Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại Mông Cổ
TCCS - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, ngày 1-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulan Bator; đồng thời thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Mông Cổ; tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu của Mông Cổ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Phòng truyền thống Hồ Chí Minh trong khuôn viên trường.
Hiệu trưởng Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh Gungaajav cho biết, trường có khoảng 6.000 học sinh, 238 giáo viên và nhân viên. Một trong những hoạt động tiêu biểu của nhà trường là tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học sinh nhà trường được tìm hiểu, học hỏi về văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam. Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, nhà trường đã chính thức phát động cuộc thi với chủ đề “Tìm hiểu đất nước Việt Nam”. Hiệu trưởng Gungaajav bày tỏ cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam đã dành tặng nhà trường nhằm cải thiện môi trường học tập cho các học sinh.
Phát biểu tại buổi đến thăm trường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ xúc động trở lại thăm Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ và cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Người là lãnh tụ đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mông Cổ năm 1955, cùng lãnh đạo Mông Cổ đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị, mở ra thời kỳ phát triển, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Mông Cổ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những trường điểm hàng đầu quốc gia, điển hình cho nền giáo dục phổ thông hiện đại, tiên tiến của Mông Cổ, đã đào tạo nhiều lãnh đạo, nhân tài của Mông Cổ. Đặc biệt, trường cũng là một trong những biểu tượng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà thầy trò nhà trường đạt được trong sự nghiệp "trồng người", góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn sự hiểu biết giữa người dân hai nước cũng như quan hệ "Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ". Đánh giá cao việc các thầy, cô giáo không ngừng tu dưỡng đạo đức - kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới tư duy dạy và học để truyền cảm hứng, lòng yêu nước tới các học sinh, những mầm non tương lai của đất nước Mông Cổ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo, các học sinh yêu quý sức khỏe, nhiều niềm vui, tiếp tục đạt nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp cao cả vì tương lai phồn vinh, hạnh phúc của đất nước và nhân dân Mông Cổ.
Nhằm biểu dương thành tích "dạy tốt và học tốt", kịp thời động viên, khích lệ thầy trò nhà trường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tặng 50.000 USD quà của Đảng và Nhà nước Việt Nam ủng hộ trường bổ sung trang thiết bị giảng dạy để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025. Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội cũng tặng quà và Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng các suất học bổng cho trường.
Trường liên cấp số 14 được thành lập năm 1949, là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước Mông Cổ. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Mông Cổ đã ra quyết định cho phép trường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2009, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên của trường; năm 2017, Phòng truyền thống Hồ Chí Minh đã được khánh thành.
Mục tiêu đồng thời cũng là phương châm giáo dục của nhà trường là “Tất cả vì từng học sinh”. Vì thế, chương trình giáo dục đặc biệt chú ý đến phát triển năng lực cá nhân của từng học sinh đối với tất cả các môn học... Nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Việt, thu hút được nhiều học sinh tham gia học. Tất cả các học sinh của trường đều có những hiểu biết nhất định về Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết hát bài hát Việt Nam, biết múa điệu múa của Việt Nam.
* Cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Mông Cổ.
Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, chuyến thăm tới Mông Cổ lần này có ý nghĩa quan trọng, diễn ra khi quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất; sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc; quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế và du lịch ngày càng mở rộng và đạt được một số kết quả thực chất trong thời gian gần đây. Hai bên ra tuyên bố thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện” nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời cùng trao đổi về các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất và lâu dài trong thời gian tới.
Về cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh cộng đồng cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở nước sở tại, góp phần phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ. Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ phát huy vai trò cầu nối giữa hai nước và giữa các bộ, ngành hai bên, phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong đó có Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ; phối hợp thúc đẩy hiệu quả quan hệ, hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực... Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tiếp tục làm tốt công tác cộng đồng và bảo hộ công dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ tiếp tục tuân thủ pháp luật của sở tại, không để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè Mông Cổ, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp; đùm bọc, giúp đỡ, cùng hỗ trợ nhau làm ăn, học tập thuận lợi...
* Chiều ngày 1-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu của Mông Cổ. Sự kiện do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Mông Cổ, Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Mông Cổ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và các cơ quan hữu quan của hai nước tổ chức.
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ trong 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1954 - 2024), quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ không ngừng được củng cố và phát triển; trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước luôn được củng cố, hợp tác trên các lĩnh vực được tăng cường. Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có tiến triển mới, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 120 triệu USD năm 2023 và còn nhiều dư địa phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao việc gần đây hai bên tổ chức nhiều hoạt động trao đổi hợp tác giữa các cơ quan kinh tế và doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế hướng vào chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa nhanh vào nền kinh tế để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh… Trong khi Mông Cổ đang tập trung triển khai “Chính sách phục hồi mới” và các mục tiêu chiến lược “Tầm nhìn 2050”, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Mông Cổ. Điều đó cho thấy sự tương đồng về mục tiêu, lợi ích hợp tác giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam và Mông Cổ có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh mẽ, hòa trong dòng chuyển động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu về chuyển đổi nền kinh tế số, tăng trưởng xanh với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Tất cả hợp tác đều vì sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Mông Cổ Dorjkhand Togmid bày tỏ vui mừng về kết quả hợp tác giữa hai nước, nhất là các định hướng hợp tác trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ. Đây là dịp quý báu để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, từ đó tìm ra các cơ hội tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam. Đại diện các tổ chức kinh tế của Mông Cổ đã có những trao đổi, chia sẻ và đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ; mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực; tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách, tiềm năng phát triển của mỗi nước, các cơ hội và thách thức đang đặt ra cho hai nước trong quá trình hợp tác, đầu tư...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các cơ quan chức năng của hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc, khoáng sản, xây dựng công trình, hợp tác logistics, chuyển đổi số, năng lượng xanh, năng lượng sạch./.
Hà Phương (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến với lãnh đạo cấp cao Mông Cổ, tham dự Lễ khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ năm 2024  (30/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba  (27/09/2024)
Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm  (27/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp, làm việc với một số lãnh đạo tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế, thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ  (26/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden  (26/09/2024)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên