Hiệu quả từ mô hình “Dân tin, Đảng cử” và “nhất thể hóa” chức danh ở huyện Cô Tô
TCCS - Những kết quả từ việc thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử” và “nhất thể hóa” chức danh trên địa bàn huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện.
Những kết quả từ mô hình “Dân tin, Đảng cử”
Thực tiễn cho thấy, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư là lực lượng cực kỳ quan trọng tại cơ sở, là cánh tay nối dài, giúp cấp ủy, chính quyền nắm chắc, rõ tình hình địa bàn dân cư.
Để thực hiện mô hình đạt kết quả, cấp ủy các cấp đã chủ động kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, khu phố; đồng thời, rà soát, đánh giá trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, khu dân cư và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự phù hợp. Thực hiện quy trình “Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn”, bầu vào các chức danh trưởng thôn, khu dân cư; sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ; các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, khu dân cư đều được ban công tác mặt trận chủ trì để thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên.
Năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 28-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”, với phương châm lựa chọn phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”, mục tiêu đặt ra là 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Toàn huyện đã tích cực triển khai bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2017 - 2020 thành công tốt đẹp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc trực tiếp lựa chọn người có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, có tâm huyết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để điều hành thực hiện nhiệm vụ tại thôn, khu dân cư và nhiệm vụ cấp trên giao. Trên cơ sở tín nhiệm đối với đảng viên được tổ chức đảng giới thiệu để bầu làm trưởng thôn, khu dân cư, các bước giới thiệu trưởng thôn, khu dân cư đều được thông qua ban công tác mặt trận chủ trì tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên; sau đó, chi bộ tiến hành đại hội chi bộ bầu làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Nhiệm kỳ 2017 - 2020, tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư đạt 100%.
Nhiệm kỳ 2020 - 2022, trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử”, mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư tiếp tục được thực hiện, các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tạo uy tín trong thôn, khu dân cư.
Nhiệm kỳ 2022 - 2025, đại hội 13 thôn, khu dân cư được tổ chức vào ngày 5-6-2022, thực sự là đợt sinh hoạt dân chủ trực tiếp, rộng khắp, là ngày hội của toàn dân. Các cử tri, nhân dân toàn huyện đã tin tưởng, đồng thuận với nhân sự cấp ủy giới thiệu chọn bầu 13/13 trưởng thôn, khu dân cư với số phiếu tín nhiệm rất cao của nhân dân. Sau đó, tổ chức đại hội chi bộ ngày 3-7-2022 thành công; 13/13 thôn, khu dân cư bầu bí thư chi bộ với số phiếu đạt tỷ lệ 100%.
Từ những thành quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử” vừa đúng chủ trương, vừa tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân, thể hiện niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân; qua đó, đã khẳng định quan điểm “Dân tin, Đảng cử” trong thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư” là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.
Mô hình trên cho thấy, chất lượng xây dựng Đảng ở cơ sở được nâng lên, các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Công tác vận động nhân dân có bước chuyển biến rõ nét, nhân dân đồng thuận, tích cực thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID- 19, vai trò của người bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư đã được thể hiện rõ.
Kết quả triển khai mô hình “nhất thể hóa” chức danh
Khi mới thành lập, từ năm 1994 đến năm 2004, huyện Cô Tô đã thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; sau đó, từ năm 2010 đến nay tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025).
Thực hiện nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh: Phó bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; phó chủ tịch hội đồng nhân dân huyện đồng thời là trưởng ban tuyên giáo; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện (đến tháng 3-2018, chính thức hợp nhất hai cơ quan với chức danh là thủ trưởng cơ quan tổ chức - nội vụ); chức danh chánh văn phòng huyện ủy, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân huyện (từ tháng 10-2017); trưởng ban dân vận huyện ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; phó trưởng ban tuyên giáo huyện ủy đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị huyện; 100% thủ trưởng cơ quan đồng thời là bí thư chi bộ. Đối với cấp xã đã thực hiện 100% các xã, thị trấn thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã. 100% thôn, khu dân cư đã thực hiện phương án bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư.
Về ưu điểm: Cấp ủy, nhất là người đứng đầu, đã giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; có quyết tâm chính trị cao, tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, có bài bản, khoa học; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Sau 11 năm thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và gần 3 năm thực hiện mô hình “nhất thể hóa” chức danh lãnh đạo và hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan; đến nay, các cơ quan của huyện Cô Tô đã đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Việc thực hiện mô hình “nhất thể hóa” và kiêm nhiệm chức danh đã từng bước tinh gọn được bộ máy, giảm bớt được đầu mối (giảm được 4 đầu mối, 4 cấp trưởng), khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp; giảm bớt khâu trung gian giữa việc tham mưu, ban hành chủ trương đến việc triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết nội bộ.
Về hạn chế: Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh và kiêm nhiệm các chức danh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do hệ thống văn bản cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chậm được ban hành, bổ sung, sửa đổi, thiếu sự đồng bộ trong thể chế nên gây khó khăn cho cơ sở khi tổ chức thực hiện. Trình độ, năng lực của một số cán bộ ở cơ sở còn hạn chế nên trong công tác lãnh đạo, điều hành còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, cơ chế kiểm soát quyền lực có lúc chưa tốt.
Một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 18-CT/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các kết luận, chỉ thị, nghị quyết trở thành nhiệm vụ thường xuyên.
Thứ hai, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử” và “nhất thể hóa” các chức danh. Thường xuyên sơ kết, đánh giá hiệu quả các mô hình, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở lý luận phục vụ cho công tác lãnh đạo và đề xuất với cấp trên để nghiên cứu xây dựng thể chế phù hợp.
Thứ tư, sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt đúng, trúng tình hình ở từng nơi; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; “nói đi đôi với làm” và làm đến cùng, cho kết quả bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhằm nâng cao niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển gắn với các ngành kinh tế chủ lực là du lịch, dịch vụ và chế biến hải sản; tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch./.
Quảng Ninh thực hiện “mục tiêu kép” thành công, về đích sớm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025  (22/11/2022)
Tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm liên kết các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội  (22/11/2022)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ - Từ thực tiễn của Đảng bộ huyện Tiên Yên  (22/11/2022)
Thành phố Cẩm Phả thực hiện tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng điểm  (22/11/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay