Thách thức từ an ninh phi truyền thống: Vấn đề bảo đảm an ninh văn hóa trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở Quảng Ninh
An ninh văn hóa trong quá trình đổi mới, phát triển bền vững và chủ động hội nhập quốc tế của đất nước
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ mới, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng được các quốc gia - dân tộc quan tâm mạnh mẽ hơn. Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành cho an ninh phi truyền thống sự quan tâm mạnh mẽ và thiết thực. Là một trong những tỉnh địa đầu của Tổ quốc, có vị thế địa - chiến lược cực kỳ quan trọng, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang rất quan tâm đến các vấn đề, các phương diện của lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Gần đây nhất, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện An ninh phi truyền thống của Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công một số đề tài nghiên cứu và các hội thảo khoa học[1]. Đây là một minh chứng cho thấy tầm nhìn xa rộng và tinh thần thực tiễn rất thiết thực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhằm bảo vệ Tổ quốc ở nơi địa đầu từ xa, từ sớm và bảo vệ một cách toàn diện, bền vững, trên nhiều phương diện. Sự vào cuộc, chung tay của Viện An ninh phi truyền thống, một đơn vị nghiên cứu có uy tín cũng cho thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất tin cậy và coi trọng vai trò tư vấn của các cơ quan chuyên môn. Đây là điều thiết nghĩ cần được tiếp tục phát huy tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, xem xét kỹ cách tiếp cận và các hệ vấn đề đã và đang được quan tâm thì có thể thấy vấn đề an ninh văn hóa (cultural security) còn lộ ra nhiều khoảng trống không nhỏ cần phải được làm rõ và bổ khuyết. Thực tế là chúng ta chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề này một cách đầy đủ, thiết thực, tương xứng với tầm mức quan trọng của nó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bùng nổ cách mạng công nghiệp mới như hiện nay.
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy lớp lớp các thế hệ cha ông ta đã luôn gắn chặt sự nghiệp bảo đảm an ninh văn hóa cho cộng đồng dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này có căn nguyên lịch sử, khi mà suốt chiều dài hàng nghìn năm, dân tộc ta luôn luôn vừa phải một mặt đấu tranh kiên trì, bền bỉ chống lại các làn sóng xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn minh của ngoại bang, mặt khác lại vừa phải rộng mở, khoan hòa, vượt qua mọi loại kỳ thị để tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa và các thành tựu văn minh từ bên ngoài để vun bồi, củng cố nền văn hóa dân tộc.
Cha ông ta, khi phất cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm cũng luôn luôn giương cao ngọn cờ văn hóa, như lời Hịch bất hủ của Hoàng đế Quang Trung năm 1789, trước trận quyết chiến quét sạch hơn 20 vạn quân Thanh:
“Đánh cho để dài tóc!
Đánh cho để đen răng!
Đánh cho nó chích luân bất phản!
Đánh cho nó nó phiến giáp bất hoàn!
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”
Nhưng có một số sự thực lịch sử khác cũng cần phải chỉ ra ở đây. Di sản văn hóa và các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam không chỉ từng bị tàn phá bởi các thế lực ngoại xâm mà cũng còn nhiều lần bị xâm hại nghiêm trọng bởi thiên tai, nhân họa. Kinh thành Thăng Long chẳng hạn, vốn là nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”, là một trung tâm chính trị - văn hóa tiêu biểu bậc nhất của đất nước, cũng mấy phen bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc nội loạn. Thư tịch lịch sử còn ghi lại sự kiện vào năm 1516, Trần Cảo khởi binh nổi dậy, tấn công kinh thành và đã gây ra họa lớn như thế nào: Lúc ấy, thành đã thất thủ, xã tắc bỏ phế, dân chúng vào thành tranh nhau lấy vàng bạc, của báu, bạch đàn, xạ hương, lụa là tơ gai đầy trong dân gian; sách vở, hồ tiêu, hương liệu các thứ vứt bỏ trên đường phố cao đến một, hai tấc, không kể xiết. Người mạnh khỏe tranh cướp vàng bạc, có người lấy được đến ba, bốn trăm lạng, người yếu cũng được đến hơn hai trăm lạng. Cung khuyết, kho tàng do vậy mà hết sạch[2].
Có thể thấy, trong thảm họa này, không chỉ những di sản văn hóa bị hủy hoại, kho tàng bị cướp phá mà cả đến nhân cách con người cũng bị làm cho biến dạng. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta, sau mỗi lần trải qua thiên tai, nhân họa, giặc dã,... thì lại phải thêm một lần chăm lo bồi bổ, củng cố lại gia tài văn hóa để làm chỗ nương tựa cho xã tắc và nhân tâm. Ngay sau khi đưa quân ra Bắc Hà dẹp tan tập đoàn thống trị họ Trịnh, nghe tin Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị tổn hại nặng nề, vua Quang Trung đã ra lệnh cho tu sửa với lời ngự phê còn lưu truyền đến mai sau vì cái tâm đậm chất văn hóa của vị vua anh hùng:
“Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi ,
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta!
Nay mai dọn lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian”[3]
Cũng với tinh thần đó, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập một ngày, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chống “giặc dốt” là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hơn cả, bởi lẽ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[4]. Đây chính là động thái văn hóa quan trọng nhất để bảo đảm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24-11-1946, ngay trước khi cuộc Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ.
Dù hơi dài dòng nhưng vẫn phải nhắc lại lịch sử với những sự kiện điển hình, cốt để chỉ ra rằng vấn đề bảo đảm an ninh văn hóa là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất, nhiều thách thức nhất trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài và gian nan của dân tộc ta. Đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước - nhà văn hóa nổi tiếng Nguyễn An Ninh đã từng đúc kết, rằng: Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc[5].
Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp mới, vấn đề an ninh văn hóa đang được đặt ra cấp bách và phức tạp hơn bao giờ hết. Toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa văn hóa nói riêng trước hết cần phải được xem như một cơ hội lịch sử đối với Việt Nam nói chung và với Quảng Ninh nói riêng, để có thể biến các tài nguyên văn hóa thành vốn văn hóa, thông qua phát triển công nghiệp văn hóa để tạo nên những nguồn sức mạnh mềm to lớn, những nguồn xung lực mới trong phát triển bền vững. Thông qua đó mà đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới và tỏa sáng, đồng thời cũng thông qua đó mà tiếp nhận thêm được những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu có thêm hành trang văn hóa của con người và quê hương.
Nhưng toàn cầu hóa văn hóa, trên thực tế, cũng đang là những làn sóng xâm thực văn hóa toàn cầu. Từ hàng chục năm nay giới trí thức và chính khách ở nhiều nước đã và đang tranh luận rất sôi nổi về những vấn đề, như “toàn cầu hóa hay là Mỹ hóa”, “bản sắc dân tộc ở đâu trong thế giới toàn cầu hóa”, “cái gì là văn hóa “dẫn đạo” (Leitkultur) của Đức”; “Văn hóa quy phạm (normative culture) trong thế giới toàn cầu hóa”... Như vậy, an ninh văn hóa là một nỗi lo ngại có thực và không chỉ đối với riêng một quốc gia - dân tộc nào.
Ở bình diện học thuật, người ta đã đề xuất những cách hiểu khác nhau về an ninh văn hóa. Một trường phái ở Australia cho rằng “An ninh văn hóa là một triết lý, một phương thức vận hành để bảo đảm rằng tất cả các cá nhân và các nhóm đều được đối xử trên cơ sở quan tâm đến sự khác biệt và yêu cầu đối với tính riêng biệt về văn hóa của mình”[6]. Trong khung cảnh của nước Australia, nơi mà vấn đề bảo tồn, bảo vệ nền văn hóa của dân cư bản địa (Aboriginal Australians) luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng, thì cách đặt vấn đề như trên là phù hợp. Suy rộng ra, an ninh văn hóa là sự bảo đảm cả về tư tưởng và hành động đối với quyền được bảo đảm sự khác biệt, tính độc đáo về văn hóa của tất cả các cá nhân và cộng đồng người. Và, theo cách hiểu đó, quyền được bảo đảm an ninh văn hóa là một quyền cơ bản của con người, là bảo đảm an ninh con người (human security).
Tiếp cận từ một phương diện khác, vấn đề an ninh văn hóa lại được nhìn nhận từ góc độ chủ quyền văn hóa (cultural sovereignty). Và, ở đây cũng có có hai cách hiểu khác nhau. Trên phạm vi hẹp, “chủ quyền văn hóa” của cá nhân và của cộng đồng người chính là quyền được thực hành những nghi thức, những hoạt động văn hóa của mình một cách tự do, không thể bị cấm đoán hoặc bị cưỡng ép làm cho sai lệch, nếu sự thực hành đó không phương hại đến sự thực hành văn hóa của cá nhân hay cộng đồng khác. Khi quyền đó được bảo đảm thì tức là an ninh văn hóa được bảo đảm, con người được thực hành hoạt động văn hóa, được khẳng định giá trị văn hóa và được tự hào một cách chính đáng về truyền thống văn hóa của mình[7].
Ở phạm vi rộng lớn hơn, chủ quyền văn hóa được xem là một bộ phận cấu thành quan trọng của chủ quyền quốc gia, giống như cương vực, lãnh thổ, lãnh hải, không phận, chủ quyền kinh tế, chủ quyền chính trị... Bất kể một hợp phần nào của chủ quyền quốc gia bị xâm hại, bao gồm chủ quyền văn hóa, thì an ninh quốc gia cũng bị xâm hại. Vì vậy, quốc gia nào cũng có một số biểu tượng quốc gia như quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, tín ngưỡng, ngôn ngữ,... được quốc gia đó bảo vệ đặc biệt. Thậm chí một số quốc gia còn xác định một loạt biểu tượng khác được bảo hộ, bảo vệ đặc biệt, như quốc hoa, quốc bảo, hình tượng một số công trình kiến trúc, tên tuổi, uy tín của một số danh nhân, anh hùng dân tộc, quốc phục, vũ điệu...
Tất cả những biểu tượng cụ thể đó vừa tiêu biểu cho chủ quyền quốc gia, danh dự, uy tín quốc gia, đồng thời cũng là biểu tượng của bản sắc văn hóa của quốc gia - dân tộc. Vì thế, chúng được coi như đối tượng chính của an ninh văn hóa của một đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, trở thành nguồn sức mạnh mềm (soft power) quan trọng, xuyên thủng các đường biên giới mềm (soft boundary) trở thành những làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ thì chủ quyền văn hóa, an ninh văn hóa còn được nhấn mạnh ở hai phương diện rất quan trọng:
Thứ nhất là tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property rights) vốn đã được quy định bởi Công ước Berne và nhiều bộ luật của các quốc gia. Tuy vậy, thực tế ở Việt Nam và trên thế giới đang cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đang khá phổ biến, với rất nhiều hình thức khác nhau, và với diễn thế ngày một phức tạp. UNESCO và nhiều nước đều coi đây là một trong những vấn nạn lớn về an ninh văn hóa.
Cũng từ phương diện này, một vấn đề còn phức tạp hơn, còn chưa được nhiều người quan tâm đầy đủ, là vấn đề bảo đảm quyền của chủ nhân văn hóa. Bất kỳ sản phẩm văn hóa nào, di sản vật thể hay phi vật thể, đều có chủ nhân đã tạo ra chúng. Họ chính là chủ nhân tác tạo, hay chủ nhân đích thực của di sản. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều di sản không còn thuộc sở hữu của chủ nhân tác tạo, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ nhân sở hữu nhiều khi không có mối liên hệ nào với chủ nhân tác tạo, vì họ có thể sống cách nhau nhiều thế kỷ và không hề có mối quan hệ huyết thống hay thừa kế nào. Vì vậy, khi bảo đảm an ninh văn hóa là vừa phải bảo đảm những giá trị của di sản do chủ nhân tác tạo gửi gắm vào di sản, nhưng đồng thời lại phải bảo đảm cả quyền và lợi ích của chủ nhân sở hữu di sản.
Thứ hai, tiếp cận từ quan điểm thị trường văn hóa và nguy cơ thao túng giá trị, thao túng văn hóa và xâm lăng văn hóa. Đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo thì thị trường chắc chắn đóng vai trò rất quan trọng. Bằng nhiều cách thức khác nhau, các sản phẩm công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo của các công ty, các nước sẽ tìm cách chiếm lĩnh, tiến tới thống trị các thị trường, từ thị trường quốc nội cho tới thị trường quốc tế. Trên cơ sở chiếm lĩnh được thị trường, các hình thái độc quyền chính thức hoặc phi chính thức sẽ xuất hiện, dần dần, thông qua đó họ sẽ tìm cách định hướng sở thích tiêu dùng của nhân dân các nước đối với sản phẩm của họ. Các loại hình hàng hóa văn hóa như thời trang, điện ảnh, internet, mạng xã hội (như facebook, twitter, tiktok,…), các phần mềm, các app của điện thoại thông minh,... là những ví dụ điển hình của quá trình này.
Một ví dụ khác: sự du nhập của nhạc Hàn Quốc (Kpop) và phim truyền hình Hàn Quốc ở Việt Nam. Việc giới trẻ Việt Nam yêu thích một hay một số band nhạc nước ngoài hay band nhạc Việt Nam là chuyện bình thường. Nhưng hiện tượng sùng bái quá mức những “thần tượng” Kpop của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam thì đã thực sự khiến cho xã hội lo ngại sâu sắc[8].
Rõ ràng là cả trên phương diện học thuật và thực tiễn, an ninh văn hóa đang ngày càng trở thành một địa hạt rất quan trọng của lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Bảo đảm an ninh văn hóa không chỉ còn giới hạn trong phạm vi hẹp là bảo đảm quyền văn hóa (bao gồm quyền được bộc lộ và thực hành các hành vi văn hóa, quyền nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ, quyền được thụ hưởng văn hóa,…), mà còn là bảo đảm chủ quyền quốc gia về văn hóa, tức là bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện đúng công ước quốc tế và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người chủ nhân văn hóa (chủ nhân tác tạo và chủ nhân sở hữu). Bảo đảm an ninh văn hóa cũng là bảo vệ môi trường văn hóa, chiếm lĩnh thị trường văn hóa để tăng cường nội lực, phát huy sức mạng mềm Việt Nam, là phát triển thành công công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo để chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, chống lại các làn sóng xâm thực văn hóa và thao túng giá trị của ngoại bang, mở đường hội nhập thành công của Việt Nam theo phương châm: Hội nhập mà không hòa tan; Hội nhập để tỏa sáng và phát triển bền vững.
Vấn đề an ninh văn hóa ở Quảng Ninh: nhận diện vấn đề và giải pháp
Quảng Ninh là một tỉnh địa đầu của Tổ quốc với những lợi thế rất to lớn về văn hóa để phát huy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, khơi thông các nguồn lực nội sinh để tạo thành nguồn xung lực mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng là địa bàn đang đối diện với nhiều nguy cơ an ninh văn hóa khá đa dạng và phức tạp. Bên cạnh những nguy cơ, thách thức chung của cả nước (như đã chỉ ra ở phần trên) thì Quảng Ninh có những nguy cơ, thách thức riêng. Làm rõ điều này chính là góp phần cung cấp cho lãnh đạo tỉnh có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để hoạch định và thực thi các giải pháp, chính sách phù hợp trong lĩnh vực văn hóa.
Ở đây, chúng tôi xin tiếp cận vấn đề an ninh văn hóa của tỉnh Quảng Ninh từ ba phương diện: 1) Là địa phương có sự đa dạng văn hóa cao; 2) Là một tỉnh địa đầu của Tổ quốc; 3) Là tỉnh đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình “tăng trưởng nâu” sang mô hình “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững, đi đầu trong mở cửa, đổi mới, hội nhập với khu vực và thế giới.
1. Quảng Ninh là tỉnh có độ đa dạng văn hóa cao, có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú
Người ta thường nhắc câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rằng “Quảng Ninh là hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ”[9]. Điều này hoàn toàn đúng, nếu nhìn từ góc độ đa dạng văn hóa. Sự đa dạng, phong phú của văn hóa Quảng Ninh trước hết nằm ở cấu trúc hệ địa - sinh thái của tỉnh: vừa có vùng núi, gò đồi, đồng bằng, lại có các vùng cửa sông, duyên hải và biển đảo. Có thể hình dung mỗi không gian địa - sinh thái đó là một loại hình không gian văn hóa với những đặc tính và đời sống văn hóa có dáng nét và bệ đỡ văn minh riêng. Sự đa dạng văn hóa của Quảng Ninh còn bắt nguồn từ hành trình lịch sử của địa phương trong diễn trình lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực. Những chứng tích khảo cổ học và lịch sử không chỉ cho thấy Quảng Ninh là một trong những nơi có con người tụ cư sớm, mà còn là nơi đã diễn ra những cuộc tiếp xúc, giao lưu văn hóa, văn minh sớm và xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Quảng Ninh có dải non thiêng Yên Tử với những di sản văn hóa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo rất đặc sắc, có thương cảng quốc tế Vân Đồn không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt và cũng chính là nhịp cầu giao lưu văn hóa bền vững nhiều thế kỷ. Quảng Ninh cũng chia sẻ vùng sông nước Bạch Đằng Giang, nơi hào khí non sông đã nhiều lần tỏa rực, vang dội đến mai sau; Quảng Ninh lại là vùng đất mỏ - nơi tiêu biểu nhất cho truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân Việt Nam - một biểu tượng sáng ngời của truyền thống văn hóa cách mạng. Và giờ đây, Quảng Ninh cũng là địa bàn ghi nhận những chuyển biến rất đặc sắc của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Chỉ điểm qua những nét chính như thế cũng đủ cho thấy sự phong phú, đa dạng và tầm vóc to lớn như thế nào của cơ tầng và tài nguyên văn hóa Quảng Ninh.
Nhưng trong lịch sử cũng như hiện nay, nếu những nguồn tài nguyên đó không được nhận diện đầy đủ và không được bảo tồn và phát huy đúng đắn thì chính khi đó các nguy cơ xâm hại, làm biến dạng các di sản, làm hao mòn các nguồn lực đã, đang và sẽ diễn ra. Chỉ xin nêu ra hai ví dụ: toàn bộ di sản văn hóa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo ở Yên Tử chẳng phải đã có những thời gian dài rơi vào quên lãng hay sao? Câu chuyện phát hiện ra di tích chùa Ba Vàng là nhờ vào cơ duyên đi tìm bò lạc của một bác nông dân đã cho thấy nhiều di tích lịch sử và văn hóa từng đã trở thành phế tích một thời. Ví dụ thứ hai là truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân vùng mỏ - một thời được tôn vinh, nhưng giờ đây dường như không dễ tạo đươc sức hấp dẫn trong đời sống đương đại.
Yếu tố thứ ba làm nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa Quảng Ninh chính là ở cấu trúc tộc người của tỉnh. Quảng Ninh hiện có 22 dân tộc cùng chung sống, gồm người Kinh (Việt, chiếm khoảng 87,47% dân số) và 21 dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 12,53% dân số), như Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Nùng, Thái, Mông, Giáy...[10]. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, có di sản văn hóa và đời sống văn hóa với những dáng nét riêng. Tất cả những yếu tố đó tạo nên bản sắc văn hóa (cultural identity) của từng dân tộc, và ở tầm cao hơn, văn hóa của 22 dân tộc đó tạo nên tài nguyên văn hóa phong phú của tỉnh Quảng Ninh, thống nhất trong đa dạng và của những sắc thái đa dạng đó. Bảo đảm an ninh văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của con người Quảng Ninh cũng chính là bảo đảm, giữ gìn bản sắc văn hóa của toàn bộ cộng đồng và của từng dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước ta cũng đều coi đó là mục đích, là nhiệm vụ, là quyền và nghĩa vụ của chính quyền và nhân dân. Nhưng trên thực tế, đây là vấn đề không đơn giản. Trước sức ép của các quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa, của hội nhập và toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số đang hàng ngày hàng giờ bị đe dọa. Về nhận thức, cần phải khẳng định một điều là: không ai có thể làm thay đồng bào của các dân tộc trong việc bao tồn và phát huy giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Nhưng chúng ta đã và sẽ tạo điều kiện như thế nào để đồng bào các dân tộc tự mình làm được điều đó? Cần phải có những nghiên cứu để đưa ra những giải pháp cụ thể, giàu tính thực tiễn cho từng dân tộc, trên mỗi địa bàn cụ thể.
2. Quảng Ninh là một tỉnh địa đầu của Tổ quốc
Từ phương diện an ninh văn hóa, có khá nhiều điều đáng lưu tâm về vị thế địa đầu của tỉnh Quảng Ninh, ở cả hai chiều lợi thế và thách thức.
Về lợi thế, Quảng Ninh có nhiều nhịp cầu, nhiều cửa mở để tiếp xúc và giao lưu văn hóa với Trung Quốc và các nước khác, thông qua đó có thể giới thiệu và phát huy cao độ được giá trị của các tài nguyên văn hóa của tỉnh và của Việt Nam. Đây là lợi thế riêng có của các tỉnh địa đầu. Cùng là một di sản, một vật phẩm văn hóa, ở những địa phương nội địa thì khó tạo được sự hấp dẫn như ở Quảng Ninh.
Nhưng là tỉnh địa đầu, Quảng Ninh cũng là “chốt tiền tiêu”, là “tiền tuyến” đương đầu sớm nhất và cam go nhất với các dạng thức xâm thực truyền thống và phi truyền thống. Cho nên, Quảng Ninh chính là “phên dậu”, là “thành lũy” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, trong cả thời chiến và thời bình, cả trong phát triển kinh tế, văn hóa, quản trị xã hội, ngoại giao, chính trị và quốc phòng - an ninh.
Lợi thế, cơ hội cũng như thách thức, nguy cơ trước hết nằm ở những loại hoạt động xuyên biên giới. Bên cạnh những hoạt động xuyên biên giới phổ quát, chúng tôi xin nhấn mạnh hai loại hoạt động đặc biệt cần lưu ý, xét từ khía cạnh an ninh, nhất là an ninh văn hóa.
Một là, Quảng Ninh là địa bàn cư trú của một số dân tộc thiểu số có địa bàn sinh sống vắt ngang đường biên giới Việt - Trung, đó là các dân tộc như Hoa, Mông, Sán Dìu... Những dân tộc này vẫn thường xuyên duy trì những quan hệ tộc người xuyên biên giới, cùng với đó là các hoạt động kinh tế, hôn nhân, tôn giáo, văn hóa... Đây chính là những nhịp cầu hữu nghị, hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu văn hóa xuyên biên giới, giúp các các cộng đồng dân cư sống ở hai bên đường biên giới quốc gia thêm hiểu biết lẫn nhau và đó là cơ sở thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, những mối liên hệ tộc người xuyên biên giới này cũng rất dễ bị các thế lực xấu lợi dụng và lạm dụng, biến thành những đường “kênh dẫn” cho các hoạt động bất hợp pháp (tội phạm hình sự, buôn lậu, gián điệp, khủng bố,…) hoặc du nhập những vật phẩm, những giá trị văn hóa ngoại lai.
Không riêng gì Việt Nam mà các nước có hiện tượng tộc người vắt ngang đường biên giới quốc gia (cross-border ethnic minorities) thì đều coi đây là vấn đề nhạy cảm, vì nó liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và và đến quan hệ bang giao giữa các nước. Vì vậy, thay vì coi đó như chủ đề cấm kị, né tránh thì nên coi đó là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, nghiên cứu và triển khai những biện pháp, chính sách phù hợp để phát huy lợi thế, những yếu tố tích cực, đồng thời ngăn ngừa, đẩy lùi và loại bỏ những nguy cơ.
Hai là vấn đề du lịch xuyên biên giới (cross-border tourism). Đây là một loại hình du lịch phổ biến được tổ chức ở các khu vực biên giới giữa các quốc gia, ngay cả khi các đường biên giới đã “mở toang” như giữa các nước trong khối Schengen. Khách du lịch có thể là cư dân sống ở khu vực biên giới, nhưng cũng có thể là du khách đến những điểm, những địa phương ở cả hai bên đường biên nhờ vào những tấm thẻ hay giấy phép đặc biệt để qua lại trong khu vực biên giới. Ở đó, họ được tham quan, được thưởng thức những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa, món ăn, tham dự các hoạt động mua bán, vui chơi, lễ hội, tôn giáo... Thông thường thì du khách sẽ được các tour-guide giới thiệu vốn là nhân viên của công ty du lịch nước này hoặc nước kia (ví dụ: khách du lịch từ Trung Quốc sang vùng biên ở Quảng Ninh thì do tour-guide Trung Quốc hướng dẫn, giới thiệu bằng tiếng Trung). Đây là một nguồn lực, một loại hình du lịch có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển. Nhưng trên thực tế, loại hình du lịch này thường phát sinh những vấn đề không kém phần phức tạp. Ở một số nơi người ta có thể vô tình (hoặc cố ý) khơi dậy những hận thù dân tộc trong quá khứ. Hoặc người ta có thể giới thiệu không đúng (hoặc cố tình xuyên tạc) làm sai lệch những thông tin lịch sử, văn hóa của quốc gia láng giềng; hoặc lợi dụng hoạt động du lịch xuyên biên giới để buôn lậu, du nhập những vật phẩm văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của nước láng giềng... Rõ ràng là ở đây cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu cẩn trọng để đưa ra những chính sách, những giải pháp phù hợp để phát huy lợi thế, phòng ngừa và loại bỏ các nguy cơ và các yếu tố độc hại.
2.3. Quảng Ninh đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình “tăng trưởng nâu” sang mô hình “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững, đi đầu trong mở cửa, đổi mới, hội nhập với khu vực và thế giới
Quảng Ninh chắc chắn là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn gay gắt nhất trong những năm tháng trước Đổi mới, một phần là do hậu quả của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và cuộc đấu tranh chống lại những hoạt động bao vây, phá hoại kéo dài của Trung Quốc sau khi chiến tranh kết thúc, một phần khác là do Quảng Ninh, vốn được xem là tỉnh trọng điểm công nghiệp nặng - nhất là công nghiệp khai thác than, của cả nước, bị “trói buộc” quá chặt vào cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp của thời kỳ trước. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho việc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế ở địa phương này trở nên cấp bách hơn, quyết liệt hơn, với những yêu cầu cao hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Sau thời gian thử nghiệm, đến khoảng hơn chục năm gần đây lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc chuyển đổi mô hình phát triển, từ “tăng trưởng nâu” sang “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững. Chúng tôi cho rằng đây là lựa chọn dũng cảm, đúng đắn, có tầm nhìn xa rộng của lãnh đạo tỉnh. “Tăng trưởng nâu”, trong đó trọng điểm là công nghiệp khai thác than, đã từng là một thế mạnh riêng có, là điểm tựa kinh tế và niềm tự hào của tỉnh suốt hơn 100 năm. Giờ đây, xác định giảm dần, chuyển đổi nhanh và tiến tới từ bỏ mô hình tăng trưởng này là quyết định không dễ dàng gì, vì nó gắn với sinh kế của hàng trăm nghìn công nhân và gia đình họ. Nhưng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững là lựa chọn tất yếu, không thể khác, và cho đến nay, quá trình này ở tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra khá thành công.
Từ góc nhìn văn hóa, có thể khẳng định chắc chắn rằng quá trình chuyển đổi này sẽ làm đảo lộn một số giá trị văn hóa, làm cho một số yếu tố của đời sống văn hóa cũ dần dần bị loại bỏ và một đời sống văn hóa mới sẽ từng bước được xác lập. Trong quá trình đó chắc chắn sẽ xuất hiện những vấn đề an ninh văn hóa.
Rõ nhất là trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trước kia con người được coi là chúa tể của giới tự nhiên, có sứ mệnh cải tạo và khai thác tự nhiên, còn giờ đây con người là bạn, phải tìm cách cộng sinh thân thiện với giới tự nhiên. Bảo vệ tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, vì vậy là phương thức và là một mục tiêu phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Đó không chỉ là chính sách, là luật pháp mà phải là hành vi ứng xử hằng ngày của mỗi người dân Quảng Ninh, và đây chắc chắn là điều khó khăn nhất. Vi phạm nguyên tắc bảo vệ, thân thiện với môi trường - hệ sinh thái chính là vi phạm an ninh văn hóa, an ninh con người. Đồng thời, một vấn đề khác lại đặt ra: chúng ta sẽ đối xử với những di sản văn hóa, với những truyền thống văn hóa, bao gồm cả truyền thống cách mạng, đã gắn bó với mô hình “tăng trưởng nâu” một thời đã từng là niềm tự hào chân chính của tỉnh Quảng Ninh. Nếu không chú ý đến điều này thì chính là chúng ta quay lưng, vô ơn với tiền nhân, mà còn tự mình tước bỏ những nguồn lực văn hóa có giá trị không nhỏ.
Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh thành đi tiên phong trong các nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế, và đương nhiên, trong quá trình đó cũng đã và đang xuất hiện không ít những vấn đề, những tình huống an ninh văn hóa, cả thành công và cả chưa thành công. Việc Vịnh Hạ Long và Khu danh thắng Yên Tử trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới chính là đã góp phần tạo dựng thương hiệu, hình ảnh và uy tín quốc gia. Chỉ riêng điều này đã là kết quả tổng hợp của nhiều nỗ lực đổi mới, từ đổi mới thể chế, chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng cho đến cải thiện văn hóa kinh doanh, ẩm thực và văn hóa ứng xử của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những bất cập và cả những khuyết điểm, sai lầm cũng không cần phải tiếp tục được nhìn nhận rõ để kịp thời khắc phục. Hiện tượng tổ chức các sự kiện văn hóa nhảm nhí, như tôn vinh “nhà thơ thế giới, đại sứ quyền năng tâm, tài, đức” Tống Thu Ngân[11], hay những nghi lễ cúng giải “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng[12], vì bất cứ lý do gì, cũng là những hành vi, những hoạt động phản văn hóa, làm phương hại đến an ninh văn hóa của Quảng Ninh và của đất nước. Đó là chưa kể tới những hoạt động tội phạm, đánh bạc, băng nhóm giang hồ, buôn bán người, tham nhũng,… cũng không chỉ là tội phạm hình sự hay tội phạm kinh tế mà còn là tội phạm văn hóa, vì chúng làm xấu đi hình ảnh của con người, đất nước và quê hương Quảng Ninh.
Quảng Ninh là một tỉnh giàu tiềm năng phát triển đã và đang khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, biến chúng thành các nguồn lực và các nguồn vốn (capital) trong quá trình phát triển bền vững của địa phương. Trong lĩnh vực văn hóa, có thể khẳng định chắc chắn rằng lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm được nhiều việc để khơi nguồn phát triển và đổi mới, để văn hóa trở thành một lợi thế phát triển của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, trên thực tế đã và đang xuất hiện những nguy cơ, những thách thức trong lĩnh vực văn hóa. Tiếp cận các vấn đề trên từ phương diện an ninh văn hóa - một địa hạt của an ninh phi truyền thống, an ninh quốc gia, chúng tôi đã bước đầu chỉ ra những biểu hiện và tầm mức của một số vấn đề, trước hết là để cảnh báo và sau đó là để cung cấp thêm những luận cứ, những cơ sở cho quá trình chính sách ở địa phương.
Đương nhiên, mỗi vấn đề, loại vấn đề cụ thể thì cần có giải pháp hoặc chính sách cụ thể. Song, một giải pháp tổng thể mà chúng tôi xin kiến nghị ở đây, nhằm giúp cho tỉnh Quảng Ninh một mặt vừa khơi thông, phát huy cao độ được lợi thế của các nguồn lực văn hóa, đồng thời đó cũng là cách bảo đảm an ninh văn hóa một cách toàn diện, bền vững và hiệu quả: đó là ban hành và tổ chức triển khai sớm chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Về cơ sở chính trị và pháp lý, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các văn kiện cung cấp đầy đủ cơ sở và luận chứng cho việc này, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (ban hành năm năm 2016) của Chính phủ và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Về cơ sở thực tiễn, Thủ đô Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU) và ban hành kế hoạch chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô (Kế hoạch số 217-KH/UBND). Và, quan trọng hơn, đây là yêu cầu bức thiết của chính tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
Phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo đã và đang là xu thế phổ biến, không thể đảo ngược nhằm phát triển sức mạnh mềm quốc gia. Đây cũng là giải pháp tổng thể tốt nhất để khơi thông các tiềm năng, phát huy cao độ và hiệu quả các nguồn lực văn hóa, giải quyết hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa chủ động hội nhập và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại với bảo đảm chủ quyền, an ninh văn hóa và bảo đảm phúc lợi văn hóa cho người dân.
Để ban hành và triển khai thành công chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh cũng cần đặt chiến lược này trong chiến lược tổng thể phát triển bền vững của tỉnh, nhất là trong quy hoạch chiến lược phát triển các đô thị đổi mới sáng tạo, các không gian đổi mới sáng tạo của địa phương.
Được biết, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, có thể nói là thuộc hàng sớm nhất cả nước. Bước đi tiếp theo để thực hiện Nghị quyết nói trên và nhất là Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV là ban hành chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo với những hệ thống giải pháp cụ thể, phù hợp./.
--------------------
[1] https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/dichcorona/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=114609
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t. III, tr. 77.
[3] Phan Huy Lê (chủ biên), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2012, t. 1, tr.924 - 927.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 2.
[5] Nguyễn An Ninh, “Lý tưởng của thanh niên An Nam”. Nguyễn An Tịnh sưu tầm và dịch, trong Nguyễn An Tịnh, Nguyễn An Ninh, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 81.
[6] https://www.notredame.edu.au/majarlin/about/cultural-security#:~:text=Cultural%20security%20is%20a%20philosophy,unique%20cultural%20needs%20and%20differences. Truy cập ngày 22/3/2023.
[7] Souder, Laura M. Torres, “what is cultural sovereignty”, in: The Guam Daily Post, Aug 15, 2021 Updated Sep 14, 2021. https://www.postguam.com/forum/featured_columnists/what-is-cultural-sovereignty/article_567e20fe-fbf0-11eb-aca5-6b70cecf7753.html#:~:text=Cultural%20sovereignty%20is%20a%20state,customs%20with%20pride%20and%20legitimacy. Truy cập ngày 23/3.2023.
[8] https://nhandan.vn/cuong-than-tuong-mot-hien-tuong-xa-hoi-dang-lo-ngai-post231263.html. Truy cập ngày 24/3/2023.
[9] https://baoquangninh.vn/mo-cua-bau-troi-cho-mot-viet-nam-thu-nho-2330532.html. Truy cập ngày 26/3/2023.
[10] https://www.quangninh.gov.vn/bannganh/bandantoc/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=1021. Truy cập ngày 25/3/2023.
[11] https://tuoitre.vn/vu-nha-tho-the-gioi-tong-thu-ngan-dung-co-xuy-cho-tinh-hao-danh-20221227110022611.htm. Truy cập ngày 26/3/2023
[12] https://vietnamnet.vn/tru-tri-chua-ba-vang-van-khang-dinh-oan-gia-trai-chu-co-that-515262.html. Truy cập ngày 26/3/2023.
Thị xã Quảng Yên: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập tỉnh  (29/09/2023)
Một số luận bàn về hệ giá trị văn hóa Việt Nam  (29/09/2023)
Một số bài học kinh nghiệm về giải quyết tố cáo trong nội bộ Đảng, góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  (29/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên