Vùng Tây Bắc: Chủ động, sáng tạo học tập và làm theo gương Bác Hồ
Một phong trào sôi nổi và rộng khắp
Hơn 2 năm qua, cấp ủy các tỉnh vùng Tây Bắc đã triển khai nghiêm túc, tổ chức thực hiện khá toàn diện các nội dung của Chỉ thị số 03 gắn với đặc thù và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Hầu hết các tỉnh đã tổ chức tốt việc học tập các nội dung trọng tâm năm 2013, thực hiện Quy định số 101 - QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; bổ sung, tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đồng thời gắn việc thực hiện Chỉ thị số 03 với giải quyết các vấn đề tư tưởng, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị...
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một phong trào sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong vùng, góp phần làm cho kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc giữ được ổn định. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 9,64%, GDP bình quân đạt 18,46 triệu đồng/người, tăng 2,45 triệu đồng so với năm 2011. Chương trình phát triển cây cao su tiếp tục được triển khai, với tổng diện tích 49.300 ha. Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn vùng đã trồng mới được 202.000 ha rừng các loại. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số không di cư tự do và thực hiện nếp sống văn minh tiếp tục được làm tốt. Việc di dân, tái định cư các nhà máy thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá, nhờ đó đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Công tác giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên. Chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình cải thiện đáng kể. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền nâng lên rõ rệt. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội có nhiều đổi mới.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được các cấp, các ngành trong vùng Tây Bắc triển khai nghiêm túc, có kết quả. Nhờ đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. Những việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo Bác đối với các phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ,… mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Các phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ngày càng được nhân rộng. Thông qua nhiều hoạt động như hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”…, các địa phương vùng Tây Bắc nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, giúp cho địa phương, đồng bào nghèo trong vùng có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nói, kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị ở vùng Tây Bắc thật sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh đất nước còn không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt là việc lựa chọn, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống đã được các tỉnh trong vùng gắn với việc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, các tỉnh đã xây dựng kế hoạch, từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, nhờ đó có tác dụng trên nhiều lĩnh vực, góp phần đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị và thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Nhiều địa phương đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gắn việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đẩy mạnh cải cách hành chính, lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn hóa, tiết kiệm, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, đồng thời tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào nền nếp với nhiều việc làm tự giác, cụ thể nhưng có ý nghĩa thiết thực, như: chấn chỉnh tác phong, nền nếp trong sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị, thực hiện chào cờ vào thứ hai hằng tuần, nhận xét công việc và vệ sinh cơ quan vào ngày cuối tuần, không uống rượu, bia trong giờ hành chính…
Trong đó, điển hình là tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở. Nhiều cơ quan thực hiện không sử dụng xe công đi công tác trong phạm vi dưới 10km, không sử dụng máy tính sai mục đích trong giờ làm việc. Nhiều địa phương đã thực hiện “Bữa ăn tiết kiệm” để ủng hộ các gia đình nghèo. Ở huyện Ngân Sơn, trong quá trình triển khai cuộc vận động, nhiều vấn đề, lĩnh vực công tác được gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên một cách thiết thực, hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Nhiều quy chế, quy định liên quan về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí được ban hành, thực hiện có hiệu quả, như: quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế hoạt động của các cơ quan đơn vị, quy chế quản lý tài chính, vật tư, quy định về tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống, tổ chức hội nghị, tăng cường cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên... Huyện thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh theo 7 tiêu chí đã ban hành và niêm yết các chuẩn mực đó tại các trường học, cơ quan, trụ sở các xã, thị trấn để cán bộ, đảng viên noi gương thực hiện.
Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế thông qua mô hình trồng cây cao su; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong giải phóng mặt bằng tại các công trình thủy điện, không để xảy ra các vụ khiếu kiện đông người; giải quyết dứt điểm vấn đề khai thác khoáng sản trái phép. Việc di dân tái định cư các nhà máy thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác tái định cư cho gần 7.000 hộ ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, Huổi Quảng và Bản Chát. Đời sống của người dân tái định cư từng bước được cải thiện.
Ở tỉnh Yên Bái, các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép nội dung học tập và làm theo Bác vào các buổi sinh hoạt định kỳ, như: kể các mẩu chuyện về Bác Hồ sau đó liên hệ với bản thân; sinh hoạt, kiểm điểm về những nội dung đăng ký của bản thân, nêu gương người tốt, việc tốt;… tạo sức lan tỏa trong hệ thống chính trị và nhân dân. Thực hiện lời dạy của Bác về xây dựng đời sống văn hóa mới, Yên Bái đã xuất hiện nhiều điển hình về xây dựng dòng họ, gia đình hiếu học, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Đảng ủy xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) tổ chức cho nhân dân bàn, xác định những việc cụ thể trong việc làm theo Bác; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể thực hiện các nội dung học tập và làm theo Bác thông qua việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu, gây lãng phí, tốn kém trong việc cưới, việc tang... Xã Đại Phác (huyện Văn Yên) có hơn 62% đồng bào theo đạo Công giáo, chỉ sau 2 đợt vận động, đã có 227 hộ dân tình nguyện hiến 12.830m2 đất và hàng nghìn ngày công xây dựng nông thôn mới…
Nhiều địa phương đã có những hoạt động phong phú, thiết thực nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm, như: tỉnh Lào Cai tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Lào Cai - Lào Cai làm theo lời Bác dạy”, tỉnh Yên Bái phát hành cuốn sách các tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một số kiến nghị
Nhìn lại hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị ở vùng Tây Bắc, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là: việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt tại một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc. Nhận thức về mục đích, yêu cầu thực hiện ở một số cấp ủy chưa sâu sắc, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức và đăng ký làm theo gương Bác chưa sát với đặc thù của cơ quan, đơn vị. Việc phát hiện mô hình hay, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thường xuyên. Kết quả chuyển biến trong việc làm theo Bác ở từng cán bộ, đảng viên, công chức chưa thành nền nếp và chưa tạo thành phong trào rộng lớn…
Chỉ thị số 03 đã khẳng định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và nhân dân ta. Trong quá trình thực hiện, cần có những chỉ đạo mới, thiết thực hơn để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu. Trong đó, chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban để kịp thời nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo hiệu quả hơn; tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng chuẩn mực đạo đức, xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên… Đặc biệt, cần nghiên cứu hình thức phù hợp để giới thiệu các mô hình, cách làm hay để các địa phương tham khảo, học tập.
Để làm tốt hơn công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, cần sớm ban hành chương trình giáo dục đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên để giảng dạy tại hệ thống các cấp học, bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành phong trào sinh hoạt chính trị sôi nổi và rộng khắp ở các địa phương, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội./.
Việt Nam - Liên bang Nga: Mối quan hệ bền chặt theo năm tháng  (10/11/2013)
Việt Nam - Liên bang Nga: Mối quan hệ bền chặt theo năm tháng  (10/11/2013)
Điện thăm hỏi của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam gửi Tổng thống nước Cộng hòa Phi-líp-pin  (10/11/2013)
Số người chết vì bão Haiyan ở Philippin còn tăng  (10/11/2013)
10.000 người chết tại 1 tỉnh bị bão Haiyan ở Philippin  (10/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm