Thông báo Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
TCCS - Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bế mạc ngày 8-10-2023, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra thông báo hội nghị:
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 2-10 đến ngày 8-10-2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ tám để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng.
Các nội dung bao gồm: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 và một số vấn đề quan trọng khác.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có các bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc hội nghị.
1. Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện vào tờ trình và các báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, trong đó, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024; sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.
2. Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất nhận định, trong 10 năm qua, đất nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ ta: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém cần sớm có giải pháp khắc phục.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết lần này xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội để hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
3. Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; phân tích sâu sắc những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá xác định rõ những chủ trương, chính sách tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
4. Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành nghị quyết mới đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
5. Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đã đạt được của 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; khẳng định việc tổng kết nghị quyết là việc làm hết sức cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc ban hành nghị quyết đặc biệt quan trọng này nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
6. Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời, tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch, báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, Trung ương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thể hiện đầy đủ thẩm quyền, chính kiến đối với dự kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Trung ương yêu cầu ngay sau hội nghị, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.
7. Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, bao gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương giữ chức Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII, gồm các đồng chí: Đào Thế Hoằng, Vụ trưởng Vụ Địa bàn VI, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Lê Nguyễn Nam Ninh, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.
9. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông, thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
10. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và đồng chí Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
11. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và các năm tiếp theo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và kết luận của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Trung Duy (tổng hợp)
Ngày làm việc thứ sáu của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (07/10/2023)
Thực tiễn sống động, lý luận sáng soi trong tác phẩm của Tổng Bí thư  (06/10/2023)
Thực tiễn sống động, lý luận sáng soi trong tác phẩm của Tổng Bí thư  (06/10/2023)
Ngày làm việc thứ ba của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (04/10/2023)
Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (03/10/2023)
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (02/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển