Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hơn 10,2%
TCCS - Năm 2021, năm thứ 2 tỉnh Quảng Ninh chủ động bước vào mùa dịch COVID-19 với nhiều kinh nghiệm trong triển khai phòng, chống dịch và thực hiện "mục tiêu kép" của hơn một năm trước đó. Năm 2022, Quảng Ninh tự tin đưa ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng.
Quảng Ninh là tỉnh kiên trì thực hiện phương châm “3 trước,” “4 tại chỗ,” dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh; thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh và vận hành hiệu quả công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch trực tiếp, trực tuyến từ tỉnh đến 13 đơn vị cấp huyện, 177 đơn vị cấp xã 24/24 giờ.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, Quảng Ninh là địa phương có số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 trong cả nước nhưng chỉ trong vòng hơn một tuần, tỉnh đã nhanh chóng chặn đứng được đà lây lan nhanh của dịch bệnh, dập tắt ổ dịch Vân Đồn, khóa chặt ổ dịch Đông Triều.
Tiếp đến, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, dù đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh đã chặn đứng mọi nguồn lây, “khóa chặt ca bệnh,” nhanh chóng “làm sạch địa bàn’’.
Có thời điểm cả nước gặp khó trong phòng, chống dịch, tỉnh đã từng kiên cường giữ vững địa bàn “an toàn - ổn định,” 114 ngày không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Nhờ phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nên Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước tăng 10,28%, đứng thứ hai so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỉnh đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay, độ bao phủ mũi 1 đạt trên 98%, mũi 2 đạt trên 93,89% cho người từ 18 tuổi trở lên; hiện đang tập trung tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi đủ điều kiện và triển khai tiêm mũi bổ sung từ ngày 18-12, dự kiến đến hết quý 1-2022 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi vaccine bổ sung cho toàn dân.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18-10-2021 xây dựng kịch bản và phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng thích nghi và ứng phó thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở, của doanh nghiệp, của người dân.
Nhờ đó, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động trong triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, nâng cao theo từng cấp độ dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh theo đúng phương châm “3 trước,” “4 tại chỗ,” tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Khi có các ca F0 xuất hiện, các địa phương nhanh chóng khoanh vùng nhỏ nhất khu vực có nguy cơ và xác định trúng ổ dịch, thần tốc truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả mô hình điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại cơ sở, cách ly F1 tại nhà; thí điểm cho F1 là người lao động các doanh nghiệp, trong khu công nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trở lại làm việc bình thường nếu test nhanh âm tính trước mỗi ca làm việc, F2 đi làm trở lại ngay sau khi F1 liên quan có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch để giữ vững môi trường sản xuất an toàn.
Tỉnh quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm để tích hợp đồng bộ phục vụ phòng, chống dịch. Tổ chức hướng dẫn người dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh đã được quan tâm, đẩy mạnh tạo sự chủ động trong tầm soát sàng lọc tại mỗi gia đình.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu đưa các quy định phòng, chống dịch vào quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư. Vì vậy, mặc dù sau hơn một tháng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng trăm ca F0 và nhiều ổ dịch, nhưng các địa phương đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình, khống chế được ổ dịch, không để các ổ dịch lây lan thành đợt dịch, gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngành than có nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn trong sản xuất, hạn chế mức thấp nhất việc dịch xâm nhập. Nhờ đó, mặc dù khó khăn trong dịch COVID-19, song tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh phát động phong trào 100 ngày đêm hoàn thành 3 dự án trọng điểm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu Cửa Lục 1 và đường bao biển nối thành phố Hạ Long với Cẩm Phả. Hai trong 3 dự án này sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 1-1-2022.
Ngoài ra, tỉnh đã khởi động, khởi công 4 dự án trọng điểm mới, đó là các dự án sân golf Đông Triều, khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, cảng tàu Vạn Ninh - Móng Cái và nhà máy điện khí LNG - Cẩm Phả với tổng mức đầu tư hơn 280 nghìn tỷ đồng. Đây là các dự án động lực để Quảng Ninh tiếp tục thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư mới trong giai đoạn "phục hồi" sau đại dịch, thực hiện thành công "mục tiêu kép".
Cuối năm 2021, tỉnh cũng thực hiện 2 hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết Quảng Ninh cam kết đồng hành mạnh mẽ với các nhà đầu tư theo phương châm chính quyền tỉnh Quảng Ninh “nói đi đôi với làm”, trọng chữ tín. Dù dịch COVID-19 tác động xấu tới mọi lĩnh vực, song tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết tâm duy trì mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm. Theo đó, năm 2022, Quảng Ninh tự tin đưa ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất./.
Phát triển loại hình du lịch mới: Chuyến leo núi, săn hoa trên nóc nhà vùng Đông Bắc tại Bình Liêu - Quảng Ninh  (19/12/2021)
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế số  (19/12/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên