Quảng Ninh tạo điều kiện tốt nhất để ngành than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường
TCCS - Ngày 18-12-2021, tỉnh Quảng Ninh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc về tình hình sản xuất, kinh doanh than năm 2021, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan, lãnh đạo TKV, Tổng Công ty Đông Bắc.
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than trên địa bàn tỉnh đã đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù, bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành than phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ phát huy ý chí tự lực tự cường, tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm, bằng các nguyên tắc, phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ”, phòng dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, tỉnh Quảng Ninh và ngành than đã đồng hành vượt qua mọi khó khăn, thử thách; phát huy tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm, kiên cường trụ vững trước các làn sóng dịch, hoàn thành thuận lợi các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra, duy trì việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống cho gần 14 vạn cán bộ, công nhân ngành than.
Tại cuộc họp, tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị ngành than đã tập trung làm rõ, đánh giá lại công tác phối hợp chỉ đạo, những thuận lợi, tồn tại, khó khăn... để từ đó thống nhất các biện pháp tháo gỡ, khắc phục, như công tác quản lý, cấp phép các dự án thăm dò, khai thác than theo Quy hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg; lộ trình khai thác lộ thiên một số khu vực; việc lập Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 các vùng than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; công tác quản lý hoạt động vận chuyển than và việc nhập khẩu, phối trộn than tại các cảng, bến theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý đất đai; xây dựng nhà ở công nhân ngành than; công tác bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, ngành than cũng đề xuất tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các đơn vị TKV được điều trị các ca nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà và tại các cơ sở y tế của TKV; cho phép F1 được tiếp tục làm việc; chỉ đạo các đơn vị có nhu cầu san lấp mặt bằng phối hợp với TKV trong việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp; cho phép các đơn vị của TKV được vận chuyển tiêu thụ đá xít thải tại các nhà máy tuyển cho các hộ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh để không phải vận chuyển xít thải vào khai trường các mỏ giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; phối hợp với TKV báo cáo Chính phủ điều chỉnh giá bán than cho hộ điện phù hợp với giá cả thị trường, hạn chế gian lận thương mại, giúp bảo đảm hiệu quả kinh doanh của TKV tăng thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao sự hợp tác, đồng hành của ngành than đối với các định hướng, phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Quảng Ninh và ngành than, đồng chí nhấn mạnh: Nói đến sự phát triển của Quảng Ninh không thể không nói đến ngành than và ngược lại. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh và ngành than luôn gắn bó mật thiết, máu thịt, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Trong 2 năm 2020, 2021 vừa qua, dịch bệnh COVID–19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của Quảng Ninh và ngành than. Tuy nhiên, càng trong khó khăn, tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm càng được công nhân, cán bộ ngành than cũng như cán bộ, chiến sĩ, nhân dân toàn tỉnh phát huy, trở thành cội nguồn sức mạnh để Quảng Ninh và ngành than đạt những thành tích, kết quả quan trọng.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện… Hiện Quảng Ninh đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh tiếp tục kiên trì đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững…
Với định hướng đó, đồng chí đề nghị ngành than cũng phải tính toán các yếu tố phát triển, nhất là nhu cầu than cho đất nước trong giai đoạn tới, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với tình hình chung của đất nước và của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ngành than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường; khai thác tối đa cơ hội thị trường để tăng tối đa sản lượng than sản xuất, than tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó phấn đấu sản xuất than sạch đạt sản lượng khoảng 48 triệu tấn. Các cơ quan chức năng chủ động làm việc, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than nhập khẩu than tối đa về cảng, bến phối trộn với than trong nước, bảo đảm đủ nguồn cung cấp cho nhu cầu than sử dụng trong nước, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh năm 2022.
Tỉnh Quảng Ninh và ngành than sẽ tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề về đời sống, việc làm, thu nhập, chỗ ở cho người lao động, cả vấn đề chăm lo cho giai cấp ngành than. Đây là những vấn đề cần có chính sách và quyết tâm lớn của tỉnh và ngành than.
Riêng về công tác phòng, chống dịch, cần tiếp tục quan tâm đến các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, quản trị rủi ro, phù hợp với tình hình mới, với thực lực mới, tốc độ mới để ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Ngành than phải tăng cường công tác quản lý, quản trị, xây dựng quy trình, phương án phòng chống dịch theo kịch bản nếu có tới 10% công nhân, cán bộ nhiễm bệnh, giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh tới sản xuất; triển khai quy trình khép kín để tăng cường quản trị rủi ro. Sớm triển khai tiêm vắc xin bổ sung, nhắc lại cho công nhân, cán bộ ngành than.
Song song với đó, tiếp tục phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng của ngành than đáp ứng yêu cầu đổi mới; quan tâm xây dựng giai cấp công nhân ngành than gắn với phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh, thích ứng với điều kiện mới, giữ vững truyền thống, khí chất công nhân Vùng mỏ.
Đồng chí cũng đề nghị TKV và Tổng Công ty Đông Bắc khẩn trương tự rà soát toàn bộ các khu vực đất đang sử dụng, khu vực đất đã được quy hoạch cho đơn vị để chủ động phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan hoàn thiện các thủ tục về đất đai đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành. Các sở, ngành, người đứng đầu các địa phương phải thực sự chủ động, tích cực vào cuộc, cùng ngành than rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục và trong quá trình sản xuất, để các đơn vị ngành than hoạt động ổn định, phát triển.
Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với TKV, Tổng Công ty Đông Bắc triển khai mạnh mẽ các thủ tục có liên quan để tận dụng nguồn bã sàng, đá xít thải có than, đất đá bãi thải mỏ, nhằm bảo đảm mục tiêu về môi trường và kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của công nhân mỏ, của ngành than và tỉnh Quảng Ninh, quan tâm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Trước mắt, cần sớm xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh như những gì nhân dân và công nhân ngành than mong chờ, trở thành công trình giúp nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là công nhân, cán bộ ngành than thụ hưởng sự phát triển.
Tiếp tục hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ./.
Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược  (17/12/2021)
Huyện Ba Chẽ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới  (17/12/2021)
Quảng Ninh khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước so với dự toán Trung ương đề ra  (16/12/2021)
Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế  (16/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay