Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và tư cách người đại biểu nhân dân - Giá trị vận dụng vào việc nâng cao chất lượng đại biểu của cơ quan dân cử hiện nay
TCCS - Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một thể thống nhất biện chứng giữa tư tưởng đạo đức với tư tưởng chính trị, giữa đạo đức với tài năng, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường. Những nội dung này cũng chính là cơ sở hình thành nên các tiêu chuẩn về đạo đức, vị trí, vai trò, tư cách của người đại biểu nhân dân Việt Nam và vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa định hướng quan trọng đối với việc tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu cơ quan dân cử hiện nay.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và tư cách của người đại biểu nhân dân
Vai trò và tư cách của đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào - hiện thân tiêu biểu cho vai trò, tư cách của người đại biểu nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiền ngẫm, tổng kết cả một “Tổng kho tri thức cách mạng”, trong đó có “kho tàng tri thức” về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Ngay từ tháng 10-1944, Người đã chỉ rõ rằng, muốn lập nên một Nội các (Chính phủ) thì về trình tự là phải thành lập Nghị viện (Quốc hội) trước đã. Trong điều kiện chưa giành được chính quyền thì phải có một tổ chức tương đồng. Người nói: “... chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(1). Cơ cấu đó chính là Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân Quốc hội, với vai trò một Quốc hội lâm thời của đất nước, được Đảng ta do Người đứng đầu, tiến hành tổ chức vào các ngày trung tuần tháng 8-1945.
Quốc dân Đại hội Tân Trào chỉ có hơn 60 đại biểu, nhưng tư cách, phẩm chất của các đại biểu hoàn toàn xứng đáng với vai trò đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân, cả về cơ cấu vùng, miền, đoàn thể, cơ cấu theo đảng phái chính trị cũng như đại diện cho các giới và các tầng lớp xã hội... Có thể nói, trong Quốc dân Đại hội Tân Trào, đại biểu vùng, miền, trí thức, công, nông, thanh, phụ, dân tộc đều có mặt đầy đủ, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội. Trong điều kiện giao thông liên lạc đầy khó khăn, việc đi lại qua các vùng địch kiểm soát gắt gao, hết sức phức tạp và nguy hiểm, thì việc Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh xây dựng được cơ cấu thực tế của Đại hội như vậy là nỗ lực rất lớn. Tất cả đều có chung một ý chí, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp lớn, giải phóng dân tộc, giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đó cũng chính là vai trò, thể hiện trọng trách và tư cách lớn lao của các đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào. Như vậy, vai trò và tư cách của người đại biểu nhân dân đã được xác lập ngay từ “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám.
Quốc dân Đại hội Tân Trào xác định 10 chính sách lớn của Việt Minh được ghi trong Nghị quyết của Đại hội ngày 16, 17-8-1945(2). Cũng cần phải nói thêm rằng, 10 chính sách lớn của Việt Minh có giá trị như một bản Hiến pháp tạm thời để Mặt trận dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) sau khi Cách mạng thành công, giành được chính quyền thì căn cứ vào đó mà hành động. Mười chính sách của Việt Minh nói chung, vai trò và tư cách của đại biểu Quốc dân Đại hội nói riêng đều thấm đẫm tư tưởng, trí tuệ mẫn tiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và sau này, Người cũng nhắc lại nhiều lần các tiêu chí này của người đại biểu nhân dân trong hoạt động ở Quốc hội.
Đại biểu nhân dân phải một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
Ngày 5-1-1946, trong đợt tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” và “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”(3).
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Ngày 26-4-1960, phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa II tại Hà Nội ra mắt cử tri, Người nói: “Quốc hội khóa I là Quốc hội chiến đấu. Quốc hội đã đoàn kết nhân dân và giúp đỡ Chính phủ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang... Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội... Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”(4).
Sau đó, phát biểu tại lễ bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.
Về phần tôi,
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”(5).
Ngày 20-5-1968, dịp khai mạc Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III, Người đọc mấy câu thơ:
“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”(6).
Như vậy, Người đại biểu nhân dân Hồ Chí Minh luôn trăn trở, thường xuyên nghĩ đến trách nhiệm cao cả của mình, đó là phải vững vàng “hai vai việc nước nhà”.
Đại biểu nhân dân phải là người dũng cảm chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu
Suốt 24 năm (1945 - 1969), là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, người đại biểu nhân dân mẫu mực nhất, bao giờ Bác Hồ cũng quan tâm tới thực tiễn chiến đấu, sản xuất, dựng xây phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tham nhũng và Người là người thực hành điều đó triệt để nhất. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Người tuyên bố: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(7). Ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ từ 5 năm đến 20 năm khổ sai và kẻ nhận hối lộ phải nộp phạt số tiền gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Người dạy rằng, pháp luật của ta phải “... thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(8). Người giải thích, phải nghiêm trị như thế vì “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(9). Như chúng ta đã biết, kể từ khi tuyên bố điều đó cho đến khi “đi vào cõi vĩnh hằng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện hết sức nghiêm túc, có hiệu quả cao công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Đại biểu nhân dân phải là người làm việc khoa học, phải biết chấn chỉnh lề lối làm việc, giảm dần nạn giấy tờ
Lề lối làm việc khoa học, sắp xếp giấy tờ gọn gàng và hợp lý là yêu cầu được Bác Hồ đặt ra ngay từ đầu tháng 3-1954. Người đã phê bình rất nghiêm khắc nạn giấy tờ dài dòng, tình trạng làm việc luộm thuộm, thiếu tính khoa học ở nhiều cơ quan nhà nước. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều.
... - Giấy tờ quá nhiều, quá dài
... - Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã qua lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.
- Không đúng nguyên tắc: có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.
- Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải gửi trả lại.
- Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật...”(10).
Qua một vài dẫn chứng trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất chi tiết, tường tận, thấu đáo cung cách điều hành, xử lý công việc ở từng cơ quan trong bộ máy chính phủ, trong khi lãnh đạo các cơ quan đó chưa chắc đã biết tường tận tình trạng công việc của cơ quan mình. Quan điểm, tư tưởng của Người về lĩnh vực này chính là cơ sở thực tiễn, là căn cứ định hướng cho công cuộc cải cách hành chính ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh đạo cao nhất tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, đồng thời cũng là một đại biểu của Đại hội. Từ khi có Quốc hội chính thức đầu năm 1946, với sự tín nhiệm đặc biệt của cử tri, Người liên tiếp làm nhiệm vụ đại biểu cho đến khi “về cõi vĩnh hằng” ngày 2-9-1969 (23 năm). Tất cả quan điểm, tư tưởng của Người về vai trò, sứ mệnh và tư cách, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân được coi là chuẩn mực, là thước đo, tiêu chuẩn để chỉ đạo việc lựa chọn những người có tài, có đức làm đại biểu của nhân dân trong tất cả cuộc bầu cử sau này. Nội dung cốt lõi của quan điểm, tư tưởng đó là: Đoàn kết, đấu tranh giành độc lập và kiên quyết bảo vệ, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc; ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó vừa là nội hàm của vai trò, tư cách người đại biểu nhân dân, vừa là sự thể hiện đức, tài, trí tuệ, bản lĩnh và phong cách làm việc của người đại biểu ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng. Nội dung, bản chất của vai trò và tư cách người đại biểu nhân dân được xác lập đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn nguyên giá trị trong các giai đoạn phát triển của đất nước ta. Những nội dung này đều được ghi trong các Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 do chính Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo. Các Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều kế thừa nội dung các điều khoản đó. Các điều này được thể hiện cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (nay là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).
Riêng đối với đại biểu Quốc hội, từ Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2014) đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2020) đã quy định thành một chương gồm 24 điều; trong đó, Điều 21 quy định về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội; Điều 22 quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, được cụ thể hóa thành 5 tiêu chuẩn của đại biểu. Vai trò và tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được ghi tại Điều 6 và Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015), chỉ khác là đại biểu Hội đồng nhân dân thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi địa phương của đại biểu.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ở nhiều đơn vị bầu cử, cử tri đã yêu cầu từng ứng cử viên báo cáo cụ thể từng tiêu chuẩn, đạt được đến mức độ nào, ưu điểm, khuyết điểm ra sao... Đây quả là một cuộc “sát hạch” thực sự đối với các ứng cử viên đại biểu dân cử.
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất của vai trò và tư cách người đại biểu nhân dân hội tụ lại trong hai thuật ngữ “đức” và “tài”, mà đức là gốc. Vai trò và tư cách đó thể hiện rõ ở bản lĩnh và trí tuệ cùng cách thức (phong cách) làm việc của đại biểu.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng đại biểu dân cử hiện nay
Ngày nay, trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phải: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”(11) thì tất yếu phải tiếp tục nâng trình độ của đại biểu nhân dân lên một tầm cao mới theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng; cụ thể là:
Nhân rộng kiến thức - nâng tầm trí tuệ của đại biểu
Như đã biết, tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp (Quốc hội) và cơ quan hành pháp (Chính phủ) hoàn toàn khác nhau. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ hiện nay gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Còn hoạt động của Quốc hội - cơ quan lập pháp - thì không chỉ tập trung riêng vào một lĩnh vực nào, mà phải bao quát toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, bám sát toàn bộ hoạt động (chuyển động) của đất nước. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số; do đó, bất kỳ vấn đề gì, thuộc lĩnh vực nào cũng yêu cầu đại biểu có ý kiến đóng góp, có chính kiến (chứ không phải ngồi chờ, khi nào có việc nào đúng với chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì mới tham gia phát biểu). Cơ cấu đại biểu theo trình độ học vấn (cấp độ được đào tạo) của đại biểu Quốc hội khóa XV do Hội đồng bầu cử quốc gia công bố tại Báo cáo số 783/BC-HĐBCQG, ngày 14-7-2021: Trình độ trên Đại học có 392 đại biểu (78,56%), trong đó Tiến sĩ là 144 đại biểu, Thạc sĩ là 248 đại biểu; trình độ Đại học có 106 đại biểu (21,24%); dưới Đại học, duy nhất chỉ có 1 đại biểu (0,2%); về chức danh, có 12 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư. Khóa này có tới 181 đại biểu có kiến thức luật học (36,3%), cao hơn nhiều so với nhiều khóa trước. Tuy nhiên, các số liệu đó mới chỉ nói lên tiềm năng của Quốc hội, chứ chưa thể khẳng định điều gì về kết quả hay hiệu quả hoạt động. Vì thực tế cho thấy, tuyệt đại bộ phận đại biểu chỉ được đào tạo, có kiến thức về một chuyên môn, thậm chí là một chuyên môn hẹp; rất ít đại biểu nắm vững hai, ba chuyên môn. Trong khi đó, về tất cả vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, khoa học, kỹ thuật, chính trị, xã hội... đều cần đại biểu có ý kiến, đóng góp trí tuệ. Đây là một thách thức cực lớn đối với đại biểu, nhất là đối với số 65 - 70% trong tổng số là những đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu.
Bởi vậy, việc mỗi đại biểu cần nhanh chóng mở rộng sự hiểu biết của bản thân sang các lĩnh vực chưa biết, chưa được đào tạo là vô cùng cấp thiết. Xin lưu ý rằng, đây không phải là vấn đề mới. Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc còn gay go, điều kiện học tập còn vô vàn khó khăn, nhưng Bác Hồ vẫn yêu cầu đội ngũ cán bộ: “ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy... có thế lãnh đạo mới sát”(12). Đến giai đoạn miền Bắc thực thi hai nhiệm vụ chiến lược, Người lại yêu cầu việc học tập phải ở mức độ cao hơn. Ngày 18-1-1967, tại một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, Người nói, cán bộ, đảng viên phải “chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”(13). Nghĩa là, cán bộ, đảng viên không nên chỉ biết một chuyên môn, mà còn phải biết mở rộng kiến thức sang nhiều chuyên môn, lĩnh vực khác. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã hơn 55 năm, nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị, càng trở nên thiết thực, cấp bách đối với đại biểu Quốc hội hiện nay. Hoạt động ở Quốc hội cần có kiến thức về pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ...; mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều chuyên ngành cụ thể, chuyên môn sâu. Do vậy, đại biểu phải có ý thức tự học, tự đào tạo theo phương thức: Học ngay từ những ngày đầu hoạt động Quốc hội; học quy trình, thủ tục các hoạt động của Quốc hội; biết kinh tế rồi thì học pháp luật; biết pháp luật rồi thì học các vấn đề xã hội, học sang các lĩnh vực khác; học phương pháp tổng hợp kiến thức, phương pháp diễn đạt, cách thức đối thoại... Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hiện nay, đại biểu phải nhanh chóng trang bị, cập nhật kiến thức mới thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đại biểu càng hiểu biết rộng càng tốt, càng có kiến thức chuyên sâu càng hay; có như thế, mới có thể đóng góp hữu ích, thiết thực cho Quốc hội.
Rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh của người đại biểu
Đảng ta đang tập trung “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(14). Đại biểu Quốc hội là chính trị gia thì cũng thuộc đội ngũ cán bộ này. Và đó cũng là nội hàm cơ bản của khái niệm bản lĩnh mà hiện nay, Đảng ta đã khái quát lại thành “7 dám”. Bản lĩnh của đại biểu Quốc hội cũng chi phối toàn bộ 5 tiêu chuẩn của đại biểu dân cử ở các cấp độ, phạm vi khác nhau.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch liên tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta bằng mọi thủ đoạn thâm độc, đặc biệt là thủ đoạn công phá nền tảng tư tưởng, thì khi có bản lĩnh chính trị kiên trung sẽ giúp cho đại biểu Quốc hội vững vàng thực hiện tiêu chuẩn số 1 với hiệu quả cao nhất, đó là luôn luôn “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có bản lĩnh, đại biểu sẽ không bao giờ dao động, lung lay, nao núng, nghiêng ngả trước mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn hay những đòn tâm lý thâm độc của các thế lực thù địch và như thế, sẽ không rơi vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Có bản lĩnh thì đại biểu mới hun đúc, rèn luyện và giữ gìn được phẩm chất, đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - điều mà Bác Hồ đặt ở vị trí hàng đầu, với mỗi đại biểu nhân dân là tiêu chuẩn số 2. Có bản lĩnh thì người đại biểu mới có gan kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Cử tri coi thái độ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo phẩm giá, đạo đức, nhân cách của người đại biểu của họ.
Muốn giữ vững và phát huy cao độ bản lĩnh thì người đại biểu nhân dân phải thường xuyên phấn đấu không ngừng, giữ gìn bản thân và gia đình mãi mãi trong sạch, đặc biệt là phải “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Họ phải luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(15).
Đại biểu dân cử phải là người hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm và uy tín
Trong 5 tiêu chuẩn của đại biểu nhân dân, có rất nhiều yêu cầu cụ thể đối với đại biểu, trong đó có 3 yêu cầu rất quan trọng mang tính thời sự, đó là kinh nghiệm, uy tín và tín nhiệm của người đại biểu. Cụ thể là, đại biểu phải, “có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội” (tiêu chuẩn số 3) và “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” (tiêu chuẩn số 4). Tiêu chuẩn đại biểu hiện hành là như thế, song những yêu cầu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng rất sớm, ngay từ tháng 10-1947. Về kinh nghiệm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người dành cả Chương II- Mấy điều kinh nghiệm để dạy cán bộ (đương nhiên trong đó có đại biểu Quốc hội). Trong 6 nhóm kinh nghiệm thì có các kinh nghiệm lớn: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”; “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai”; “Không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc” và phải “Sát quần chúng, hợp quần chúng”... Về uy tín và tín nhiệm, trong Chương IV- Vấn đề cán bộ, Bác Hồ dạy các vị lãnh đạo, các nhà làm công tác tổ chức và cán bộ những yêu cầu rất cụ thể, thiết thực, đó là: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”(16). Ứng vào việc lựa chọn đại biểu dân cử ngày nay, thì đó là một bài học kinh nghiệm thực tiễn sống động, vô cùng sâu sắc. Kinh nghiệm, không phải sinh ra là đã có, mà phải trải qua một thời gian hoạt động, làm việc đủ lâu, đủ sâu mới tích lũy được. Uy tín, tín nhiệm, không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian hoạt động thực tiễn, mà còn lệ thuộc vào trí tuệ, năng lực, trình độ công tác, kết quả công việc, và còn phải gắn chặt với phẩm chất, đạo đức, lối sống của mỗi người nói chung và của mỗi đại biểu dân cử nói riêng. Nghĩa là, khi đề cử, lựa chọn đại biểu dân cử thì phải đánh giá được “quá khứ gần cho đến thực tại”, chứ không chỉ nhìn vào hiện tại với bản sơ yếu lý lịch có nhiều chức vụ quan trọng, có đủ cả chức danh, học vị bậc cao.
Tiêu chuẩn số 4 đối với đại biểu là, phải “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”. Cách viết tiêu chuẩn này là theo văn phong pháp luật, ngôn ngữ hiện đại, còn năm 1947 thì Bác Hồ đã chọn cách viết để làm sao cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Vì vậy, không ai là không hiểu tường tận câu nói của Người, “người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nội dung của lời dạy, nội hàm của tiêu chuẩn: Người cán bộ, người đại biểu nhân dân có sống cuộc sống của nhân dân không? có lo nỗi lo của nhân dân không? có trăn trở cái trăn trở của nhân dân không? và có làm tròn trách nhiệm phản ánh ý nguyện của nhân dân đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không?
Chúng ta phải luôn nhớ rằng, việc cán bộ, đảng viên phải thật sự gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân đã được Bác Hồ dạy từ trước Cách mạng Tháng Tám và trong Di chúc, Người vẫn nhắc lại quan điểm này. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tất cả văn kiện Đại hội các khóa và trong tất cả Nghị quyết Trung ương, Đảng ta đều nhấn mạnh vấn đề then chốt đó. Đặc biệt, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, Bộ Chính trị đã cho ý kiến rất chặt chẽ về từng tiêu chuẩn của đại biểu, và lưu ý đầy đủ đến tiêu chuẩn “liên hệ chặt chẽ với Nhân dân”./.
---------------------------------------
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t. 7 (1940 - 1945), tr. 352 – 353
(2) Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7 (1940 - 1945), tr. 559 - 560
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 168, 166
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 565 – 567
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 341
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 458
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 478
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 357
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 424 – 425
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 175
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 357
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 279
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 280 - 314
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia  (19/10/2023)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tại Hòa Bình  (16/10/2023)
- Kỳ họp thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp