Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội
TCCS - Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, Hà Nội coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nền tảng quan trọng
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất của người dân, Hà Nội còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa của Thủ đô không chỉ thể hiện trong di sản phong tục, tập quán kiến trúc…, mà còn là giá trị tổng hòa của nhiều yếu tố mang ý nghĩa sâu sắc, đóng vai trò trong xây dựng và phát triển nông thôn bền vững. Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa gắn liền với xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng bởi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển toàn diện. Bảo tồn và phát triển văn hóa chính là gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những giá trị mới cho nông thôn, đó là nông thôn hiện đại với những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa đất nước, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú gắn với nền văn minh lúa nước lâu đời của người Việt, mang đặc trưng văn hóa xứ Đoài, vùng Sơn Nam Thượng và văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng. Hà Nội đang lưu giữ hơn 6.000 di tích lịch sử, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm: 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian, đa số nằm ở vùng ngoại thành, như huyện Thường Tín (440 di tích), huyện Phú Xuyên (345 di tích), huyện Chương Mỹ (374 di tích)… Đây là nét đặc sắc của khu vực nông thôn Hà Nội, đồng thời là nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, hướng đến phát triển các thiết chế mới trong xã hội nông thôn hiện đại.
(Nguồn: Danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội)
Sở hữu kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được thành phố Hà Nội đặt vị trí ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân. Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 24-6-2016, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020” và Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đối với công tác bảo tồn và phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nòng cốt là củng cố, nâng cao chất lượng trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhằm phát triển văn hóa nông thôn, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, đạt chất lượng hiệu quả, khơi dậy tinh thần cộng đồng của nhân dân trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở vùng nông thôn. Đặc biệt, nhiều địa phương tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử, tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đồng thời phát triển kênh thông tin để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.
Nhằm tạo bước đột phá trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Oai ban hành nhiều chương trình, đề án, như Đề án số 91/ĐA-UBND, ngày 15-6-2012, về nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa giai đoạn 2011 - 2016; Chương trình số 09-CTr/HU, ngày 5-5-2016 về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu khuyến khích các thôn xây dựng và phát triển văn hóa, huyện Thanh Oai xây dựng cơ chế hỗ trợ mỗi thôn đạt danh hiệu văn hóa được hỗ trợ 30 triệu đồng/1 cơ sở, công nhận lại 10 triệu đồng/1 cơ sở. Tiếp đó, huyện chủ trương xây dựng mô hình làng, tổ dân phố kiểu mẫu tại 4 cụm kinh tế trên địa bàn. Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, đến nay huyện Thanh Oai đã đạt 100% số thôn có nhà văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95%; 100% số thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa.
Tại huyện Thường Tín, nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, huyện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục dựng và phát triển các lễ hội truyền thống như lễ hội Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi)… Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển văn hóa ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có trên 87% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 89% số làng được công nhận mới và tái công nhận danh hiệu làng văn hoá, có 15/29 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 29/29 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kế thừa và tiếp tục phát triển
Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội được đầu tư trọng điểm, đạt nhiều kết quả thiết thực. Chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới từng bước đáp ứng được nhu cầu về văn hóa của người dân, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa đối xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao, tạo tiền đề nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đi vào thực chất, có chiều sâu; góp phần loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số nơi vẫn còn nặng về hình thức, chạy theo thành tích, chưa phát huy được vai trò giá trị của hệ thống giá trị văn hóa, mức sống và sự hưởng thụ văn hóa vẫn còn chênh lệch so với khu vực thành thị; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa xứng tầm với tiềm năng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và cơ sở vật chất văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của nông thôn, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Chương trình số 06-CTr/TU đề ra mục tiêu: Phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật. Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh, thiếu niên... Chương trình số 06-CTr/TU có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển văn hóa, đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng con người, văn hóa và phát triển nông thôn mới. Hơn nữa, chương trình còn nhấn mạnh đến việc phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cần khơi gợi bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư. Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới./.
Điểm sáng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn Thủ đô  (25/10/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt  (25/10/2021)
Hà Nội xây dựng nông thôn mới thực chất, vững bền, theo tiêu chí đô thị  (21/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay