Vai trò của quần chúng, nhân dân Trị Thiên - Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968
Cuộc tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế năm 1968 đã giành được nhiều kết quả to lớn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn quân địch (khoảng trên 20.000 tên), thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Ngụy quân, ngụy quyền các cấp ở Huế bị sụp đổ, tan rã: ngụy quyền các xã, ấp vùng ven và nông thôn bị tê liệt cao độ. Ta đã giải phóng 296 thôn và 227.000 dân, trong đó có 240 thôn đã thành lập được chính quyền cách mạng lâm thời, có gần 10.000 du kích, trong đó có hơn 2.500 người được bổ sung cho chủ lực. Với 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế đã có sức cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta trên các chiến trường và gây tác động mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Trong thắng lợi chung của cuộc tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế Xuân 1968, ngoài vai trò có tính chất quyết định của bộ đội chủ lực, có sự đóng góp to lớn về sức người, sức của, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các tầng lớp nhân dân Trị Thiên - Huế.
Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Trị Thiên - Huế
Tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chiến trường Trị Thiên có một ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với cả địch và ta trong chiến tranh. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dân số Trị Thiên có khoảng 80 vạn người (Quảng Trị: 30 vạn và Thừa Thiên: 50 vạn).
Vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, nhân dân Trị Thiên đã trải qua Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ rồi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đến năm 1965, phong trào chiến tranh du kích phát triển đều và có những vùng khá mạnh. Quần chúng nhân dân Trị Thiên có lòng yêu nước nồng nàn, được tôi luyện dạn dày trong chiến tranh cách mạng.
Trị Thiên từ lâu là một vùng chiến trường trọng điểm, là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, Mỹ - Ngụy dùng nhiều bom đạn chà đi xát lại nhiều lần. Mặt khác, do thiên tai khắc nghiệt, đây là vùng đất có nền kinh tế nghèo nàn, đa số nhân dân hai tỉnh - đặc biệt là vùng rừng núi và giáp ranh, đều có cuộc sống khó khăn, lao động cực nhọc, chạy ăn từng bữa. Tuy nghèo khó, nhưng nhân dân Trị Thiên đều một lòng tin tưởng hướng về cách mạng, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bộ đội, sẵn sàng đứng lên đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.
Là một trong 3 thành phố lớn ở miền Nam (sau Sài Gòn và Đà Nẵng), Huế có một vị trí chính trị, quân sự hết sức quan trọng. Vốn là một cố đô của triều Nguyễn cũ, trong kháng chiến chống Mỹ, Huế thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Mỹ - Ngụy, là trung tâm chỉ đạo chiến lược của địch trên khu vực tiếp giáp đối đầu với miền Bắc. Ở đây có trên 45 cơ quan hành chính ngụy quyền, đồng thời là nơi địch bố trí một bộ máy chiến tranh khá mạnh (có khoảng từ 2,5 đến 3 vạn quân) với nhiều vũ khí, trang thiết bị tương đối hiện đại của Mỹ. Thành phần xã hội của thành phố Huế đa dạng và khá phức tạp. Số dân theo đạo Thiên chúa và Phật giáo chiếm tỷ lệ khá lớn (riêng Thiên chúa giáo ở Huế có trên 1 vạn giáo dân). Số dân thuộc thành phần công chức và gia đình binh sĩ ngụy có khoảng 3 vạn; số học sinh, sinh viên có khoảng 2,5 vạn; nhân dân lao động có khoảng 6 - 7 vạn, phần đông là gia đình tiểu thương, thợ thủ công, dịch vụ. Nhân dân nông thôn và thành phố có quan hệ chặt chẽ với nhau, nên mỗi biến chuyển về chính trị và quân sự ở nông thôn đều mau chóng ảnh hưởng trực tiếp vào thành phố.
Giữa những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Trị Thiên, đặc biệt là ở Huế, ngày càng phát triển mạnh. Liên tục có những cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai như cuộc xuống đường chống Diệm - Nhu năm 1963, chống Khánh - Hương năm 1964, chống Mỹ - Thiệu - Kỳ hai năm 1965 - 1966; phong trào xuống đường đấu tranh của học sinh - sinh viên đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ thì hầu như tháng nào cũng xảy ra. Những cuộc đấu tranh này của quần chúng nhân dân đã nhiều phen làm cho Mỹ - Ngụy hoảng sợ và tìm cách đối phó vất vả.
Ở nội thành Huế, lực lượng chính trị và phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự chỉ đạo của 8 chi bộ Đảng ta đã xây dựng được khoảng 100 cơ sở bí mật và nửa công khai. Số quần chúng hướng về cách mạng và sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ta có thể huy động từ 4.000 đến 5.000 người trong một ngày đêm. Ngoài ra, một số khá đông nhân dân lao động, viên chức, tiểu thương tuy không nằm trong các tổ chức cách mạng, nhưng có lòng yêu nước và cảm tình với cách mạng, ta có thể tranh thủ lôi kéo họ khi cách mạng nổ ra.
Trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, 3 huyện giáp với thành phố Huế là Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy có nhiều thôn xã đã được ta giải phóng và làm chủ, tạo thành vùng “đệm” quan trọng để chủ lực ta đứng chân và làm bàn đạp tiến vào thành phố. Cụ thể, ta đã giải phóng được 86/270 thôn, với trên 70.000 dân. Ở 3 huyện này, ta đã xây dựng được nhiều đội quân du kích với quân số lên tới hơn 1.000 người. Các tổ chức quần chúng như: nông hội, thanh niên, phụ nữ thu hút gần 30.000 hội viên; Đoàn thanh niên lao động cũng có gần 1.000 đoàn viên. Đây thực sự là những con số đáng kể để ta phát động, nhân rộng phong trào nổi dậy của quần chúng khi tổng công kích, tổng nổi dậy nổ ra trên địa bàn Trị Thiên - Huế.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch
Theo kế hoạch đề ra trước khi bước vào đợt Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, Mặt trận Trị Thiên - Huế được xác định là một trong những hướng tiến công trọng điểm. Ta đã khẩn trương và ráo riết chuẩn bị mọi mặt như: làm đường tiến công, bắc cầu phà, vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men, đào hầm hào chiến đấu, chuyển quân,… đồng thời tiến hành các đợt hoạt động nghi binh, đánh lừa địch. Quần chúng nhân dân tại các vùng giải phóng cũng như vùng tạm chiếm đã có nhiều hoạt động tích cực giúp bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch. Trong các hoạt động chuẩn bị này, hàng chục ngàn nhân dân, học sinh, sinh viên, thanh niên, có cả cụ già, em nhỏ, đã tình nguyện có mặt tại các vị trí phục vụ bảo đảm chiến trường theo sự phân công của chỉ huy và các tổ chức đoàn thể. Cùng với bộ đội, nhân dân đã tu sửa và làm mới gần 100km đường tiến công, sửa chữa và bắc được hàng trăm cầu, cống, bến phà các loại, đào đắp vận chuyển trên 500.000m3 đất, đá và hàng ngàn hầm, hố phòng tránh trú ẩn.
Trước ngày tổng công kích và nổi dậy, chiến trường mới dự trữ được trên 1.500 tấn gạo, nhưng còn nằm rải rác ở vùng hậu cứ giáp ranh, dự kiến phải mất 4 đến 5 ngày vận chuyển mới đến tay bộ đội tại các hướng tiến công. Đặc biệt là mặt trận trọng điểm Huế lúc này chỉ mới có 130 tấn gạo, so với yêu cầu còn thiếu khoảng 700 tấn mới đủ dự trữ cho bộ đội chiến đấu dài ngày. Với tinh thần quyết tâm cao độ, nhân dân đã được chính quyền và chỉ huy các cấp huy động ra vận chuyển gấp số gạo trên từ các kho tập kết ở Đông Trường Sơn tới các đơn vị, vượt kế hoạch thời gian trước 2 ngày. Ngoài số gạo trên, mặt trận Trị Thiên - Huế cũng được duyệt cấp 350 tấn gạo, 400 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, song số hàng trên còn nằm tại các binh trạm đường 559, cách Huế gần 100 km. Với các phương tiện vận chuyển như ghe xuồng, xe đạp thồ và bằng cả đôi vai, nhân dân tại các vùng giáp ranh đã giúp bộ đội chuyển hết số hàng trên về nơi tập kết một cách an toàn, bí mật.
Nhân dân tại các vùng địch kiểm soát và nội đô Huế đã được các tổ chức bí mật của ta tại các cơ sở huy động trong đêm tối tham gia đào được hàng trăm hầm hào chiến đấu, hầm trú ẩn, chuẩn bị các cơ sở nuôi giấu thương binh, đóng góp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Đến ngày tổng công kích, khởi nghĩa, nhân dân tại các vùng địch kiểm soát (giáp ranh và thành phố Huế) tổng cộng đã quyên góp được 2.000 tấn gạo, 8 tấn thuốc men, dụng cụ y tế, trong đó có gần một nửa số hàng trên đã được vận chuyển tới vị trí tập kết (2).
Để chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa và nổi dậy của quần chúng ở các vùng địch kìm kẹp cũng như nội đô Huế, các cơ sở quần chúng bí mật của ta được trên chỉ đạo đã ráo riết in được hàng chục tấn tài liệu, sách báo học tập, tuyên truyền, truyền đơn, băng cờ, khẩu hiệu. Các tổ chức đoàn viên, học sinh, phụ nữ trong vùng nội đô đã mở được nhiều lớp tập huấn bí mật về quân sự, chính trị, công tác binh vận, địch vận, công tác cứu thương, chỉ đường hướng dẫn cho bộ đội cũng như công tác giữ gìn an ninh trật tự khi thành phố được giải phóng.
Nhiều đóng góp trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu
Trong quá trình diễn ra các đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các tầng lớp quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên cũng đã có nhiều đóng góp to lớn trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội nổi dậy giành quyền làm chủ tại hầu hết các thôn, xã, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Trị Thiên - Huế, trong đó có một số hoạt động nổi bật của quần chúng nhân dân tại những hướng, vùng tiêu biểu sau:
- Trên cánh Bắc Huế, đêm 30-1-1968, một cánh quân của bộ đội ta đã đánh vào sân bay Tây Lộc. Được quần chúng cơ sở bên trong giúp đỡ và trực tiếp dẫn đường, bộ đội ta bí mật đột nhập qua cổng Thủy Quan, nhanh chóng theo sông Ngự Hà vào góc Tây sân bay, đánh chiếm khu nhà lính bảo vệ, bắn cháy 20 máy bay và nhiều xe pháo trong khu vực này. Trong lần đánh thứ hai, đêm 31-1-1968, cũng được cơ sở quần chúng dẫn đường tắt bí mật, ta diệt gọn và chiếm toàn bộ sân bay, phá 40 máy bay, 100 xe quân sự, đốt 1 kho đạn và 1 kho xăng. Nhờ có quần chúng dẫn đường, kết quả đánh sân bay đã giành thắng lợi lớn.
- Tại các mũi đánh vào nội đô Huế như Đại Nội, Cột Cờ, Ngọ Môn, cửa Đông Ba,… cũng nhờ có du kích và cơ sở ngầm dẫn đường, bộ đội chủ lực ta đã nhanh chóng đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, diệt và làm tan rã nhiều địch. Trong thành nội, ta chiếm hết các ty, sở của ngụy quyền. Quần chúng, thanh niên, học sinh, tự vệ cùng bộ đội xông vào từng khu phố, góc nhà truy bắt bọn ác ôn, phản động, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra hàng chính quyền cách mạng. Mặc bom đạn cày tung mặt đường, hàng ngàn quần chúng vẫn đổ ra đường phố tiếp tế cơm ăn, thuốc men, đạn dược cho quân ta, làm công tác cứu thương, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau… Phối hợp các mũi chủ lực đánh vào nội đô Huế, các lực lượng biệt động, du kích tự vệ mật cùng quần chúng cách mạng đã tiến công nổi dậy làm chủ khu phố Gia Hội, lùng diệt bọn ác ôn, cảnh sát ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền tại các phường, quận, lập chính quyền cách mạng, tổ chức và phát triển tự vệ chiến đấu, trang bị bằng vũ khí lấy được của địch. Phong trào đấu tranh của quần chúng tại nội đô phát triển rất cao từ ngày đầu đến ngày cuối, khi rút khỏi thành phố, các tầng lớp nhân dân lại chuyển sang che chở, hỗ trợ cho bộ đội rút ra được an toàn.
- Tại các vùng ngoại vi Bắc Huế như La Chữ, Quế Chữ,… lực lượng vũ trang địa phương cùng quần chúng nhân dân đã đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các căn cứ, công sở của địch, phá ấp chiến lược, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng làng xã chiến đấu, đưa con em bổ sung vào lực lượng vũ trang, đóng góp nhiều của cải, vật chất ủng hộ bộ đội, triển khai lực lượng chuẩn bị đánh địch phản kích tăng viện vào Huế. Tại huyện Hương Trà, đông đảo quần chúng cách mạng cùng lực lượng vũ trang huyện, xã,… nổi dậy làm chủ trên nhiều vùng, diệt trừ ác ôn, tích cực vây lùng, gọi hàng bọn tàn binh địch. Tại đây, nhiều thôn, xã chính quyền cách mạng đã được thành lập, nhân dân lấy súng địch tự trang bị cho mình. Đối với Hương Trà, một huyện yếu ở Thừa Thiên, trước đây có nhiều cơ sở trắng, nay trong khí thế tiến công và nổi dậy đã có một phong trào phát triển cao chưa từng có. Nhân dân đã gọi hàng được một đại đội bảo an ở An Thành và 1 trung đội dân vệ ở Triều Sơn Tây, thu nhiều súng đạn,…
- Tại huyện Hương Thủy (thuộc cánh Nam), phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ, quần chúng nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm cầu An Cựu, phát triển bao vây và diệt nhiều vị trí địch ở Miếu Đại Càng, Cầu Lèn, Long Thọ,… Trước sự tan vỡ, hốt hoảng của địch, quần chúng đã nổi dậy khởi nghĩa rầm rộ, mạnh mẽ, nhất là ở các xã Mỹ Thủy, Thanh Thủy, Vân Dương, Hải Thủy, Xuân Hòa. Nhiều ổ ác ôn tập trung ở Thanh Thủy Thượng, Mỹ Thủy đã bị nhân dân trừng trị, hàng trăm tên có nợ máu đã phải đền tội. Trong khí thế cao độ, quần chúng đã kéo đến bao vây, uy hiếp các đồn bốt ở Thanh Thủy Chánh, Vân Dương, Xuân Hòa, bọn địch ở đây đã hốt hoảng rút chạy, bỏ lại nhiều súng đạn, thuốc men,… Quần chúng nhân dân với súng đạn vừa thu được của địch đã kéo ra phá các bốt dọc trên quốc lộ 1, bao vây và cắt đứt tuyến giao thông ở Phú Bài, An Cựu. Du kích, tự vệ từ các xã An Thủy, Thiên Thủy tiến vào khu phố 5, chợ Cống hỗ trợ quần chúng đô thị nổi dậy giành quyền làm chủ. Nhiều vùng trước đây còn yếu nay đã tự giải phóng, giành được quyền làm chủ với mức độ khác nhau.
- Tại huyện Phú Vang, dọc theo tỉnh lộ từ Thuận An đến Huế, quần chúng nhân dân cùng các đội du kích, các đội công tác đã tiến công, nổi dậy mạnh mẽ trên khu phố 5. Trước sức đấu tranh, nổi dậy của nhân dân, địch ở các vị trí như Phú Thiện, An Thuyền, Tài Mậu hốt hoảng tự tan vỡ,… chính quyền cách mạng đã được nhanh chóng thành lập tại các thôn, xã này.
- Đặc biệt nổi bật trên hướng Nam là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng vũ trang, biệt động với sự nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận của các lực lượng quần chúng nhân dân qua hai sự kiện đánh chiếm nhà lao Thừa Phủ, dinh Tỉnh trưởng (ngày 31-1) và nhà lao Thẩm Vấn (ngày 2-2). Lúc đầu, các mũi tiến công này do các đội đặc công tiến công, nhưng không thành công do lực lượng ít, không thông thạo địa hình bố trí của nhà lao, lại gặp địch phản công quyết liệt phải chuyển sang đánh kéo dài. Sau đó, nhờ quần chúng nhân dân nổi dậy kéo đến bao vây nhà lao, thuyết phục, gọi hàng lính cai ngục, đồng thời dẫn bộ đội bí mật tiến theo các đường hầm đánh từ trong ra, cuộc đánh chiếm 2 nhà lao mới thành công. Quần chúng nhân dân cùng đặc công đã diệt gọn 1 trung đội bảo an canh giữ nhà lao, gọi hàng nhiều tên khác, giải phóng an toàn 2.300 chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước bị địch cầm giữ lâu ngày. Trong số tù chính trị này, hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng nòng cốt đã được bổ sung ngay tại chỗ cho các mũi, hướng chiến đấu của chủ lực và địa phương.
Tóm lại, trong những ngày tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế Xuân 1968, quần chúng nhân dân cùng lực lượng vũ trang 3 thứ quân đã phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh rất trúng vào đầu sỏ ngụy quyền, tay sai, vào những cơ quan đầu não của địch trong tỉnh cho đến các cơ quan ngụy quân, ngụy quyền ở các huyện, quận, thôn, xã, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, chế độ tay sai bị tê liệt trong một thời gian dài. Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong những ngày tiến công và nổi dậy đã được phát động rầm rộ và rộng khắp chưa từng có.
Nhân dân Trị Thiên - Huế như được sống lại trong những ngày quật khởi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong cao trào cách mạng Xuân 1968, các tầng lớp quần chúng nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức đã có một cơ hội tốt đẹp để biểu hiện tinh thần yêu nước và ý thức cách mạng bấy lâu nay bị địch kìm kẹp, lung lạc. Đã có hàng ngàn, hàng vạn quần chúng được cống hiến sức mình trong các công việc khác nhau như chiến đấu, phục vụ bảo đảm chiến đấu, làm nội ứng và chỉ đường cho bộ đội, giữ gìn an ninh trật tự, vây bắt tề điệp, phản động, đi dân công, cất giấu chăm sóc thương binh, tử sĩ, úy lạo bộ đội, đào hầm hố, xây dựng làng chiến đấu, đóng góp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Dù công việc nào, lớn hay nhỏ, họ đều làm với tinh thần tự nguyện quên mình. Ngoài ra, còn có hàng ngàn thanh niên, học sinh, con em nhân dân đã xung phong tòng quân và vào du kích tự vệ.
Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế Xuân 1968 đã phát động được cao độ vai trò của quần chúng nhân dân tham chiến đấu và phục vụ chiến đấu hiệu quả là vì mấy nguyên nhân sau:
Một là, nhân dân Trị Thiên - Huế từ lâu vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tuy bị địch kìm kẹp, khủng bố và lung lạc dài ngày nhưng các cán bộ, đảng viên và cơ sở Đảng của ta đã kiên trì bám trụ sâu vào lòng dân tuyên truyền, giáo dục, lôi kéo nên đa số nhân dân vẫn một lòng tin tưởng ở Đảng, hướng về cách mạng, chỉ chờ cơ hội là vùng lên. Bài học về bám trụ, bắt rễ sâu vào lòng dân của cơ sở Đảng, trực tiếp là của cán bộ chiến sĩ ta luôn có giá trị cho đến ngày nay.
Hai là, khi đặt mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy, chúng ta đã biết lấy quyền lợi của nhân dân và Tổ quốc đặt lên trên hết, đó là nhằm tiêu diệt và đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền phản động tay sai, giải phóng đất đai và con người khỏi áp bức, kìm kẹp, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, dân sinh, dân chủ cho đại đa số nhân dân. Mục tiêu đó là phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân nên được mọi tầng lớp nhiệt tình ủng hộ.
Ba là, trong tổng tiến công và nổi dậy, đi đôi với việc phát động quần chúng đứng lên đấu tranh, bộ đội ta từ chỉ huy đến chiến sĩ đã chấp hành nghiêm kỷ luật quân dân, một lòng đoàn kết, yêu thương và bảo vệ nhân dân nên đã gây dựng được niềm tin sâu sắc, được nhân dân coi như con em của mình và hết lòng che chở, ủng hộ.
Sau 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế, trước tình hình mới, bộ đội ta đã lần lượt rút lui khỏi thành phố và các vùng giáp ranh. Trong cuộc rút lui này, nhân dân lại một lần nữa tìm cách giúp đỡ, che chở bộ đội, tìm cách kéo địch về phía mình để bộ đội rút ra an toàn, nhanh chóng. Có thể nói, sự hy sinh về sức người, sức của của nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là rất lớn. Mặc dù khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, nhưng do đòn chủ lực của ta chưa đủ sức đập tan bộ máy sinh lực địch nên tổng khởi nghĩa đã không nổ ra như dự định. Tuy vậy, tinh thần nổi dậy của nhân dân được thể hiện tuyệt vời trong Tết Mậu Thân là bằng chứng tin cậy để Đảng ta khẳng định rằng: nếu đòn chủ lực của ta đủ mạnh, nếu được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và thời cơ lịch sử chín muồi thì chắc chắn lần tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo sẽ thành công trọn vẹn. Điều này được thực tế lịch sử chứng minh trong Xuân 1975: chỉ trong vòng không đầy 3 tháng quân và dân toàn miền Nam, trong đó có quân và dân Trị Thiên - Huế, đã thực hiện xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đập tan hoàn toàn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối./.
-------------------------------------------
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm và chúc Tết tại Ninh Bình  (29/01/2013)
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2013  (29/01/2013)
Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (29/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên