Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng
TCCS - Ngày 17-9-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của Học viện (9-1949 - 9-2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Cùng dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước; các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức và học viên thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tới dự và chung vui với cán bộ, giáo viên, học viên của Học viện còn có nhiều vị đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Trước buổi lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể đại biểu đã dành một phút tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và các nạn nhân đã mất do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, tháng 9-1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự lễ khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II, tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Người đã ghi trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Nhà trường lời huấn thị vô cùng quý giá: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Sự kiện Bác Hồ về thăm là một mốc son trong lịch sử hình thành của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, được ghi nhận là Ngày truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hòa cùng tiến trình đổi mới của đất nước, từ mái trường Đảng Trung ương, hạt giống ban đầu được Bác Hồ kính yêu ươm mầm nơi chiến khu Việt Bắc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Hiện nay, Học viện có cơ cấu tổ chức gồm: 18 viện chuyên ngành, thông tin, xuất bản; 10 đơn vị chức năng; các Học viện Chính trị khu vực: I (Hà Nội), II (Thành phố Hồ Chí Minh), III (Đà Nẵng), IV (Cần Thơ) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền; kết nối đồng bộ với hệ thống các trường chính trị của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
75 năm qua, mang trọng trách vinh quang với niềm tự hào là ngôi trường thực hiện "công việc gốc của Đảng", Học viện đã đào tạo nhiều cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và học viên quốc tế có trình độ lý luận chính trị, đạo đức cách mạng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn, đáp ứng kịp thời và hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ lịch sử. Với những cố gắng, nỗ lực và thành tích to lớn trong 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, viên chức, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong 75 năm qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ phấn khởi, tự hào về những thành tựu mà Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đạt được sau 75 năm xây dựng và phát triển, càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm vinh quang trên chặng đường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện cho được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, lý luận, góp phần tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận, học qua loa, đại khái, học kiểu “tráng men”; coi trọng việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho học viên; gắn lý luận với thực tiễn.
Học viện cần chủ động bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý; kết hợp giữa học tập lý luận, nghiên cứu thực tiễn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng vị trí, cơ quan, địa phương và đất nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, mục tiêu, yêu cầu cao nhất của nghiên cứu khoa học, lý luận mà Học viện phải đạt được, đó là: “Giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn mới, phức tạp; dự báo các xu thế phát triển, những tình huống chiến lược phải xử lý, chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới, tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới”... Bên cạnh đó, cần đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, vào các hoạt động của Đảng, của hệ thống chính trị, trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là quan điểm lịch sử, biện chứng để tiếp nhận thông tin, phân tích, khái quát thành lý luận; nhạy bén nắm bắt những vấn đề mới, diễn mới của thế giới, tiếp thu phù hợp thành tựu trí tuệ của nhân loại để phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về lực lượng nghiên cứu khoa học, Học viện cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bản lĩnh khoa học; đổi mới cơ chế xây dựng và trọng dụng đội ngũ chuyên gia, cán bộ đầu đàn, có học vấn uyên bác và gắn bó với hoạt động thực tiễn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, xây dựng Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản; cái nôi để rèn luyện tính đảng, văn hóa Đảng và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng tại Học viện; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các trường chính trị để sớm đạt chuẩn cao hơn; hoàn thiện mô hình Học viện thông minh; giữ gìn và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa Trường Đảng tới các trường chính trị và các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, các học viên phải thấm nhuần và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong Sổ Vàng truyền thống của nhà trường khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đó là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”; phải ý thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; trước yêu cầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, xây dựng Đảng vững mạnh, nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để từ đó không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tri thức lý luận, bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn và kỹ năng, phương pháp công tác và tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xứng đáng là học viện của Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển và đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại diện cán bộ, học viên qua các thời kỳ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển bày tỏ sự biết ơn các thế hệ cán bộ, giảng viên đã cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong suốt 75 năm qua.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của trường Đảng Trung ương, thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức Học viện dù ở bất cứ vị trí nào đang ngày ngày nhiệt huyết trên bục giảng hay suy tư trên từng trang viết, âm thầm làm tốt các công việc khác nhau, luôn tâm niệm phải giữ gìn vững vàng và phát huy truyền thống bản sắc của trường Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, gương mẫu, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tiên phong, tiêu biểu trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng, văn hóa phục vụ và cống hiến, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới../.
Hà Phương (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto  (14/09/2024)
Bộ Chính trị cho ý kiến về Nghị quyết phát triển thành phố Hải Phòng và Đề án thành lập thành phố Huế  (14/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão các tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ  (13/09/2024)
- Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh
- Tác động của điều kiện tự nhiên - xã hội đến công tác đấu tranh phản, bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay