“FTA thế hệ mới”: Từ góc nhìn hội nhập
TCCSĐT - Trong thời gian 2 năm rưỡi (6-2012 - 12-2014), Việt Nam và các đối tác đã khởi động và kết thúc đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: FTA Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), với Hàn Quốc (VKFTA), với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-lút - Ca-dắc-tan (VCUFTA). Đây là dấu ấn rất quan trọng trên con đường hội nhập quốc tế, bảo đảm cho kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn với nền kinh tế thế giới.
Từ chiều sâu của hội nhập…
“FTA thế hệ mới” là cụm từ để chỉ sự khác biệt với các FTA truyền thống mà Việt Nam đã tham gia, với phạm vi rộng hơn, nội dung vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, nó bao gồm cả các thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… Các FTA này khi có hiệu lực sẽ tác động rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan.
Vào những tháng cuối của năm 2014, Việt Nam đã hoàn thành về cơ bản và kết thúc đàm phán FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan. Đây là các Hiệp định “FTA thế hệ mới” toàn diện, bao gồm: Thương mại hàng hóa, dịch vụ, điện tử; Phòng vệ thương mại; Đầu tư; Quy tắc xuất xứ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Thuận lợi hóa hải quan; Hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT); Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Mua sắm công; Phát triển bền vững; Thể chế và Pháp lý… Các Hiệp định nêu trên sẽ được các bên tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật để chính thức ký kết trong nửa đầu năm 2015.
FTA Việt Nam - EU (EVFTA), được khởi động từ tháng 6-2012 tại Brussels (Bỉ), đã trải qua 10 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Ngày 13-10-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ma-nu-en Ba-rô-xô đã có buổi thảo luận về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do này.
Đến nay, hai bên chỉ tập trung xử lý một số vấn đề then chốt nhất để chính thức kết thúc đàm phán, hướng tới một thỏa thuận đạt yêu cầu chất lượng cao và cân bằng trong tất cả các lĩnh vực đàm phán mở cửa thị trường (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công) cũng như các quy định và quy tắc quản lý (đặc biệt là sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý của hai bên; doanh nghiệp nhà nước và bảo hộ đầu tư...).
Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), cũng được khởi động từ tháng 8-2012 tại Hà Nội. Sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, ngày 10-12-2014 tại Bu-san (Hàn Quốc), hai nước đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong Hiệp định này, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông nghiệp, thủy hải sản chủ lực, công nghiệp dệt, may, sản phẩm cơ khí và tạo cơ hội cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực.
Phía Việt Nam cũng dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu dệt, may, nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, sắt thép, dây cáp điện, góp phần đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài nước.
Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCUFTA), cũng được khởi động tại Hà Nội hồi tháng 3-2013. Sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai bên cũng đã thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của mỗi bên và ngày 15-12-2014 tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam), hai bên đã ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định.
Phía Liên minh Hải quan đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi thế như: nông sản, bao gồm tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Phía Việt Nam cũng mở cửa thị trường theo lộ trình cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Được biết, Liên minh Hải quan sẽ phát triển và trở thành Liên minh Kinh tế Á - Âu bắt đầu từ ngày 01-01-2015.
Đến thành công trong đàm phán…
Để có sự thành công trong đàm phán với các đối tác, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, nhất là vấn đề nhân lực đàm phán, trong cùng một thời gian, chúng ta đồng thời phải đàm phán 6 FTA bao gồm: TPP, EU, Liên minh Hải quan, Hàn Quốc, EFTA và RCEP, trên cơ sở quan điểm “chủ động, tích cực” tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là quan trọng, cùng với kinh nghiệm trải qua ký kết 8 FTA trước đó.
Việt Nam đã thể hiện được tinh thần hợp tác với các đối tác, góp phần sớm đi đến kết thúc đàm phán cả 3 FTA như đã nêu. Tuy nhiên, thành công của việc kết thúc các đàm phán cũng đồng thời đòi hỏi nền kinh tế nước ta phải có nỗ lực vượt bậc để triệt để khai thác thời cơ thuận lợi và vượt qua mọi thách thức trên con đường hội nhập.
EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng da giày, dệt may và nông nghiệp, thủy sản. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014, EU là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam với trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 35,7% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp sau là các mặt hàng dệt may và thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 1,98 tỷ USD và trên 950 triệu USD.
Cho đến nay EU là nền kinh tế lớn gồm 27 quốc gia thành viên, chiếm 20% GDP của toàn cầu; trình độ phát triển kinh tế xã hội cao, sức mua lớn, đa dạng và hiện tại EU là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam về xuất khẩu, thứ 5 về nhập khẩu. Sau khi ký Hiệp định sẽ có 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0%.
Hiện Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược thu hút vốn FDI, chú trọng chất lượng nhà đầu tư với khả năng chuyển giao công nghệ mới… EU là đối tác hoàn toàn có khả năng đáp ứng được những yêu cầu này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, FTA Việt Nam - EU cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu doanh nghiệp không thay đổi để thích ứng. Vì “nội lực” yếu, dễ bị “tổn thương” từ những biến động của những vấn đề toàn cầu và khu vực.
Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - Hàn Quốc không chỉ có ý nghĩa tăng cường hợp tác thương mại song phương hướng tới mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020, mà còn góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo dự báo của các chuyên gia, sau ký kết và thực hiện FTA song phương Việt - Hàn, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có một “cuộc đổ bộ” lớn về đầu tư vào Việt Nam. Tính đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô tổng vốn đầu tư và số dự án với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2013. Việt Nam cũng là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc. Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép…
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất hiện nhiều doanh nghiệp vệ tinh cho các công ty đa quốc gia Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử… Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng và dịch vụ…
Xét theo ngành, Hàn Quốc đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo (2.471 dự án, tổng vốn đầu tư 23,649 tỷ USD, chiếm 60,81% tổng vốn đầu tư đăng ký và 63,93% số dự án). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (80 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,98 tỷ USD, chiếm 19,69 % tổng vốn đầu tư đăng ký và 1,9% số dự án). Đứng thứ 3 là xây dựng (555 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,395 tỷ USD chiếm 13,66% tổng vốn đăng ký và 6,52 % số dự án).
Quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 2,1 tỷ USD năm 2000 và năm 2013 đạt 27,3 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại ASEAN - Hàn Quốc (200 tỷ USD). Tuy nhiên, trong những năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại cao nhất (năm 2013 là 14,067 tỷ USD) do Việt Nam phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu với Hàn Quốc tính đến hết tháng 11-2014 là 13,1 ngàn doanh nghiệp, năm 2013, con số này là 10,9 ngàn doanh nghiệp.
Liên minh Hải quan, với 3 thành viên hiện tại, là một thị trường rộng lớn có diện tích tự nhiên 20 triệu km2 với khoảng 170 triệu dân. Đây cũng là một thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định. Tổng GDP của khối hiện nay đạt khoảng 2.500 tỷ USD. Đối với hàng tiêu dùng, đây cũng là thị trường không quá khó tính, nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu đang ngày càng được đa dạng hóa, nhất là trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt kinh tế Nga.
Theo dự báo, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch hai chiều của hai bên sẽ tăng bình quân 18 - 20%/năm, từ mức khoảng 4 tỷ USD năm 2014 lên 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020. Với lĩnh vực đầu tư, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics và hợp tác về hải quan cũng được hai bên ưu tiên tự do hóa. FTA sẽ giúp cho doanh nghiệp hai bên học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ tiếp thu công nghệ tiên tiến của Liên minh này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Và những giải pháp cần quan tâm…
Với việc ký kết hàng loạt “FTA thế hệ mới” ngay trong nửa đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cơ hội đầu tư - kinh doanh mới. Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp quan trọng sau đây:
Một là, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm chính trị của nước ta khi chấp nhận các “luật chơi” trên thị trường quốc tế.
Hai là, để chớp thời cơ, vượt qua thách thức đối với nền kinh tế, từ cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách của Chính phủ đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân cần sớm tìm ra và khắc phục kịp thời các các yếu kém, bất cập để thực hiện cam kết của mình trong các FTA với các đối tác khác nhau theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Ba là, với các cộng đồng doanh nghiệp, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi phải chủ động trong việc tận dụng tác động lan tỏa của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI. Trong bối cảnh Hiệp định TPP, EFTA và RCEP cũng đang được các bên kỳ vọng đạt được kết quả trong năm 2015, đặc biệt, là việc ra mắt AEC vào ngày 31-12-2015 thì Việt Nam càng cần phải có các biện pháp hiệu quả để bắt kịp với xu thế hội nhập và phát triển.
Như vậy, trong thời gian không dài Việt Nam đã chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thành tựu đáng ghi nhận nhất là đã triển khai đàm phán với nhiều đối tác, và chỉ riêng năm 2014 đã hoàn thành và kết thúc đàm phán với cả 3 đối tác, song phương và đa phương. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chiều sâu của các Hiệp định được coi là “FTA thế hệ mới” hàm chứa những yếu tố hứa hẹn mang lại “chất lượng cao”, thể hiện ở quan hệ bình đẳng và thu hút công nghệ cao đáp ứng nhu cầu cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, các Hiệp định FTA cùng một lúc vừa đưa lại thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đòi hỏi các doanh nhân, tổ chức, các nhà quản lý và giới hoạch định chính sách Việt Nam phải nỗ lực vươn lên mới có thể mang lại hiệu quả cao và thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước./.
Lễ trao giải Cuộc thi viết “Gương sáng thanh niên tình nguyện”  (15/01/2015)
Tình hình tài chính tiền tệ Việt Nam năm 2014  (15/01/2015)
Tình hình tài chính tiền tệ Việt Nam năm 2014  (15/01/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Saudi Arabia Dakhil Al Johani  (14/01/2015)
Hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi  (14/01/2015)
Hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi  (14/01/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay