Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại Cục Cứu hộ - Cứu nạn
TCCS – Ngày 10-6-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, kiểm tra công tác ứng trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đây là đơn vị có nhiệm vụ giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của đơn vị, từ năm 1996 đến nay, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động trên 4,1 triệu lượt người cùng hơn 164.900 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện; trong đó quân đội tham gia trên 3,4 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%) cứu được 56.788 người (chiếm 77%), 4.815 phương tiện (chiếm 76%)....
Đặc biệt, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2-2023, được Tổng thống, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có 66 cán bộ, chiến sĩ quân đội hy sinh, trong đó có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sự cố, thiên tai, thảm họa luôn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta luôn xác định phòng, chống sự cố, thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với nhiều khó khăn và phức tạp.
Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn xác định công tác ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai do con người và thiên nhiên gây ra là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự phối hợp, hiệp đồng của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực của xã hội, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Nhiệm vụ của lực lượng cứu hộ rất quan trọng, có thể gọi là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước cho rằng, với bộ máy gọn, quân số mỏng, nhưng cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí đổ máu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc khối công việc lớn; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Nhắc đến nhiệm vụ năm 2023 và những năm sắp tới, Chủ tịch nước cho biết, các dự báo đều lưu ý biến dổi khí hậu, thách thức thiên tai, môi trường, dịch bệnh ngày càng diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên phạm vi toàn cầu. Những nguy cơ, sự cố, thảm họa luôn tiềm ẩn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là thách thức đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, đặc biệt quán triệt tốt Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30-8-2022, của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Tham mưu kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh tổ chức lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phải tập hợp được lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng, ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Chủ tịch nước cũng lưu ý nhiệm vụ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho các lực lượng và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các vùng, ngành, địa phương. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp thông tin kịp thời, chính xác, trước và trong khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giúp chính quyền và người dân chủ động trong phòng ngừa, ứng phó.
Đặc biệt, cần làm tốt việc tham mưu hướng dẫn xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp, chuẩn bị các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho các tình huống; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo.
Đi liền với đó là nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Chú trọng đào tạo, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn sát với thực tiễn, nâng cao kỹ năng, rèn luyện khả năng cơ động, ý chí quyết tâm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, không ngại gian khổ, không sợ hiểm nguy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải giữ được tác phong, quy định của quân đội, giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn về người và trang bị, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và cho cán bộ, chiến sĩ.
Chủ tịch nước cũng đề nghị đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, dự báo thảm họa, thiên tai, hỗ trợ các nguồn lực tài chính, trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu. Tích cực tham gia nghĩa vụ quốc tế, khẳng định chính sách đối ngoại, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam, khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập, hợp tác quốc tế./.
Trung Duy (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt thanh niên tiên tiến Khối các cơ quan Trung ương làm theo lời Bác  (25/05/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển