Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam
TCCS - Ngày 7-3-2023, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương và trao Giải thưởng Kovalevskaia nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.
Dự buổi gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan; Đặc biệt, cuộc gặp mặt có sự hiện diện của gần 100 nữ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu bày tỏ phấn khởi về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và toàn xã hội đã dành cho phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và nhất là những năm gần đây. Phụ nữ Việt Nam ngày càng được tạo điều kiện phát triển mọi mặt, có nhiều đóng góp xứng đáng xây dựng gia đình và tham gia trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo đó, tỷ lệ phụ nữ tham chính ngày càng cao, nhiều phụ nữ là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; số lượng cán bộ trí thức nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; phụ nữ là nông dân, công nhân, người lao động, văn nghệ sỹ, công chức, viên chức, giáo viên, nhà báo, luật sư, doanh nhân, vận động viên, cán bộ ngoại giao, lực lượng vũ trang... ngày càng có đóng góp bền bỉ, và to lớn.
Đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương bày tỏ sự quyết tâm, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các nội dung liên quan đến phụ nữ để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng của phụ nữ; tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam và phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong mỗi gia đình, cống hiến công sức, trí tuệ trong lãnh đạo, chỉ đạo tại cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, mỗi gia đình và mỗi người dân ngày càng hạnh phúc.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng và toàn thể phụ nữ Việt Nam; chị em nữ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, các quý vị đại biểu lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, phụ nữ nước ta đã nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường mà hình ảnh tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều bậc tiền liệt khác. Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng của nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; được Bác Hồ kính yêu dành tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó, đoàn kết, năng động, sáng tạo, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Điều đó được thể hiện xuyên suốt qua các chủ trương, đường lối, chính sách, nhất là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16 của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư, Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới…
Năm qua, mặc dù trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự cố gắng của chính chị em, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đã có nhiều kết quả tích cực.
Thể chế liên quan phụ nữ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được triển khai tích cực, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; vai trò của các tổ chức Hội Phụ nữ được nâng cao, nhất là vai trò đại diện, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm đầu tư, bố trí trong kinh phí thường xuyên của các cơ quan, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã dành gần 2.400 tỷ đồng cho công tác bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được quan tâm, đẩy mạnh...
Thủ tướng Chính phủ cho biết, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta chiếm 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu AIPA; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%, tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.
Về tham gia hoạt động khoa học, số lượng cán bộ tri thức nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, được thế giới ghi nhận, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân được trao Giải thưởng Kovalevskaia cao quý. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sự đóng góp của chị em phụ nữ ở các lĩnh vực khác là rất lớn, từ các tầng lớp nông dân, công nhân, người lao động, văn nghệ sĩ, công chức, viên chức, giáo viên, nhà báo, luật sư, doanh nhân, đến các vận động viên, cán bộ ngoại giao, lực lượng vũ trang, nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những kết quả đạt được về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nước ta năm qua đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam xếp 83/146 về chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021; là một trong 14 quốc gia đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu cao. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác phụ nữ. Theo đó, nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới còn hạn chế; còn nhiều phụ nữ nghèo, gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không ít lao động nữ xuất khẩu, giúp việc gia đình, lấy chồng nước ngoài còn đối mặt với nhiều rủi ro; việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp còn hạn chế; bạo lực gia đình vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để; định kiến giới và những rào cản về văn hóa vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ...
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…”. Để phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Hội Phụ nữ tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; 3 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối…; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế carbon...
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia tiếp tục lựa chọn và tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, có giá trị thiết thực, tạo động lực, truyền cảm hứng, có tính lan tỏa cao trong đời sống xã hội. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được thời gian qua, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, để thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng toàn thể phụ nữ và các đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý, các nữ trí thức lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể nữ gồm 10 nhà khoa học thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội và cá nhân Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng, giảng viên cao cấp thuộc Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2022./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Phó Thủ tướng Campuchia  (05/03/2023)
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực
- Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay
- Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng