nhận. Ngày 01-01-1942 trên báo Việt Nam độc lập số 114, trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Trong bài Năm mới công việc mới, Bác khẳng định: Ta có thể quyết đoán rằng: Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho nhân dân ta khởi nghĩa đuổi Pháp, Nhật làm cho Tổ quốc ta độc lập, tự do. Trên thực tế chúng ta đã tiến hành tổng khởi nghĩa vào đúng thời cơ mà Bác đã dự đoán giành thắng lợi trong thời gian ngắn.
Đầu xuân 1968, trong lần đến thăm và làm việc với Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”… Và, Người dự báo: “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(3). Thực tiễn lịch sư đã diễn ra đúng như vậy...
Trong Di Chúc gửi lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(4). Hướng tầm mắt về tương lai, Người đã trù liệu đến những việc chúng ta phải làm sau khi kháng chiến thắng lợi như thực hiện thống nhất về mặt nhà nước, phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và chăm lo xây dựng con người, trong đó quan trọng hàng đầu là phải chỉnh đốn Đảng,… Người coi những việc trên đây là “rất to lớn, nặng nề, phức tạp mà cũng rất vẻ vang”, “một cuộc chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Những gì mà Người nêu ra chính là những gợi mở có tính định hướng cho công cuộc đổi mới, nếu chúng ta không làm tốt nó sẽ trở thành nguy cơ, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ…
Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Hồ Chí Minh có được một năng lực tư duy dự báo cao như vậy?… Cần hiểu rằng: Dự báo khoa học nào cũng là kết quả của quá trình tích lũy thông tin, phân tích các sự kiện, tổng kết kinh nghiệm lịch sử, từ đó rút ra quy luật vận động của thực tiễn để rồi vận dụng nó để phán đoán những diễn biến, xu thế phát triển mới của tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ Mác-xít, năng lực tiên liệu, dự báo của Ngư¬ời có được là do một phần nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hơn nữa là với tầm cao của trí tuệ tuyệt vời, thấm đậm bản sắc văn hóa của dân tộc và thời đại. Nhờ đó mà Người có thể nhìn thấy được tương lai mà người bình thường chưa thể nhìn thấy…
Đổi mới, nâng cao chất lượng, theo phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ phát triển mới
Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho chúng ta. Phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Vì vậy, mọi đảng viên, cán bộ cần học tập và vận dụng vào thực tiễn, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ phát triển mới.
Kế thừa, phát huy những giá trị của tư tưởng, phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo huy động được sức mạnh của toàn dân tộc giành được những thành tựu to lớn trên con đường phát triển. Trước những khó khăn, thách thức trong bước ngoặt, khúc quanh của lịch sử, Đảng ta với bản lĩnh chính trị vững vàng luôn kiên định mục tiêu lý tưởng.
Hiện nay, đất nước ta đã và đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Điều này, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm rất cao, tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ phát triển mới, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.267, 268
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, tập 9, tr.314
(3) Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203
(4) Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bản công bố năm 1969) - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 15, tr. 619, 629
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc dự khai mạc Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam  (04/10/2016)
Có thể thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các kết luận  (04/10/2016)
Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng mức độ ngày càng phức tạp hơn  (04/10/2016)
Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945  (04/10/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên
- An ninh con người trong bối cảnh thế giới thay đổi và thực tiễn chính sách ứng phó của Việt Nam và Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên