Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động
TCCSĐT - Tại thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 và các hội nghị cấp cao liên quan trong ba ngày (từ ngày 06 đến 08-9-2016). Đây là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN tập trung bàn thảo những phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, củng cố đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 -29 tại Vientiane (Lào). Ảnh: TTXVN
Củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm trong khu vực
Bốn mươi chín năm kể từ khi thành lập, ASEAN đã trải qua những giai đoạn phát triển quan trọng, sôi động và toàn diện. ASEAN đã chuyển mình từ một tổ chức liên kết lỏng lẻo chỉ bao gồm 6 nước để trở thành một ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên, một Cộng đồng gắn kết chặt chẽ, có thể chế và có Hiến chương ASEAN.
ASEAN hiện đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước và trung tâm lớn trên thế giới. Quan hệ đối ngoại của ASEAN đã có những bước phát triển hoàn toàn khác so với trước đây, bởi có sự tham gia và gắn kết ngày càng nhiều, ngày càng chặt chẽ của các nước, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia,... ASEAN đang phát huy vai trò dẫn dắt, xây dựng cấu trúc hợp tác trong khu vực và có đóng góp quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Ngày 31-12-2015, với nỗ lực của tất cả các nước thành viên, ASEAN đã chính thức hình thành một Cộng đồng chung, luôn gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia. Cộng đồng ASEAN đặt mục tiêu hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên các nguyên tắc luật pháp - nơi mà mọi người dân, các nhà đầu tư và mọi lĩnh vực của xã hội có thể đóng góp và hưởng thụ các lợi ích từ một Cộng đồng hội nhập và kết nối hơn dựa trên sự hợp tác tăng cường ở ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, vì sự phát triển bền vững, bình đẳng và toàn diện. Đây là dấu ấn mang tính chất lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN. Sau khi hình thành Cộng đồng chung, trong năm 2016, ASEAN đã và đang tích cực triển khai “Tầm nhìn ASEAN 2025”, trong đó xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi.
Trên cơ sở những nỗ lực và thành tựu của ASEAN trong gần 5 thập niên qua, đặc biệt là việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015, với chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 cùng các hội nghị cấp cao lần này là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN tập trung bàn thảo phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện các kế hoạch đề ra, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào (gồm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, thuận lợi hóa thương mại, chuyển đổi kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, kết nối và hợp tác về di sản văn hóa), các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất.
Với quyết tâm thúc đẩy kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3. Theo đó, Kế hoạch Kết nối sẽ tập trung vào các lĩnh vực chiến lược: phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, chuỗi cung ứng không gián đoạn, tối ưu hóa hoạch định và thực thi chính sách, giáo dục, đào tạo nghề và đi lại nội khối. Chương trình Công tác Hội nhập hướng đến các lĩnh vực ưu tiên là thực phẩm và nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, y tế và phúc lợi, đào tạo và lao động, nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững.
Trước các thách thức hiện nay, các nước ASEAN chú trọng việc tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác và xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực cũng như đề cao các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Trong bối cảnh vừa thành lập Cộng đồng, tiến tới kỷ niệm 50 năm Hiệp hội ra đời, 10 năm ký Hiến chương ASEAN (năm 2017), song lại đứng trước những thách thức phức tạp, ASEAN cần duy trì sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, phát huy tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. ASEAN đã tạo cảm hứng về khả năng phát triển thì ASEAN cũng cần tạo cảm hứng cho thế giới về khả năng gìn giữ hòa bình, ổn định.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác thảo luận và thông qua 42 văn kiện. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch. Tuyên bố khẳng định, tại các Hội nghị cấp cao ASEAN 28 -29, lãnh đạo các nước ASEAN đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn và xây dựng về định hướng trong tương lai của ASEAN; đề cập tới một loạt các vấn đề từ kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh, xây dựng cộng đồng, quan hệ đối nội, đối ngoại... Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung, vấn đề Biển Đông đã được các nhà lãnh đạo ASEAN quan tâm, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định sự cần thiết cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc tôn tạo, bồi đắp, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Bên cạnh việc ghi nhận đà tiến triển và giai đoạn mới trong quá trình tham vấn, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng kêu gọi tất cả các bên khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên (COC) hữu hiệu ở Biển Đông, trong đó bao gồm việc gia tăng tần suất họp ở cấp Quan chức cao cấp và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện DOC.
Tăng cường quan hệ đối tác
Bên cạnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29, trong ba ngày diễn ra Hội nghị còn có hàng loạt các hội nghị cấp cao liên quan: Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 18; Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia; Hội nghị ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 8; Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14; Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 4; Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 4.
Qua các trao đổi, các đối tác đều đánh giá cao vai trò của ASEAN và đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực. Ngược lại, các nước ASEAN cũng đề nghị các đối tác phát huy hơn nữa hiệu quả của các cơ chế đang có, hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, cùng hợp tác đối phó với các thách thức xuyên quốc gia, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Trong các hội nghị ASEAN với các nước đối tác, có thể thấy, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 được coi là cơ hội tăng cường hợp tác khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần này nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đối với sự ổn định và phát triển ở khu vực Đông Á. Ra đời nhằm hỗ trợ các nước ứng phó với khủng hoảng tài chính năm 1997, cơ chế ASEAN+3 ngày càng phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực. Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao; Hàn Quốc chú trọng hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân; Trung Quốc ưu tiên coi ASEAN là thị trường du lịch trọng điểm, tiếp tục nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á. Hội nghị đã thông qua hai Tuyên bố về Hợp tác phát triển bền vững và Tuyên bố về tuổi già năng động.
Các hội nghị cấp cao giữa ASEAN và từng bên đối thoại cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 ghi nhận Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về việc Thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, đồng thời hoan nghênh Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông (CUES) và Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa Quan chức Cao cấp của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên Biển Đông. Bên cạnh đó là hai tuyên bố chung về Hội nghị lãnh đạo kỷ niệm 25 năm thiết lập các quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN và về Hợp tác về năng lực sản xuất song phương.
Trên cơ sở các kết quả bước đầu triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN - Hàn Quốc 2016 - 2020, Hàn Quốc tiếp tục là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt hơn 122 tỷ USD và đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt gần 6 tỷ USD. Theo đó, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, phát huy các thế mạnh và tiềm năng của AEC, hướng tới mục tiêu thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020. Trong hợp tác văn hóa, hai bên tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa ASEAN - Hàn Quốc thông qua “Ngôi nhà Văn hóa ASEAN” sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2017 tại Busan (Hàn Quốc). Năm 2017 được lãnh đạo hai bên nhất trí chọn là năm hợp tác văn hóa ASEAN - Hàn Quốc. Ngoài ra, cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 18, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác rừng, phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, hợp tác giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhấn mạnh đến việc cần phải tăng cường kết nối với các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi ngày 08-9 khẳng định, ASEAN là trung tâm trong “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Theo Thủ tướng N. Modi, quan hệ hợp tác giữa hai bên được phát triển thông qua thành công về kinh tế và kinh nghiệm phát triển. Trong thời gian tới, hai bên cần đoàn kết chống khủng bố, bởi theo Thủ tướng N. Modi mối quan hệ đối tác của Ấn Độ với ASEAN là tìm kiếm một sự phản ứng thông qua phối hợp, hợp tác ở nhiều cấp. Ấn Độ sẵn sàng thực hiện những biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác về an ninh mạng, chống quá khích hóa và chống khủng bố; đề nghị thành lập một lực lượng chung về kết nối để hợp tác mở rộng tuyến đường nối ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, sang Campuchia, Lào và Việt Nam trong khi đề xuất tăng cường Quỹ ASEAN - Ấn Độ với khoản tiền bổ sung là 50 triệu USD.
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, một trong những vấn đề trọng tâm mà Tổng thống Mỹ B. Obama đề cập là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ B. Obama nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan), khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, là mang tính “ràng buộc”. Theo đó, Tổng thống B. Obama hối thúc Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và không tiến hành các biện pháp đơn phương có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Ngoài ra, Mỹ muốn làm việc mang tính xây dựng với các nước Đông Nam Á nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao cũng như sự ổn định của khu vực. Trên bình diện kinh tế, ngoài việc bàn cách triển khai hiệu quả sáng kiến Kết nối Mỹ - ASEAN, Tổng thống B. Obama cũng cam kết đẩy nhanh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 51 tỷ USD trong năm 2015. Kể từ khi ASEAN và Australia nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2014, hai bên đạt được nhiều kết quả. Australia đã hỗ trợ ASEAN trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có cam kết dành hơn 100 triệu AUD trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm tăng cường hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân; chương trình “Đầu tư cho phụ nữ” trị giá 46 triệu AUD. Cùng với việc thông qua Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố quốc tế tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia định kỳ lần thứ nhất, ASEAN và Australia nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân cũng như hợp tác xử lý các thách thức phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc, hai bên thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch dài hạn đầu tiên cho hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc với nhiều nội dung quan trọng như gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, hợp tác về gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, quyền phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy các giá trị và chuẩn mực quốc tế. Hai bên cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động này nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên hiệu quả và thực chất hơn. Liên hợp quốc cũng cam kết đẩy mạnh hỗ trợ các nước ASEAN thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển.
Ngoài các hội nghị cấp cao, còn có Cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Đại diện Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện giới trẻ ASEAN; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC)…
Với các phiên đối thoại, sau khi nghe ý kiến của các đại diện nghị viện, doanh nghiệp và thanh niên nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia, đóng góp tích cực của các giới nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng nước thành viên và nền kinh tế khu vực, tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân và chính phủ, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN, tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang tích cực và khẩn trương thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong cuộc gặp Lãnh đạo AIPA - ASEAN lần này, Chủ tịch Hạ viện Malaysia thay mặt các Trưởng đoàn Đại biểu Nghị viện AIPA đã trình bày Tuyên bố của AIPA đối với việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột. Về chính trị - an ninh, AIPA thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề an ninh hàng hải và ủng hộ các nỗ lực duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không đối với vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, AIPA nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chống khủng bố, hợp tác thông tin tình báo, thúc đẩy văn hóa đối thoại nhằm phi cực đoan hóa đối với các nhóm tôn giáo cực đoan; bày tỏ quan ngại về nạn đánh bắt cá trái phép, vấn nạn buôn lậu gỗ và động vật hoang dã trong khu vực. Về kinh tế, AIPA thúc đẩy các quốc gia nội luật hóa đầy đủ các Thỏa thuận ASEAN, hướng tới thực hiện Tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong tiến trình xây dựng một thị trường thống nhất, tự do dịch chuyển lao động trong ASEAN, AIPA cho rằng, ASEAN cần phải tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường năng lực của các thành viên CLMV thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và Khuôn khổ Phát triển Kinh tế công bằng ASEAN. Về văn hóa - xã hội, AIPA thừa nhận tầm quan trọng của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) và cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai cụ thể các công việc phù hợp với Kế hoạch tổng thể năm 2025 của ASCC.
ASEAN đang bắt đầu tiến hành cập nhật Hiến chương ASEAN sau gần 10 năm văn kiện này được ký kết (năm 2007). Là văn kiện pháp lý căn bản và cao nhất của ASEAN, quy định tổng thể về các mục tiêu, nguyên tắc, chức năng, cơ cấu tổ chức và phương thức làm việc của ASEAN, Hiến chương ASEAN được cập nhật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, đặc biệt là trước những thách thức mới nổi trong khu vực và quốc tế thời gian gần đây. Những thỏa thuận đạt được trong các kỳ hội nghị cấp cao lần này, trên cơ sở Hiến chương ASEAN - văn kiện pháp lý quan trọng sớm được cập nhật sẽ mang đến cho Cộng đồng ASEAN sức sống mãnh liệt và vững chắc./.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị khai trừ Đảng đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh  (08/09/2016)
Lãnh đạo Đảng Lao động Mexico ngưỡng mộ sự năng động của Thành phố Hồ Chí Minh  (08/09/2016)
Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, du lịch  (08/09/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên