Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT
TCCS - Ngày 14-4-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là đối tác đào tạo nhân lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nước ta đang phát triển dựa trên 3 trụ cột là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong quá trình đó, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển. Trong yếu tố con người, giáo dục, đào tạo, cụ thể là việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có vai trò quan trọng.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển. Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Do đó, giáo dục, đào tạo phải vận hành theo và phục vụ đắc lực cho công cuộc này. Đại hội XIII của Đảng xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng, trong giáo dục, đào tạo phải bảo đảm cân bằng giữa nghiên cứu lý thuyết cơ bản với khoa học quản lý và ứng dụng, thực hành… nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu đi sau, song phải về trước. Trong đó, tập trung các ngành, lĩnh vực, xu hướng mới của thế giới, phù hợp với hoàn cảnh, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước như công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Việc xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nơi tập trung các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, trung tâm công nghệ đổi mới, sáng tạo là tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng và đoàn công tác đã thăm khu giảng đường, Trường Đại học Công nghệ, nơi các sinh viên đang học lập trình; thăm lớp học ngoại ngữ, Trường Quốc tế, nơi có sinh viên của 30 quốc tịch theo học; thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, AI và Robotic, y tế; đồng thời tặng Đại học Quốc gia Hà Nội 5.000 cây xanh để trồng trong khuôn viên, với mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội có môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đại học Quốc gia Hà Nội luôn bám sát khẩu hiệu hành động “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”, phát huy mạnh mẽ giá trị cốt lõi “Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững” và có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Khu đô thị đại học bước đầu được định hình và không ngừng hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo 6 nghìn sinh viên và đang được mở rộng hướng tới phục vụ 25 nghìn sinh viên vào năm 2025. Hiện, 24/35 đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở tới Hòa Lạc, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của ban lãnh đạo, tập thể thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ban hành quy chế đào tạo các bậc học tiệm cận chuẩn mực quốc tế; triển khai các chương trình, đề tài khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên, trong đó có công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn; nỗ lực kiến tạo môi trường giáo dục chất lượng cao; thu hút các nhà khoa học, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản và phát triển công nghệ lõi.
Thủ tướng chỉ rõ, với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, Đại học Quốc gia Hà Nội cần phát huy bề dày lịch sử, những thành tựu đạt được, tiếp tục xây dựng, củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng; tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận, thực tiễn ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương.
Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế; có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa trong lĩnh vực này.
Đối với sinh viên, Thủ tướng căn dặn, các em hãy tự hào được học tập tại ngôi trường có bề dày lịch sử, mỗi sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết để cùng với bạn bè, đồng nghiệp phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Thủ tướng mong muốn, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng với thế hệ sinh viên trên cả nước phải luôn chăm chỉ, cần cù, có ý thức học hỏi, tu dưỡng đạo đức, trau dồi, nắm chắc kiến thức, thành thạo chuyên môn, cập nhật thông tin để học giỏi, nghĩ thông, làm tốt, luôn có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thực sự trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Về đề nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội đối với việc xây dựng cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chế tạo vi mạch đặt tại Hòa Lạc; xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, nghiên cứu về vi mạch tích hợp bán dẫn..., Thủ tướng hoan nghênh và yêu cầu trường xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ gợi mở việc xây dựng một Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại Trường Đại học FPT, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu vực giảng đường, ký túc xá, các địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao của sinh viên trường Đại học FPT và nơi làm việc của các kỹ sư Công ty trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, tính đến nay, 18.241 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại FPT. Năm 2022, lần đầu tiên FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số đã ký từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng cao ở tất cả các thị trường toàn cầu, đóng góp 7.112 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Thủ tướng bày tỏ hài lòng với tổ hợp kiến trúc của trường, bảo đảm việc học tập tốt của người học, giúp sinh viên sinh hoạt và trải nghiệm, làm phong phú đời sống học đường của người học; cho rằng trường cần có thêm nhiều khu ký túc xá để đáp ứng nhu cầu học tập sinh hoạt cho học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, FPT là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam. FPT cùng với các doanh nghiệp công nghệ khác của Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam thành điểm trên một số lĩnh vực về công nghệ thông tin.
Điểm lại quá trình phát triển của FPT trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng cho rằng FPT phải lấy nền tảng để phát triển là công nghệ thông tin, thiết kế phát triển phần mềm, trong đó sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT, phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn cảnh của đất nước ta, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đặc biệt, FPT phải đầu tư phát triển hơn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu này và phát triển đất nước. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Tập đoàn FPT về thành lập Trung tâm kết nối các nguồn lực; đồng thời khẳng định, Nhà nước sẽ có các chính sách về vấn đề này.
Nhân dịp này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét thành lập các đại học, khoa đào tạo chuyên về công nghệ số, phục vụ nhu cầu đất nước thời kỳ mới.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo; xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp phân quyền cho các bộ, địa phương, vùng, ngành nghề, gắn với bố trí nguồn lực trong đào tạo nguồn nhân lực; tin tưởng các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị cùng chung tay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và hạnh phúc./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản  (14/04/2023)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Đoàn các nghị sĩ Hoa Kỳ  (09/04/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko  (07/04/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam