TCCS - Ngày 7-11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) diễn ra Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ, trưởng đoàn các nước CLMV và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11_Ảnh: TTXVN

Hội nghị ghi nhận những thành tựu vượt bậc của 4 nước sau hai thập kỷ hợp tác; vươn lên trở thành những nền kinh tế năng động, hội nhập, ngày càng cải thiện cuộc sống của người dân, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển. Tăng trưởng kinh tế của CLMV liên tục đạt mức cao trong khu vực, được dự báo có thể đạt 4,6% trong năm 2024 và 4,7% trong năm 2025. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của 4 nước đạt trên 769 tỷ USD, đóng góp 21,8% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN. 

Hội nghị nhấn mạnh những thành tựu đạt được là nhờ một phần quan trọng vào quyết tâm của các nước thành viên, đóng góp của hợp tác CLMV và sự hỗ trợ của ASEAN cùng các đối tác phát triển. Các nhà lãnh đạo CLMV khẳng định khát vọng chung về xây dựng một tiểu vùng hòa bình, thịnh vượng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. 

Với chủ đề “Thúc đẩy tình hữu nghị và đoàn kết vì một cộng đồng tự cường và thịnh vượng”, hội nghị đã đề ra các định hướng lớn nhằm phát huy tiềm năng của các thành viên, tranh thủ cơ hội từ các xu thế phát triển mới, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực, và tạo bứt phá cho hợp tác CLMV. 

Theo đó, hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, và phát triển thị trường năng lượng nội khối. Hội nghị cũng thống nhất tăng cường hợp tác quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp thông minh, và chuyển đổi năng lượng bền vững. 

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò của ASEAN, nhất là Ban Thư ký ASEAN, trong hỗ trợ hợp tác tiểu vùng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ASEAN đã huy động hơn 19 triệu USD tài trợ cho các nước CLMV về thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp, tăng trưởng xanh. Các nhà lãnh đạo đề nghị ASEAN cùng với các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ 4 nước triển khai Khung khổ Phát triển CLMV nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm tại tiểu vùng Mekong.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị_Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định các nước CLMV đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên liên kết và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, 4 nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời đổi mới. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá cho hợp tác CLMV để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực; chỉ có đoàn kết và hợp tác mới giúp 4 nước CLMV vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng khu vực CLMV năng động và phát triển bền vững. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương châm “3 cùng” trong định hướng hợp tác CLMV trong thời gian tới.

Một là, quyết tâm mới để tăng cường, xây dựng hợp tác CLMV ngày càng hiệu quả, thực chất hướng đến một khu vực kinh tế CLMV phát triển, tự cường và có sức cạnh tranh cao. Theo đó, các nước CLMV cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai Khung khổ Phát triển CLMV và tập trung thực hiện các dự án ưu tiên có tính trọng tâm cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng kỳ vọng ASEAN sẽ quan tâm hơn nữa và phát huy vai trò trung tâm trong hợp tác tiểu vùng Mekong, trong đó có cơ chế CLMV. 

Hai là, trọng tâm mới thông qua lựa chọn các lĩnh vực hợp tác mang tính khả thi cao, phù hợp với xu thế mới và bổ trợ hiệu quả cho các cơ chế tiểu vùng Mekong khác, nhất là ACMECS và GMS. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao là nhiệm vụ trung tâm, là nền tảng cho bước chuyển mình của hợp tác CLMV. Đây là yếu tố khả thi để thúc đẩy tất cả lĩnh vực hợp tác của CLMV. Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao các chuyên gia của 4 nước xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực CLMV, kết hợp giữa đào tạo đội ngũ trí thức với đội ngũ lao động lành nghề. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam duy trì chương trình học bổng CLMV để tiếp nhận học sinh, sinh viên các nước Campuchia, Lào và Myanmar sang học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Đây là chương trình do Việt Nam khởi xướng và tài trợ từ Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 4, tháng 11-2008.

Ba là, nguồn lực mới với nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bên cạnh việc các chính phủ gia tăng quan tâm và đầu tư cho hợp tác CLMV, cần khuyến khích sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển vào quá trình thiết kế và triển khai các dự án, chương trình hợp tác. Đề nghị Ban Thư ký ASEAN phối hợp cùng các thành viên CLMV đổi mới cách thức phân bổ nguồn lực cho các dự án, chương trình hợp tác, tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của 4 nước.

Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện, cùng có lợi, để 4 nước bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong kỷ nguyên phát triển mới.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung và chứng kiến việc chuyển giao vai trò Chủ tịch hợp tác CLMV giữa Myanmar và Việt Nam./.

Trung Duy (tổng hợp)