Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị ra mắt và triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ
TCCS - Ngày 18-7-2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị ra mắt và triển khai hoạt động của Hội đồng.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng. Cùng dự có Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
* Động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước
Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, định hướng thời gian tới, Đông Nam Bộ phát triển trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số…
Trong đó, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng.
Theo Quyết định số 825/QĐ-TTg, ngày 11-7-2023, của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.
Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Giải quyết các vấn đề liên tỉnh, tránh manh mún, đùn đẩy
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng cho biết, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh 2 vấn đề là điều phối và liên kết vùng.
Thủ tướng chỉ rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Để Hội đồng điều phối hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bí thư tỉnh, thành ủy là thành viên Hội đồng vùng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các thành viên Hội đồng cần tích cực đóng góp ý kiến, phát huy vai trò điều phối của Hội đồng vùng trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia.
Vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tích cực làm việc, đề ra nhiều chính sách đột phá, vượt trội cho Thành phố; Thủ tướng đề nghị Hội đồng, các thành viên, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các chính sách đột phá, phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của Vùng. Có những mô hình kinh tế mới cần được bàn bạc, thảo luận kỹ như mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…
Thủ tướng chỉ đạo, Hội đồng điều phối vùng phải hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong Vùng. Theo đó, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ trên địa bàn của các địa phương như đầu tư các cao tốc, quốc lộ, cầu bắc qua hai địa phương hay giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giữa các địa phương ở đầu nguồn và hạ nguồn các lưu vực sông…, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ cơ quan chủ trì xử lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, lĩnh vực đô thị, logistic, dịch vụ chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Vùng, khác biệt so với các vùng khác. Do đó, các thành viên Hội đồng vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu các cơ chế, chính sách và có các hoạt động điều phối, liên kết cụ thể. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển hạ tầng Vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan; các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra.
Về quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, Thủ tướng giao các thành viên Hội đồng khẩn trương đôn đốc, có ý kiến góp ý và hoàn thiện các thủ tục liên quan nhằm sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan đến Vùng, làm cơ sở để điều phối các hoạt động liên kết vùng. Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng; trước mắt bám sát các nhiệm vụ hiện nay, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xử lý bằng được tình trạng ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, các khu “ổ chuột” ở các đô thị.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển Vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng; giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển hạ tầng Vùng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh và giao việc cụ thể, bảo đảm các Tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng. Công tác tham mưu của Tổ điều phối của các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng hay, cách làm mới. Các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, báo cáo kết quả theo quy định.
Với khí thế mới, cách tổ chức mới, Thủ tướng tin tưởng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương; sự góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, đối tác liên quan; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển thịnh vượng./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng  (15/07/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26  (15/07/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia  (13/07/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển