Bến Tre khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, tạo nội lực phát triển mới
Tỉnh Bến Tre được hợp thành bởi 3 dãy cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh) và do phù sa 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ. Phía đông tỉnh giáp Biển Đông với 65 km bờ biển và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2. Tỉnh nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi về đường thủy, với 4 hệ thống sông chính hướng ra Biển Đông (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông và cửa Cổ Chiên), hệ thống kênh rạch chằng chịt, là các trục giao thông đối ngoại quan trọng, gắn kết Bến Tre với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ba huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Tiềm năng biển và vùng ven biển của Bến Tre khá đa dạng, phong phú. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú với quy mô 4.510 ha đã được Chính phủ phê duyệt và hệ sinh thái rừng phòng hộ với nhiều loại thực vật phong phú, có vai trò chắn sóng lấn biển, chống xói lở, cố định bãi bồi, là nơi cư trú và cung cấp nguồn thức ăn cho các loài thủy, hải sản, rất thuận lợi cho kinh tế biển phát triển. Tỉnh còn có hơn 50.000 ha mặt nước thích hợp cho nhiều loại thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, nghêu, cua, sò huyết, cá biển các loại và hàng trăm giống loài thủy sinh. Trữ lượng thủy sản khu vực ven bờ của Bến Tre khoảng 19.000 - 24.000 tấn, trữ lượng thủy sản xa bờ khoảng 1 triệu - 1,2 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác khoảng 540.000 - 630.000 tấn/năm.
Những năm qua, kinh tế thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó, các nguồn lợi được khai thác từ biển đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, vùng biển Bến Tre có vị trí vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc; khu vực ven biển và các cửa sông có cảnh quan đẹp, ngư dân cần cù, chất phác, luôn hướng về biển với nhiều lễ hội truyền thống,... rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 4, khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU, ngày 19-4-2007, Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND ban hành Đề án “Phát triển toàn diện 3 huyện ven biển tỉnh Bến Tre đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển toàn diện 3 huyện ven biển tỉnh Bến Tre”, kèm theo đó là 7 chương trình phát triển và dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư để cụ thể hóa, thực hiện.
Mục tiêu được đề ra trong các chương trình, nghị quyết, đề án này là: “Tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển, chủ yếu là kinh tế thủy sản, kết hợp phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; tăng nhanh các ngành dịch vụ, du lịch; kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biển, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân và nhân dân vùng biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; giá trị gia tăng từ kinh tế biển chiếm 30% GDP của tỉnh”.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng và an ninh biên giới biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Những năm qua, các ngành, các cấp đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ... để khai thác có hiệu quả các tiềm năng biển theo hướng kết hợp với trồng cây gây rừng, phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác gắn với chế biến, xuất khẩu thủy sản. Nhờ đó, kinh tế biển của tỉnh nói chung và kinh tế - xã hội các huyện vùng ven biển nói riêng có bước phát triển đáng kể.
Cơ cấu giá trị tăng thêm được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến và dịch vụ, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; bảo đảm môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh năm 2011 đạt 42.865 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 4.517 ha, các loài nhuyễn thể (nghêu, sò,...): 4.740 ha, sản lượng nuôi thủy sản các loại đạt 187.000 tấn; có 4.330 tàu đánh bắt, trong đó có 1.730 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 122.000 tấn. Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng bình quân 9,8%/năm, chiếm 45% GDP của 3 huyện ven biển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của 3 huyện bình quân đạt 12,95%/năm; GDP bình quân đầu người từ 14,49 triệu đồng năm 2008 tăng lên 17,07 triệu đồng năm 2010.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến các sản phẩm có thế mạnh từ nông sản, thủy sản. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm. Cảng cá Ba Tri, Bình Đại được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động ổn định, vừa đưa vào hoạt động cảng cá An Nhơn (Thạnh Phú), khu neo đậu, tránh trú bão của tàu đánh cá ở Bình Đại; một số dự án chỉnh trang, phát triển đô thị đang được triển khai xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo các huyện ven biển. Các công trình giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng (đường tỉnh 883, 886, đường Cồn Rừng, Thạnh Phú; bến phà Tam Hiệp, Bình Đại; đê biển Ba Tri,...) và nhiều công trình thủy lợi, nước sạch được đầu tư đã phát huy khá tốt chức năng ngăn mặn, trữ ngọt.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. An ninh - quốc phòng được củng cố, an ninh tuyến biên giới được giữ vững, trật tự xã hội vùng ven biển và trên biển được bảo đảm...
Tuy nhiên, do ở cuối nguồn sông Cửu Long nên môi trường ở cửa sông, ven biển những năm gần đây bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, gây khó khăn cho việc nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản. Do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng ngày càng rõ nét, nên tình trạng xâm nhập mặn hằng năm càng sâu vào đất liền; triều cường, bão cuối mùa,... luôn là mối đe dọa đối với sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ về phát triển kinh tế biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có những dự báo chuẩn xác về nguồn lợi, diễn biến môi trường và thiên tai từ biển,... Vì thế, kinh tế biển của tỉnh tuy có phát triển nhưng còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu.
Công tác tuyên truyền về biển, chủ quyền lãnh thổ trên biển có lúc, có nơi chưa được chú trọng đúng mức. Trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ hạn chế; ý thức sản xuất cộng đồng chưa cao; vẫn còn tình trạng khai thác gần bờ, sử dụng các công cụ, phương tiện gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt thấp, chưa tương xứng với nguồn nguyên liệu sẵn có. Các ngành dịch vụ còn nhỏ lẻ, nhiều tiềm năng về du lịch biển chưa được đầu tư khai thác.
Một số giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế biển
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các chương trình, đề án cụ thể hóa của tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, tạo nội lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, xác định trữ lượng, khả năng cho phép khai thác các loại tài nguyên rừng, khoáng sản, nguồn lợi thủy sản; dự báo sự biến đổi dòng chảy, bãi bồi, cồn nổi, diễn biến môi trường, tình hình xâm nhập mặn, triều cường, mưa bão,... làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển và khuyến cáo nhân dân nâng cao ý thức trong việc khai thác tiềm năng biển. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển đến năm 2020 gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng theo hướng tập trung phát triển kinh tế thủy sản, trồng cây gây rừng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, phát triển du lịch 3 huyện biển,... Quá trình triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế biển phải gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn, xây dựng xã, ấp an toàn, tạo thế liên hoàn giữa 3 huyện biển, sẵn sàng chiến đấu cao.
Hai là, quản lý chặt chẽ và khai thác tốt các nguồn lợi kinh tế biển theo hướng tổ chức liên kết sản xuất cộng đồng, cùng nhau tự quản; bảo đảm cân bằng sinh thái vùng ven biển, cửa sông. Ba huyện ven biển cần xem việc trồng rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ đa dạng sinh học. Quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả mặt nước, vùng đất ngập nước và bãi bồi ven biển, cửa sông để phát triển nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế việc khai thác thủy sản ven bờ, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với ngư dân đánh bắt ven bờ. Có chương trình nghiên cứu, xử lý tốt môi trường; phục hồi các vùng đất nuôi thủy sản bị thoái hóa. Tổ chức rút kinh nghiệm, củng cố mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản theo hướng đa dạng hóa các hình thức hợp tác theo ngành nghề, loại hình, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh và cung ứng dịch vụ, nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển kinh tế biển. Có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị máy móc hiện đại để phát huy hiệu quả đánh bắt xa bờ. Tổ chức lại lực lượng đánh bắt thủy sản theo hướng thành lập các tổ, đội liên kết thủy sản, đội tàu xung kích với các trang, thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển để tự bảo vệ. Xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp hoạt động giữa lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ để bảo vệ chủ quyền vùng biển và sẵn sàng chi viện cứu hộ khi gặp nạn. Làm tốt công tác tuyên truyền để ngư dân vừa nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ vùng biển nước ta, vừa tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển của các nước láng giềng.
Ba là, tăng cường phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu gắn với việc hình thành, phát triển các đô thị biển. Đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp, làng nghề cá ở các huyện ven biển; khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trung gian và hạn chế gây ô nhiễm môi trường; phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn, giá trị xuất khẩu cao,... nhằm phục vụ tốt cho thị trường xuất khẩu. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư xây dựng các bến cá, chợ chuyên doanh thủy sản, xây dựng các làng cá thành trung tâm thị trấn, thị tứ của 3 huyện biển. Xây dựng hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cung cấp nước sạch,... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, vùng ven biển, nhất là các khu, cụm công nghiệp; khu du lịch ven biển và hệ thống thông tin liên lạc giữa đất liền với tàu thuyền trên biển. Đầu tư xây dựng khu du lịch biển Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại), Cồn Hố (huyện Ba Tri), khu bảo tồn thiên nhiên, Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển (Thạnh Phong - Thạnh Hải, Thạnh Phú),... hình thành các khu nghỉ mát, điểm du lịch sinh thái, khu đô thị biển, để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch biển của tỉnh.
Bốn là, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển gắn với chủ động phòng, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm tới, tỉnh ưu tiên đầu tư những công trình kết cấu hạ tầng cho 3 huyện ven biển, tích cực tranh thủ nguồn vốn Trung ương đầu tư hoàn chỉnh các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách, như hệ thống thủy lợi phục vụ các vùng nuôi thủy sản tập trung; hình thành trục giao thông nối liền 3 huyện ven biển; hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, khai thác các tuyến đê biển, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp các cảng cá ở 3 huyện ven biển,... Mặt khác, các huyện biển cần rà soát, xác định công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch nào phải vận động nguồn lực trong dân cư, các doanh nghiệp; từ đó đưa ra phương thức vận động, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể nhằm phát triển, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho từng khu vực và phục vụ dân sinh. Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các công trình, dự án xây dựng các khu đô thị; khu dân cư lấn biển; sử dụng năng lượng gió,... Trong vận động xây dựng công trình của địa phương, cần kết hợp khai thác các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu được phân bổ trên từng địa bàn, như các chương trình giảm nghèo, chương trình quốc gia về nước sạch nông thôn, chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương.
Năm là, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Cần tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật, doanh nhân và công nhân lành nghề cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển trong từng giai đoạn. Có chính sách thu hút nhân tài, nhất là cán bộ khoa học về nuôi trồng, chế biến thủy sản... Quan tâm chỉ đạo nâng cao trình độ dân trí cho ngư dân, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho con em ngư dân vùng biển để tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý sản xuất của họ theo hướng cộng đồng.
Sáu là, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền phải xem lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thường xuyên tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ở địa bàn khu dân cư ven biển thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng, thành lập tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn trong lực lượng tự vệ biển, tổ hợp tác, hợp tác xã, đội khai thác thủy sản xa bờ,... để làm nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai, địch họa xảy ra. Tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành chức năng tỉnh với các huyện biển; đặc biệt là phát huy vai trò, nguồn lực to lớn của nhân dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, tạo nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX./.
Đảng bộ tỉnh Sơn La tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2012  (31/05/2012)
Giải pháp phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (31/05/2012)
Một số kinh nghiệm về công tác trí thức của Trung Quốc  (31/05/2012)
Dĩ hoà vi quý  (31/05/2012)
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội  (30/05/2012)
Chủ tịch nước gặp gỡ đoàn đại biểu cựu tù chính trị  (30/05/2012)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên