Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2024 và thăm chính thức Hungary
TCCS - Từ ngày 16 đến ngày 20-1-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), thăm chính thức Hungary theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.
Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng..., cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.
* Ngày 16-1-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), với chủ đề: “Tái thiết lòng tin”. Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, tham dự và phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị, gồm: Tọa đàm thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF; Đối thoại chính sách "Việt Nam - Định hướng tầm nhìn toàn cầu"; tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận "Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN".
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 với các hoạt động dày đặc thể hiện sự chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị. Qua đó, bạn bè quốc tế hiểu hơn về tiềm năng, cơ hội hợp tác, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời, chúng ta cũng mong muốn thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, trong đó có thúc đẩy hợp tác với Thụy Sĩ, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
** Ngày 18-1-2024, Lễ đón Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hungary đã được tổ chức trọng thể tại Quảng trường nhà Quốc hội Hungary.
Ngày 3-2-1950, Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, Hungary luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu sang Hungary với sản lượng lớn, đạt giá trị gần 1 tỷ USD trong năm 2020. Điều này cho thấy, thị trường Hungary rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển. Tính đến nay, Hungary có 15 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Sau lễ đón chính thức, tại Phủ Thủ tướng Hungary, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Tại cuộc hội đàm, trong không khí chân thành, tin cậy, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2018 - 2023) và đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025).
Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Hungary tại Đông Nam Á và tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chia sẻ tình cảm đặc biệt và ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017.
Tại buổi họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nhấn mạnh, thế giới đang thay đổi, tương quan lực lượng cũng thay đổi. Châu Á là khu vực đang phát triển, trong đó Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh ở khu vực. Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định, việc đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính với ý nghĩa kỳ vọng lớn Việt Nam sẽ tham gia nhóm các quốc gia thành công của châu Á tại Hungary. Theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Việt Nam đã thành công trong hợp tác thương mại tự do với châu Âu, nhất là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Phát biểu ý kiến tại họp báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hungary là mối quan hệ chân thành, thực chất, hiệu quả. Hai bên đều mong muốn thúc đẩy hiệu quả hơn tất cả các lĩnh vực, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự vui mừng, chào đón Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Hungary thăm Việt Nam; chuyển lời mời Thủ tướng Hungary sớm thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Trước giờ họp báo, hai bên đã chứng kiến lễ ký và trao các văn kiện hợp tác gồm: Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Văn hóa và Sáng tạo Hungary giai đoạn 2024 - 2026; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hungary về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức..../.
Hà Phương (tổng hợp)
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV  (15/01/2024)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội đàm với Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp nhà nước tới Việt Nam  (13/01/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (11/01/2024)
Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (08/01/2024)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên