Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
TCCS - Ngày 9-12-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Báo cáo của tỉnh Cà Mau và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh thực hiện hoàn thành 18/19 chỉ tiêu nghị quyết, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt (chi ngân sách nhà nước đạt 98,2%). Sản xuất, kinh doanh phục hồi, có chuyển biến tích cực, GRDP 2023 ước tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra (7%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,8 triệu đồng, tăng 13% so cùng kỳ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Trong thành tích chung của cả nước, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự đóng góp của Cà Mau.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Cà Mau cần nhận diện 3 thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo. Từ đó có tư duy, giải pháp khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm. Về năng lượng, tỉnh tiếp tục phát triển cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo. Cần khai thác thương hiệu “đất mũi”, cực Nam của Tổ quốc, phát triển du lịch.
Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau" - cho thấy tình cảm của cả nước với Cà Mau và cũng khẳng định thương hiệu của Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Cà Mau - nơi chịu sóng, chịu gió, tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, Cà Mau cần tập trung thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển. Cụ thể là nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường biển (cảng Hòn Khoai). Đồng thời, chuẩn bị dự án cao tốc thành phố Cà Mau - Đất Mũi theo hướng ngắn nhất, thẳng nhất có thể và cân nhắc việc nâng cấp phù hợp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau... Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc, đề nghị Cà Mau chủ động chuẩn bị xây dựng dự án cảng Hòn Khoai. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để mở rộng cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau.
Cùng với đó, Cà Mau chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Nghiên cứu, xây dựng đề án, dự án cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở trên cơ sở những mô hình, cách làm tốt đã được tỉnh triển khai thời gian qua; vận động và hỗ trợ người dân xây nhà "3 cứng"...
Về đề xuất hỗ trợ tỉnh Cà Mau quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động trung tâm đầu mối thủy sản vùng bán đảo Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, triển khai chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
* Cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Cà Mau đã hoàn thành và công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức xúc tiến đầu tư; nhấn mạnh tinh thần, quy hoạch phải khám phá, tìm hiểu được những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới; làm rõ những khó khăn, thách thức để hóa giải, từ đó phát triển nhanh và bền vững.
Là một tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên quy hoạch tỉnh Cà Mau cần kết nối với quy hoạch vùng; từ đó cần thực hiện quy hoạch tốt, hiệu quả, có giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bên cạnh đó, có những vấn đề phải điều chỉnh trước những yếu tố tác động nhanh, không dự báo trước được.
Điểm lại những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Cà Mau phải vượt qua những khó khăn, thách thức, có niềm tin, bản lĩnh, tinh thần tự lực, phát huy các nguồn lực để cùng cả đất nước phát triển. Cần khai thác thương hiệu "đất mũi", cực Nam của Tổ quốc, từ đó phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp. Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát huy nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm nuôi trồng, chế biến thủy sản, thực phẩm; phát triển công nghiệp hóa chất, phân bón…
Thời gian tới, Cà Mau cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, song cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo; chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; huy động đa dạng các nguồn lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng.
Với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả"./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia  (05/12/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đủ điều kiện quy hoạch Đông Nam Bộ thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của cả nước  (26/11/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam