Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định
TCCS - Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), ngày 6-7-2023, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định. Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và tỉnh Nam Định; đặc biệt có 40 đại biểu người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tỉnh Nam Định.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hàng vạn người con ưu tú của quê hương Nam Định đã hăng hái lên đường tòng quân cứu nước. Hàng chục nghìn người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó, tỉnh Nam Định có trên 36.000 liệt sĩ; 2.902 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 25.000 thương binh, 16.000 bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200.000 người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, bằng khen các loại.. Với số lượng đối tượng người có công và thân nhân của người có công với cách mạng như trên, công tác chăm lo, giải quyết và quản lý, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được tỉnh Nam Định đặc biệt coi trọng.
Tại buổi gặp mặt, đại diện người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định chia sẻ nhiều câu chuyện về lòng yêu nước, hy sinh phụng sự đất nước, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Các đại biểu bày tỏ xúc động, vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo và tri ân của Đảng, Nhà nước, của cá nhân Thủ tướng Chính phủ đối với những cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ quyết tâm gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động cống hiến, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bày tỏ vui mừng, xúc động được gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định - nơi "địa linh nhân kiệt", quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, chính trị, quân sự, trong đó có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh…, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng gửi tới các bác, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chúng ta xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, nội dung quan trọng là chăm lo cho người có công.
Ôn lại quá trình giành độc lập dân tộc, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lớp lớp thanh niên xung phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương. Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa quện vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Có không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần. Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng đội"... ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả, làm ấm lòng hương hồn các anh hùng đã khuất và góp phần giảm bớt nỗi đau cho những người ở lại. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dù khó khăn đến mấy, Đảng, Nhà nước cũng ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chế độ, chính sách, tổ chức thực hiện các chính sách chu đáo, đầy đủ, góp phần bù đắp một phần những cống hiến, hy sinh, mất mát của người có công. Nhân dân ta, với đạo ý "Uống nước, nhớ nguồn" luôn dành tình cảm cao đẹp, trân trọng, hết sức nhân văn đối với người có công. Tuy nhiên, sự bù đắp dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể bằng những cống hiến, hy sinh, mất mát to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ xúc động cho rằng, đất nước ta trải qua thời gian dài đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong quá trình đó, nhiều người mãi mãi ra đi vì Tổ quốc. Có người trở về không lành lặn, vẫn mang trên mình hậu quả chiến tranh, có những hậu quả chiến tranh nhiều thế hệ sau vẫn phải gánh chịu như ảnh hưởng chất độc da cam, bom mình còn sót lại... Mặc dù gánh chịu hậu quả chiến tranh, song nhiều người đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, làm giàu cho gia đình và xã hội, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, gia đình chính sách còn gặp khó khăn. Đặc biệt, có những cựu chiến binh, thương binh nặng đã nêu gương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Đối với tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, hàng vạn người con ưu tú Nam Định đã hăng hái lên đường tòng quân cứu nước; hàng chục ngàn người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có nhiều người mãi mãi ra đi, mang thương tật, nhiễm chất độc hóa học… Thủ tướng Chính phủ xúc động, trân trọng trước những những tấm gương về ý chí, nghị lực, bản lĩnh, truyền cảm hứng, tạo động lực to lớn cho thế hệ trẻ ngày nay noi gương, để cống hiến xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn, những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tỉnh Nam Định nói chung, các đại biểu tiêu biểu có mặt hôm nay nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", mãi là những tấm gương sáng, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý mới, khơi thông nguồn lực phát triển  (29/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các điển hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống ma túy  (15/06/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển