Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, xứng đáng với vai trò “đầu tàu kinh tế của cả nước”
TCCS - Sáng ngày 5-10-2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi làm việc về phía Đảng đoàn Quốc hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội; Thượng tướng Trần Quang Phương; đồng chí Nguyễn Thị Thanh; đồng chí Nguyễn Đức Hải; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố...
Buổi làm việc tập trung bàn luận về kết quả triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 57/2022/QH15, ngày 16-6-2022, của Quốc hội, “Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh”. Đồng thời, nghe báo cáo về các nội dung Thành phố đăng ký để Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm; trong đó, có nội dung qua thực tiễn Thành phố triển khai các nghị quyết cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Phát biểu định hướng, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, là đô thị đặc biệt lớn nhất cả nước, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến cần tập trung đánh giá, làm rõ những nội dung trọng tâm tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thành phố, như: kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Nghị quyết số 57/2022/QH15; khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ; đề xuất, kiến nghị của Thành phố với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới…
Thay mặt Ban thường vụ Thành ủy, đồng chí Phan Văn Mãi báo cáo về việc thực hiện 3 nội dung chính của Thành phố. Cụ thể:
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để Thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho thành phố Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong Thành phố đầu tiên của cả nước. Hiện nay, trong số 44 cơ chế đặc thù, có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Hiện đã có 16/32 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đã được Thành phố triển khai, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt, Thành phố đang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các nội dung còn lại.
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư nên có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, khẳng định được tính hiệu quả, hoàn toàn có thể áp dụng cho các dự án khác hoặc xem xét luật hóa. Đến nay đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 68.660 tỷ đồng; bảo đảm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán theo kế hoạch. Đã tiến hành bồi thường, giải phóng 95% (575/603ha) mặt bằng, riêng đoạn qua Thành phố đạt 99,9%. Tuy giai đoạn đầu dự án gặp nhiều khó khăn, nhưng Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, thống nhất các mốc tiến độ thông xe các dự án thành phần, hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án theo mục tiêu đề ra. Đến hết năm 2023, tổng số vốn Dự án đã giải ngân là 24.302 tỷ đồng, trong đó, từ vốn ngân sách Trung ương là 14.946 tỷ đồng. Đến ngày 30-9-2024, toàn bộ Dự án đã giải ngân đạt 4.409/14.161 tỷ đồng đạt 31%, trong đó ngân sách Trung ương là 2.652/4.140 tỷ đồng đạt 64%, ngân sách địa phương là 1.757/10.021 tỷ đồng đạt 17%.
Thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14, 16-11-2020, của Quốc hội, “Về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Thành phố đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hội đồng nhân dân các cấp. Vai trò của Hội đồng nhân dân Thành phố được phát huy hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp và chất lượng tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố; tăng cường hoạt động giám sát, tái giám sát với nhiều hình thức và khảo sát thực tiễn; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và đổi mới các diễn đàn đối thoại với người dân; thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố với Hội đồng nhân dân Thành phố và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng báo cáo với Đoàn công tác về các nội dung Thành phố chuẩn bị trình Quốc hội, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Thành phố và kỳ vọng nhiều vào đầu tàu kinh tế của cả nước và đánh giá cao cách làm mới, quyết tâm mới của Thành phố; ghi nhận sự phát triển của Thành phố theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, tăng trưởng của Thành phố chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ… Vì vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho Thành phố theo phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội cơ bản thống nhất về mặt chủ trương với đề xuất có tư duy và tầm nhìn của Thành phố về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố. Đồng thời đề nghị, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các tài liệu theo quy định để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp, phối hợp khẩn trương, thường xuyên với Thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, tiến tới tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội; cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tại buổi làm việc. Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, Thành phố sẽ khẩn trương tiếp tục triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù, dự án đang làm, đồng thời rút kinh nghiệm với những vướng mắc, khó khăn thuộc về trách nhiệm chủ quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội./.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh  (05/10/2024)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 tại tỉnh Thái Nguyên  (13/09/2024)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên