Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc, vô cùng gần gũi và giản dị
TCCS - Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Cộng sản, đồng chí Mai Thị Đạm, nguyên Phó Chánh Văn Phòng phụ trách công tác Tổ chức Cán bộ, từng là người bạn thân thiết suốt 4 năm đại học và 29 năm cùng công tác tại Tạp chí Cộng sản cho biết: Trong tâm trí của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lý luận xuất sắc, mà còn là người đồng nghiệp, đồng chí rất gần gũi và vô cùng giản dị.
Phóng viên: Kính thưa đồng chí! với gần 30 năm cùng công tác tại Tạp chí Cộng sản, xin đồng chí chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Mai Thị Đạm: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tiến Hải (Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Cộng sản từ tháng 3-1999 đến tháng 1-2003) và tôi là ba anh em rất thân thiết với nhau từ thời đại học, vì chúng tôi cùng học lớp Văn, khóa VIII, niên khóa 1963 - 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng tôi và một số sinh viên từ các trường: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học sư phạm Hà Nội... là những sinh viên đầu tiên được giới thiệu về công tác ở Tạp chí Cộng sản (lúc đó là Tạp chí Học tập). Nói là những sinh viên đầu tiên, bởi vì trước đó, Tạp chí Cộng sản hầu như chỉ tuyển cán bộ có kinh nghiệm, đang công tác ở các cơ quan (như: tuyên huấn, công an, quân đội…) trong cả nước và phải là đảng viên. Vì vậy, Tạp chí Cộng sản đã mở lớp nghiệp vụ báo chí để bồi dưỡng cho cán bộ trẻ về kỹ năng nghiên cứu, viết bài, biên tập bài, nhất là nghiên cứu và biên tập những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra làm sao để không sáo mòn, rập khuôn.
Đồng chí Đào Duy Tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thời điểm này, luôn yêu cầu cán bộ không chỉ tinh thông về lý luận, mà phải có kinh nghiệm thực tiễn, vì vậy, đồng chí thường xuyên gửi chúng tôi về cơ sở (như huyện Thanh Oai, Nhà máy Dệt mùng 8-3...) để cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trong thời gian cả năm nhằm sâu sát cơ sở, để có những bài viết đúc kết thực tiễn vừa bảo đảm tính chân thực, khách quan, sinh động. Chính vì thế, sau một thời gian ngắn chúng tôi nhận nhiệm vụ, cũng là thời điểm đê Thuận Thành ở tỉnh Hà Bắc (cũ) bị vỡ, hay những trận lũ lụt tại một số tỉnh phía Bắc lúc đó đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của người dân. Lúc đó, đồng chí Đào Duy Tùng yêu cầu tất cả cán bộ trẻ (hơn 10 người) tăng cường đi công tác cơ sở thật nhiều để thấy được những khó khăn của người dân, cũng như tìm hiểu cán bộ ở cơ sở hoạt động như thế nào? Phương thức sinh hoạt Đảng của các chi bộ ra sao? Phương tiện đi công tác lúc đó là xe đạp, có những chuyến công tác chúng tôi phải đi cả hằng trăm km... Đó là những thời gian tôi và các đồng nghiệp khác được gần gũi trong sinh hoạt, làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài công tác cùng nhau tại Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, nên có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Còn nhớ, năm 1970, khi đang là cán bộ biên tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và chúng tôi được cử đi công tác tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trên đoạn đường, để đi qua chiếc cầu nhỏ, ai cũng phải vác chiếc xe đạp trên vai, trông rất sợ. Thấy vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhanh chóng vác xe đạp của mình đi qua cầu, rồi quay lại vừa vác xe của tôi, vừa nhắc nhở chúng tôi phải đi thật cẩn thận. Đầu năm 1980, cơ quan chỉ đạo chúng tôi đi tìm hiểu về hậu quả và cách khắc phục sau chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi lại cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng và một số đồng chí nữa đi công tác tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Do cuộc chiến vừa đi qua, nên đường sá rất ngổn ngang, vô cùng khó đi, thấy vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn động viên, nhắc nhở mọi người trong đoàn công tác phải cố gắng và đi đứng thật cẩn thận, an toàn. Trong những ngày làm việc tại cơ sở, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến mọi người và tỉ mỉ, chu đáo trong ăn uống và sinh hoạt.
Phóng viên: Kính thưa đồng chí, trong suốt nhiều năm vừa là người bạn thân thiết, vừa là đồng nghiệp. Vậy, điều gì mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với đồng chí?
Đồng chí Mai Thị Đạm: Từ thời còn là sinh viên, ra trường rồi về công tác tại Tạp chí Cộng sản. Từ một cán bộ trẻ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng bước phát triển, trưởng thành trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Suốt quá trình đó, những điều để lại ấn tượng trong tôi thể hiện rất rõ nét những điểm sau:
Trong công việc, tác phong của đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề gắn với nhiệm vụ chính trị nhưng rất đời thường và thể hiện sự khiêm tốn và rất mực cầu thị. Điều đó tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi, thân thiện, cởi mở. Mỗi khi tiếp cận tìm hiểu công việc của địa phương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặt vấn đề bằng những câu hỏi rất thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu và sát với thực tiễn đời sống xã hội. Bởi vậy, mỗi khi được sống trong không khí bạn bè, tôi hay nói đùa rằng, “cuộc đời anh luôn gắn chặt với chữ C, đó là: cần cù, chăm chỉ, chỉn chu”.
Trong cuộc sống, mặc dù đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhưng với bạn bè vẫn luôn trước sau như một, rất chân tình, gần gũi, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Khi tôi nghỉ hưu và chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, có lần biết nhà tôi có việc hiếu, mặc dù giữ cương vị lãnh đạo đất nước (Chủ tịch Quốc hội), rất bận rộn, nhưng Đồng chí vẫn sắp xếp ghé thăm hỏi, động viên, làm tôi rất xúc động. Một điểm đặc biệt nữa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có một trí nhớ rất tuyệt vời, không chỉ trong công việc, mà còn nhớ rất rõ họ tên, nơi ở, công việc của bạn bè cũ khi gặp lại dù đã xa cách thời gian dài. Trong mỗi cuộc hội ngộ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn tay bắt mặt mừng, vui vẻ, hỏi thăm thân tình cuộc sống của mỗi người. Để rồi, mỗi khi chia tay, luôn đọng lại trong chúng tôi biết bao sự quý trọng về một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh lý luận xuất sắc và vô cùng gần gũi, giản dị.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới  (30/07/2024)
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới  (30/07/2024)
- Chính sách ngoại giao của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam